Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những món quà vô giá

Bài, ảnh: Đình Hiệp| 04/05/2016 06:42

(HNM) - Tham gia chuyến đi, mỗi kiều bào đều chuẩn bị cho mình một vài món quà tặng các chiến sĩ và người dân trên đảo. Có thể chỉ là những chiếc thẻ điện thoại, những hộp bánh, quyển vở, hay những chiếc bình lọc nước…

Kiều bào dành tặng nhiều món quà ý nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.


Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng những món quà này thật sự là vô giá bởi chứa đựng cả tấm lòng, tình cảm trân trọng của bà con kiều bào dành cho các chiến sĩ với lời chúc các anh luôn chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hiện thực hóa lòng yêu nước

Lần thứ hai ra thăm cán bộ chiến sĩ và người dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, TS Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như các thành viên trong Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc rất cẩn thận trong việc lựa chọn những món quà thiết thực để dành tặng các chiến sĩ trên đảo. Giữa cái nắng chói chang trên đảo Cô Lin, anh Linh cùng những người con xa xứ tranh thủ thời gian lắp đặt một bộ máy chuyển đổi không khí thành nước ngọt; một máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời và một giàn trồng rau thủy canh hồi lưu. Mồ hôi ướt đầm trên áo, anh Linh chia sẻ về ý tưởng trao tặng những món quà trị giá 28.000 USD của kiều bào Hàn Quốc.

Qua chuyến thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK năm 2015, anh Linh nhận thấy có thể áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình và những ứng dụng phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc để góp phần cải thiện đời sống của cán bộ chiến sĩ ở đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, trong đó điều anh quan tâm nhất là nước ngọt và rau xanh. Vì thế, khi trở về Hàn Quốc, anh đã nung nấu ý định phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc nghiên cứu máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt. Đây là thành tựu khoa học công nghệ mới và chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam. "Để bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh, nước được nối với bộ phận làm mát và làm nóng để đầu ra có thể là nước lạnh mát 5 độ C hoặc nước nóng 85 độ C và kết cấu chung của máy giống như các máy lọc nước hiện đại khác mà các nước phát triển đang sử dụng.

Quy mô một máy có thể cho ra 20 lít nước ngọt/ngày ở những nơi có độ ẩm cao trên 70% như ở Trường Sa và Nhà giàn DK. Tôi nghĩ 20 lít nước này sẽ góp thêm một phần quan trọng vào khẩu phần nước ngọt hiện còn thiếu thốn trên các đảo chìm và nhà giàn DK. Nguồn này có thể giúp cán bộ chiến sĩ dùng để nuôi trồng thêm rau xanh hằng ngày", anh Linh hồ hởi nói.

Trần Hải Linh chia sẻ thêm, để hiện thực hóa lòng yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng người Việt sống xa Tổ quốc nói chung, năm ngoái Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc sáng lập Quỹ "Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam" với tôn chỉ xây dựng một quỹ hoạt động để tuyên truyền và huy động trí tuệ, sức lực, vật chất vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

"Chúng tôi đã, đang tiếp tục làm việc và phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Hàn Quốc và Việt Nam nghiên cứu, sàng lọc, lựa chọn các giống rau quả chịu mặn tốt tại Hàn Quốc, Việt Nam và công nghệ trồng rau đơn giản, hiệu quả, thích nghi với điều kiện khí tượng thủy văn tại Trường Sa" - anh Linh cho biết thêm: Lần này quay lại Trường Sa với hai mô hình rau khác nhau (trồng rau thủy canh tự động hình chữ A để tiết kiệm nước và trồng rau bằng đất tổng hợp trên giàn để tiết kiệm diện tích). Cả hai mô hình đều lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động và đã được trồng thử nghiệm tại 3 điểm đảo và Nhà giàn trong chuyến đi này. Ngoài ra, đoàn còn tặng các điểm đảo nhiều giống rau mang từ Hàn Quốc về, với nhiều đặc tính ưu việt như chịu mặn, chịu nhiệt tốt hơn.

Muốn đóng góp nhiều hơn

Từng mưu sinh ở nhiều nước, sống xa Tổ quốc hơn 30 năm, nhưng vợ chồng ông Lê Minh Văn và bà Lê Ánh Tuyết, người Việt định cư tại Hoa Kỳ mới có dịp ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Nước mắt trào ra khi nghe giới thiệu về cuộc sống của các chiến sĩ cũng như người dân trên xã đảo Sinh Tồn, bà Lê Ánh Tuyết bày tỏ: "Lần đầu tiên đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi cảm thấy bâng khuâng khó tả. Trước đây vợ chồng tôi chỉ nhìn thấy đất nước mình, những hòn đảo quê hương qua bản đồ. Tôi thường đưa tay lên những cái chấm đỏ đó - nơi đánh dấu vị trí hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tôi không ngờ hôm nay lại được đến đây. Nhìn thấy biển trời bao la rộng lớn, những người con xa xứ như chúng tôi cảm thấy rất đỗi tự hào". Ông Lê Văn Minh thì cho biết: Vợ chồng ông muốn tận dụng những năm tháng cuối đời để có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước, đặc biệt là tiếp thêm nhiệt huyết và lòng yêu nước cho hai người con của mình vì chúng không được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. "Chuyến đi đã tiếp thêm cho chúng tôi tình yêu quê hương đất nước. Tôi chắc rằng tất cả những kiều bào trong đoàn đều có chung cảm giác này để thêm một lần được khẳng định với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam", ông Minh nói.

Tham gia chuyến đi, vợ chồng ông Lê Văn Minh ủng hộ cán bộ chiến sĩ trên các đảo 12 máy lọc nước và nhiều phần quà khác trị giá gần 100 triệu đồng. "Chúng tôi muốn qua chuyến đi sẽ hiểu hơn các cán bộ chiến sĩ thiếu gì để hỗ trợ cho thiết thực. Nếu những món quà có giá trị quá lớn chúng tôi sẽ kêu gọi bạn bè chung tay ủng hộ. Là những doanh nhân làm việc ở nước ngoài, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ vật lực, trí lực cho những nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Điều quan trọng nữa là sau chuyến đi, chúng tôi sẽ giải thích cho thế hệ trẻ Việt Nam ở Mỹ những nỗ lực bảo vệ biển trời quê hương. Tôi nhận thấy việc bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên Biển Đông là lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có nước Mỹ.

Tham gia chuyến đi này, anh Phạm Trung Kiên, Giám đốc Công ty VINAcorp (chuyên sản xuất nội thất các công trình trên biển), người Việt định cư và kinh doanh tại Singapore cùng các thành viên cộng đồng người Việt tại Singapore đã dành tặng cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn 10 bộ tập thể dục ngoài trời và nhiều phần quà khác trị giá gần 200 triệu đồng. Đặc biệt, một lá cờ Tổ quốc được kết từ 800 lời nhắn của cộng đồng người Việt Nam ở Singapore đã được chuyển tới các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa.

Công ty của anh Kiên có nhà máy ở Hải Phòng, còn dành tặng cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn một bộ nội thất văn phòng và bàn làm việc tác chiến có in hình lôgô về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Anh Kiên cho biết, những món quà trên tuy không lớn nhưng là tấm lòng của bà con người Việt ở Singapore gửi tới những chiến sĩ ở quê nhà đang ngày đêm bám biển. "Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mới đây đã bày tỏ quan điểm ủng hộ hòa bình trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các quốc gia liên quan trong khu vực không có những hành động đe dọa sử dụng vũ lực làm ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình khu vực. Tôi thấy rằng đã đến lúc thế hệ trẻ Việt Nam tại Singapore cần lên tiếng và có những hoạt động thiết thực hơn để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam" - anh Kiên nhấn mạnh khi cho biết sẵn sàng tiếp nhận các chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ trên đảo Trường Sa có nhu cầu làm việc trong nhà máy của công ty anh ở Hải Phòng.

Bà Lê Thị Thu Hằng, quyền Vụ trưởng Vụ Văn hóa Thông tin, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài nói với chúng tôi: "Những đóng góp về vật chất của bà con kiều bào trong chuyến đi này mang ý nghĩa đặc biệt. Tôi đánh giá cao món quà tinh thần mà bà con kiều bào đã dành tặng các chiến sĩ trên đảo. Tình cảm, những lời động viên của người dân trong nước, nhất là từ những bà con kiều bào đã vượt vạn dặm đường đến đây là món quà vô giá với quân dân Trường Sa...".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những món quà vô giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.