Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Bệnh viện xuống cấp

Nhóm PV PSĐT| 05/10/2015 06:37

(HNM) - Có một điều không khỏi băn khoăn là vì sao bệnh nhân không đến với các tuyến y tế cơ sở, rào cản nào khiến việc giảm tải bệnh viện tuyến trên còn gian nan?

LTS: Giảm tải tuyến trên cho ngành Y tế là biện pháp hữu hiệu, mang lại ích lợi cho cộng đồng. Những nỗ lực đã được thực hiện và kết quả bước đầu đã được ghi nhận, song có một điều không khỏi băn khoăn là vì sao bệnh nhân không đến với các tuyến y tế cơ sở, rào cản nào khiến việc giảm tải bệnh viện tuyến trên còn gian nan?

Khoan hãy bàn đến các chính sách bền vững ở tầm vĩ mô trong việc tìm biện pháp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là sự xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu thốn về trang thiết bị y tế của một số bệnh viện (BV) khiến nhiều bệnh nhân không muốn đặt chân đến khám, chữa bệnh ở những nơi này. Điều "biết rồi, nói mãi" này là nguyên nhân khiến người bệnh vẫn ùn ùn đổ về các BV tuyến trung ương.

Có còn là bệnh viện?


Có mặt tại BV Đa khoa Thanh Trì vào một ngày nắng nóng, trái ngược với cảnh đông đúc thường thấy tại các BV, lượng người đến khám bệnh tại đây không nhiều. Một số khoa, phòng, khu vực điều trị, thậm chí ngay cả phòng làm việc của Giám đốc BV… đều thấy sự xuống cấp với tường rêu cũ kỹ, lớp vôi vữa bong tróc, cánh cửa bị mối mọt đục khoét... Khoa Nhi - nơi được giao chỉ tiêu 35 giường bệnh nhưng dù cố gắng tận dụng tối đa diện tích cũng chỉ đáp ứng được 27 giường. Trong khi đó, có thời điểm, bệnh nhân nội trú tại đây lên đến 50 người. Không chỉ vậy, theo quy định, mỗi buồng bệnh phải có một lavabo rửa tay, một tủ đầu giường, 7 giường bệnh có một nhà vệ sinh nhưng cả khoa chỉ có hai nhà vệ sinh lại rơi vào tình trạng hỏng hóc, thấm nước gây ô nhiễm. Hệ thống điện và các thiết bị tại các buồng bệnh cũng xuống cấp… Một số giường bệnh lung lay, tủ đựng đồ không có, tường vôi lở từng mảng đến nỗi không đóng được cửa phòng, đêm đến muỗi nhiều như trấu…

Nơi nấu ăn của khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức nhếch nhác, xuống cấp.


Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng không bảo đảm công tác phòng, chống nhiễm khuẩn. Vì thiếu phòng làm việc, khoa này phải chuyển tạm vào khu gara ô tô cũ. Đối với y khoa, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn luôn được coi như xương sống vì nơi đây cung cấp toàn bộ dụng cụ phẫu thuật, tư trang (quần áo, chăn đệm…) cho bệnh nhân cũng như đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong BV. Quan trọng là thế, nhưng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của BV lại đặt lọt thỏm trong khung nhà sắt hoen gỉ, tấm tôn lợp mái mục nát… như khu nhà ổ chuột. Tại đây, ngay cả những thiết bị còn sử dụng được như máy hấp ướt, máy giặt công nghiệp, sấy khô cũng đã có niên đại hơn 10 năm. Là người gắn bó lâu năm với khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Thơm cho biết, hệ thống nhà, trang thiết bị, dụng cụ làm việc… không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động. Nguyên tắc của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là nhân viên phải được nghỉ trước nửa tiếng làm vệ sinh cá nhân xong mới ra về để bảo đảm không bị lây nhiễm chéo, bảo đảm sức khỏe nhưng tại đây không có nhà vệ sinh, nhà tắm. Kể cả phòng vô khuẩn của khoa cũng được xếp ngay cạnh cống thải lộ thiên và khu nhà chứa đủ mọi loại rác thải của BV. Khổ hơn, mỗi khi có mưa, ở đây bị dột khắp nơi, ngập ngụa chẳng khác nào cái ao… Thậm chí, trước khi mở cửa phòng, chúng tôi phải cẩn thận dùng bút thử điện vì sợ khung sắt của khu nhà ngấm nước sẽ là nguồn dẫn điện. Đáng lo ngại nữa là khu chứa rác thải gần đó được thiết kế tạm bợ, không có cửa che chắn, chính là nguồn lây bệnh vô cùng nguy hiểm.

Xuống cấp trầm trọng…

Trên địa bàn Hà Nội, có lẽ ít BV nào phải gia cố nhiều hạng mục như Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức (trụ sở tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức). Cơ sở hạ tầng của BV đã xuống cấp trầm trọng khiến việc người bệnh bỏ trốn luôn là nỗi lo thường trực của các y, bác sĩ nơi đây. Điển hình là trường hợp bệnh nhân Đinh Văn Vĩnh (SN 1992) được đưa vào viện điều trị từ cuối tháng 7-2014, nhưng đến tháng 9-2014, bệnh nhân đã phá cửa phòng chui ra và "mất tích" khiến BV phải "rải" y tá, bác sĩ khắp Hà Nội để tìm kiếm. Sau đận ấy, hầu hết cửa ra vào, cửa sổ và cửa sắt đều được BV gia cố bằng cách đóng thêm nẹp, chằng buộc thêm dây thép… nhưng vẫn không an toàn. Hiện nay, tại hầu hết các khoa của BV, tường, trần đều bị bục hết lớp vữa trơ cả lõi sắt bê tông, nền nhà bong tróc, các cửa gỗ đều mục ruỗng, còn cửa sắt thì hoen gỉ… Nhiều bệnh nhân lê la, ăn, nằm ngay trên nền nhà khiến chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. "Thê thảm" nhất là khoa Dinh dưỡng. Khoa chỉ có khu vực nấu ăn và một phòng nhỏ xập xệ dành cho cán bộ, nhân viên. Nơi nấu ăn vẫn là bếp than, tường ám muội đen xỉn một màu, nền nhà ướt lép nhép bẩn vết chân người đi lại. Có lẽ, người nhà bệnh nhân nhìn thấy thực trạng này sẽ không còn tâm trí nào để gửi gắm người thân. Nơi ở của bệnh nhân đã vậy, nơi làm việc của y, bác sĩ cũng không hơn là bao. Nhiều phòng trực của y, bác sĩ bị ẩm mốc, không ít lần điện bị chập, quạt cháy hàng loạt. Tại khoa Nam 1, phòng trực của điều dưỡng luôn trong tình trạng phải để xô, chậu hứng nước mưa vì phòng đã bị dột từ lâu. Nhiều phòng không đủ điều kiện vô khuẩn, không bảo đảm vệ sinh, khô ráo để trang thiết bị y tế… Được biết, BV xây dựng từ năm 1969 nên hầu hết các khoa, phòng đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, lượng bệnh nhân đến với BV cũng hết sức hạn chế, chỉ khi người dân không còn lựa chọn nào khác họ mới đành phải đến đây. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức cho biết: BV còn quá nhiều khó khăn, từ hạ tầng kỹ thuật đến trang thiết bị y tế và bác sĩ thiếu quá nhiều. Hằng năm, BV có đầu tư kinh phí để sửa chữa những hỏng hóc nhỏ, nhưng không thấm vào đâu. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên bệnh nhân không tin tưởng, không muốn đến với BV…

Trong khi đó, Bệnh viện huyện Thanh Oai được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013 với vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng, nhưng hệ thống lan can lung lay như "răng ông lão" nên BV phải gia cố thêm cho an toàn. Nhìn bề ngoài, BV mang dáng vẻ khá hiện đại, khang trang, nhưng một số người cho rằng tòa nhà này phù hợp với khu hành chính hơn là một BV! Được biết, BV chính là chủ đầu tư xây dựng công trình, nhưng hiện nay một số hạng mục không phù hợp với công năng sử dụng nên phải sửa chữa như: Khu mổ, khoa Cấp cứu… Sự lãng phí này ai chịu trách nhiệm?

Cơ sở hạ tầng của BV xuống cấp mới chỉ là phần nổi, một vấn đề khác là con người. Tại BV huyện Thanh Trì, nguồn nhân lực tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng không bảo đảm. Hiện tại, khoa có 5 nhân viên, gồm 1 thạc sĩ, 2 điều dưỡng, 1 thủ kho và 1 bảo vệ. Do thiếu người nên bảo vệ kiêm cả công việc phát đồ cho bệnh nhân, còn thủ kho kiêm luôn giặt đồ. Điều dưỡng Vũ Thị Thơm tâm sự, điều kiện cơ sở vật chất như thế nên không ai muốn về đây làm việc, có người nhận quyết định 1-2 ngày sau đó "chạy mất".

Lý do không bảo đảm 100% chỉ tiêu kế hoạch, ngoài khó khăn về cơ sở hạ tầng, theo Giám đốc BV Thanh Trì Nguyễn Văn Thắng thì trang thiết bị y tế, máy móc thông thường của BV cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện BV mới chỉ có một nồi hấp dụng cụ thiết bị, vì thế khi nồi hấp hỏng, BV phải đi… mượn. Gần đây, BV được UBND huyện giao nhiệm vụ khám nghĩa vụ quân sự, một số người đến khám cho biết bị đau dạ dày nhưng BV không có máy nội soi dạ dày nên phải chuyển họ lên BV Thanh Nhàn, hay có những trường hợp do thiếu dụng cụ, BV đành phải gửi người bệnh đến nơi khác để phẫu thuật… Thời gian qua, BV đã được cơ quan chức năng hỗ trợ mua sắm một số trang thiết bị như: Máy thở, siêu âm, máy CT 64 lát cắt, máy X-quang kỹ thuật số, hệ thống mổ nội soi… nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nào. Với điều kiện làm việc như vậy, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, không thể "giữ chân" được bác sĩ giỏi. Tại BV đã có hai bác sĩ xin chuyển sang BV Nội tiết trung ương và một thạc sĩ vừa đi học về để bổ sung vào nguồn nhân lực cho BV, sau đó cũng xin vào làm việc tại BV K trung ương. "Dù nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân rất lớn nhưng đa phần họ không lựa chọn BV Thanh Trì. Ngay cả những bệnh đơn giản nhưng bệnh nhân vẫn một mực xin chuyển BV khác. Thêm vào đó, BV lại nằm ở nơi có sự cạnh tranh khốc liệt bởi cách đó không xa là BV Nông nghiệp I với cơ sở vật chất khang trang và những BV đầu ngành tuyến trên như: BV Bạch Mai, BV Nội tiết trung ương, BV K cơ sở 2, BV tư nhân Thăng Long. Nếu BV Thanh Trì càng ngày càng xuống cấp, bệnh nhân ít thì tiến tới sẽ bị xóa sổ", ông Nguyễn Văn Thắng tỏ ra lo ngại.

Trong khi đòi hỏi của người dân về khám chữa bệnh ngày càng tăng cao thì cơ sở vật chất của một số BV, đơn vị khám chữa bệnh lại xuống cấp nghiêm trọng, không thỏa mãn nổi chính các điều kiện của ngành Y. Điều này là một thực tế khiến các y, bác sĩ đang công tác ở môi trường này không muốn làm việc. Còn bệnh nhân chỉ biết "bó tay" chịu đựng vì không đủ điều kiện để đến một tuyến khác tốt hơn. Với người có điều kiện, những BV như thế không bao giờ rơi vào "tầm ngắm" của họ. Với thực trạng như vậy, chắc chắn bệnh nhân phải chấp nhận vượt tuyến để an tâm chữa bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Bệnh viện xuống cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.