Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lung linh đêm Hà Nội

Trí Long| 19/06/2016 07:08

(HNM) - Đêm về, Hà Nội như khoác một tấm áo mới - tấm áo ánh sáng lung linh, huyền ảo, soi vào cảnh vật tạo nên một vẻ đẹp khác hẳn với ban ngày. Ánh sáng tạo sự hòa hợp giữa công trình kiến trúc với môi trường xung quanh.


Lung linh ánh sáng

Khác với TP Hồ Chí Minh - "thành phố không bao giờ ngủ", ở Hà Nội, người ta cảm nhận rất rõ sự thay đổi của nhịp sống từ sáng sớm tới đêm khuya. Ban ngày là sự sầm uất bao năm của đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ vồi vội người xe, còn đêm xuống, Hà Nội trầm dần lại, dịu dàng và duyên dáng hơn. Muốn ngắm thành phố về đêm, chúng ta có thể đứng trên các tầng cao ốc, các cây cầu thả hồn vào làn gió mát rượi, vừa thu được toàn bộ vẻ đẹp lung linh của thành phố trong tầm mắt. Và muốn xê dịch trong sự lung linh đó, có thể đến những khu vực như: Hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn, Lăng Bác hoặc các con đường Lê Trọng Tấn, Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Đại lộ Thăng Long, Sân bay Nội Bài… để tắm mình trong hệ thống chiếu sáng được đầu tư bài bản.

Cụ Nguyễn Văn Long - nhiếp ảnh gia thường xuyên sáng tác tại hồ Hoàn Kiếm cho biết: Hà Nội đã có nhiều thay đổi nhưng chưa bao giờ mất đi dáng vẻ cổ kính và đêm Hà Nội bao giờ cũng trầm mặc, dịu dàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hà Nội về đêm càng trở nên lung linh, giàu có về ánh sáng hơn bao giờ hết.

“Ánh sáng đô thị là minh chứng cho sự hiện đại và phát triển. Trên thế giới cũng vậy, những nơi sầm uất, phát triển đều trở nên lung linh khi đêm về. Hồ Hoàn Kiếm về đêm toát lên vẻ đẹp mới. Tháp Rùa, mặt nước, và cả những khóm hoa… cùng tỏa sáng, thứ ánh sáng dịu dàng, dễ
chịu” - cụ Long nói.

Cũng là một nhiếp ảnh gia kỳ cựu, cụ Nguyễn Tấn Vinh (80 tuổi) cũng ghi nhận những nỗ lực của Hà Nội trong việc thiết kế hệ thống chiếu sáng đô thị. Tuy nhiên, theo cụ Vinh, ở một số điểm, cần nâng cao tính thẩm mỹ và chuyên nghiệp trong thực hiện chiếu sáng đô thị. Cụ Vinh nhớ những đêm Hà Nội với ánh đèn hiu hắt nơi ngõ nhỏ, tiếng rao đêm kéo dài rơi vào không gian, tiếng chổi khua của người quét đường và những chiếc lá rơi, những bông hoa nở muộn… để cảm nhận rõ hơn những giá trị mới của Hà Nội hôm nay.

Đường Thanh Niên - con đường độc đáo nhất Thủ đô nằm giữa Hồ Tây và Trúc Bạch, nhìn từ trên cao, ban ngày giống như một cây cầu phủ kín cây xanh, còn về đêm tuyến đường lại biến thành cây cầu ánh sáng. Trên trục đường còn có chùa Trấn Quốc - một ngôi chùa cổ của Hà Nội, được xây dựng từ thời nhà Lý. Đêm xuống, hệ thống chiếu sáng được bật lên, cả một khu vực hòa vào “dàn đồng ca” ánh sáng, để con đường này trở thành một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội.

Con đường kiểu mẫu của Hà Nội - đường Lê Trọng Tấn cũng có thể đem đến cho nhiều người sự thăng hoa sau những mệt nhọc của ngày làm việc vất vả. Thiết bị chiếu sáng tại đây là loại đèn LED tiết kiệm điện năng, ánh sáng không chói chang và có tính thẩm mỹ, tạo không gian lãng mạn cho người dân trong khu vực hay chỉ đơn giản là tạo cảm hứng cho giới trẻ đi phượt đêm.

Nguyễn Hoàng Hải - sinh viên Đại học Kiến trúc là một “tín đồ” của "phượt đêm". Anh cùng bạn bè rong ruổi khắp những con đường, con ngõ, vì thế, ánh sáng của đêm Hà Nội là một phần không thể thiếu đối với anh và bạn bè trên từng cung đường. Hoàng Hải kể: Đứng trên những điểm cao nhìn xuống, thành phố rực rỡ sắc màu. Còn đi vào từng con đường, hệ thống chiếu sáng được thiết kế với những nét hoa văn quyến rũ, dịu nhẹ nhưng vẫn đầy đủ màu sắc. Nhiều khi cả nhóm dừng lại để ghi hình những khoảnh khắc lung linh trên tuyến phố từng qua.

“Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ ở một số khu vực công cộng có không gian rộng, khu vực có nhiều cây xanh… cần sử dụng ánh sáng lạnh để tạo ra cảm giác hiện đại, làm tăng chiều cao công trình. Còn ở một số vị trí như mặt tiền các ngôi nhà ốp bằng gạch đỏ hoặc sơn màu sẫm và đặc biệt là công trình cổ không nên sử dụng ánh sáng lạnh để chiếu sáng” - Nguyễn Hoàng Hải nói.

Đẹp và... tiết kiệm!

Chiếu sáng đô thị là việc khai thác hiệu quả ánh sáng nhân tạo để khắc họa, làm nổi bật các đặc điểm kiến trúc đặc trưng nhằm tạo ra bộ mặt thứ hai hấp dẫn, sống động rực rỡ hơn cho công trình về đêm. Với hệ thống chiếu sáng đô thị được đầu tư bài bản, nhiều khu vực của Hà Nội trở thành địa chỉ vui chơi, sáng tác hoặc để lắng mình khi muốn cân bằng cuộc sống.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát các dự án chiếu sáng nếu trong thiết kế vẫn sử dụng đèn sợi đốt, halogen, compact huỳnh quang… sẽ chuyển sang sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng (đèn LED). Đồng thời ưu tiên sử dụng đèn LED để thay thế đối với các tuyến phố, khu vực có hệ thống chiếu sáng đã xuống cấp. Thành phố tuyệt đối không cho phép sử dụng bóng đèn sợi đốt và halogen trong hệ thống chiếu sáng công cộng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị cho biết: Chiếu sáng công cộng Hà Nội mỗi năm tiêu thụ khoảng 400.000Kwh điện, kinh phí điện năng chiếm 65% tổng kinh phí duy trì hệ thống chiếu sáng và một năm TP Hà Nội chi khoảng 130 tỷ đồng cho chiếu sáng công cộng.

Hiện nay, hệ thống đèn LED sử dụng trong chiếu sáng công cộng chỉ chiếm khoảng 5%. Sử dụng đèn LED sẽ tiết kiệm được 40 - 50% điện năng tiêu thụ, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, ngành điện bớt được nỗi lo thiếu điện. Việc thí điểm hệ thống chiếu sáng này trên tuyến đường Trần Hưng Đạo đã bước đầu nhận được sự ủng hộ của người dân và giới chuyên môn về chất lượng và xu hướng tiết kiệm năng lượng.

Tại các nước phát triển trên thế giới, việc chiếu sáng các công trình kiến trúc, tượng đài, công viên - vườn hoa... được xem là một thành phần quan trọng trong hệ thống chiếu sáng đô thị. Ở Việt Nam hệ thống chiếu sáng các công trình kiến trúc đã bắt đầu được quan tâm đầu tư như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các công trình kiến trúc xung quanh Hồ Gươm… mang lại hiệu quả rõ nét.

“Xét trong tổng thể kiến trúc, ánh sáng làm nổi bật các nét riêng biệt của từng hình dáng, từng cá thể, từng chi tiết trong tổng thể hài hòa có sự đan xen phong phú, đóng vai trò trung gian tạo sự hòa hợp giữa công trình kiến trúc với môi trường xung quanh. Đồng thời, ánh sáng cũng làm tăng giá trị nghệ thuật của công trình kiến trúc” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam Nguyễn Hồng Tiến nhận định, trong những năm qua đô thị của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, các công trình phục vụ đô thị được nâng cấp, cải tạo; bộ mặt đô thị có những khởi sắc, chất lượng cuộc sống được nâng cao trong đó có sự góp phần quan trọng của chiếu sáng công cộng. Và Hà Nội lung linh mỗi khi đêm về là một điểm nhấn nổi bật trong sự khởi sắc đó. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lung linh đêm Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.