Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nan giải bài toán hạ tầng

Chí Đạo - Nguyễn Mai| 29/06/2016 06:10

(HNM) - Một con kênh khô khốc vì thiếu nước, những con đường, cây cầu đã được phê duyệt nhưng chưa biết đến bao giờ dự án mới triển khai… Đó là thực tế đang diễn ra ở nhiều thôn, xã đặc biệt khó khăn của Hà Nội. Rồi tình trạng thiếu tư liệu sản xuất, đường sá xa xôi, cách trở, trình độ dân trí còn hạn chế…


Hạ tầng khó khăn

Thôn Sui Quán (xã Khánh Thượng, Ba Vì) nằm ngay dưới chân núi Ba Vì. Để đến được trung tâm thôn, chúng tôi phải chạy xe máy men theo đường 415 - Hương Canh rồi rẽ vào đường Ninh - Mít với tổng chiều dài 7km - tính từ UBND xã. Đường đã được bê tông hóa nhưng để vào bản Mường Sui Quán phải vượt qua nhiều đồi núi, đèo dốc, khe suối. Trưởng thôn Sui Quán Nguyễn Xuân Ngoan, khẳng định vấn đề cần được quan tâm nhất ở thôn là hạ tầng giao thông và kênh mương thủy lợi.

Đường đất tại thôn Sui Quán, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì).




Hiện thôn có 135 hộ dân với 22ha đất nông nghiệp, trong đó có 15ha đất trồng lúa, nhưng sản xuất bấp bênh vì thiếu nước tưới nên người dân phải chuyển đổi một số diện tích sang trồng màu. “Chúng tôi mới được đầu tư 3 hồ giữ nước, phải xây dựng thêm 6 hồ nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nông nghiệp” - ông Ngoan kiến nghị. Khoảng 10ha đất nông nghiệp ở Gốc Sung, Đồng Nội, Bái Quan vì thiếu nước nên sản xuất không hiệu quả, thậm chí phải bỏ hoang. Một thực trạng khác ở Sui Quán là hạ tầng giao thông, đường đất (chiếm 50%) nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Anh Đinh Văn Thanh, nhà ở cụm Chằm, thôn Sui Quán cho biết: “Trời nắng còn đi được xe máy, mưa xuống là cả cụm dân cư gồm 17 gia đình phải gửi xe máy lội bộ về nhà. Mưa lớn, nước lũ dâng cao thì thôn bị chia cắt hoàn toàn. Chúng tôi tha thiết kiến nghị được đầu tư xây dựng một con đường bê tông để đi lại đỡ khổ”.

Thực tế ở Sui Quán cũng tương tự như các thôn đặc biệt khó khăn khác của xã Khánh Thượng, gồm Ninh, Gò Đình Muôn, Đồng Sống. Theo Trưởng thôn Gò Đình Muôn Trần Văn Tính, thôn có 69/193 hộ nghèo, hệ thống kênh mương và 70% đường giao thông chưa được bê tông hóa, hệ thống điện chất lượng kém, không an toàn, bị cắt liên tục. Ở thôn Ninh, theo ông Đinh Văn Trình, Trưởng ban Công tác mặt trận, người dân trong thôn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó có vấn đề nước sạch. Hiện khoảng 40% hộ dân có điều kiện đã đầu tư được đường ống dẫn nước suối từ trên núi về sử dụng, còn lại vẫn phải dùng nước giếng khoan bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết thêm, xã có 6 thôn, gồm: Gò Đình Muôn, Bắt Còn Chèm, Đồng Sống, Hương Canh, Sui Quán và Mít phải dùng điện của Công ty Điện lực Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) nên chất lượng không ổn định, đường điện chưa an toàn, nhất là đối với nhân dân sinh sống ở khu vực quanh chân núi Ba Vì.

Tương tự xã Khánh Thượng, tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì) cũng có 3 thôn đặc biệt khó khăn là Đầm Sản, Cốc Đồng Tâm và Dy. Ông Phạm Tiểu Long, Chủ tịch UBND xã Minh Quang băn khoăn: “Nhiều tuyến đường giao thông, tuyến kênh mương vẫn là đường đất đã cản trở việc thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số”. Ông Long nêu ví dụ: “Dự án tuyến đường huyết mạch ở thôn Đầm Sản được phê duyệt từ năm 2011, người dân đã hiến đất, hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa được thi công”.

Thiếu đất canh tác

Trong khi đó, tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đường sá được đầu tư nhưng bao nhiêu năm qua, nhiều hộ dân vẫn chưa thoát được cái nghèo đeo đẳng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Ngự: “Sau nhiều cố gắng, tỷ lệ hộ nghèo của An Phú năm 2015 đã giảm xuống còn 19,6%. Tuy nhiên, theo tiêu chí mới năm 2016, hộ nghèo ở An Phú lại “nhảy lên” con số 710, chiếm 34,8% số hộ dân trong xã. Giãi bày về cái nghèo đeo bám, ông Ngự cho biết: Người dân An Phú chỉ có nghề nông, mà làm nghề nông có mấy khi giàu. Không những vậy, sản xuất lại manh mún, lũ rừng ngang thường “dội” về nên mùa vụ bấp bênh. Mới tháng 4 vừa qua, lũ rừng ngang đổ về làm 37,4ha lúa ở các thôn Đồng Chiêm, Ái Nàng, Đức Dương, Thanh Hà đã vào kỳ “đỏ ngọn” bị ngập trắng.

Xã An Phú có 13 thôn, diện tích tự nhiên hơn 2.200ha, bằng 1/10 diện tích huyện Mỹ Đức. Đất rộng, nhưng dân lại thưa nên việc đầu tư cho giao thông, thủy lợi nội đồng gặp vô vàn khó khăn. Sản xuất nông nghiệp chỉ có vụ xuân là ăn chắc, vụ mùa thường bị mưa úng và hạn hán. Các thôn Đình, Bơ Môi, Dộc Éo có khoảng 30ha sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào “nước trời” nên bà con dân tộc thường bỏ đất hoang. Những năm gần đây, mỗi năm An Phú được Nhà nước hỗ trợ đầu tư 50-60 tỷ đồng. Trường học, trạm y tế, đường giao thông được xây dựng khang trang, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tại một số nơi, người dân phải ra đồng bằng thuyền. Địa phương đã lập dự án xin xây cầu từ những năm 2010, được thành phố chấp thuận, nhưng…

Một thách thức nữa với khu vực đặc biệt khó khăn này là đất sản xuất. Tại xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai), theo Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Thảo, địa hình hầu hết là đất đồi dốc, diện tích đất trồng lúa ít, chỉ 37,5ha, chiếm 4,15% tổng diện tích đất tự nhiên. Hai thôn Đồng Vỡ và Trán Voi, người dân sống rải rác dưới chân núi nên có nhiều hộ nghèo so với các thôn khác. Trưởng thôn Đồng Vỡ Đinh Mai Quang cho biết, cả thôn có hơn 70 hộ dân nhưng chỉ có 7ha đất nông nghiệp, trong đó đất cấy lúa 1ha, còn lại là đất vườn đồi trồng ngô, khoai, sắn hiệu quả kinh tế rất thấp. Về hạ tầng giao thông, hiện mới có đường trục chính vào thôn được bê tông hóa, còn lại là đường đất. Chủ tịch Bùi Văn Thảo cho biết thêm, xã xác định khó khăn về tư liệu sản xuất nên đã khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế đồi rừng, xây dựng trang trại VAC, đẩy mạnh chăn nuôi...

Thực tế này tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) còn nan giải hơn. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết, do thiếu đất canh tác, người dân không có việc làm, trong khi trình độ dân trí của bà con còn thấp, chưa nhạy bén trong tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật; chăn nuôi, trồng trọt phần lớn vẫn mang tính tự phát, quảng canh. Xã Ba Vì có tổng diện tích tự nhiên hơn 2.540ha, trong đó có 2.201ha nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì, còn lại 340ha do xã quản lý, trong đó chỉ có 18ha đất trồng lúa. “Tư liệu sản xuất ít, thiếu việc làm nên người dân phải tìm nhiều cách để kiếm sống” - ông Liên nói. Trên thực tế, không chỉ thiếu đất sản xuất, mà ngành nghề phụ ở xã gần như không có, ngoại trừ nghề thuốc Nam với 141 hộ tham gia. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nghề này cũng đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. Chính vì thực tế này mà nhiều năm qua tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Ba Vì luôn ở mức rất cao, được đánh giá là xã nghèo và chậm phát triển của TP Hà Nội. Mới đây, về thăm và tặng quà tại xã Ba Vì, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gợi mở: Để giảm nghèo bền vững, bên cạnh công tác thống kê, hỗ trợ, chính quyền xã Ba Vì cần lắng nghe tâm tư của người dân, cân nhắc để chọn ra mô hình phát triển hiệu quả, phù hợp nhất với đặc thù địa phương, đem lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, từ đó báo cáo để thành phố có phương án hỗ trợ, nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nan giải bài toán hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.