Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Trên vùng biển thiêng liêng

Bài, ảnh: Đình Hiệp| 03/05/2016 06:00

LTS: Trong không khí cả nước kỷ niệm 41 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, những người con mang dòng máu Lạc Hồng sống xa Tổ quốc đã ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Bài 1: Trên vùng biển thiêng liêng

Rạng sáng 18-4, quân cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đã trở nên nhộn nhịp, đoàn đại biểu kiều bào cùng các khách mời của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) chuẩn bị cho hải trình thăm quân, dân trên huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Không khó để nhận ra vẻ háo hức trên từng khuôn mặt của những người con xa xứ. Phần lớn trong số họ đây là lần đầu tiên được đặt chân lên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Kiều bào giao lưu với các chiến sĩ Trường Sa.


Không xa đâu, Trường Sa ơi!

Hai ngày đầu tiên trên biển, với những đợt sóng lớn bất ngờ ập đến, nhiều thành viên trong đoàn bị say sóng. Thế nhưng, khi được thông báo con tàu chuẩn bị thả neo để lên thăm các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lớn B, mọi người đều háo hức như quên hết mệt nhọc. Đây là điểm đến đầu tiên trong hải trình. Là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của đoàn đại biểu kiều bào ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này, anh Phạm Túc Đạt (SN 1987), Việt kiều tại Ba Lan không giấu được cảm xúc hồi hộp. Vừa đặt chân lên đảo Đá Lớn B, anh Đạt cùng nhiều kiều bào chạy thật nhanh đến vị trí đặt cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên hòn đảo này để chụp ảnh kỷ niệm. Đạt cùng mọi người rất xúc động khi được chia sẻ những tình cảm, gửi những lời thăm hỏi động viên đến các chiến sĩ đang ngày đêm ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Thật cảm động khi chứng kiến những cái bắt tay, cái ôm thật chặt của những người con xa xứ với các chiến sĩ. Lời ca tiếng hát của anh chị em nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc quân đội Việt Nam càng khiến cho bầu không khí trên đảo trở nên ấm cúng, gần gũi.

Phạm Túc Đạt cho biết: Thời gian qua, cộng đồng người Việt tại Ba Lan rất quan tâm đến tình hình trên Biển Đông, đặc biệt là những hành động quân sự hóa bất chấp luật pháp quốc tế. Hằng ngày, chúng tôi vẫn cập nhật những tin tức, cũng như các hoạt động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Là thế hệ trẻ Việt Nam sống xa Tổ quốc, chúng tôi luôn nhận thức rằng, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự. Lần đầu tiên được đặt chân đến đây, nhưng tôi luôn cảm thấy Trường Sa rất gần gũi và thân thương...

Thời gian qua, anh Phạm Túc Đạt cũng như nhiều thành viên trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giải thích cho người dân nước sở tại hiểu rõ về chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển này. "Thế nhưng, đó chỉ là những kiến thức trên sách vở. Tôi muốn có những trải nghiệm thực tế, muốn được tận mắt chứng kiến, đặt chân tới và chạm tay lên vùng đất, vùng biển của quê hương. Đó là lý do khiến tôi quyết định tham gia chuyến đi này" - Đạt cho biết thêm.

Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam

Trong suốt hải trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, ông Lý Thừa Vĩnh, Chủ tịch Hội Hậu duệ dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc luôn nhiệt tình với các hoạt động của đoàn. Vô cùng hứng khởi mỗi khi mặc chiếc áo đỏ có in hình sao vàng 5 cánh và tấm bản đồ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, tranh thủ ghi lại những hình ảnh chiến sĩ canh gác trên đảo Nam Yết, ông Vĩnh xúc động nói: "Tôi cảm thấy vinh dự khi được tham gia chuyến đi ý nghĩa này. Lẽ ra tôi đã về Đền Đô - Bắc Ninh để tham gia giỗ tổ dòng họ Lý, nhưng tôi quyết định đi Trường Sa bởi từ sâu thẳm trong tôi, hai chữ này luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Là người con mang dòng máu Việt, tôi tham gia chuyến đi để có cơ hội được khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Tôi muốn có những hình ảnh cụ thể, chân thực nhất để chia sẻ với các bạn Hàn Quốc về vấn đề này".

Ông Vĩnh tâm sự, từ lâu nhiều người bạn Hàn Quốc vẫn gọi ông là "Hoàng tử Việt Nam" vì họ biết ông là con cháu Hoàng tử Lý Long Tường. Bạn bè ông Vĩnh mỗi khi xem truyền hình Hàn Quốc có thông tin liên quan đến Việt Nam đều gọi điện cho ông và nói "thông tin về Việt Nam nhà ông đấy". Hình ảnh các chiến sĩ canh gác trên đảo đã để lại trong ông ấn tượng mạnh mẽ, ông Vĩnh nói: "Thời gian qua dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc đã cùng Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức nhiều cuộc tuần hành hòa bình, triển lãm ảnh… để lên án hành động quân sự hóa trên Biển Đông. Cùng với đó, trong bất cứ mối quan hệ hay cuộc gặp với bạn bè nào, ngoài công việc ra tôi thường tranh thủ để nói về vấn đề Biển Đông để kêu gọi mọi người ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Tôi có thể tự hào nói rằng, Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam và tôi muốn mọi người cùng cất lên tiếng nói như vậy".

Yêu nước không chỉ bằng lời nói

Sắp bước sang tuổi "xưa nay hiếm", hàng chục năm sống xa Tổ quốc, nhưng đến lúc này bà Trương Kim Anh, người Việt định cư tại Hoa Kỳ mới ra thăm Trường Sa. Giữa cái nắng như cháy da trên đảo Sơn Ca, một mình bà Kim Anh thoăn thoắt leo lên ngon hải đăng để ngắm nhìn quang cảnh hùng vĩ. Dù mệt nhưng bà vẫn hào hứng chia sẻ niềm tự hào khi được tham gia hải trình này: "Tôi đã nhiều lần được mời tham gia chương trình của đoàn kiều bào nhưng vì thời gian không cho phép nên không đi được. Lần này tôi quyết định tham gia chuyến đi, vì nghĩ rằng mình không còn nhiều thời gian nữa. Thực sự trước khi đi thăm Trường Sa tôi chưa có nhiều thông tin về chủ quyền biển đảo quê hương, thậm chí tại Mỹ có cả những thông tin trái chiều về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thế nhưng, khi gặp các chiến sĩ ở đây, nhiều chiến sĩ chỉ bằng tuổi cháu tôi, tôi cảm thấy rằng mình cần làm một việc gì đó có ý nghĩa cho đất nước chứ không chỉ đơn giản là những lời nói suông". Câu chuyện của chúng tôi với bà Kim Anh liên tục bị ngắt quãng vì bà không kiềm chế được cảm xúc. Nước mắt trào ra, bà nghẹn ngào nói: "Đây là lần đầu tiên ra thăm đảo nên tôi không biết các chiến sĩ cần gì và thiếu gì. Song, không phải chờ đến chuyến thăm thứ hai, ngay sau khi kết thúc chuyến đi này, về Hoa Kỳ tôi sẽ đóng góp và quyên góp để hỗ trợ các chiến sĩ ở đây nhiều hơn nữa".

Cũng như người dân trong nước, được đến thăm quần đảo biên cương của Tổ quốc, thả bước trên những hòn đảo ngoài khơi xa, tận tay sờ vào những phiến đá, thảm cỏ, rặng cây, được gần gũi tiếp xúc, nói chuyện và hát cho những người lính đảo nghe… với bà con kiều bào sống xa Tổ quốc quả là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ trong đời!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Trên vùng biển thiêng liêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.