Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi đau sau mưa lũ

Chí Đạo| 02/08/2015 06:54

(HNM) - Đến hôm qua 1-8, dù ở Quảng Ninh không còn những trận mưa xối xả như những ngày trước nhưng nhiều khu dân cư ở Hạ Long, Cẩm Phả... vẫn ngập ngụa trong bùn rác.

  • Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng ở Quảng Ninh 34 triệu đồng

Trong những gia đình có người thân thiệt mạng bởi mưa lũ, nỗi đau vẫn hằn sâu trên những khuôn mặt khắc khổ người ở lại. Họ bàng hoàng bởi chưa bao giờ chứng kiến mưa lũ dữ dằn đến vậy.

Buổi sáng định mệnh

Chị Cao Thị Thủy, chị gái anh Cao Tiến Vỹ (37 tuổi) - người đàn ông duy nhất còn sống sót trong trận lở đất kinh hoàng vùi lấp hoàn toàn 3 ngôi nhà, cướp đi sinh mạng 8 người trong đại gia đình anh Vỹ ở phường Cao Thắng, giọng khản đặc, mắt ngấn nước: "Từ sáng nay, chú Vỹ đã ăn được ít cháo và tỉnh táo nói chuyện. Hôm đưa chú ấy vào viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, ai cũng lo lắm vì cả 3 gia đình chỉ còn mỗi chú được may mắn...".

Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới trao quà cho người bị nạn do mưa lũ tại Quảng ninh.


Sự việc ập đến khoảng 4h sáng 27-7. Trước đó, từ đêm 26, rạng sáng 27-7, trên địa bàn TP Hạ Long có mưa rất to khiến quả đồi Tên Lửa "no nước" và đổ ụp xuống khu dân cư, khiến 3 ngôi nhà (1 nhà mái bằng, 2 nhà cấp 4) của gia đình bà Nguyễn Thị Thược và các con cháu đang sinh sống bị nhấn chìm trong bùn đất. Mất 1 ngày đêm, đến sáng 28-7, thi thể nạn nhân cuối cùng mới được lực lượng cứu hộ tìm thấy. Anh Vỹ, người may mắt thoát chết, theo chị Thủy thuật lại là "do văng vào trong khe chỗ chiếc tủ lạnh. Với khoảng trống nhỏ nhoi này, chú ấy đã lấy không khí duy trì sự sống đến khi được lực lượng cứu hộ đưa ra".

Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, anh Cao Tiến Vỹ đã được các y, bác sĩ trong Khoa Chấn thương tận tình chăm sóc, cứu chữa. Anh Vỹ cũng nhận được nhiều sự chia sẻ, động viên vượt qua khó khăn, mất mát từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Văn Năng (Khoa Chấn thương) cho biết, sức khỏe của bệnh nhân Vỹ đã tương đối ổn định. Hiện anh Vỹ đã ăn được cháo, có thể nhận biết xung quanh, cử động được tay và trò chuyện. Các y, bác sĩ đang tập trung điều trị vết thương ở đầu, phần cổ xương đùi trái và các vết thương phần mềm. "Chúng tôi đang tích cực theo dõi hội chứng vùi lấp, với tiên lượng tình hình sức khỏe có tiến triển tốt như hiện tại, hy vọng sẽ không phải mổ và dự kiến khoảng 2 tuần bệnh nhân sẽ bình phục". - bác sĩ Năng cho biết.

Chị Thủy kể: “Trong mấy ngày nay, người thân trong đại gia đình đã tập trung hết sức lực để vừa lo lắng tang lễ cho 8 người đã mất, vừa thay nhau túc trực bên Vỹ để chăm lo sức khỏe, mong chú ấy sớm ra viện". Đưa tay quệt ngang mắt, chị Thủy cho biết thêm: "Bây giờ chú ấy vẫn chưa biết rằng mẹ, vợ và hai người con của chú đã mất. Giờ chú ấy chỉ còn một thân một mình, không nhà cửa, không biết chú ấy có vượt qua được nỗi đau này không?”.

Sẻ chia nỗi đau

Trong hai ngày 31-7 và 1-8, Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã về tỉnh Quảng Ninh, đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên các gia đình bị thiệt hại trong trận mưa lũ lịch sử ở Hạ Long và Cẩm Phả. Quỹ Trái tim nhân ái đã trích 34 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mong họ sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.

Tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tám, chồng của bà Hà Thị Phúc, sinh năm 1957, ở Tổ 2, Khu phố 5, phường Hồng Hải (TP Hạ Long), là một trong những nạn nhân trong đợt mưa lũ vừa qua, chúng tôi mới hiểu vì sao bà Phúc bị cuốn trôi theo con nước dữ. Con đường dẫn lên nhà ông Tám từ đường lớn đi vào ngõ dài khoảng 500m vẫn ngập trong bùn đất và ngổn ngang tấm đan bê tông. Ông Trần Văn Thắng, Trưởng khu phố 5, phường Hồng Hải, nói giọng buồn bã: "Anh thấy đấy, trước đây là con đường bằng phẳng, giờ thì lổn nhổn đầy cát, sỏi hậu quả của đợt lũ quét".

Các lực lượng tham gia giúp dân tổng vệ sinh sau cơn lũ.


Ông Thắng chỉ tay vào những tấm bê tông vừa được cạy lên nói tiếp: "Bà Phúc bị chết do nước lũ cuốn trôi vào rãnh nước thải này đấy. Trong lúc nghe lời kêu cứu của người con rể, bà Phúc tức tốc chạy trong nhà ra cách khoảng 10m để giúp đỡ thì bất thình lình nước lũ từ trên đỉnh đồi đổ ập xuống và đẩy bà ấy đi mà không ai kịp phát hiện". Đến khi xác định bà Phúc mất tích, người dân và lực lượng chức năng tập trung cạy toàn bộ tấm đan bê tông đậy đoạn rãnh thoát nước của khu phố rộng khoảng 1m, chạy dài gần 200m. "Đến hơn 3h chiều 28-7 thì chúng tôi đã đưa được thi thể bà ấy lên trong tình trạng bị bầm dập khắp cơ thể vì bị va đập vào bê tông, ai trông cũng thương xót, không cầm được nước mắt" - ông Thắng xúc động kể lại.

Đi theo con ngõ ngoằn ngoèo, dốc thoai thoải, chúng tôi vào được gia đình ông Tám. Không khí tang thương, đau buồn tột cùng vẫn hiển hiện trên nét mặt của ông và những người con, người cháu. Ông Tám ngồi ngay cửa ra vào, mắt đỏ hoe, dáng vẻ tiều tụy, phía bên trong ngôi nhà là bàn thờ được đặt giữa gian phòng khách, nghi ngút khói hương. Ông Tám nói giọng đã khản đặc: "Bà ấy mất đi là cú sốc quá lớn!". Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh con rể Phạm Văn Viễn, người đã được bà Phúc và người dân trong khu phố cứu thoát khỏi "lưỡi hái tử thần", nói trong tiếng nấc: "Lúc tôi được cứu sống thì tất cả mọi người mới tá hỏa phát hiện không thấy mẹ tôi đâu nữa. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, dòng nước chảy như băm như bổ, không ai có thể phản ứng kịp. Khi thấy đôi dép của mẹ để ngay ngắn trên một bờ đất cao, nhiều người có mặt đã nghĩ đến tình huống xấu nhất...".

Chia tay gia đình ông Tám, Quỹ Trái tim nhân ái đến thăm gia đình nạn nhân Đàm Văn Giới, sinh năm 1944, ở Tổ 29, Khu phố 3, phường Cao Thắng. Khi chúng tôi đến, đoàn đưa tang ông Giới vừa ra khỏi nhà được ít phút. Anh Đàm Mạnh Tươi, người thân gia đình, cho biết: "Gia đình phải đưa ông Giới đi Đài hóa thân hoàn vũ Hải Phòng, sau đó mới quay trở về đây an táng. Đài hóa thân hoàn vũ Quảng Ninh đang đóng cửa do ảnh hưởng từ mưa lũ". Kể về tai nạn ập đến gia đình quá đột ngột, anh Tươi nói: "Buổi sáng 28-7, thấy nước đang rút dần, ông cụ mới vào phòng bếp để dọn dẹp. Làm chưa được bao lâu thì bất thình lình đất, đá, cây cối đổ ập vào gian phòng, lấp gần như toàn bộ. Ông Giới bị đất vùi ở cửa, trong tư thế chạy lũ, hai tay giơ lên dính chặt vào tường. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ đã đưa ông ra nhưng đã không kịp...". Căn nhà nơi ông Giới bị tai nạn vẫn còn nguyên đó, những hộ dân xung quanh cũng phải sơ tán vì họ sợ nguy cơ sạt lở sẽ tiếp diễn.

Đến gia đình ông Nguyễn Đức Bình, ở Tổ 33, Khu 3, phường Cao Thắng, chồng nạn nhân Chu Thị Lý (sinh năm 1959), chúng tôi phải đi qua con ngõ ngoằn ngoèo có nhiều mảnh bê tông bị cày xới bởi mưa lũ để lại. Căn nhà trống huơ, trống hoác ở cuối ngõ của ông Bình càng thêm lạnh lẽo trước cái chết thương tâm đến quá bất ngờ với người vợ mà ông hết mực thương yêu nhiều năm qua. Ông Bình cho biết, "bà ấy đi thăm nhà người thân ở bên phường Hồng Hải và bị tai nạn từ sạt lở đất, đau đớn lắm, giờ bà ấy đã ra đi mãi mãi rồi...". Nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ tinh thần, vật chất từ các cơ quan, đoàn thể, trong đó có Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới, ông Bình xúc động: "Trong lúc gia đình tôi gặp chuyện không vui đã nhận được sự quan tâm của mọi người sẽ vợi bớt nỗi đau để có thể tiếp tục cuộc sống".

Chia tay các gia đình, chia tay TP Hạ Long, chúng tôi thấy trên những con ngõ, trong các gia đình, người dân, lực lượng thanh niên, công an... đang tập trung dọn dẹp đường ngõ, trường học, phun thuốc khử trùng... Hy vọng trong những ngày tới, Quảng Ninh sẽ ngớt mưa để người dân mau chóng ổn định lại cuộc sống, vợi bớt những nỗi đau...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau sau mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.