Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi dậy những nét đẹp nhân văn!

Nguyễn Tùng - Triệu Dương| 12/02/2016 06:42

(HNM) - Hòa trong sắc xuân, dòng người đi lễ Phủ Tây Hồ ùn ùn kéo vào điểm trông xe miễn phí gần lối vào. Chị Phùng Ngọc Anh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Tây Hồ trực tiếp cùng các đoàn viên bấm vé xe...

Cán bộ, chiến sĩ công an quận Tây Hồ trông xe miễn phí cho du khách tại Phủ Tây Hồ.


Có cơ hội là… "chặt chém"

Những ngày qua, du khách thường xuyên phản ánh đến đường dây nóng của Báo Hànộimới về tình trạng thu tiền xe quá quy định vẫn xảy ra tràn lan trên khắp thành phố. Trưa mùng 4 Tết, các điểm trông giữ xe quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn ngang nhiên thu trung bình 10.000 đồng/xe. Họ lý lẽ rằng vì họ phải trả tiền thuê mặt bằng, thuê nhân công và "làm luật"… nên phải thu quá quy định để bù lại chi phí(!?) Ấy là năm nay, giá trông xe máy ở khu vực này còn giảm chỉ bằng một nửa so với Tết năm ngoái.

Cũng tại vỉa hè quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày mùng 3 Tết, nhiều người dừng xe tìm điểm gửi ô tô vào Văn Miếu cũng bị một nhóm thanh niên với khuôn mặt chẳng mấy thiện cảm ra xin tiền trông xe. Giá trông giữ lên tới 100.000 đồng/xe. Nhưng nếu chủ xe nào thắc mắc hỏi vé và đọc đúng tên lãnh đạo phường Văn Miếu và phường Hàng Bột lập tức các thanh niên trên hạ giọng và giá vé giảm xuống còn 50.000 đồng thậm chí 30.000 đồng/ô tô theo đúng quy định.

Dường như đã nghe được phản ánh của người dân về việc thu phí xe vô tội vạ, nên Công an phường Hàng Bột và Văn Miếu đã tổ chức tuần tra kiểm soát dọc các tuyến đường và nhắc nhở người dân gửi xe máy theo đúng chỉ dẫn có bảo vệ dân phố đeo băng đỏ trông giữ. Thấy lực lượng chức năng là mấy thanh niên trông xe đứng tràn ra đường lại biến mất dạng.

Đáng lưu ý là ngay tại điểm trông giữ xe trên đường Đinh Tiên Hoàng ven Hồ Gươm, những ai gửi xe để tham quan đền Ngọc Sơn hoặc khu vực xung quanh cũng phải trả 10.000 đồng/vé cho dù trên vé chỉ ghi có 3.000 đồng. Khi hỏi tại sao lại thu cao hơn quy định, những người này đều trả lời là "Tết mà". Nhiều điểm trông giữ xe khác gần các khu di tích văn hóa lịch sử, khu vui chơi giải trí trong thành phố có tình trạng "chặt chém" tương tự như vậy.

Ấy là tại những điểm được cấp phép, có người quản lý, còn ở một số điểm trông giữ xe tự lập ra, người dân bị "chém ngọt" hơn rất nhiều, tới 50.000 đồng đến 70.000 đồng/xe máy.

Du khách sẽ được trông xe miễn phí khi tới Phủ Tây Hồ.


Lấp lánh một điểm sáng

Trong khi "guồng máy chặt chém" ở nhiều nơi hoạt động hết công suất thì từ đêm 30 Tết, nhiều đoàn viên của quận Tây Hồ cùng lực lượng công an đã có mặt tại điểm trông xe miễn phí để triển khai mô hình thí điểm trông xe không thu tiền của người đi lễ. Từ đó đến mùng 4 Tết trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 lượt xe máy, ô tô vào bãi gửi. Một ngày được chia làm 3 ca trực, mỗi ca thường có khoảng 30 đoàn viên thanh niên gồm 10 đoàn viên quân số Quận đoàn Tây Hồ và đoàn viên của lực lượng Công an.

Anh Nguyễn Duy Thanh, đoàn viên phường Yên Phụ, vừa bấm vé xe cho người đi lễ, vừa nói: Đi trông xe mấy ngày Tết tuy mệt nhưng vui vì thấy niềm vui của mọi người hiện rõ trên từng khuôn mặt du khách.

Có thể nói, mô hình trông giữ xe miễn phí ở Phủ Tây Hồ là một điểm sáng hiếm hoi. Mô hình này đã để lại trong du khách một nét đẹp văn hóa. Mặt khác, chỉ tính riêng trong 5 ngày Tết (từ đêm 30 đến đêm mùng 4), mô hình này đã tiết kiệm cho xã hội một khoản tiền không nhỏ. Cứ tạm tính, 5 ngày có tổng số 50.000 lượt xe, trong đó khoảng 30.000 lượt xe máy và 20.000 lượt ô tô. Nếu nhân với giá vé theo quy định thành phố thì tổng số tiền tiết kiệm được cho xã hội khoảng 690 triệu đồng và số tiền tiết kiệm được cho xã hội sẽ gấp 3 lần nếu tính theo giá "chặt chém". Đó là chưa kể đến ý nghĩa nhân văn của mô hình này khi toàn bộ số tiền trông xe do người dân tự nguyện đóng góp sẽ được bàn giao về Quận ủy để hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và những nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn.

Tuy nhiên để nhân rộng mô hình này không dễ. Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã tìm gặp đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ và được biết trước Tết Bính Thân, Thường vụ Quận ủy đã họp bàn kỹ lưỡng và quyết định năm nay thực hiện thí điểm tại Phủ Tây Hồ. Lãnh đạo quận Tây Hồ quyết định giao việc "không thể" này cho Công an quận và Quận đoàn. "Ban đầu cũng định làm luôn cả ở chùa Trấn Quốc, song thấy quá sức và còn cần phải rút kinh nghiệm nên chỉ tập trung làm thật tốt tại Phủ Tây Hồ", đồng chí Nguyễn Anh Tuấn tâm sự.

"Đến hôm nay có thể khẳng định rằng mô hình trông giữ xe miễn phí ở Phủ Tây Hồ đã thành công bước đầu. Thành công này cho thấy chúng ta đã biến cái không thể thành có thể", đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, "và Tây Hồ sẽ nhân rộng mô hình này, năm tới sẽ làm thêm địa điểm trông xe xung quanh chùa Trấn Quốc".

Kết quả lớn nhất và dễ nhận thấy là nhân dân đi lễ vui vẻ, thoải mái hơn mọi năm, an ninh trật tự được giữ vững, giao thông bảo đảm thông suốt. Có được kết quả này là nhờ sự tập trung chỉ đạo sát sao của Quận ủy, UBND quận cùng với đó là sự quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi của Công an quận, Quận đoàn và chính quyền cơ sở.

Nhân lên những nét đẹp

Trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: Năm 2016 tiếp tục được lựa chọn là năm "Trật tự văn minh đô thị". Chúng ta cần hiểu theo nghĩa rộng, trong năm "Trật tự văn minh đô thị", Hà Nội không chỉ triển khai nhiều giải pháp làm cho Thủ đô xanh hơn, sáng hơn, đẹp hơn; đường phố phong quang hơn; làm cho người dân ý thức rõ hơn về văn minh đô thị, cảnh quan môi trường để chung sức cùng chính quyền giải quyết những bất cập đô thị mà sâu hơn là giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn trong mỗi người Hà Nội. Và muốn vậy, phải bắt đầu từ việc khơi dậy những nét đẹp ứng xử giữa con người với con người và với cộng đồng.

Mặt khác, đã đến lúc cần dẹp bỏ triệt để hành vi vi phạm quy định của pháp luật tại các điểm trông giữ xe và nhân rộng hơn nữa những mô hình thấm đậm chất nhân văn như quận Tây Hồ đang làm. Và không chỉ dừng lại ở đó, kỷ cương đô thị cần được siết lại, tinh thần thượng tôn pháp luật cần được đề cao. Đúng như Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo: "Để xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, việc thiết lập trật tự, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật là rất cần thiết". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy những nét đẹp nhân văn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.