Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phổ cập bơi ở Hà Nội: Nhọc nhằn vì thiếu bể bơi!

Vũ Quỳnh| 14/07/2016 07:46

(HNM) - Việc phổ cập kỹ năng bơi lội cũng như tuyên truyền kiến thức chống đuối nước cho trẻ em được đặt lên vai các Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) quận, huyện. Thế nhưng, mới chỉ có 12/30 Trung tâm TDTT tại Hà Nội có bể bơi. Đây chính là rào cản làm khó việc đẩy nhanh tốc độ phổ cập kỹ năng bơi cho trẻ em.

(HNM) - LTS: Chỉ trong vài tháng qua, hàng chục trẻ em trên cả nước đã không bao giờ trở về khi ra sông, hồ tắm cùng bạn bè. Những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra, bất chấp việc đã có nhiều lời cảnh báo. Do vậy, phổ cập kỹ năng bơi lội cũng như tuyên truyền kiến thức chống đuối nước cho trẻ em càng trở nên cấp thiết. Từ nhiều năm nay, Hà Nội ráo riết thực hiện việc này, nhưng vì thiếu cơ sở vật chất - tình trạng “trống” bể bơi khiến kết quả đạt được không như mong đợi. Nhiều quận, huyện đang chờ một “cây gậy dẫn đường” để mọi trẻ em đều có thể tự bảo vệ mình trong môi trường sông nước...

Bài đầu: Đâu là rào cản?

Việc phổ cập kỹ năng bơi lội cũng như tuyên truyền kiến thức chống đuối nước cho trẻ em được đặt lên vai các Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) quận, huyện. Thế nhưng, mới chỉ có 12/30 Trung tâm TDTT tại Hà Nội có bể bơi. Đây chính là rào cản làm khó việc đẩy nhanh tốc độ phổ cập kỹ năng bơi cho trẻ em.

Có bể, sẽ có giải pháp…

Hè 2016 này, quận Cầu Giấy đã khiến các quận, huyện khác phải ngạc nhiên khi quyết định phổ cập bơi miễn phí cho hơn 2.500 học sinh trên địa bàn, nhiều gấp 4 lần các năm trước. Đấy là con số kỷ lục về phổ cập bơi miễn phí trong một mùa hè ở một quận tại Hà Nội. Để làm được như vậy, Trung tâm TDTT quận Cầu Giấy chấp nhận mất nguồn thu không nhỏ từ dịch vụ bơi vào buổi sáng. Nhưng như Giám đốc Trung tâm TDTT quận Cầu Giấy Trần Huy Cương thì đấy là chuyện bình thường, quan trọng là cộng đồng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Trong ngày khai mạc lớp phổ cập bơi cho trẻ em ở quận Cầu Giấy hè 2016, chị Trí Thị Hằng - nhà ở Nam Trung Yên, có hai con được học bơi lần này nhận xét: “Đúng là chỉ có các trung tâm TDTT quận, huyện được quản lý trực tiếp về bể bơi như ở Cầu Giấy mới có thể tạo điều kiện hết mức, nhất là về kinh phí để các con tự bảo vệ mình. Còn cho con ra ngoài học bơi cũng mất ít nhất khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng một khóa”.

Một lớp dạy bơi cho trẻ em tại quận Cầu Giấy.



Từ nhiều năm nay, Trung tâm TDTT thị xã Sơn Tây là một trong những đơn vị dẫn đầu thành phố khi luôn duy trì phổ cập bơi miễn phí cho khoảng 500 - 600 em học sinh vào dịp hè. Cách làm ở đây là: Trung tâm tổ chức dạy bơi có thu phí cho trẻ em những gia đình “có điều kiện” trong một tháng đầu hè. Sau khi trừ các chi phí, số tiền thu được sẽ dùng để thuê HLV dạy bơi miễn phí cho các em những gia đình còn khó khăn. Năm nay, Trung tâm TDTT Sơn Tây tổ chức dạy bơi có thu phí cho 200 em trong tháng 6 và đã có được một khoản đủ để dạy bơi miễn phí cho 600 em hoàn cảnh gia đình khó khăn từ ngày 1-7 vừa qua. Giám đốc Trung tâm TDTT thị xã Sơn Tây Nguyễn Xuân Minh nói rằng: Quan trọng nhất là Trung tâm được quản lý, điều hành bể bơi để chủ động về số lượng trẻ em được phổ cập bơi miễn phí vào dịp hè, qua đó cùng cộng đồng xóa "mù bơi" cho trẻ em càng sớm càng tốt.

Không bể, phải… chạy tứ tung!

Gia Lâm cũng trong nhóm dẫn đầu thành phố về phổ cập bơi và kiến thức chống đuối nước cho trẻ em, dù không có bể bơi. Quy hoạch Trung tâm TDTT huyện từ năm 2003 đã có hạng mục bể bơi, nhưng là bể bơi 4 mùa với các công trình khác đi kèm như bể vầy, nhà điều hành 5 tầng, nhà để xe... Ở một huyện còn khó khăn về kinh tế, việc xây dựng một bể bơi 4 mùa với kinh phí lên tới 30 đến 40 tỷ đồng thực sự là quá sức. Ngân sách huyện không thể đáp ứng, trong khi doanh nghiệp cũng thừa khôn ngoan để hiểu rằng phải rất lâu mới thu hồi vốn khi đầu tư vào bể 4 mùa ở nơi đây. Thế nên, quỹ đất hơn 2,5ha dành để xây dựng bể bơi của Trung tâm từ nhiều năm nay đành phải sử dụng làm... sân bóng. Trong khi đó, vào mỗi dịp hè, Trung tâm TDTT cùng ngành giáo dục huyện lại nháo nhào đi tìm địa điểm phổ cập bơi cho học sinh. Trên địa bàn huyện có quá ít bể bơi nên việc này càng khó. Nếu không có sự nhiệt tình của lãnh đạo Trung tâm TDTT huyện, chưa chắc các lớp phổ cập bơi đã nhiều như vậy. Tất nhiên, chỉ có thể xin chủ bể bơi được mở lớp vào buổi sáng, khi các bể ít khách. Vì vậy, đến mùa hè, các cán bộ, nhân viên ở đây chấp nhận đội nắng, tranh thủ dạy đủ 3-4 ca bơi từ sáng đến gần trưa. Các năm trước, Trung tâm liên hệ được bể bơi của một doanh nghiệp ở xã Đình Xuyên để phổ cập bơi cho học sinh các xã ở khu vực Bắc Đuống. Nhờ đó, khoảng 500 em nắm được kiến thức bơi và biết bơi sau mỗi dịp hè. Đến hè năm nay, cũng qua mối quan hệ cá nhân, lãnh đạo Trung tâm liên hệ được thêm bể bơi thuộc Khu đô thị Đặng Xá, nâng tổng số học sinh được phổ cập bơi lên gần 1.000 em.

Quận Hai Bà Trưng còn khó khăn hơn. Trước đây, Trung tâm TDTT quận được quy hoạch đất để xây dựng bể bơi gần Nhà thi đấu Hai Bà Trưng cũ (nay là Nhà thi đấu Hoàng Mai). Nhưng cách đây gần chục năm, sau khi chuyển giao Nhà thi đấu Hai Bà Trưng cho Trung tâm TDTT quận Hoàng Mai thì kế hoạch xây bể bơi 4 mùa cũng đình lại, diện tích đất này được sử dụng làm sân bóng của Trung tâm TDTT Hai Bà Trưng, còn nhà thi đấu mới của quận vẫn trên giấy. Nếu xét theo tiêu chuẩn của Trung tâm TDTT quận, huyện do Bộ VH-TT&DL ban hành năm 2010 thì Hai Bà Trưng vẫn thiếu một trong hai hạng mục là bể bơi hoặc nhà thi đấu. Thực tế, cả hai hạng mục đều cần thiết với quận, nhất là với một quận đông dân, lại có 3 phường ven Sông Hồng là Thanh Lương, Vĩnh Tuy, Bạch Đằng. Mỗi lần vào hè cũng là một "cơn đau đầu" với cán bộ Trung tâm về việc liên hệ địa điểm phổ cập bơi cho trẻ. Nơi có thiện chí cũng chỉ có thể miễn hoặc giảm vé vào cửa cho một số trẻ nhất định, đương nhiên rất ít so với con số được kỳ vọng. Như năm nay, sau nhiều lần xuôi ngược thì Trung tâm TDTT quận cũng liên hệ được cho 100 em ở các phường Thanh Lương, Vĩnh Tuy, Bạch Đằng, Phạm Đình Hổ tham gia phổ cập bơi miễn phí ở Cung Văn hóa Thanh niên.

Ở Tây Hồ, cán bộ và nhân viên Trung tâm TDTT quận mỗi lần nhìn vào mảnh đất được quy hoạch làm bể bơi 4 mùa đều cảm thấy buốt ruột. Trước đây, mảnh đất này thuộc Trung tâm TDTT quận nhưng sau đó được giao cho một doanh nghiệp để làm bể bơi 4 mùa cùng nhiều công trình đi kèm. Đất được giao sang chủ mới đã gần chục năm nay nhưng bể bơi chẳng thấy, chỉ thấy cỏ cây um tùm. Trong khi đó, cán bộ Trung tâm TDTT quận vẫn phải chạy xuôi, chạy ngược trước mỗi dịp hè để liên hệ địa điểm phổ cập bơi. Cũng may, quản lý bể bơi Sao Mai đã tạo điều kiện nên mỗi dịp hè, Trung tâm cũng phổ cập bơi được cho khoảng 200-300 em, nhưng dưới dạng đóng phí (tất nhiên ít hơn so với các khóa dạy bơi bên ngoài) sau khi được giảm đáng kể tiền vào bể.

Trung tâm TDTT Mỹ Đức cũng trong cảnh không có bể bơi từ nhiều năm nay. Đến hè, Trung tâm phải liên hệ với bể bơi Siêu thị Hiền Lương để xin hỗ trợ mở lớp phổ cập bơi. Trong khi đó, ở huyện Thường Tín, quỹ đất dành cho việc xây dựng bể bơi đã có từ lâu nhưng mãi vẫn... chưa thấy bể. Trên địa bàn huyện chỉ có một bể bơi tư nhân, lại không đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi cho trẻ em nên cứ đến dịp hè, Trung tâm TDTT huyện lại đành chấp nhận "đứng ngoài cuộc" trong việc phổ cập bơi cho trẻ em, dù được Sở VH-TT chủ động đề nghị hỗ trợ kinh phí tổ chức ít nhất một lớp cho 150 trẻ em. Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Lãnh đạo huyện đang tìm phương án đầu tư xây dựng một bể bơi. Hy vọng không bao lâu nữa, trẻ em trong huyện sẽ được thụ hưởng nhiều hơn từ công trình này”.

Rõ ràng, tình trạng “trống” bể bơi tại các trung tâm TDTT quận, huyện đang là rào cản lớn cho các địa phương này thực hiện chủ trương phổ cập bơi và trang bị kiến thức chống đuối nước cho mọi trẻ em trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phổ cập bơi ở Hà Nội: Nhọc nhằn vì thiếu bể bơi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.