Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện nhặt ở Phần Lan

Hoàng Định| 05/09/2015 06:35

(HNM) - Trời nắng, những tấm mái kim loại của ngôi nhà cạnh tòa thị chính Tampere lấp lóa. Rất khó ngủ, chắc không phải vì lệch múi giờ, mà vì cái cảm giác đã 9 giờ đêm (ở nhà là 1 giờ sáng) mà còn chói chang thế.

Sông hồ chiếm tới 10% diện tích của Phần Lan.



Phần Lan là "một cái gì" khá xa lạ. Ký ức nhắc tôi đến cổ tích Andersen, xứ Laponie tuyết mịt mùng, tiếng Anh đâu như là "Lapland", trong rừng lũ tuần lộc, quạ, hươu nai cãi nhau về đoạn kết của truyện. Một thời thế giới hay nhắc đến phúc lợi xã hội cực cao ở mấy nước Bắc Âu, gọi đó là "chủ nghĩa xã hội toàn dân". Khoảng đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, vừa ra khỏi chiến tranh, Hà Nội, Hải Phòng khô hạn được hưởng "nước Phần Lan", tươi tắn hẳn. Mới đây thì có Nokia, nhưng hình như đến đây là hết.

Chúng tôi sang đây thăm đứa cháu đang làm luận án tiến sĩ ở Đại học Công nghệ Tampere, thành phố cách thủ đô Helsinki chừng 200km về phía Bắc. Tuấn ở với gia đình tôi từ bé, chả khác gì con cái trong nhà. Cũng chùng chình mãi, tiếng Anh chả biết, tiếng Phần Lan càng không, nghĩa là "câm điếc toàn tập". Phần khác, cái tuổi ngại thay đổi đã đến, rất sợ món ăn, phong thổ khác lạ. "Nếu không có cái bụng no và "quả" bóng đái vĩ đại thì đừng du lịch", câu dọa dẫm ấy khủng bố ác liệt kẻ tiền liệt tuyến yếu. Cuối cùng, triết lý ngày càng được nhiều người chuộng "không đi chơi ngay thì mai này hết sức khỏe, có nằm trên đống tiền cũng chỉ nhìn thiên hạ rong ruổi mà khóc" đã thắng. Đã chả có "anh già Xã Đàn", với chiếc điện thoại nối người mình hỏi đường và con gái biết tiếng Anh, mà đi được mươi nước Châu Âu rồi đấy thôi.

Phần Lan rộng suýt soát Việt Nam nhưng chỉ có khoảng 6 triệu dân, nghĩa là mật độ dân số chưa đến 20. Quốc kỳ mang màu trắng của tuyết và xanh nước hồ. Rừng chiếm tới 70% diện tích, đa phần là thông và bạch dương, đem lại nguồn xuất khẩu gỗ, bột giấy lớn cho đất nước, bên cạnh thép, đồ điện tử. Cái câu "rõ như ban ngày" đến đây nhẽ phải thêm đoạn "… và cả ban đêm", vì cứ vằng vặc đến 11 giờ đêm. Hồ chiếm 10% diện tích, sạch sẽ, trong trẻo, cái quang cảnh trên bờ thể thao, dưới nước lõm bõm bơi thấy ở bất cứ đâu. Người Phần Lan ưa thiên nhiên, họ tên có dính núi, hồ, dòng chảy rất nhiều, cũng vì thế mà đảng Xanh có thế lực mạnh. Vì lạnh lẽo chăng, mà người nhập cư không nhiều, sức ép ít hơn so với Italia, Hy Lạp, Pháp ngay rìa Địa Trung Hải. Ngoài người Phần Lan, Thụy Điển, Romania (có thể còn gọi là Di gan?), các sắc dân Nga, Somali, Ả rập, Kurd, Hoa… chung sống nhộn nhịp và hòa bình bên nhau. Và khoảng gần 5.000 người Việt, sang sau năm 1975 là chính.
*
* *
Đại học Công nghệ Tampere (TUT) cùng với Đại học Tampere (UTA) là hai cơ sở đào tạo - nghiên cứu lớn nhất thành phố. Ra đời năm 1965, TUT hướng vào những hoạt động công nghiệp và kinh doanh, đóng góp nhiều vào thương hiệu Nokia nổi tiếng. Khoảng 2.000 nhân viên phục vụ hơn 10.000 sinh viên và hơn nghìn người ở nước ngoài làm việc, nghiên cứu. Nhân lực cao, máy thông minh, tiết kiệm năng lượng, cạnh tranh công nghiệp, công nghệ y tế… là những mũi nhọn của trường. Đề tài nghiên cứu không viển vông mà bám rất sát tiêu chí "làm cái người ta cần". Chẳng hạn rừng trong nước phát triển 100 triệu mét khối mỗi năm, TUT tìm cách kiểm soát cây, dự đoán tăng trưởng, năng suất, ngay cả khi từng lô thông, bạch dương được tỉa. Môi trường là mảng đề tài lớn: Sự hình thành hạt không khí của rừng lá kim phương Bắc, màn sương bụi ở Bắc Kinh, ảnh hưởng từ ô nhiễm đến sức mạnh những cơn bão ở Châu Á.

Nằm trên đồi thoải xuống con đường lớn, những khối nhà của trường có vẻ chả ăn nhập với nhau. Cái vuông thành sắc cạnh, cái mái vòm điệu đà; nhiều kiến trúc sư mà không được quy hoạch chung chăng? Được cái ngôi nào cũng ẩn trong lùm cây và thông nhau qua hệ thống hành lang sáng sủa. Trước khi sang, tôi biết Châu Âu có một trường phái kiến trúc Công năng, đại biểu ở Pháp là Corbusier, sang đến Phần Lan phát triển thành một "chủ nghĩa". Những kiểu dáng hào hoa, đường cong, nét chạm cầu kỳ đều tối giản đi, chú ý vào việc sử dụng sao cho thật thuận tiện. Người Phần Lan không cần nhà xinh nhà điệu ư? Tôi cảm thấy điều đó trên đường từ Helsinki về Tampere, những cây cầu chắc chắn, thẳng đuột, không sơn vẽ cũng chẳng họa tiết. Nhưng họ có thiên nhiên đầy ắp, chả phải đã làm bối cảnh cho kiến trúc mềm mại đi đó sao?

Ngoài thế nào thì trong gần thế. Mọi thứ đều thô mộc, giản dị. Bên trên hành lang, đường ống, hộp kỹ thuật chạy nhằng nhịt, chả có trần giả che đậy. Chân phương nhưng dễ sử dụng, càng không thể nói là thiếu tiện nghi. Tường dày, kính hai lớp đủ ngăn cái lạnh - mùa đông trung bình âm 20 độ - và cho ánh sáng. Thỉnh thoảng hành lang mở rộng thành sảnh, chỗ làm việc của sinh viên; tôi đoán thế vì trên mỗi dãy bàn đều có ổ cắm, giá để máy tính. Trên tường treo tranh ảnh sinh hoạt, hội hè, thông tin thể thao, ca nhạc. Nhà ở cách trường dăm bảy chục cây số là thường nên xe buýt rất quan trọng, chốc chốc gặp bảng điện báo giờ xe hai chuyến sắp đến của tất cả các tuyến gần nhất, chi tiết đến từng phút. Chi phí đi lại hằng năm của một sinh viên chừng 600 euro, còn lại là 3.000 tiền nhà, 3.600 ăn uống (chắc là không rượu bia). Tiện nghi đầy đủ. Những phòng thể dục. Những sảnh rộng có bục hát hò, lại cả không gian riêng yên tĩnh cho sê min na (sermina - hội thảo). Bếp ăn vài cái, cho những khẩu vị khác nhau. Phòng thí nghiệm xử lý tín hiệu của Tuấn khá là "đa quốc gia", nghiên cứu sinh Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Senegal, Bắc Mỹ… đều có thể chọn bữa trưa hợp miệng và túi tiền.

Theo thói thường ở nhà, tôi muốn có chút "lễ độ" với ông thầy người Bồ của Tuấn. Thấp đậm, tròn trĩnh, Alberto Ribero tỏ ra vừa cởi mở vừa kiệm lời trong giao tiếp đến mức "hợp lý". Cảm ơn về con rối gỗ làm quà xong, ông lập tức dẫn khách đi xem phòng thí nghiệm. Nó quá nhỏ so với nhiều "la bô" ở Việt Nam, vì phải tự trả tiền thuê cho trường, sắp xếp tối giản, nhưng thiết bị rất đắt, có cái tới 700.000 euro. "Chúng tôi phục vụ nhiều cho sinh học, hướng tới biến đổi gien và những vấn đề còn ít người đụng đến. Chẳng hạn phải đoán trước hướng đi của ứng dụng, nhưng liệu 20 năm nữa người ta có còn cần không thì không thể chắc chắn. Làm khoa học cơ bản ở đâu cũng thế, luôn luôn phải mạo hiểm". Như không muốn nói sâu về những điều khách mù mờ, ông chuyển sang điều dễ hiểu hơn: "Nghiên cứu sinh thuộc nhiều nước, nên kiến thức lắm khi chưa phải vấn đề lớn nhất. Cách trình bày rất quan trọng, có chỗ theo văn hóa của anh chỉ cần nói sơ qua nhưng ở đây phải trình bày kỹ".

Buổi "tiếp kiến" phải kết thúc ở đây. Không thể quấy rầy nhà khoa học duy lý trong giờ làm việc quá nhiều được và những điều Alberto nói cũng kém nhạy cảm đi khi Tuấn chuyển chúng sang tiếng Việt. Nhưng những thông tin của Tuấn sau đó thật đáng quan tâm: Phần Lan, như nhiều xứ, phải cắt giảm các chi phí, trong đó có khoa học. Phòng thí nghiệm lại không tìm được doanh nghiệp ứng dụng - và do đó, tài trợ - nghiên cứu, phải xoay xở vốn lương cho nhân viên - cũng là nghiên cứu sinh. Tuấn, vừa làm vừa học nên có lương để sống đàng hoàng, nay phải bảo vệ tiến sĩ sớm nửa năm. May là đã đủ số bài báo khoa học nên lý lịch chuyên môn của Tuấn vẫn "tròn đầy". Vậy là trận bão suy thoái kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến cháu tôi. Rất may là Tuấn sắp hoàn thành công việc, những người khác trong "la bô" cùng nghiên cứu của họ còn chưa biết ra làm sao. "Giời sinh voi giời sinh cỏ", chỉ còn biết nghĩ theo cách ấy của người Việt.
(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện nhặt ở Phần Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.