Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm pháp luật, tiền mất, tội mang!

Nhóm PV PSĐT| 13/10/2015 06:44

(HNM) - Việc lừa đảo, mua bán bằng giả từ lâu đã được coi là vấn nạn. Thời gian gần đây loại tội phạm này hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn...


Nhiều thủ đoạn tinh vi...

Cuối tháng 9-2015, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm đã triệt phá một đường dây làm văn bằng giả với số lượng lớn. Việc triệt phá đường dây này bắt đầu từ đơn trình báo của một số bị hại về việc một công ty liên quan đến xuất khẩu lao động có trụ sở đóng tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có dấu hiệu lừa đảo tiền đặt cọc xuất khẩu lao động. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng xác định, cầm đầu đường dây này là Nguyễn Li Ly (25 tuổi, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).

Một trang web quảng cáo công khai "Làm bằng đại học rẻ nhất".


Ngoài ra, cơ quan công an đã bắt giữ 4 đối tượng khác. Một cán bộ điều tra cho biết: Những đối tượng trong đường dây này đều có trình độ công nghệ nhất định, thủ đoạn hoạt động của chúng hết sức tinh vi. Cụ thể, các đối tượng trong đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ này nhận thông tin khách hàng qua email, sau đó tổ chức in theo những mẫu phôi đã định dạng; rồi điền thông tin vào mẫu; sau khi in xong sẽ đóng dấu, đóng số hiệu, dán tem. Giá 1 chứng chỉ giả là 150 nghìn đồng. Cơ quan công an đã thu giữ được hàng chục bộ dấu của nhiều trường đại học trên cả nước, hơn 1.300 mẫu phôi giả chứng chỉ các loại cùng nhiều loại máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả. Từ năm 2013 đến nay, đường dây của Nguyễn Li Ly đã làm giả hàng nghìn văn bằng, chứng chỉ giả để bán kiếm lời. Hiện Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 3-2015, Công an quận Nam Từ Liêm đã thành công trong đấu tranh với tội phạm làm bằng giả nhưng sử dụng phương thức khác. Đó là việc các đối tượng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tuy chưa biết mặt nhau nhưng đã cấu kết tạo thành một đường dây làm giấy tờ giả liên tỉnh. Cụ thể, ngày 17-3-2015, tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Nam Từ Liêm làm nhiệm vụ tại khu vực quảng trường SVĐ quốc gia Mỹ Đình phát hiện Nguyễn Đức Huân (SN 1984) trú tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đang giao bằng và nhận tiền từ một người phụ nữ. Nghi vấn đây có thể là một vụ mua bán giấy tờ giả, tổ công tác đã kiểm tra và phát hiện ngoài số giấy tờ giả đã giao cho khách, trong người Nguyễn Đức Huân còn một bọc giấy tờ là những bằng tốt nghiệp đại học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông-Vận tải, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Bằng tốt nghiệp THPT, học bạ... Nguyễn Đức Huân khai toàn bộ số giấy tờ trên là giả, đang mang đi giao cho khách hàng đặt mua.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Đức Huân khai nhận là người làm thuê cho Nguyễn Đức Hùng (SN 1994) ở cùng quê. Mỗi bộ bằng tốt nghiệp, giấy tờ giả, Huân thu của người mua 6 triệu đồng, mang về đưa lại cho Hùng và nhận lại 250.000 đồng tiền công. Ngày 27-3, Hùng và Huân đã bị cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Ban chuyên án đã vào TP Hồ chí Minh bắt giữ được 3 đối tượng khác cũng trong đường dây này đưa về trụ sở Công an quận Nam Từ Liêm để đấu tranh làm rõ. Các đối tượng đã khai nhận vai trò của mình trong đường dây làm bằng giả này.

Lợi dụng sự cả tin

Theo tài liệu điều tra, đầu năm 2015, qua công tác trinh sát, nắm tình hình, các trinh sát của Đội 2 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội (CATP) đã phát hiện thông tin một số đối tượng lợi dụng nhu cầu cần có bằng tốt nghiệp đại học giả, chứng chỉ và các giấy tờ khác của người có nhu cầu nên đã đăng thông tin lên mạng có thể cung cấp các loại giấy tờ này. Các đối tượng đã dùng thủ đoạn lấy thông tin ảo, mua chứng minh thư ở các khách sạn, nhà nghỉ của khách lưu trú để quên, sau đó gắn ảnh giả để làm tài khoản ở ngân hàng. Khi khách hàng có nhu cầu đặt mua bằng thì phải chuyển tiền trước cho đối tượng qua tài khoản ngân hàng. Sau đó, chúng không làm như hợp đồng với khách hàng mà đã chiếm đoạt tiền rồi cao chạy xa bay. Số tiền đối tượng lừa đảo của các bị hại lên tới hàng tỷ đồng.

Xác định, đây là vụ án phức tạp, cần truy bắt đối tượng một cách nhanh nhất, các trinh sát của Đội 2, Phòng PC50 CATP đã xác lập chuyên án để đấu tranh. Sau một thời gian trinh sát, PC50 đã xác định và tạm giữ hình sự đối với Trần Tấn Đạt (sinh năm 1992, quê Bà Rịa-Vũng Tàu) để điều tra hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet... để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo lời khai tại cơ quan công an, năm 2012, Đạt thi đỗ vào một trường trung cấp điện ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng năm học thứ 2, Đạt đã bỏ học, lang thang lên mạng và được biết một số người có nhu cầu mua bằng tốt nghiệp đại học, trung cấp và chứng chỉ tốt nghiệp giả. Đạt đã nảy sinh ý định lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin để chiếm đoạt tiền. Theo đó, Đạt lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội, tham gia trang facebook.com và lập trang fanpages "Làm bằng đại học" và rao làm bằng giả với giá từ 1 triệu đến 30 triệu đồng. Để phục vụ việc lừa đảo, Đạt đã đến mua chứng minh thư của khách để quên tại một số khách sạn, nhà nghỉ với giá 100.000 đồng và thay ảnh của mình vào chứng minh thư mang tên người khác rồi mang đến các ngân hàng Sacombank, Vietinbank, Agribank làm thẻ ATM. Đạt dùng tên giả và sim rác để lừa đảo. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, Đạt yêu cầu họ phải gửi tên, tuổi, thông tin cá nhân (họ tên, ảnh, scan chứng minh thư nhân dân...) và gửi qua hòm thư (Đạt cung cấp) và chuyển trước 30% số tiền để đặt cọc. Khoảng 3 ngày sau, Đạt liên hệ với khách hàng thông báo đã làm xong bằng cấp, chứng chỉ như đã thỏa thuận và yêu cầu khách hàng chuyển toàn bộ số tiền còn lại qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Đạt tắt máy điện thoại và chiếm đoạt số tiền đó. Khi rút tiền tại các cây ATM, Đạt thường bịt mặt, đội mũ để "qua mắt" các camera giám sát của ngân hàng. Tổng số tiền Đạt chiếm đoạt lên tới trên 3 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo PC50 CATP, đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc mà CATP Hà Nội khám phá thời gian gần đây. Bản thân những người có nhu cầu sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả cần ý thức được việc làm của họ bị pháp luật nghiêm cấm vì vi phạm Điều 267 Bộ luật Hình sự, bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ vi phạm. Thế nhưng một số người vẫn lén lút móc nối tìm mua những loại giấy tờ này và họ trở thành miếng mồi béo bở cho những đối tượng tội phạm công nghệ cao.

Thượng tá Ngô Minh An, Phó Trưởng phòng PC50 CATP cho biết: Đối với các trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội, cơ quan công an đã cảnh báo rất nhiều lần, tuy nhiên, người sử dụng các mạng xã hội này vẫn chưa đánh giá được hết mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này. Để phòng tránh thiệt hại về tài sản cũng như các vấn đề liên quan, người sử dụng mạng xã hội cần tránh công khai quá nhiều thông tin cá nhân vì đây là nguồn thông tin để các đối tượng xấu lợi dụng khai thác để lừa đảo. Một việc cần tránh nữa là khi nhận được đề nghị tặng quà, tiền mặt từ người lạ, đặc biệt là người nước ngoài thì người dân nên hết sức cảnh giác tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Nếu thấy biểu hiện bất thường cần báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm pháp luật, tiền mất, tội mang!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.