Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóm trọ của bà Đỏ

Tâm An| 25/06/2016 06:16

(HNM) - Xóm trọ - cụm từ lâu nay luôn gợi lên những hình ảnh tạm bợ, nhếch nhác; tạm bợ từ nhà cửa, đường đi lối lại đến tình cảm của những người hằng ngày vẫn ra vào giáp mặt nhau. Nhưng ở xóm trọ của bà Đỏ, nhờ tấm lòng thơm thảo của ông bà, nơi đây đã trở thành một đại gia đình, ấm tình người phố thị...

Đầu bếp chung của xóm trọ!

Trưa tháng 6, Hà Nội nắng như đổ lửa. Vừa đến cổng khu nhà trọ của gia đình bà Nguyễn Thị Đỏ ở số 10, ngõ 1096 Đường Láng, Đống Đa, chúng tôi đã thấy ấn tượng với tấm bảng ghi những dòng chữ viết vội: "Hôm nay 38 độ! Cháo, cháo, cháo - các bạn ơi! Gạo, đỗ đen, đỗ xanh, hạt sen, đường, món tủ của bác. Hơn 5 giờ chiều các cháu tự giác múc mỗi phòng một bát nhé!".

Chủ nhân của những dòng chữ ấy không ai khác chính là bà Đỏ - chủ nhà của xóm trọ này. Vốn là một người cởi mở, nhiệt tình nhưng khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện viết bài, bà xua tay, cười hiền: “Chuyện thường thôi, có gì to tát đâu!”. Phải thuyết phục mãi, người phụ nữ gốc Hà thành mới chịu chia sẻ một vài mẩu chuyện thú vị đằng sau việc trở thành "đầu bếp xóm trọ" của mình. Bà kể, việc nấu ăn cho khách trọ ban đầu xuất phát từ sở thích của ông Nguyễn Ngọc Hải, chồng bà. Ông Hải rất mê câu cá và cũng rất “sát” cá. Mỗi lần ông đi câu về, cá nhiều, gia đình đều giữ lại để ăn hoặc đem cho chứ không bao giờ bán. Ngặt nỗi nhà neo người, thành thử cá không ăn hết mà chất đầy trong tủ lạnh. Chẳng thế mà thỉnh thoảng, bà vẫn vờ trách chồng: “Câu được thì thả đi, đem về chật nhà”.

Bà Đỏ với các thành viên xóm trọ.


Chợt nhớ đến những bữa cơm chỉ có rau muống với lạc rang của cô, cậu sinh viên xa nhà, một buổi chiều nọ, bà hì hục rửa sạch xoong nồi, rồi lấy tất cả số cá ra nấu một nồi canh chua cá thơm lừng. Xong xuôi, bà Đỏ gọi tất cả mọi người trong xóm trọ xuống, tự tay múc cho mỗi phòng một bát lớn mang về. “Đó là lần đầu tiên tôi nấu một nồi canh cá “khủng” như thế. Mới đầu thì cũng thấy hơi cực! Nhưng khi nhìn thấy những khuôn mặt rạng rỡ, háo hức của các con, tôi có cảm giác như mọi mệt mỏi đều tan biến hết”, nở nụ cười rạng rỡ, bà nhớ lại.

Kể từ ngày hôm ấy, bà Đỏ trở thành đầu bếp chung của cả xóm trọ với những món ăn miễn phí, giản dị mà ấm tình người. Nhìn vẻ vui tươi, lạc quan bên ngoài, ít ai nghĩ bà Đỏ bệnh hen suyễn kinh niên, hễ ngồi lâu bên bếp than là những cơn khó thở lại thi nhau ập đến. Thế nhưng, vượt qua mọi rào cản về tuổi tác và bệnh tật, người phụ nữ ấy tranh thủ nấu những món ăn ngon cho khách trọ. Ban đầu là canh cá nấu chua, dần dần là chè đỗ đen, cháo, dưa muối… Ban đầu là cá do chồng bà câu được, về sau bà chắt chiu cả những đồng lương hưu của mình, trích tiền thuê nhà hằng tháng để mua thực phẩm dành nấu cho xóm. Chẳng hạn như có dạo, sau khi nghe tivi thông báo sắp có bão đổ bộ về Hà Nội, bà chạy ngay ra chợ mua hơn chục cân dưa về muối sẵn vì sợ “nhỡ các cháu đi học, đi làm không đi chợ được thì còn có cái ăn”. Đến khi bão về, trời mưa ròng rã suốt mấy ngày liền, nhưng cả xóm trọ vẫn ung dung đã có “dưa bác Đỏ” chống đói. Mới đây, đúng vào đợt Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, bà vẫn cặm cụi bên bếp than tổ ong từ sáng sớm để nấu chè cho cả xóm giải nhiệt.

Nói về vị chủ nhà đặc biệt này, anh Trường An, cựu sinh viên Trường Đại học Thương mại chia sẻ: “Những món ăn của bác ấy không chỉ ngon mà nó còn giống như sợi dây liên kết, giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Ở đây hiện có khoảng 40 phòng, mọi người đến từ những vùng miền khác nhau nhưng tất cả luôn yêu thương, chia sẻ với nhau giống như một đại gia đình vậy. Quả thực chúng tôi cảm thấy rất “đỏ” khi được là khách thuê trọ của bác Đỏ”.

Bà chủ nhà “xì-tin”

Không chỉ là một bà chủ nhà với những món ăn ngon miễn phí, bà Đỏ còn được biết đến là một người ân cần, chu đáo. Khách thuê trọ chủ yếu là sinh viên. Hiểu rõ những khó khăn, vất vả của các em khi phải sống xa nhà, xa bố mẹ, bà luôn chủ động quan tâm, hỏi han tới từng người. Mỗi khi có đồ ăn ngon, bà đều chia sao cho tất cả mọi người đều có phần. Những ai đi làm, đi học về muộn, bà đều để phần cẩn thận, đợi họ về thì mang lên tận phòng. Cũng chẳng biết từ bao giờ, bà Đỏ giống như người bà, người mẹ, người bạn của bao thế hệ sinh viên thuê trọ tại đây. Hễ có chuyện buồn, chuyện vui, các em đều tìm đến bà chia sẻ. Ngược lại, mỗi khi có chuyện phiền lòng, bà cũng tìm các em để tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, quê Bắc Giang, đến xóm trọ này từ lúc mới lớ ngớ bước chân về Hà Nội nhập học. Đến nay, tuy đã ra trường và đi làm nhưng chị Ngọc chưa hề nghĩ tới việc sẽ rời khỏi nơi này, một phần vì lý do kinh tế, một phần bởi thứ tình cảm đặc biệt mà chị dành cho bà chủ nhà đáng kính. Nhắc lại những kỷ niệm về bà Đỏ, chị cười: “Hồi sinh viên tôi phải đi làm thêm khá nhiều. Theo quy định chung, cứ khoảng 23h là khu trọ đóng cửa nhưng khi biết hoàn cảnh của tôi, bác Đỏ chẳng những thông cảm mà còn luôn tạo điều kiện cho tôi đi làm. Gần như tối nào tôi cũng thấy bác đứng cửa ngóng chờ, chừng nào thấy chúng tôi về nhà an toàn thì bác mới đóng cửa và chịu đi ngủ. Đó là điều khiến tôi cảm động và luôn biết ơn bác ấy”.

Chị Nguyễn Thu Hoài, quê Bắc Giang, cũng chia sẻ thêm: “Có một điều đặc biệt là mặc dù xây nhà trọ cho thuê đến nay đã được 8 năm nhưng chưa một lần bác Đỏ tăng tiền phòng. Riêng tiền điện nước, trước khi tăng, bác cũng chủ động tham khảo ý kiến các phòng xem tăng lên mức nào cho hợp lý. Ngoài ra, những ai có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập cũng đều được ưu tiên giảm giá phòng”.

Bên cạnh việc quan tâm đến cuộc sống của mọi người, bà Đỏ cũng rất hay tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ mỗi dịp nghỉ lễ cho sinh viên. Ngày Tết dương lịch, ngày 8-3... dịp nào bà cũng trích quỹ xóm trọ hoặc bỏ tiền túi mua kẹo bánh, hoa quả liên hoan cho cả xóm. Đặc biệt, mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng độ “xì-tin” của bà Đỏ dường như không thua kém bất cứ thanh niên nào. Nhiều khi cao hứng, vợ chồng bà cũng rủ sinh viên lên nhà, bác cháu hát karaoke suốt mấy tiếng đồng hồ mới chịu nghỉ. Những buổi hát karaoke ấy, bà và chồng thường song ca vài bài "tủ" trước sự ngưỡng mộ và hào hứng của cánh sinh viên.

Những ngày gần đây, cái tên bà Đỏ trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội bởi việc làm ý nghĩa của bà được một khách thuê trọ chia sẻ với bạn bè facebook. Bà lúc nào cũng bận tíu tít trả lời tin nhắn điện thoại, tiếp khách đến hỏi thuê trọ. Nhưng 40 phòng đều đã kín bưng. Bà Đỏ bảo: “Chỉ mong mình có sức khỏe, tiếp tục giúp đỡ được các con. Hy vọng rằng xóm trọ Hải Đỏ luôn đông vui, đoàn kết và các con yêu thương, gần gũi nhau như người trong nhà”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóm trọ của bà Đỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.