Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức về những cuộc diễu binh, diễu hành

Thủy Tiên| 03/09/2015 07:26

(HNM) - Lễ diễu binh, diễu hành chào mừng 70 năm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 30.000 người tham gia diễn ra tại Quảng trường Ba Đình và đi qua một số tuyến phố Hà Nội hôm qua (2-9) đã khiến nhiều người, trong đó có tôi bồi hồi nhớ lại những lễ diễu binh, diễu hành đã diễn ra trong quá khứ.

Phụ nữ diễu hành năm 1955.



Lễ diễu binh, diễu hành đón Bác Hồ và Trung ương Đảng trở về Hà Nội ngày 1-1-1955 là lễ diễu binh, diễu hành đầu tiên. Ngày đó, tôi chưa ra đời nhưng đọc sách, báo và qua lời kể thì đó là lễ diễu binh, diễu hành tưng bừng hân hoan vì thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Việt Nam và người dân miền Bắc được sống trong hòa bình. Tham gia cuộc diễu binh, diễu hành biểu dương ý chí, sức mạnh và tinh thần đoàn kết có các chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị từ chiến khu trở về trong quân phục màu xanh cỏ úa, đầu đội mũ kê pi vai đeo súng trường khiến người dân Hà Nội bất ngờ và ngỡ ngàng vì trước đó họ chỉ được lan truyền về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ nan bọc vải. Mẹ tôi kể hôm đó, cửa hàng cửa hiệu tại các phố đóng cửa, đàn ông mặc áo sơ mi, quần ka ki, đầu chải bi giăng tin bóng loáng, còn phụ nữ thì rất nhiều người mặc áo dài tràn ra phố tươi cười vẫy chào khi đoàn quân diễu qua. Cảm xúc thiêng liêng, hạnh phúc ngập tràn các con phố, ngõ nhỏ và lan về vùng ngoại thành trong cơn gió se lạnh đầu đông.

Năm 1970, tôi 12 tuổi, lần đầu tiên được chứng kiến diễu binh, diễu hành kỷ niệm 25 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Năm đó, hàng vạn bộ đội miền Bắc vẫn đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Trước đó, năm 1968, Mỹ tuyên bố tạm ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 nên các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra tạm thời hòa bình. Có nhiều gia đình vẫn ở nơi sơ tán nhưng cũng có gia đình cho con cái về Hà Nội. Một phần đội ngũ tham gia diễu binh luyện tập trong Sân bay Bạch Mai nên đi học về là lũ trẻ chúng tôi cuốc bộ vào khu vực sân bay xem bộ đội tập đi đều qua hàng rào. Rồi ngày lễ đã đến. Đám trẻ chúng tôi bỗng ngoan ngoãn lạ kỳ nghe lời bố mẹ đi ngủ sớm để sáng hôm sau có thể dậy sớm đi xem diễu binh. Mẹ tôi cũng như nhiều bà mẹ khác dúi vào tay tôi vài hào để uống xi rô và đói thì mua cái bánh sừng bò. Có loa truyền thanh tường thuật trực tiếp nhưng chả ai muốn nghe, ai cũng thích đến tận nơi mới sướng con mắt. Phố Nguyễn Thái Học đoạn Sân vận động Hàng Đẫy đông nghẹt người vì đoàn diễu binh, diễu hành đi qua và chia làm hai ngả vào các phố. Công an, tự vệ đội mũ sao vuông, dân phòng làm thành hàng để giữ trật tự và bảo đảm an toàn cho đội diễu binh đi qua. Người lớn cậy cao nên không cần đứng sát vỉa hè cũng có thể xem được còn trẻ con muốn xem buộc phải tìm cách lách qua đám đông. Lúc ở nhà đi thì theo nhóm nhưng đến nơi thì lạc mỗi đứa một nơi. Ngồi trên vỉa hè cố thủ chờ đợi và cuối cùng thì đoàn diễu binh đã đến. Người vẫy mũ, người vỗ tay, không khí náo nhiệt vô cùng. Hình ảnh các bô lão ở Hoằng Hóa - Thanh Hóa ngồi trên xe zin 130 râu dài trắng như cước tươi cười để lộ hàm răng đen nhánh chào người dân hai bên đường thật khó quên. Diễu binh kết thúc, đường phố đông vô kể, tàu điện chạy qua phố Nguyễn Thái Học chật cứng người liên tục leng keng xin đường. Trẻ con, người lớn xếp hàng dài chờ mua xi rô hay nước chanh tại các quầy giải khát lưu động. Cả ngày hôm đó và mấy ngày sau vẫn còn bàn cãi về lễ diễu binh.

Sau cuộc diễu binh ngày 1-1-1955, Quốc khánh năm 1960 Nhà nước cũng tổ chức diễu binh nhưng Quốc khánh năm 1965 thì không tổ chức vì năm này Mỹ đã đánh bom miền Bắc. Diễu binh, diễu hành chào mừng Quốc khánh là sự kiện lớn đối với đất nước nhưng vì chi phí tiền bạc và công sức rất lớn nên thường 5 năm Nhà nước mới tổ chức một lần, thế nhưng có một cuộc diễu binh diễn ra năm 1973, không đúng ngày Quốc khánh mà vào ngày Quốc tế Lao động 1-5. Tại sao lại diễu binh vào ngày dành cho người lao động? Trước đó, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris đã được ký kết, theo đó Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam và miền Bắc được sống trong hòa bình. Mỹ đã "cút" rồi nên cuộc diễu binh này là biểu dương sức mạnh quyết đánh cho "Ngụy nhào" để thống nhất đất nước. Tôi cũng có mặt trong khối học sinh Thủ đô ở Quảng trường Ba Đình. Đầu hè nóng khủng khiếp, khăn mùi xoa của ai cũng đẫm mồ hôi, bù lại lần đầu tiên được nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà trước đó chỉ nghe ông là người chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ...

Nhưng có lẽ lễ diễu binh chào mừng Quốc khánh 2-9-1975 là hoành tráng nhất trong thế kỷ XX. Và cũng có thể gọi diễu binh năm này là duyệt binh vì có đủ các quân binh chủng cùng với vũ khí, khí tài. Bà con các tỉnh rầm rập đổ về Hà Nội. Họ đi xe khách, đi xe đạp thồ còn thanh niên thì cuốc bộ. Hà Nội đông nghẹt người vì ngoài xem duyệt binh, bắn pháo hoa mừng đất nước thống nhất thì còn một lý do khác đó là bà con muốn được ngắm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khánh thành vào cuối tháng 8. Ai có họ hàng bà con thì ngủ trong nhà, dù căn hộ tập thể chật chội, còn không thì ngủ ngoài trời, cũng chả sao. Tối 1-9, khu trung tâm Hà Nội trở thành khách sạn ngoài trời, hàng nghìn người ngủ trên hè phố, dưới mái hiên các tòa nhà lớn quanh Hồ Gươm. Họ ngả cơm nắm ra ăn, ai không mang cơm nắm thì mua bánh mì, ăn xong ai dư dả thì uống nước chanh đá, còn không uống nước máy công cộng, cánh đàn ông tụ lại hút thuốc lào. Nhiều người ngơ ngác dù không khí ngày hội bao trùm các phố vì lần đầu tiên họ ra Thủ đô.

Ngày đó, có vùng quê chỉ cách Hồ Gươm vài chục cây số nhưng có người cả đời chưa bước chân ra đất kinh kỳ. Năm này thì tôi đã lớn và nhận ra rằng đi chơi trong ngày Quốc khánh đã bắt đầu có xe máy Honda. Trong hàng vạn con người xem duyệt binh, đã thấy thanh niên mặc áo sơ mi bó chẽn, quần ống loe lẫn trong mầu áo thợ. Có hai điều tôi nhớ đến bây giờ là hình ảnh những quả tên lửa sơn loang lổ được ô tô kéo đi qua phố Nguyễn Thái Học. Chính những quả tên lửa đó bắn rơi mấy chục chiếc máy bay B52 trong trận "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972. Và hình ảnh những chiến sĩ đặc công mặc quần áo màu cỏ úa, đeo súng AK báng gấp, đầu đội chiếc mũ vải mỏng trông dũng mãnh và gan lì, chân bước đều trong đoàn quân. Được nghe kể về bộ đội đặc công "xuất quỷ, nhập thần" nhưng hôm đó mới được nhìn tận mắt. Lòng thầm cảm phục. Cuộc diễu binh năm 1985 mừng 40 năm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng gây ấn tượng mạnh với tôi. Năm đó quy mô cuộc diễu binh rất lớn, có nhiều phi đội máy bay bay trên bầu trời Hà Nội. Tiếng động cơ máy bay gầm rú gợi lại những ngày máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc nhưng cũng dấy lên tự hào về sức mạnh tăng lên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, Việt Nam đã từng có những cuộc duyệt binh lớn. Thời Nhà Trần, tại bến Đông Bộ Đầu (tương ứng khu vực đầu phố Hàng Than, Hòe Nhai hiện nay) trên Sông Hồng, vua quan ngồi xem diễn tập thủy quân. Đến thời Hậu Lê, chúa Trịnh cho xây lầu Ngũ Long (tương ứng với khu vực Bưu điện Hà Nội hiện nay) để nghỉ ngơi và cũng là nơi ngồi xem duyệt thủy quân trên hồ Lục Thủy (nay hồ Hoàn Kiếm). Tôi nghĩ với nhiều quốc gia, duyệt binh hay diễu binh là phô trương sức mạnh quân sự nhưng với Việt Nam, các cuộc diễu binh trong quá khứ và kỷ niệm 70 năm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là biểu dương ý chí, tinh thần đoàn kết và khát khao hòa bình của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức về những cuộc diễu binh, diễu hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.