Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Hỗ trợ “cần câu” để tự “câu cá”

Chí Đạo - Nguyễn Mai| 30/06/2016 06:21

(HNM) - Giải “bài toán” thoát nghèo cho người dân ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm; đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc từ các cấp, các ngành, các cơ quan hữu trách của thành phố.

Tại dự thảo phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016-2020, Thành ủy Hà Nội đưa ra mục tiêu: Đến năm 2018 không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; đến cuối năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,8%... Việc đầu tư cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn sẽ được thực hiện theo quan điểm thống nhất là trang bị “cần câu” để cho người dân tự “câu cá”.

Nghề trồng, chế biến thuốc Nam của người Dao, xã Ba Vì, huyện Ba Vì.


Cần hỗ trợ kiến thức...

Huyện ủy Mỹ Đức đã ban hành Nghị quyết, đặt mục tiêu đến hết năm 2016 đưa An Phú thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, không còn thôn đặc biệt khó khăn. Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm cụ thể hóa mục tiêu này. Hệ thống trường học, trạm xá đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn về sản xuất, kế hoạch hóa gia đình; đồng thời tiếp tục xây dựng đề án giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sức, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mỹ Đức, điểm hạn chế hiện nay là nguồn vốn đầu tư của Trung ương và thành phố cho vùng đồng bào dân tộc còn dàn trải, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vốn cho khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật còn ít nên chưa đáp ứng được việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai còn chậm... Vì vậy, số lượng hộ nghèo vẫn cao và số hộ nếu đã thoát nghèo thì chưa bền vững.

Theo ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, để đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo cho các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đã chỉ đạo các xã chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói nghèo gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Tha, Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang (huyện Ba Vì) nhấn mạnh: “Chúng ta cần nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi trồng các cây, con cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa “cầm tay chỉ việc” nhưng cũng cần hỗ trợ người dân bằng những việc làm thiết thực nhất để tạo được “cần câu cơm” bền vững, hiệu quả cho đồng bào”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú (huyện Mỹ Đức), những năm qua, hạ tầng ở các xã miền núi cơ bản được Nhà nước đầu tư, vì vậy ở thời điểm này nông dân cần nhất là được hỗ trợ kiến thức, hỗ trợ “cần câu” để tự “câu cá”.

Thực tế ở một số xã nghèo cũng cho thấy, những hộ có tư duy nhạy bén, dám nghĩ, dám làm vẫn có nhiều cơ hội để vươn lên thoát nghèo. Một số hộ ở An Phú đã chuyển từ lúa sang trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao hơn; ở thôn Sui Quán, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) một số hộ như ông Đinh Văn Thị, ông Đinh Văn Đường nuôi trâu, ông Đặng Văn Thêm làm gạch xi măng, ông Nguyễn Đức Kỷ mở xưởng chế biến lâm sản… đã vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu...

... và cũng phải nỗ lực

Ngày 29-2-2016, Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định 75/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách 3.423 thôn đặc biệt khó khăn của 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư: 3.372 thôn của 41 tỉnh. Tại Hà Nội, hiện còn 17 thôn và 2 xã đặc biệt khó khăn, trong đó nhiều nhất là ở huyện Ba Vì với 13 thôn ở các xã Ba Trại, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài; huyện Quốc Oai có 4 thôn ở xã Đông Xuân và Phú Mãn. Hà Nội cũng còn 2 xã là Ba Vì (huyện Ba Vì) và An Phú (huyện Mỹ Đức) nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016 theo Quyết định 204/QĐ-TTg ngày 1-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy trong chương trình công tác toàn khóa, chương trình hành động và chương trình công tác năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy đã thể hiện quyết tâm rất cao đối với phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, Thành ủy Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đến năm 2018 sẽ không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn. Theo ông Nguyễn Tất Vinh, cùng với chương trình xây dựng NTM, một nơi có thể thoát khỏi diện thôn, xã đặc biệt khó khăn ngay trong năm 2016 như các xã ở Quốc Oai, Mỹ Đức, bởi nhiều tiêu chí đang tiệm cận với các tiêu chí đạt chuẩn NTM.

Theo Phó ban Dân tộc thành phố Nguyễn Ánh Dương, để các xã, thôn đặc biệt khó khăn vươn lên, cần nhất là phát triển kinh tế bền vững. Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm và có nhiều chương trình phát triển KT-XH khu vực này, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nước sạch, vay vốn... nhưng nếu người dân không nỗ lực vươn lên thì rất khó đổi thay. “Hạ tầng đã được đầu tư thay đổi vượt bậc, nhưng vẫn không thể bền vững nếu tư duy của người dân không thay đổi. Người dân phải chủ động, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo” - ông Nguyễn Ánh Dương cho biết thêm: So sánh giữa đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư phát triển sản xuất, có thể thấy kết quả của hạ tầng dễ nhận thấy hơn; chính quyền cơ sở có lúc, có nơi vì nhiều lý do cũng sốt sắng làm hạ tầng hơn và chưa mặn mà với các dự án đầu tư cho sản xuất, việc này cần phải xem xét lại.

Mới đây, Ban Dân tộc đã xây dựng Đề án; Xây dựng mô hình phát triển KT-XH bền vững cho đồng bào Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì giai đoạn 2015-2020 được thành phố phê duyệt. Đây là một trong những đề án cụ thể để hỗ trợ đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo ông Nguyễn Tất Vinh, nếu thực hiện quyết liệt kế hoạch phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016-2020, chắc chắn các xã, thôn của Hà Nội sẽ thoát khỏi danh sách thôn xã đặc biệt khó khăn vào năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Hỗ trợ “cần câu” để tự “câu cá”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.