Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí ẩn sau quán cơm chay

Vũ Ngọc| 26/11/2015 06:29

(HNM) -


Chữa bệnh... không giống ai

Việc nhờ thầy lang chữa bệnh, những tưởng chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa nơi người dân ít được tiếp xúc với những kỹ thuật y tế hiện đại. Thế nhưng ngay giữa Thủ đô, thời gian gần đây thay vì đến bệnh viện, nhiều bệnh nhân lại tìm đến cậy nhờ những thầy lang.

Quán cơm Sen Hồng, nơi thầy Quang hành nghề chữa bệnh.



Để mục sở thị tài nghệ của vị "thầy" nổi tiếng này, trong vai người bệnh chúng tôi tìm đến quán cơm chay Sen Hồng. Quán được thiết kế phỏng theo phong cách nhà chùa, bên trong có rất nhiều sách liên quan đến ăn chay, niệm Phật. Là quán cơm chay nhưng cả buổi không thấy chuẩn bị đồ ăn, được biết, quán chỉ phục vụ cơm khi người bệnh có nhu cầu. Nhân viên nhà hàng trở thành "bác sĩ thực tập" hỗ trợ "thầy" khám bệnh.

Biết chúng tôi đến khám bệnh, một phụ nữ chuyên tư vấn, đặt lịch cho khách hỏi sơ qua về bệnh tình rồi đưa tôi 2 cuốn sách viết về ăn chay và đạo Phật. "Trước tiên em nên học ăn chay và tìm hiểu thêm về Phật giáo, chỉ như vậy bệnh mới nhanh khỏi. Nhưng bữa nay thầy bận rồi, hôm khác em đến nhé". Lần thứ hai đến, tôi được nhân viên của quán dẫn lên tầng hai, phòng bên trái để gặp "thầy". Đó là một căn phòng khoảng 20m2, ở giữa có một chiếc ghế sa-lông và "thầy" ngồi trên đó. Những người bệnh ngồi la liệt dưới sàn.

Cả phòng lúc đó khoảng hơn 30 người, ai cũng háo hức để chờ tới lượt khám.

Nhìn bề ngoài, "thầy" chừng 40 tuổi, trên tay và cổ đeo dây chuyền vàng lủng lẳng, giọng miền Nam nhẹ nhàng, xưng thầy gọi con ngọt xớt. Vóc dáng có phần rắn rỏi, nước da hơi ngăm đen, "thầy" giống một võ sư hơn là thầy lang. Qua dò hỏi chúng tôi biết, "thầy" đến từ Đà Lạt - Lâm Đồng. Bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi, từ người giàu sang đến nghèo khó.

Theo quan sát của chúng tôi, người đến khám với nhiều loại bệnh: u nang buồng trứng, câm điếc, tự kỷ, down, xương khớp... Các cặp vợ chồng hiếm muộn cũng tìm đến nhờ "thầy" giúp đỡ. Vào khám trước tôi là bé Vũ Mai Anh, quê Nam Định, bị câm điếc bẩm sinh. Khi người nhà đưa cô bé đến trước mặt, "thầy" bỗng vung tay tát cháu bé trước sự ngỡ ngàng của bao người. Bé Mai Anh mặt méo xệch, chực khóc.

Vị thầy lang này có những phương pháp chữa bệnh rất lạ. Một trường hợp bị bệnh down, "thầy" bóp đầu, vặn vẹo mấy cái, sau đó hô to "binh khí". Hiểu ý, nhân viên trong quán nhanh chóng lấy băng dính dán khắp đầu bệnh nhân. Sau đó, cho bệnh nhân bị đao lui về góc phòng.

Trường hợp khác, một người bị viêm họng mạn tính, ho có đờm, gia đình đã chạy chữa nhiều nơi, uống thuốc ngoại, thuốc ta đủ cả mà vẫn không khỏi. Hỏi sơ qua về tình hình bệnh, "thầy" vận hết công lực, dùng miệng cắn vào cổ bệnh nhân, ra sức hút, tưởng rằng sẽ lấy được đờm ra. Ai dè, sau màn biểu diễn đó ông ta khạc nhổ vào xô toàn... nước bọt.

Đến lượt mình, tôi nói mắc chứng bệnh đau đầu dẫn đến mất ngủ dài ngày, không cần khám "thầy" bảo nhân viên bóp đầu. Anh này lấy dầu gió Trường Sơn xoa vào hai lòng bàn tay rồi tiến hành xoa bóp từ đỉnh đầu xuống. Đó là những động tác hết sức bình thường, hễ tôi kêu đau ở bên nào là anh ta xoa tập trung chỗ đó. Được khoảng 15 phút, tưởng rằng việc khám bệnh đã xong, tôi bỗng thấy trên đầu mình có thứ nước gì đó, thắc mắc thì nhận được câu trả lời: "Lần sau cứ đau đầu thì vắt một quả chanh lên đầu, bảo đảm khỏi ngay". Thì ra, thầy chữa đau đầu cho tôi bằng... nước chanh.

Để ý, trong quá trình chữa bệnh "thầy" luôn kêu mệt. Cứ khoảng 15 - 20 phút lại có nhân viên đem trà thảo dược, nước sinh tố vào "dâng". Trước ánh mắt của người bệnh "thầy" giải thích: Lúc chữa bệnh, phải sử dụng rất nhiều nội lực nên phải ăn mới có sức. Trong lúc nghỉ giải lao thầy tranh thủ quảng cáo vẻ rất đỗi tự hào: "Ngày thầy chữa hơn 500 ca câm điếc. Nếu lấy tiền thì là mấy tỷ đó. Đây thầy phục vụ chúng sinh, chữa cho các con hoàn toàn miễn phí đó nghen. Thầy không sung sướng gì đâu, hơn tháng nay sút 18 ký rồi".

Vẫn là tiền mất, tật mang

Cách đây hơn một tháng chị Nguyễn Thị P. T, 30 tuổi, sống tại Hà Nội được giới thiệu đến quán cơm chay Sen Hồng để khám. Bản thân chị T vốn sức khỏe bình thường, chỉ việc những ngày trái gió trở trời là chân tay đau nhức. Mong muốn trị tận gốc bệnh xương khớp nên chị đã tìm gặp "thầy". Hôm đó, chị T đi với 2 người thân. Sau khi nói về tình hình bệnh, chị T cũng được nhân viên xoa bóp ở những vùng đau nhức rồi giới thiệu qua phòng bên cạnh gặp đội tư vấn hướng dẫn về cách ăn chay và sản phẩm chức năng thanh lọc cơ thể. Như được đặc cách, hôm đó "thầy" mời nhóm của chị T lên lầu 2 dùng bữa chay. Trong lúc ăn cơm "thầy" trò chuyện làm quen và giải thích về cơ thể con người, chủ đề xoay quanh việc bán thực phẩm chức năng.

Chị T nhớ lại: ""Thầy" vẽ hệ hô hấp của cơ thể người trên một tờ giấy, giải thích là trong quá trình tồn tại, tiếp xúc với môi trường đã hít phải khí độc vào cơ thể. Bộ máy hô hấp của con người cũng giống như một cái quạt dùng lâu ngày sẽ bị bám bụi, hỏng. Vì thế, "thầy" bảo muốn khỏe mạnh thì phải thanh lọc cơ thể". Đội ngũ tư vấn giới thiệu cho chị một lọ thuốc có giá 900 nghìn đồng, với chức năng đặc trị viêm xoang - thanh lọc hệ hô hấp. Khi khách thắc mắc vì thuốc không có nhãn mác, họ giải thích đó là thuốc gia truyền, chế biến từ thảo dược quý. Đi cùng chị T, có anh H bị viêm xoang mạn tính, khi nghe đội tư vấn giới thiệu, chị T và anh H mỗi người mua một lọ thuốc.

Theo hướng dẫn, về nhà chị sử dụng ngay, khi lấy già nửa phân thuốc, cho vào một ống hút nhựa, chị T nằm xuống, đưa đầu ống hút có thuốc vào mũi. Kế đó, chị dùng ngón tay bịt một bên lỗ mũi, bên còn lại hít mạnh để thuốc đi sâu vào hốc mũi. Bên còn lại làm theo các bước tương tự. Theo giới thiệu thì cứ cách 3 ngày lại xông một lần. Làm đều đặn cho đến khi thấy nước mũi trong, không màu, không mùi bệnh đã khỏi. Ngày đầu sử dụng chị T thấy cơ thể bình thường nên rất tin tưởng. Lần thứ hai chị T cảm thấy rát họng, nước mũi chảy, khạc nhiều đờm mủ xanh, xem qua tờ hướng dẫn sử dụng thuốc được biết đó là những triệu chứng bình thường của việc thanh lọc cơ thể. Một tuần sau, cổ họng ngày càng đau đến nỗi không ăn được cơm, không uống nổi nước. Lúc này chị gọi điện lại được khuyên mua thuốc giảm đau uống. Vốn nghĩ là đau họng bình thường, nhưng theo lời khuyên của gia đình, bạn bè, chị T vẫn đến bệnh viện khám. Kết quả, chị T bị áp-xe amida và phải làm thủ tục nhập viện để tiến hành tiểu phẫu. Nghe chị T kể về quá trình sử dụng thuốc của "thầy", các bác sĩ không khỏi giật mình bởi đã có nhiều trường hợp tương tự đã tử vong vì nhiễm trùng máu.

Đang yên đang lành, nghe theo những lời xúi dại không có cơ sở, chị T trả giá bằng việc nằm viện một tuần. Trong thời gian này, ngày nào chị cũng phải tiêm thuốc kháng sinh, chi phí lên tới cả chục triệu đồng. Không chỉ chị T, anh H có triệu chứng chảy máu mũi khi dùng thuốc của "thầy".

Qua tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều người khác cũng là nạn nhân của thầy lang ở quán cơm Sen Hồng. Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, ngăn chặn nạn "thầy" rởm hành nghề trái phép, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xem xét và có biện pháp xử lý nghiêm khắc hiện tượng thầy lang đội lốt khám chữa bệnh tại quán cơm chay Sen Hồng. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí ẩn sau quán cơm chay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.