Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ xử lý cá nhân, tập thể liên quan

Chí Kiên| 24/05/2016 07:15

(HNM) - Thời gian gần đây, tại vùng đất bãi trồng cây nông nghiệp nằm ven Sông Đáy thuộc xã An Thượng (huyện Hoài Đức) đã

Một trường hợp vi phạm tại khu bãi Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức.


Trong khi chính quyền xã An Thượng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, nên vi phạm ngày càng gia tăng. Về vấn đề này, lãnh đạo huyện Hoài Đức khẳng định sẽ chỉ đạo xử lý...

Tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Nối từ bờ đê tả Sông Đáy là con đường bê tông phẳng lỳ, rộng chừng 5m dẫn vào khu đất Bãi Vải, thôn Lại Dụ, xã An Thượng (huyện Hoài Đức). Vào sâu bên trong là hàng chục nhà xưởng đang hoạt động nhộn nhịp. Để thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, các chủ xưởng đã xây dựng con đường bê tông chạy dọc Sông Đáy. Điều đáng nói dù không được quy hoạch nhưng toàn bộ nhà xưởng bám dọc trục đường này được tổ chức theo một trật tự nhất định, chia thành 2 khu rõ rệt.

Khu nhà xưởng cũ nằm cạnh Sông Đáy hình thành từ nhiều năm nay, đã đi vào sản xuất ổn định với nhiều sản phẩm khác nhau. Nhiều nhất liên quan đến ngành nghề cơ khí, ngoài ra còn có xưởng sản xuất bánh kẹo, bao bì và kho bãi. Phía đối diện là khu nhà xưởng mới như một công trường, với một số xưởng vừa hoàn thành hoặc đang trong quá trình làm móng, lắp ghép khung thép và hoàn thiện bên ngoài.

Từ cuối tháng 4-2016 đến đầu tháng 5-2016, chúng tôi đã chứng kiến 4 nhà xưởng đang xây dựng, thậm chí một số hộ gia đình khác vừa chặt bỏ cây nông nghiệp lâu năm và dọn dẹp rau màu để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đáng ngạc nhiên là trong một lần cùng cán bộ địa chính xã An Thượng đi kiểm tra thực địa vào cuối tháng 4-2016 chúng tôi đã chứng kiến một xe tải đổ bê tông cho khối móng của một công trình, cách đó không xa là một nhà xưởng đang hoàn thiện và một xưởng khác đã xong phần khung thép. Theo ghi nhận của phóng viên, một trong những vi phạm mới nhất là công trình xây dựng nhà xưởng của ông Chu Hưng Lê Huy trú quán ở thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh (huyện Hoài Đức). Ông Huy đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên diện tích gần 800m2.

Ông Nguyễn Đôn Tuyên, cán bộ địa chính xã An Thượng cho biết, UBND xã lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu tự tháo dỡ với một số chủ công trình như các ông Chu Hưng Lê Huy, Phạm Văn Thao, Trần Văn Kỷ… Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi đến thời điểm hiện nay một số công trình hoặc vẫn đang thi công hoặc chỉ tạm dừng, hoặc đã hoàn thiện. Theo tìm hiểu của phóng viên, trường hợp vi phạm xây dựng nhà xưởng mới nhất của một người trú quán tại xã La Phù (huyện Hoài Đức) trên diện tích đất khoảng 600m2. Công trình đã đổ bê tông móng kiên cố chạy quanh, dựng khung sắt cao khoảng 5-6m và lợp mái tôn.

Kiên quyết xử lý dứt điểm

Nhiều người nói vùng đất bãi thôn Lại Dụ của xã An Thượng hiện nay như một "khu tiểu thủ công nghiệp hoạt động chui". Theo thống kê của Hạt Quản lý Đê điều Hoài Đức, chưa kể các công trình xây dựng mới trong năm 2016, hiện có 30 công trình nằm gọn trong khu vực bãi sông và hành lang thoát lũ, tương ứng đoạn đê tả Đáy từ K15+500 đến K16+600 thuộc thôn Lại Dụ, xã An Thượng.

Trong đó, diện tích xưởng và kho vào khoảng 3.000m2 của ông Phạm Văn Sơn, tiếp đến là nhà xưởng của ông Lê Huy Thức 2.100m2; Công ty TNHH Phú Thịnh 1.500m2; nhà xưởng của bà Ngô Thị Thanh 1.300m2; xưởng bánh kẹo của ông Nguyễn Quang Dương 1.200m2; xưởng sản xuất máy ép gạch không nung của ông Trương Hùng Tiệp 1.050m2; Công ty Tân Hưng Phát 1.050m2; Công ty Bao bì Ánh Dương 1.050m2; kho thuốc sâu của bà Nguyễn Thị Hồng Hà 1.050m2…, còn lại phần lớn các xưởng có diện tích từ 300 đến 700m2. Ông Lê Thiên Dương, Hạt trưởng Hạt Quản lý Đê điều Hoài Đức cho biết, "trong số 30 trường hợp đã thống kê có một số nhà xưởng nằm trong hành lang thoát lũ của Sông Đáy, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều".

Ông Lê Thiên Dương nhấn mạnh, toàn bộ các trường hợp xây dựng tại vùng bãi thôn Lại Dụ "hoàn toàn không xin thỏa thuận với cơ quan quản lý đê điều". Để có được bảng thống kê cụ thể 30 trường hợp kể trên, theo ông Dương, cán bộ Hạt đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đi thực tế lấy thông tin: "Chỉ một trường hợp duy nhất là chúng tôi gặp được chủ công trình nhà xưởng, còn lại đều vắng mặt trong khi các cuộc làm việc đều mời cán bộ địa phương đi cùng. Những vụ việc này chúng tôi đã báo cáo chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động thái gì".

Trao đổi với Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã An Thượng Nguyễn Chí Lương cho biết: Vùng đất bãi Sông Đáy thuộc thôn Lại Dụ được quy hoạch là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm (chủ yếu là cây nhãn chín muộn). Từ năm 1994, ở khu vực này đã hình thành một số nhà xưởng sản xuất, tuy nhiên tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo của chính quyền địa phương kéo dài trong nhiều năm đã dẫn đến việc xây dựng nhà xưởng tràn lan. Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của UBND xã khi để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều, đặc biệt là những vi phạm mới đang xảy ra? Ông Nguyễn Chí Lương thừa nhận trách nhiệm này thuộc chính quyền địa phương, tuy nhiên do lực lượng mỏng, trang thiết bị không đầy đủ, quy mô vi phạm lớn nên UBND xã gặp rất nhiều khó khăn trong ngăn chặn, xử lý. "Vi phạm cũ chúng tôi sẽ từng bước xử lý, đối với những vi phạm mới sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm" - ông Lương nhấn mạnh.

Trong một động thái "hợp lý hóa khu vực này thành điểm tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ", từ năm 2013 trong Nghị quyết sử dụng đất đến năm 2020 của HĐND xã và trong quy hoạch nông thôn mới xã đã đưa khu bãi thôn Lại Dụ diện tích khoảng 4ha vào quy hoạch cụm điểm công nghiệp. Theo ông Nguyễn Chí Lương, xã đã báo cáo UBND huyện, tuy nhiên đến nay chủ trương này vẫn chưa được chấp thuận. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, đề xuất của UBND xã An Thượng chưa được thông qua vì vướng vào quy hoạch thoát lũ Sông Đáy, thể hiện tại Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống Sông Đáy.

Những vi phạm tại khu bãi Lại Dụ đến thời điểm này vẫn không có dấu hiệu dừng, mặc dù từ năm 2013 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh cho biết, huyện đã thành lập Tổ công tác xử lý vi phạm đất đai tại xã An Thượng, trên cơ sở kiểm tra, rà soát sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm về đất đai theo quy định của pháp luật. Theo kết quả rà soát mới nhất, Tổ công tác đã thông báo: "Các trường hợp vi phạm phát sinh đến thời điểm tháng 2-2010 là 31 trường hợp với tổng diện tích hơn 24.000m2. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 tiếp tục phát sinh 7 vụ vi phạm mới, như trường hợp ông Nguyễn Quang Trịnh 1.133m2; ông Phạm Văn Thư 803m2; Phạm Văn Tỉnh 512m2; Nguyễn Anh Liêm 922m2…".

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh nhấn mạnh: "Qua phân loại, vi phạm nào thuộc thẩm quyền cấp xã thì UBND xã chỉ đạo xử lý, cấp huyện thì UBND huyện chỉ đạo xử lý. Trong kế hoạch chúng tôi giao cụ thể trách nhiệm từng ngành, nếu không hoàn thành sẽ xử lý kỷ luật cá nhân, tập thể liên quan". Về nhiệm vụ trước mắt, theo ông Nguyễn Anh, UBND huyện sẽ chỉ đạo UBND xã cùng các ngành liên quan kiểm tra, rà soát, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm mới. Về hướng xử lý đối với những vi phạm cũ, ông Nguyễn Anh cho biết đã có báo cáo xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tuy nhiên đến nay UBND huyện chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ xử lý cá nhân, tập thể liên quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.