Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tự thỏa thuận, người dân tự chịu!

Nhóm Phóng viên| 23/11/2015 06:55

(HNM) - Việc vận động người dân làm khung ảnh gia đình văn hóa (GĐVH) núp dưới hình thức tổ chức chụp ảnh miễn phí 100% để làm sổ truyền thống GĐVH đã và đang diễn ra tại một số quận, huyện, thị xã cũng gây không ít bức xúc trong dư luận.


Niềm tin bị lợi dụng


Đầu giờ sáng 6-11-2015, tại Nhà văn hóa Tổ dân phố (TDP) 4, phường Phúc La (Hà Đông), người dân í ới gọi nhau vào chụp ảnh miễn phí để làm "Sổ truyền thống GĐVH". Quan sát tại khu vực chụp ảnh, chúng tôi thấy một tấm vải xanh bạc màu được cài vào cánh cửa nhà văn hóa, một nữ phó nháy luôn miệng thúc mọi người vào chụp thật nhanh để còn kịp làm ảnh. Khi khuôn mặt của người dân được những người làm ảnh căn chỉnh, lồng vào nền phong cảnh, cộng với lời giới thiệu "ngon ngọt", nhiều người dân đã không ngần ngại đồng ý làm ảnh chân dung. Dù thế nào đi nữa thì những tấm ảnh ấy còn có giá trị sử dụng. Một số người dân ở phường Quang Trung, Phú La, Hà Cầu (Hà Đông) và một số huyện ngoại thành như Quốc Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai… còn được "vận động" làm khung ảnh, lồng trong đó là tờ giấy công nhận GĐVH in lòe loẹt. Theo phản ánh của một số người dân phường Hà Cầu, khung ảnh GĐVH các hộ đặt in thực chất chỉ là tờ giấy, không có tính pháp lý. Tại bản in này không có cơ quan hay chính quyền ký hay đóng dấu, trong khi đó số tiền mỗi hộ phải trả cho khung ảnh GĐVH dao động từ 230.000 đồng đến 350.000 đồng/khung, tùy kích cỡ. Nhận khung ảnh GĐVH nhiều người đặt câu hỏi, các GĐVH phải được bình bầu và xét duyệt ở địa phương, nếu đạt mới được công nhận, ở đây chỉ cần bỏ tiền là có thể mua một khung ảnh GĐVH, như vậy có giá trị gì không?

Người dân đến chụp ảnh miễn phí tại phường Phú La, quận Hà Đông.



Bà Nguyễn Thị H., TDP 1, phường Phú La (Hà Đông) nói: "Khi thấy TDP gửi giấy mời ra nhà văn hóa chụp ảnh tôi đã nghi, làm gì có chuyện chụp ảnh miễn phí? Chắc chắn có việc lợi dụng chụp ảnh miễn phí để vận động người nhẹ dạ chụp ảnh chân dung như những lần trước mà một số đoàn thể khác đã làm cho hội viên của mình. Khi đến hội trường, tôi thấy nhiều người phấn khởi vì được chụp ảnh không mất tiền. Khi nhân viên làm ảnh sử dụng công nghệ photoshop, người dân thấy mình "lung linh" hơn trong những bộ quần áo sang trọng theo các mẫu có sẵn nên đặt làm ảnh chân dung, rồi khung ảnh GĐVH. Không ít người khi lấy ảnh mới biết mình bị lừa, vì tấm ảnh chân dung mờ nhạt, không giống mình, khung xấu mà giá thì cao". Khung ảnh GĐVH của một số hộ dân ở Hà Đông chỉ có một số thông tin như: tên, ảnh chân dung đại diện hộ gia đình và dòng chữ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - quận Hà Đông - TP Hà Nội"; "phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa Việt Nam". Đáng nói, khung ảnh này không ghi số quyết định công nhận GĐVH do xã, phường công nhận; không có sự xác nhận, chữ ký hay con dấu của chính quyền địa phương hay tổ chức nào. Còn bà Đỗ Thị Đ., thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu (Quốc Oai) bức xúc: "Khi vừa chụp ảnh miễn phí theo giấy mời, tôi liền bị một người đeo bám mời làm ảnh chân dung và làm khung ảnh GĐVH do UBND xã cấp. Nghĩ rằng năm nay xã đổi mới, in thêm ảnh vào khung nên tôi đồng ý đặt làm một khung với giá 230.000 đồng. Khi được gọi ra lấy khung ảnh, tôi và nhiều hộ gia đình khác trong thôn bức xúc vì khung quá xấu, tờ giấy trong khung in mờ, lại không có dấu của UBND xã như lời mời hôm trước. Nhưng trót đặt rồi, giờ biết kêu ai".

Phải nghiêm túc xem xét

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hoạt động chụp ảnh nói trên diễn ra ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tại quận Hà Đông, theo lý giải của ông Vũ Hoàng Tâm, Phó Chánh Văn phòng UBND quận thì việc chụp ảnh miễn phí ở Hà Đông được thực hiện theo tinh thần Công văn số 105/VHTT-NSVH ngày 24-9-2015 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc in tặng miễn phí sổ vàng truyền thống GĐVH cho các địa phương. Công văn nêu rõ, Sở Văn hóa và Thể thao nhận được công văn của Công ty TNHH Phát triển công nghệ ảnh kỹ thuật số Ngọc Mai (Công ty Ngọc Mai) về việc xin phép chụp ảnh miễn phí và tặng sổ vàng truyền thống GĐVH. Sau khi xem xét hồ sơ của Công ty Ngọc Mai và nhận thấy việc thống kê, lưu giữ, tôn vinh các GĐVH là việc làm cần thiết, có ý nghĩa và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giới thiệu Công ty Ngọc Mai đến liên hệ với Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã để triển khai nội dung in miễn phí 100% cuốn sổ vàng truyền thống GĐVH cho các thôn, làng, tổ dân phố.

Theo như giới thiệu của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thì Công ty Ngọc Mai sẽ đảm nhiệm việc chụp ảnh miễn phí trên địa bàn các quận, huyện, thế nhưng trong giấy giới thiệu của Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông lại giới thiệu Công ty TNHH Sơn Huy đến các phường để tài trợ miễn phí xây dựng sổ vàng truyền thống GĐVH tại các tổ dân phố. Căn cứ giấy giới thiệu gửi các phường do Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông ký, một số phường đã mời tổ trưởng các tổ dân phố lên quán triệt chủ trương, đồng thời UBND phường hoặc tổ dân phố viết giấy mời gửi từng hộ gia đình, mời đại diện các hộ dân đến nhà văn hóa của tổ dân phố chụp ảnh miễn phí để in vào sổ vàng truyền thống GĐVH. Đây là một cuốn sổ được in dày dặn, đẹp, trong đó gồm ảnh đại diện của tất cả các GĐVH trong TDP, được lưu giữ tại nhà văn hóa của các TDP. Trong cuốn sổ gồm các trang in ảnh đại diện của mỗi hộ GĐVH cùng những thông tin năm đạt và không đạt danh hiệu GĐVH… Nhìn vào cuốn sổ sẽ có sự liên kết xuyên suốt giữa các năm với nhau. Đây là cách thức để tôn vinh những GĐVH, cũng là một cách để lưu giữ các thông tin đầy đủ, tạo được sự theo dõi có hệ thống trong thời gian 10 năm đối với các hộ gia đình trong mỗi TDP.

Tuy nhiên, nếu chỉ chụp ảnh và in cuốn sổ vàng truyền thống GĐVH miễn phí để tặng cho các TDP thì có lẽ sẽ không có đơn vị nào thực hiện. Do đó, lợi dụng việc chụp ảnh miễn phí, nhân viên của đơn vị chụp ảnh đã tiếp cận và tranh thủ vận động nhiều hộ dân làm khung ảnh GĐVH với các loại kích thước và giá
khác nhau. Hoạt động đó khiến nhiều người ngờ vực việc làm ảnh chân dung, làm khung ảnh GĐVH mới là cái đích đến của các đơn vị chụp ảnh miễn phí này!?

Ông Đặng Đình Công, Phó Chủ tịch UBND phường Phú La (Hà Đông) cho biết, việc làm sổ vàng truyền thống GĐVH có giá trị lưu giữ trong 10 năm là rất tốt, Công ty TNHH Sơn Huy cũng cam kết miễn phí 100%. Thế nhưng trong quá trình triển khai công ty này đã thỏa thuận với các hộ làm ảnh chân dung, khung ảnh GĐVH thu tiền với giá cao, phường không thể kiểm soát được. Với khung ảnh GĐVH mà Công ty Sơn Huy đã làm cho các hộ dân thì đây là biểu mẫu hoàn toàn "tự biên, tự diễn", trong đó chỉ có thông tin chung chung, không ghi năm đạt danh hiệu. Bên cạnh đó, số hộ đến chụp ảnh miễn phí để làm sổ truyền thống cũng không cao nên sổ vàng truyền thống cũng không đầy đủ thông tin như mong muốn đặt ra lúc ban đầu. Được biết tại quận Hà Đông, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc lợi dụng chụp ảnh miễn phí để vận động người dân làm khung ảnh GĐVH với giá cao, từ ngày 6-11, UBND quận đã chỉ đạo dừng chụp ảnh miễn phí tại tất cả các phường.

Bên cạnh một số phường hưởng ứng phong trào làm sổ vàng truyền thống GĐVH, cũng có phường kiên quyết không làm vì "mua" thêm việc cho các TDP và đã lường trước được nhiều phức tạp trong hoạt động miễn phí này. Rất tiếc, số xã, phường có thái độ dứt khoát như vậy không nhiều. Trong số 10 phường được Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông điểm tên, giới thiệu Công ty Sơn Huy về chụp ảnh miễn phí, có lẽ chỉ phường Văn Quán thể hiện quan điểm rõ ràng, không hợp tác với Công ty Sơn Huy để chụp ảnh miễn phí.

Khoan hãy nói đến chuyện đúng, sai trong chủ trương, hoạt động chụp ảnh miễn phí để làm sổ vàng truyền thống GĐVH, nhưng tai tiếng trong việc triển khai này là điều dễ thấy. Việc một số đơn vị mượn cớ thực hiện một chủ trương tốt của cấp thẩm quyền để nhắm đến mục tiêu lợi nhuận là không thể chấp nhận.

Sự biến tướng này khiến uy tín của chính quyền sở tại bị ảnh hưởng và có lẽ nhiều người dân cũng tự rút ra được bài học cho bản thân về sự thiếu hiểu biết… Thiết nghĩ, nếu quan tâm đến cuộc sống của người dân qua những hoạt động nêu trên thì chính quyền sở tại phải giới thiệu được những đơn vị kinh doanh có uy tín, không để người dân bị trục lợi. Do vậy, các cấp nên nghiêm túc xem xét lại hoạt động này để rút ra bài học trong chỉ đạo, điều hành...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tự thỏa thuận, người dân tự chịu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.