Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lớp học của mẹ Phúc

Vũ Ngọc| 09/10/2015 06:29

(HNM) - Làm thế nào để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập với cuộc sống? Liệu nghệ thuật có phải chìa khóa để mở cửa tâm hồn những đứa trẻ bé bỏng đang chịu thiệt thòi?

20 năm không có ngày cuối tuần

Có năng khiếu văn nghệ nên sau khi học xong phổ thông, bà Phan Thị Phúc thi vào Trường Nghệ thuật Hà Nội, được đào tạo thành diễn viên kịch nói. Sau khi tốt nghiệp bà công tác tại Đoàn kịch Hải Phòng, nhiều lần đi biểu diễn phục vụ đồng bào, bộ đội kháng chiến. Từ năm 1980 bà về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Như một cơ duyên, tại đây bà Phúc được phân công quản lý đội kịch trẻ em, thường xuyên đi biểu diễn ở các trường học.

Bà Phan Thị Phúc hướng dẫn các em học múa.


Trong lần đưa đội kịch về Trường Tiểu học Trung Tự (Ðống Ða, Hà Nội) biểu diễn, bà đã phát hiện ra nhiều em khuyết tật ở đây rất thích hát, thích múa... Yêu và hiểu tâm lý những đứa trẻ tật nguyền đầy khát khao ấy, bà quyết gắn phần còn lại đời mình với chúng. Nghệ thuật có thể là cầu nối giữa con người với con người, cũng chính là con đường giúp trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. Với nguồn hỗ trợ của tổ chức Cứu trợ phát triển Mỹ SERS, mong ước của bà thành hiện thực. Năm 1995 CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội ra đời. Những ngày đầu khó khăn, cả đội mượn góc sân Trường Tiểu học Trung Tự để tập. Khi biết có CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật, nhiều phụ huynh đã đưa con đến. Chẳng mấy chốc con số đã lên đến 60, 70 học sinh. Học sinh của bà thật đặc biệt, hầu hết từ khi sinh ra đã mắc các chứng câm, điếc, dị tật chân, tay, liệt nửa người, thiểu năng trí tuệ…

Sau gần 2 năm hoạt động ngoài trời, CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật đã có một căn phòng rộng gần 100m2 cho các em sinh hoạt. Bà Phúc đã nhờ thêm một số nghệ sĩ, diễn viên ở Nhạc viện Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ tham gia dạy dỗ các em. Tất cả những người được mời (như gia đình nghệ sĩ Thúy Hà, người đầu tiên đến giúp đỡ) đều không nhận một đồng tiền công. Tất cả mọi người đến với CLB đều cho rằng đây là một niềm vui và càng thấu hiểu, cảm thông với hoàn cảnh các em khuyết tật.

Hơn 20 năm qua, cứ hai ngày cuối tuần bà lại tất bật với việc chăm sóc, dạy dỗ những em nhỏ khuyết tật. Những đứa trẻ đến với lớp học của bà ngày đầu tiên như những con chim lạc đàn, sống khép mình. Có nhiều em bị chính người thân xa lánh. Cảm thông với hoàn cảnh của các em, bà quyết tâm đưa các em hòa nhập với cuộc sống.

Sau một vài chuyến đi thực tế ở Thụy Ðiển và các nước phát triển để tham khảo cách dạy văn hóa nghệ thuật cho người khuyết tật, bà đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Bà bảo, trước tiên phải dạy các em biết được cảm giác, xúc giác. "Thí dụ véo chúng một cái và phản ứng tự nhiên sẽ kêu lên một tiếng "á". Và tôi nói cho các em như thế là đau. Tôi châm một que diêm vào một cái hộp nhỏ rồi đặt tay các em nên sẽ thấy cảm giác nóng. Rồi những lúc buồn phải chảy nước mắt, vui phải cười...". Bà Phúc nhớ lại.

Không hề dễ dàng để dạy hát cho các em, sự khác biệt về ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ và giao tiếp hay tính khí khác thường có thể hoảng loạn bất cứ lúc nào. Nhưng kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật đã giúp bà cảm hóa các em. Nghệ thuật đã ăn sâu vào máu từ thời học sinh, nên niềm đam mê truyền thụ những gì mình biết, đối với bà không quá khó. Nhưng làm sao để nghệ thuật ấy "thấm" vào những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ? Ðó chính là trở ngại lớn nhất. Thế rồi bà đã quyết định ăn cùng, ngủ cùng và lắng nghe, xem chúng chơi đùa...

Ngôi nhà của những niềm vui

Mọi nhạy cảm, nhẫn nại của người nghệ sĩ bà dồn cả vào những đứa trẻ nghe không rõ tiếng, hát không rõ lời. Đối với lớp học bà thường kết hợp đan xen việc học và dạy nghề. Vì bà biết nghệ thuật có thể giúp các em hòa nhập nhưng không thể giúp các em kiếm sống. Với khóa 4 hiện nay dành cho các em tự kỷ, thiểu năng trí tuệ bà chưa vội vàng dạy nghề cho các em. Chủ yếu giảng dạy về ý thức lao động, biết yêu thương, chăm sóc bản thân mình, giúp đỡ cha mẹ trong công việc gia đình. Chính vì vậy bà tạo ra giờ học kỹ năng sống bên cạnh các môn nghệ thuật. Bài giảng là những cuộc đối thoại ngắn khi bố mẹ vắng nhà, giúp các em học cách cư xử.

Bà Phúc đã mở được nhiều lớp dạy nghề cho những đứa con của mình và tất cả đều thành nghề. Hiểu được khuyết điểm của những đứa trẻ khuyết tật, bà lựa chọn những nghề đơn giản và vừa sức với các em như sửa chữa điện dân dụng, học móc, làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Những em thích học may sẽ có máy khâu và giáo viên trường trung cấp nghề đến dạy. Với các em muốn học vi tính, nghề thủ công, bà nhờ một vài thầy giáo bên Trường Đại học Bách khoa sang giúp đỡ. Thậm chí CLB còn có hẳn một nhóm theo học nhiếp ảnh và đã từng đoạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm ảnh dành cho người khuyết tật.

Các em trong CLB đều coi bà như là mẹ của mình. Bất cứ khi nào gặp chuyện buồn là các con lại chạy đến bên mẹ Phúc để được vỗ về. CLB đã trở thành mái nhà thân thương của các em. Các em đã trở nên tự tin hơn, biết yêu thương những người xung quanh. Nhiều em đã nỗ lực vươn lên, trở thành thành viên nòng cốt duy trì và phát triển CLB. Chị Trần Thị Hải Ninh là học sinh khóa 2 của CLB. Sau một cơn sốt cao năm 3 tuổi, Hải Ninh đã bị liệt nửa thân bên trái. Nhưng nhờ sự nỗ lực và sự giúp đỡ của gia đình, của cô Phúc, hiện nay chị đã trưởng thành, đang là Phó Chủ nhiệm CLB. "Mẹ Phúc coi mình với các em ở đây như một người con. Mẹ đã tạo dựng nên ngôi nhà này thì chúng mình sẽ giữ để giúp các em nhiều hơn nữa".

Đã ở tuổi thất thập, đều đặn các sáng thứ bảy, chủ nhật bà lại đi chợ mua thịt, mua rau chuẩn bị cơm trưa cho hàng chục đứa trẻ. Bao bữa cơm đã qua, bao đứa trẻ lớn lên, bà trở thành người mẹ thứ hai của các em. Không chỉ dừng ở đó, bà lo tìm dâu cho con trai, chọn rể cho con gái.

Có lẽ vì được sống trong tiếng cười với sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ mà bà Phúc trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 75. Đến nay 3 khóa học sinh đã ra trường, các em đều tìm được công việc phù hợp với bản thân. Người là thợ cắt tóc, thợ may, sửa chữa điện gia dụng, thợ thủ công, người thì tiếp tục với con đường nghệ thuật… Dù có là ai, làm gì cũng không thể quên được mẹ Phúc, quên được tình cảm của CLB, có điều kiện họ lại quay về thăm hỏi bà và động viên các em nhỏ khác nỗ lực không ngừng vì một tương lai tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lớp học của mẹ Phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.