Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bãi rác hôm qua - Vườn hoa hôm nay

Thanh Thủy| 29/05/2016 05:49

(HNM) - Không ít người lần đầu nghe tới ý tưởng

Nhiều người trước đó còn phủ nhận tính thực tế của dự án, đã thay đổi thái độ, tích cực giúp nhóm gìn giữ, bảo vệ công trình bé nhỏ này. Phạm Thái Hoàng, sinh viên Đại học Đà Nẵng, chủ dự án "Biến bãi rác thành vườn hoa" tại ngõ 169, Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), đã chia sẻ một cách đầy tự hào như thế.

Vườn hoa tại ngõ 58 phố Trần Bình.


Giữ sạch hè, đẹp phố

Hơn một tháng qua kể từ khi công trình vườn hoa "xóa" bãi rác được bàn giao lại cho tổ dân phố, người dân trong con ngõ nhỏ 169 phố Thái Hà vẫn nguyên cảm giác vui mừng, phấn khởi. Nhiều người thậm chí coi sự xuất hiện của vườn hoa là một "kỳ tích" vì không chỉ làm tươi đẹp cảnh quan mà còn giúp xoay chuyển, khơi dậy tình cảm, ý thức gìn giữ, vun vén vì cái chung, vì cộng đồng trong cụm dân cư. Không ít người còn tình nguyện làm "barie" canh gác, ngăn những cá nhân vô ý thức "xả" rác không đúng nơi quy định. Là một trong những người nhiệt tình bảo vệ công trình này từ những ngày đầu tiên, bà Nguyễn Thị Liên, chủ quán phở đối diện vườn hoa bày tỏ: "Các cháu nó từ tỉnh xa về, làm tặng cho khu dân cư cái vườn hoa xanh, đẹp như thế, giúp người dân thoát khỏi cảnh hôi hám, bẩn thỉu của rác thải ngày nắng nóng, tình trạng tắc nghẽn, lầy lội của cống rãnh ngày mưa gió. Việc làm đáng quý ấy đến từ những người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thì sao mình có thể vô trách nhiệm với nơi mình sống được?".

Để có được thành quả như ngày hôm nay, ý tưởng biến rác thành hoa của nhóm bạn Phạm Thái Hoàng không phải không gặp những khó khăn, trắc trở, phần lớn đến từ thái độ e dè, nghi kị của người dân đối với việc làm, mà ai cũng cho là "hoang đường, lãng mạn, phi thực tế". Hoàng kể: "Những ngày đầu đi thuyết phục các hộ dân cho phép chúng em triển khai dự án, người ủng hộ rất nhiều nhưng người phản đối cũng không ít. Có người xua tay đuổi đi, người khác lại gay gắt - "Các cô, cậu đã nghĩ đến việc rác không ở đây thì sẽ ở chỗ khác chưa mà vào đây làm loạn lên?". Thậm chí, đến khi đạt được đồng thuận cao, nhóm đã bắt tay vào thiết kế công trình thì vẫn có tình trạng người trồng hoa cứ trồng, người bỏ rác cứ bỏ".

"Gian nan là thế song khi công trình hoàn thiện, những định kiến trên cũng dần biến mất. Người sẵn lòng đứng bên chúng em chăm sóc, bảo vệ thành quả này ngày một nhiều hơn. Hễ có ai đó phóng xe qua, định thả rác tại "điểm quen", là y như rằng có người ở gần đó, lao ra nhắc nhở: "Không được bỏ rác ở đó!" - hành động tuy bình dị, đơn giản thôi nhưng đã thể hiện sự thay đổi rất lớn về ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường vì lợi ích chung của cộng đồng, điều mà trước đây như bác Lê Thị Tú (cư dân trong ngõ 169) chia sẻ thì: "- Bực lắm cũng phải nhịn, không dám góp ý vì sợ mất tình chị em, xóm giềng".

Lan tỏa hành động đẹp

Ngõ 169, Thái Hà chỉ là một trong nhiều điểm dự án "Biến bãi rác thành vườn hoa" thành công trên địa bàn Hà Nội với mong muốn không chỉ mang lại không gian xanh, sạch, đẹp lý tưởng cho những khu đất từng bị rác thải "chiếm dụng". Ý nghĩa cốt lõi mà hành động "giải cứu vỉa hè" này là mong muốn những công trình bé nhỏ ấy có thể trở thành "đòn bẩy" làm thay đổi ý thức hệ, đã hình thành, đóng kết bao năm trong tư duy nhiều người. Đàm Thanh Tùng, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chủ trì dự án "Biến bãi rác thành vườn hoa" tại ngõ 58 phố Trần Bình (Mai Dịch, Từ Liêm) cho hay: "Không chỉ nhằm giải quyết vấn đề môi trường, chúng em còn muốn kêu gọi cộng đồng chung tay, góp sức bằng những hành động cụ thể như: Sẵn sàng ra đường cùng dọn rác; ký cam kết không vứt rác; ủng hộ cây xanh hoặc tài chính; sẵn sàng chăm sóc khu vườn sau khi hoàn thiện. Điều này sẽ góp phần làm dấy lên phong trào xanh hóa đô thị, chủ động thay đổi hành vi ứng xử với rác một cách văn minh trong cộng đồng dân cư".

Những mong mỏi đó của các bạn trẻ "dám nghĩ, dám làm vì cộng đồng" đã bước đầu trở thành hiện thực. Những nơi dự án đi qua, để lại dấu ấn, đã và đang có những đổi mới rõ rệt qua những hành động bình dị nhưng đầy trách nhiệm của người dân địa phương. Từ cô bán hàng nước, chú chạy xe ôm, ông bán vé số… đều giữ một "lời hứa" bảo vệ công trình, nhắc nhở, góp ý mỗi khi có người xả rác không đúng nơi, đúng giờ quy định, chủ động tưới nước hằng ngày hoặc thay cây khi cây chết. Nhiều người khác, thấy được hiệu quả, ý nghĩa của dự án đã khuyến khích các bạn trẻ tiếp tục nhân rộng mô hình bằng việc tài trợ toàn bộ kinh phí thực hiện. Anh Hà Hồng Khiêm, trú tại ngách 42, ngõ 58 phố Trần Bình, hồ hởi: "Thành nếp rồi cô ạ. Tôi ở đây những ngày đầu còn phải nhắc nhở nhiều người, giờ tuyệt nhiên chẳng còn ai vi phạm nữa".

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổ trưởng Tổ dân phố 23, phường Mai Dịch trầm ngâm: "Cái được nhất từ hành động của các cháu sinh viên là khiến người dân thấy cần phải chung tay hành động. Vấn đề đổ rác, tưởng nhỏ mà không nhỏ. Nó đụng chạm trực tiếp tới nhu cầu thiết thực, cấp bách của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, nên nếu không có những việc làm thiết thực như thế, sẽ không thể "phá vỡ" được lối tư duy, hành xử cá nhân được. Ngay như tổ dân phố tôi, cái bãi rác tồn tại tới 15 năm với đủ kiểu bức bối mà không thể dẹp được vì nằm trên khoảng đất giáp nhiều tổ dân phố khác, dân cư đông, người ở trọ cũng nhiều, không thể quản lý hết được. Thế mà khi các cháu "vào cuộc", ý thức người dân cũng thay đổi theo. Nhân việc làm của các cháu, chúng tôi tiến hành vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ môi trường, có hình thức xử phạt hẳn hoi; đề nghị Công ty môi trường có phương án, địa điểm, giờ giấc thu gom rác thải phù hợp với lượng dân cư cùng điều kiện sinh hoạt ở tổ dân phố... Giải tỏa được những mâu thuẫn, vướng mắc này, cộng thêm thường xuyên, kiên trì vận động, chắc chắn ý thức vì môi trường của mỗi người dân sẽ ngày một tốt lên".

Cậu thanh niên, trông xe tại căn nhà đối diện vườn hoa Ngõ 58 phố Trần Bình, lại cho tôi một cảm nhận khác về những đổi thay tích cực đang nhen nhóm, lan tỏa trong cộng đồng từ khi công trình trên xuất hiện. Dù đang trong "giờ làm việc", em vẫn nhiệt tình cung cấp thông tin về vườn hoa, mỗi khi có người thích thú ngắm nhìn, hỏi han: "Do các bạn sinh viên làm đó ạ! Toàn vật liệu dễ kiếm, cây dễ trồng thôi mà sáng, đẹp hẳn lên… Chăm chút thế này đâu ai nỡ quăng rác ra đây nữa...". Giọng kể đầy hào hứng của cậu khiến tôi tin, nhiều ngày trước đó và có thể những ngày sau đây, cậu đã và sẽ còn tiếp tục "khoe" về vườn hoa mới với niềm yêu thích như thế! Điều này đúng với những gì dự án "Biến bãi rác thành vườn hoa" đang hướng tới. Đó là đánh thức, bồi đắp ý thức vun vén, chăm chút cho cộng đồng từ những hành động nhỏ bé, giản dị nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bãi rác hôm qua - Vườn hoa hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.