Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Sẻ chia gánh nặng

Linh Chi - Nguyệt Anh| 27/05/2016 07:03

(HNM) - Làm việc căng thẳng, ca kíp, với cường độ cao liên tục, công nhân có rất ít cơ hội gặp gỡ, học hỏi, giao lưu, giải trí. Đời sống tinh thần nghèo nàn, đơn điệu là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng

Khu nhà ở dành cho công nhân tại KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ).


Gánh nặng…

Cuộc sống quanh quẩn từ công ty đến nhà trọ, công việc vất vả lại sống xa gia đình, nhiều công nhân, nhất là công nhân nữ thiệt thòi về tình cảm. Đinh Thu Huyền (quê Đà Bắc, Hòa Bình, công nhân may ở KCN Quang Minh) tâm sự: "Xa nhà, xa gia đình nên việc thiếu thốn tình cảm với công nhân nữ bọn em là bình thường". Lối sống công nghiệp làm việc cả ngày, tăng ca liên tục nên công nhân nữ có rất ít cơ hội, thời gian để gặp gỡ, giao lưu với các bạn trai nên càng khó có người yêu. Tại các KCN, số công nhân nữ luôn nhiều hơn số nam (nam chỉ chiếm khoảng 5%).

Nhiều công nhân nữ nói: "Chúng em mải kiếm đồng vốn lận lưng để lo cho tương lai, nhưng đến lúc quay ra thì "quá lứa nhỡ thì" mất rồi, chẳng còn ai nhòm ngó". Cũng vì khát khao tình cảm, công nhân nữ dễ dàng chấp nhận ngay khi gặp người nào đồng cảm với mình. Nhiều cặp đã nhanh chóng quyết định "góp gạo thổi cơm chung". Lê Thị Nhuần, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam buồn bã cho biết, lựa chọn "sống thử", sống chung, nhiều người muốn tiết kiệm chi tiêu, sinh hoạt lại đỡ thiếu thốn tình cảm. Thế nhưng, sau những quyết định sống chung vội vàng ấy, luôn là hậu quả đầy nước mắt. Người Thôn Bầu đã chứng kiến không ít cô gái trẻ bị bạn trai lặng lẽ bỏ rơi, hoặc tệ hơn còn bị uy hiếp… khi biết tin người yêu mang thai.

Tuy nhiên cũng không ít cặp nên vợ, nên chồng. Lê Thị Thủy (21 tuổi, quê Thanh Hóa, công nhân KCN Thăng Long) sau một thời gian "góp gạo" giờ đã có được gia đình riêng, con gái cô đã được gần 1 tuổi. Mỗi tháng, Thủy phải chi 2,5 triệu đồng tiền gửi con (hơn nửa tháng lương). Con lớn, Thủy vừa mừng lại vừa lo. Bởi khi con đủ 1 tuổi, Thủy sẽ phải làm tăng ca, tăng giờ làm việc như chồng và những công nhân khác khi doanh nghiệp yêu cầu, không còn thời gian cho việc chăm sóc tốt con cái. Nhà trọ của vợ chồng Thủy rộng chưa đầy 10m2, chỉ hai vợ chồng với đứa trẻ đã chật chội, đón người nhà lên trông con không biết ăn ở vào đâu. Thủy cố ngăn dòng nước mắt: "Rồi vợ chồng em cũng phải chấp nhận gửi con về quê nhờ bố mẹ nuôi hộ như phần lớn các nữ công nhân khác ở đây"…

... và sự sẻ chia

Thực tế không thể phủ nhận là, so với vài năm trước, đời sống CNLĐ trên địa bàn thành phố đã được cải thiện đáng kể. Lê Văn Hùng (chủ một khu trọ cho công nhân thuê ở Làng Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh) rất ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về đời sống của các công nhân. Theo Hùng, "giờ họ không nghèo đâu, lương họ khá cao. Trước mỗi phòng trọ của nhà em cho 3, 4 người thuê ở ghép, còn giờ mỗi người thuê một phòng giá 600.000 đồng/tháng. Giá thuê phòng trọ 5 năm trước là 300.000 đồng/phòng/tháng, nhưng lương công nhân lúc đó chỉ 1,5 triệu đồng/tháng; còn giờ lương họ khoảng 6 triệu đồng/tháng, có người thu nhập còn cao hơn, nên họ thích tự do".

Thế nhưng PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn lại khẳng định: So với mức sống tối thiểu, lương của công nhân mới chỉ đáp ứng được gần 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam Phạm Thị Bích Hải cho biết, theo khảo sát của Công đoàn Công ty, chi phí một tháng của một công nhân độc thân là 4,15 triệu đồng. Như vậy, lương tối thiểu phải tăng 25% nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu. Để bảo đảm cuộc sống gia đình, nhiều công nhân phải xin tăng ca, tăng giờ làm hoặc làm thêm như phục vụ tại nhà hàng, làm nhân viên siêu thị…

Nhằm bảo đảm đời sống cho CNLĐ, Công đoàn cũng đã đàm phán với chủ doanh nghiệp về việc tăng lương cơ bản. Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ cho CNLĐ các khoản phụ cấp như: Xăng xe, chuyên cần, nhà ở… có nơi lên đến hơn 1 triệu đồng/tháng. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, đến nay nhà ở vẫn là nhu cầu bức xúc của CNLĐ. Thành phố đã cung cấp 12.000 chỗ ở tại các tòa chung cư cao tầng cho công nhân (ở xã Kim Chung) và cố gắng đến năm 2020 cung cấp khoảng 53.000 chỗ ở cho công nhân.

Trong những năm gần đây, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân đã được quan tâm nhiều hơn. Thành phố đã có 26 điểm sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ. Trong đó, Công đoàn KCN-CX Hà Nội đã thành lập được 3 điểm sinh hoạt văn hóa tại khu nhà ở cho CNLĐ ở các KCN Thăng Long, Phú Nghĩa, Sóc Sơn. Các điểm sinh hoạt văn hóa được trang bị tủ sách, phòng đọc, phục vụ miễn phí Báo Lao động Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô. Nhà văn hóa đa năng, phòng đọc sách báo đã được xây dựng… Tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, SWCC Showa Việt Nam, Yamaha Motor Việt Nam, Điện tử Meiko Việt Nam, Công đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT như Đại hội TDTT, Hội khỏe, Hội thi tiếng hát CNVCLĐ, chiếu phim miễn phí, chương trình "Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát", Tết sum vầy...

Tuy nhiên, có một thực tế theo Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN-CX Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, KCN Thăng Long có khoảng 60 nghìn công nhân, phần lớn ở trọ tại xã Kim Chung, Đông Anh. Số trẻ em con công nhân ở độ tuổi đi học là rất lớn, nhưng hiện tại, thành phố mới xây được một trường mầm non cho khoảng 300 cháu, số còn lại phải gửi trường tư với giá rất đắt đỏ và không bảo đảm. Mức phí gửi trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi là 2,5 triệu đồng/tháng, từ 1 đến 3 tuổi là 2 triệu đồng/tháng nên rất nhiều công nhân không chịu nổi phải gửi con về quê sống với ông bà.

Mặt khác, việc xây dựng hình ảnh CNLĐ có trình độ chuyên môn cao, có tác phong công nghiệp… vẫn là cả vấn đề và đây không chỉ là việc của riêng người sử dụng lao động hay các cấp công đoàn. Ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống hằng ngày, rất cần bổ sung những kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên ngành giúp người công nhân đứng vững trước xu hướng hội nhập sâu rộng, góp phần thúc đẩy quá trình CNH, HĐH đất nước. Các giải pháp đồng bộ được đưa ra là, bên cạnh việc sớm xây dựng, ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, rất cần có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân. Cùng với đó là các chính sách ưu đãi để người lao động thu nhập thấp có thể thuê hoặc được mua nhà ở. Thành phố cũng cần có chính sách hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN-CX, giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN-CX… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Sẻ chia gánh nặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.