Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao doanh nghiệp vẫn vi phạm?

Thiện Mỹ| 06/07/2016 06:15

(HNM) - Hàng loạt vi phạm của các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Hoài Đức đã được Báo Hànộimới phản ánh trong số báo ra ngày 1-4-2016, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để bất kỳ trường hợp nào. Thậm chí, vi phạm vẫn diễn ra công khai.


Trạm trộn “vây” đô thị mới…

Qua cầu vượt An Khánh, cạnh tuyến đường chính vào xã Lại Yên huyện Hoài Đức là khu đô thị (KĐT) Splendora với nhiều tiện ích. Tuy nhiên, tứ phía KĐT đều bị bao bọc bởi các trạm trộn bê tông. Theo phản ánh của người dân nơi đây, cơ sở hạ tầng bên ngoài KĐT không bảo đảm, các trạm trộn bê tông liên tục “hành hạ” người dân suốt nhiều năm qua. Cuối năm 2015, cư dân KĐT đã gửi đơn đến UBND huyện Hoài Đức, phản ánh nạn ô nhiễm môi trường do các trạm trộn bê tông gây ra… Và ngày 28-10-2015, UBND thành phố có văn bản số 7444/VP-XDGT gửi Công an thành phố, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng…, yêu cầu các đơn vị này tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe chở quá tải trọng cho phép, xe chở vật liệu, trạm trộn bê tông hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường; kiểm tra các đơn vị vận tải trên địa bàn có phương tiện vi phạm quy định về tải trọng, xử lý nghiêm vi phạm, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các trường hợp cố tình vi phạm… Tuy nhiên, chỉ đạo này không được thực hiện triệt để. Và nữa, người dân trong khu vực đã nhiều lần tổ chức họp với chủ các trạm trộn, yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm dọn vệ sinh môi trường nhưng không mang lại bao nhiêu kết quả.

Ô nhiễm “vây” đô thị Splendora.


Để tìm hiểu bản chất vụ việc, hơn một tháng qua, phóng viên Báo Hànộimới đã nhiều lần có mặt tại khu vực này và nhận thấy, trên cầu vượt An Khánh cũng như đoạn đường gom đại lộ Thăng Long qua KĐT Splendora có rất nhiều đá mạt rơi vãi và bụi vẫn mù trời. Đặc biệt, rất nhiều xe chở vật liệu và xe trộn bê tông cố tình đi ngược chiều. Một người bán hàng nước gần cầu vượt An Khánh cho biết: Mấy năm nay, từ khoảng 17h hôm trước đến rạng sáng hôm sau có rất nhiều xe chở vật liệu, xe trộn bê tông đi ngược chiều, nhưng không mấy khi bị lực lượng chức năng xử lý. Từ sáng đến giờ (khoảng 8h30 ngày 1-7) đã có khoảng 30 xe chạy như vậy. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, đại diện Đội CSGT số 11 khẳng định “Vi phạm vẫn bị xử lý”... Thực tế đó đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Chủ các trạm trộn bê tông, các đơn vị vận tải đã làm gì để có thể được vi phạm thoải mái đến như vậy”?

Vi phạm thành hệ thống?

Theo rà soát ban đầu, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 25 trạm trộn bê tông và tất cả đều vi phạm quy định của pháp luật (phản ảnh trong số báo ra ngày 1-4-2016). Có 3/25 trạm trộn xả thẳng nước thải ra kênh T24 và một số trạm trộn xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng không bị xử lý. Đặc biệt, một số trạm trộn bê tông trước kia được chính quyền sở tại chấp thuận cho hoạt động có thời hạn, nhưng khi hết thời gian được phép tồn tại, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động vì không bị cơ quan nào đình chỉ!?

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn và phải bị xử lý nghiêm minh; khắc phục hậu quả theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Hoài Đức vẫn có những trạm trộn bê tông dù đã bị cơ quan chức năng lập biên bản, nhưng chưa xử lý dứt điểm… Bên cạnh đó, nhiều trạm trộn đã bị xử phạt hàng chục triệu đồng, song phạt rồi để đấy, vi phạm vẫn tồn tại… Đến nay, khi hàng loạt các trạm trộn bê tông bị cơ quan chức năng yêu cầu di dời, dừng hoạt động, một số doanh nghiệp lại có đơn xin lùi thời điểm xử lý với lý do như: Chưa tìm được địa điểm; nhiều đơn hàng có giá trị hàng tỷ đồng, nếu dừng sản xuất sẽ thiệt hại hay một số doanh nghiệp đang thi công các công trình trọng điểm của thành phố… Điều này khiến dư luận bức xúc, nhiều người cho rằng, doanh nghiệp không thể tùy tiện hoạt động, khi buộc phải khắc phục vi phạm lại tìm lý do trì hoãn.

Một vấn đề khác là trường hợp của Công ty TNHH Sungshin Vina tại cụm Công nghiệp Lại Yên. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đã được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sản xuất đồ gỗ, cọc bê tông và bê tông thương phẩm. Bà Thái Thị Ngọc Phượng, Trưởng phòng Quản lý Hành chính của Công ty cho biết: “Tháng 6-2010, Công ty xây dựng xong trạm trộn và đi vào hoạt động. Hầu hết các thủ tục Công ty đã hoàn thiện, nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng. Thời điểm xây dựng trạm, Công ty đã xin giấy phép xây dựng, nhưng vì UBND thành phố chưa lập xong quy hoạch phân khu nên cơ quan chức năng chưa cấp phép. Chúng tôi đã gửi văn bản, đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn quy trình xin cấp giấy phép xây dựng… Nhưng ngay cả khi quy hoạch của thành phố đã lập xong, chúng tôi vẫn không nhận được hướng dẫn của các sở, ngành. Được biết, theo quy hoạch chung, xã Lại Yên có chức năng là đô thị, không còn có cụm công nghiệp nên chúng tôi rất lo lắng…”.

Công ty TNHH Sungshin Vina chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng trạm trộn bê tông đã hoạt động là vi phạm quy định. Có điều hoạt động này lại diễn ra trên đất đã được cấp giấy chứng nhận “sản xuất bê tông thương phẩm”. Vậy cơ quan chức năng sẽ giải quyết việc này ra sao để vừa xử lý được vi phạm vừa bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp?

Hết nhiệm kỳ, hết trách nhiệm?

Với vai trò là đơn vị quản lý toàn diện ở cấp xã, lãnh đạo không ít địa phương cũng bức xúc với vấn nạn từ trạm trộn bê tông. Ông Đỗ Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho biết: Trên địa bàn xã có 6 trạm trộn bê tông. Hoạt động của các trạm gây nhiều phiền phức cho người dân và làm ô nhiễm môi trường. Trong thời gian qua, người dân địa phương đã nhiều lần lên tiếng phản đối hoạt động của các trạm trộn… UBND xã đã báo cáo huyện, đề nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm nhưng kết quả còn hạn chế. Các doanh nghiệp không phối hợp tích cực với UBND xã; thậm chí hồ sơ hoạt động của các doanh nghiệp, UBND xã cũng không có bởi thẩm quyền cho thuê đất trong cụm Công nghiệp Lại Yên thuộc UBND huyện và UBND thành phố…

Trong quá trình xác minh sự việc, chúng tôi nhận thấy có nhiều vấn đề chưa được lý giải một cách thỏa đáng. Đó là vì sao nhiều cơ quan có thẩm quyền vẫn kiểm tra mà hàng loạt trạm trộn bê tông vẫn vi phạm các quy định về đất đai, môi trường, giao thông…? Trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tham mưu từ các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện Hoài Đức đến các cơ quan hữu quan đang ở đâu? Trong khi đó, khi đề cập đến vai trò của chính quyền sở tại, một số lãnh đạo các xã cho biết “mới nhận nhiệm vụ nên không rõ?”.

Thực tế, nhu cầu cung cấp bê tông thương phẩm cho các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố hiện rất lớn nên nhiều doanh nghiệp hoạt động theo kiểu được ngày nào hay ngày đó. Thực trạng này nhiều năm qua không được xử lý dứt điểm đã khiến các doanh nghiệp "nhờn luật". Phải chăng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao doanh nghiệp vẫn vi phạm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.