Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Nỗi niềm sinh viên

Tiến Thành| 01/02/2016 06:21

(HNM) - Trong khi bạn bè lũ lượt về quê, không ít sinh viên quyết định ở lại TP Hồ Chí Minh làm thêm trong dịp Tết để kiếm tiền trang trải cho học kỳ tiếp theo. Vào thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm, có chút chạnh lòng khi không được sum họp bên gia đình nhưng với nhiều người, ngoài số tiền kiếm được, cái Tết xa nhà là một trải nghiệm khó quên.

Ngày Tết, Hoàng tranh thủ vừa học vừa làm để trang trải học phí, sinh hoạt.


Bớt gánh nặng cho gia đình

Gần tết Nguyên đán, ai cũng hối hả hoàn tất những công việc cuối cùng để được nghỉ ngơi sau một năm bận rộn, quây quần bên bạn bè, người thân.

Cũng vội vã như bao người khác nhưng Phạm Huy Hoàng (21 tuổi) lại đang chạy ngược chạy xuôi kiếm việc làm thêm. Quê Nam Định, Hoàng đang là sinh viên năm thứ nhất ngành Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Công thương TP Hồ Chí Minh. Mẹ mất sớm, cách đây 2 năm Hoàng theo anh trai vào Nam mưu sinh. Hoàn cảnh quá khó khăn, Hoàng đã phải tạm gác giấc mơ đại học sang một bên, vừa kiếm việc làm nuôi sống bản thân vừa ôn luyện chờ đến ngày thi. Tiền kiếm được đủ cho Hoàng sinh sống, nhưng không đủ để về quê đón Tết bên gia đình.

Nhớ lại cái Tết đầu tiên đón xuân tại TP Hồ Chí Minh, Hoàng cho biết ban ngày đi làm công việc dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình ở nội thành với thù lao khoảng 100 đến 200 nghìn đồng/nhà. Không để quỹ thời gian trôi qua vô ích, ban đêm Hoàng tiếp tục đi làm phụ tiệc cuối năm tại các nhà hàng với mức lương khoảng 90 nghìn đồng/tiệc. Cái Tết đầu tiên xa quê, Hoàng chỉ mong kiếm thật nhiều tiền để có thể học đại học. Sau đó, Hoàng trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Công thương TP Hồ Chí Minh trong niềm vui mừng của bạn bè, gia đình.

Tự nuôi mình, Hoàng vừa học vừa làm. Cậu trải qua nhiều nghề khác nhau, từ những công việc cần sức vóc đến những công việc trí óc. Điển hình như công việc hiện tại của Hoàng, vừa làm admin cho một trang web, vừa làm sampling (một hình thức marketing sản phẩm tại các hộ gia đình) cho một nhãn hàng sữa. Tết Nguyên đán sắp tới, Hoàng đang tìm thêm công việc mới để bù đắp quỹ thời gian còn dư trong những ngày nghỉ.

Tâm sự về những ngày Tết xa gia đình, Hoàng cho biết chỉ nghĩ đến người bà đã già yếu tại Nam Định. Những ngày cuối năm, xóm trọ đã về quê hết, Hoàng dành thời gian rảnh rỗi ít ỏi để cùng một số bạn bè đi chơi. Thời gian đi làm tương đối kín, ngày Tết cũng chỉ cơm bụi, ăn mì tôm cho qua bữa chứ bày vẽ ra lại tốn kém. Đặc biệt, Hoàng đã theo học một lớp báo chí căn bản bởi cậu cũng yêu thích nghề báo với mong muốn có thể theo đuổi nghề này nếu có điều kiện.

Một nhóm sinh viên làm thêm.


Cũng ở lại làm thêm dịp Tết như Hoàng, Nguyễn Ngọc Lực (20 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Công thương) lại chọn công việc tại một công viên nước ở thị xã Dĩ An (Bình Dương). Gia cảnh cậu sinh viên cũng rất khó khăn khi mẹ Lực vừa mất cuối năm 2015. Bố Lực ở quê nhà đã già yếu, 8 anh em trong gia đình phải tự đùm bọc lẫn nhau. Lực hiện ở nhờ nhà anh trai đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Cuộc sống không dư dả gì khi gia đình anh trai với lương công nhân của hai vợ chồng mà đủ thứ phải chi tiêu như thuê phòng trọ, sinh hoạt của gia đình và tiền học của con cái. Không muốn trở thành gánh nặng của anh chị, Lực quyết định đi làm thêm kiếm tiền trang trải.

"Em vừa về quê hôm mẹ mất. Tết nhất, tiền tàu xe tốn kém, về cũng chỉ đi chơi chứ chẳng làm được gì nên ở lại kiếm việc làm thêm", Lực tâm sự với chúng tôi. Không chỉ riêng dịp tết Nguyên đán, hằng ngày cậu sinh viên người Hà Tĩnh cũng đang làm tại công viên nước. Tuy nhiên, dịp tết Nguyên đán sắp tới lượng khách đổ về vui chơi tại công viên nước tăng đột biến, quản lý yêu cầu những nhân viên như Lực làm việc từ 5h sáng đến khi nào hết khách. Lần đầu tiên xa nhà dịp Tết, lại cặm cụi với công việc không có thời gian nghỉ ngơi, Lực không khỏi có lúc chạnh lòng…

Cơ hội trải nghiệm

Với nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tết Nguyên đán không thể về được quê vì tốn kém, thì Nguyễn Mai Trang (22 tuổi) lại xin bố mẹ ở lại làm thêm để tự lập một phần chi phí thực tập cuối khóa. Cô gái quê Thanh Hóa cho biết, ban đầu bố mẹ phản đối bởi dẫu gia đình không khá giả gì nhưng không thể muốn con gái út đón Tết xa quê. Nhưng cuối cùng Trang đã thuyết phục được bố mẹ.

Công việc của Trang dịp Tết sắp tới là giúp việc cho một gia đình tại Quận 2. "Ngày Tết, người giúp việc của gia đình họ về quê. Nhà họ cũng khá giả nên em được trả 400.000 đồng mỗi ngày, làm từ 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết. Tết em chịu khó đi làm thì ra Giêng sẽ có một khoản để đi thực tập, đỡ đần thêm được bao nhiêu cho bố mẹ. Mà ăn Tết cùng gia đình khác cũng có cái hay, vì mọi người rất quan tâm, lì xì rồi tặng quà nữa", Trang tâm sự.

Gia đình chủ nhà tốt bụng, tạo điều kiện cho Trang ở luôn trong nhà để tiện việc. Công việc không quá vất vả. Trang cho rằng đây cũng là cơ hội để thêm kỹ năng để "sau này lấy chồng".

Chấp nhận vất vả trong những ngày gia đình sum họp dịp Tết đến xuân về, đối với các bạn sinh viên này thì ngoài việc kiếm thêm tiền để đỡ đần cho bố mẹ, đây cũng là một trải nghiệm thú vị, giúp họ có thêm kinh nghiệm trong hành trang bước vào cuộc sống mới sau khi tốt nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Nỗi niềm sinh viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.