Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải mã một “hiện tượng”

Thanh Hiền| 19/07/2016 06:10

(HNM) - Một trong những định hướng trọng tâm phát triển Thủ đô 5 năm (2015 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố là đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững


Giải mã “Hiện tượng Rạng Đông” (Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông) - một câu chuyện thú vị về vấn đề này sẽ góp phần trả lời cho câu hỏi quan trọng trên, trong đó có việc biến tri thức thành động lực để phát triển bền vững.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chiếu sáng Rạng Đông.



Từ bờ vực phá sản…

Rời con đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) nắng như đổ lửa, bước vào khu vực Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là bắt gặp ngay cái yên tĩnh, mát mẻ của cả một khuôn viên dày đặc cây. Vui vẻ bắt tay tôi, anh Phạm Trung Kiên (Xưởng LED - Điện tử và thiết bị chiếu sáng (TBCS) nhiệt tình hỏi: - Cô muốn tìm hiểu về những sáng kiến chế tạo của anh em công nhân và kỹ sư tại các xưởng đúng không? Nhiều lắm… - anh hồ hởi: - … như sáng kiến chế tạo thiết bị nạp bo mạch cho dây chuyền LED SMT là dây chuyền rất hiện đại của Mỹ, có thể sản xuất trên những bảng mạch có kích thước lớn 1,2m mà nếu nhập đồng bộ sẽ rất đắt. Nhóm kỹ sư Xưởng LED - Điện tử và TBCS đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị nạp PCB đầu vào cho dây chuyền SMT với kỹ thuật cơ khí chính xác và hệ thống điều khiển tự động.

Thành công trên đã chứng tỏ năng lực làm chủ KHCN của đội ngũ kỹ sư trẻ Rạng Đông, giúp tiết kiệm được 1/3 chi phí so với nhập khẩu (phần chính của dây chuyền), nâng cao năng suất lao động… Thiết bị này đã được nhân bản và ứng dụng sang các dây chuyền khác mà Công ty mới đầu tư tháng 3-2016.

Không nhiều người biết, một Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã lọt Top 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam từng ở bên bờ vực phá sản. Đầu những năm 1990, theo Nghị định thư ký giữa Chính phủ Việt Nam và Hungary, Rạng Đông được viện trợ một dây chuyền đồng bộ sản xuất bóng đèn tròn. Công trình đang thực hiện dở dang thì khối Đông Âu tan rã. Nghị định thư bị hủy bỏ, Chính phủ Việt Nam phải rao bán dây chuyền để trả nợ. Một công ty của Anh ngỏ ý mua lại toàn bộ công trình nhưng sau khi kiểm tra, phát hiện đống thiết bị han gỉ, một số đã hư hỏng... đã hủy hợp đồng.

Chính phủ tiếp tục đàm phán với phía Hungary cử người sang hướng dẫn lắp máy, nhưng phía đối tác đòi chi phí cho chuyên gia quá cao, nên cuộc đàm phán không thành, dây chuyền tiếp tục bị đắp chiếu chờ thanh lý sắt vụn. Sau đó, Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công thương) yêu cầu Rạng Đông nhận lại với cái giá hàng trăm tỷ đồng... “Cho không dây chuyền thì tôi sẽ cố gắng phục hồi, còn nếu bắt mua với giá hàng trăm tỷ đồng thì Nhà nước bán cho ai thì bán”. Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng đã nghĩ thế và một mặt kiên trì thuyết phục các cấp, ngành chấp nhận để Rạng Đông khai thác dây chuyền… miễn phí, mặt khác, ông bắt tay cùng anh em kỹ sư ngày đêm nghiên cứu, phục hồi và đưa vào vận hành thành công dây chuyền. Nhưng khó khăn chưa hết, lại đến thời điểm công ty bị hàng lậu Trung Quốc cạnh tranh gay gắt. Năm 1987, Rạng Đông đứng bên bờ vực phá sản. Toàn nhà máy với hơn 1.600 con người phải đóng cửa 6 tháng liền, nợ nần chồng chất. Vị giám đốc lại trăn trở ngày đêm để tìm phương thức vực dậy nhà máy. Bằng việc tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, 900 con người được ở lại làm việc và đã nhanh chóng phục hồi Công ty; rồi liên tục mấy năm liền, năm sau doanh thu, lợi nhuận cao gấp đôi năm trước...

Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng cho biết: “Vào những lúc khó khăn nhất, Rạng Đông luôn tìm thấy và sẵn có những con người sẵn sàng quên mình vì Công ty. Đó là những người lãnh đạo, khi Công ty thực hiện tinh giản biên chế, sẵn sàng xin nghỉ để làm gương như cố Phó Giám đốc Lê Phi. Đó là những kỹ sư trẻ làm việc ngày đêm. Đó là cả một tập thể nhiều năm liền không nhận thưởng để góp cho Công ty vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ…”.

Nhìn Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng thoăn thoắt đi lại giữa các phân xưởng, phòng, ban, ít ai nghĩ ông đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Ông định sang năm nghỉ sau đúng ba thập niên lãnh đạo công ty, vậy mà tập thể CBCNV Công ty không ai muốn. “Bác ấy là biểu tượng đoàn kết và tinh thần của Rạng Đông, chị ạ!” - Chuyên viên Phòng Thị trường và Marketing Phạm Việt Hòa chia sẻ.

… đến bước ngoặt quan trọng

PGS.TS Đỗ Xuân Thành, Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếu sáng Rạng Đông (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, Rạng Đông luôn chủ trương dựa vào nội lực là chính, tranh thủ tối đa và chủ động tạo dựng mối liên kết, hỗ trợ từ bên ngoài, đa dạng hóa nguồn lực KHCN của Công ty.

Sự kiện bước ngoặt là tháng 3-2011, Công ty thành lập Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông với nhiệm vụ 5 năm đầu là xây dựng cơ sở nền tảng, phát triển sản phẩm điện tử và LED thành sản phẩm chiến lược mũi nhọn. Nhiều ý kiến đã tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của mô hình này. Nhưng nhờ nghiên cứu bài bản, thiết kế chuẩn mực và lựa chọn các nhà cung ứng tốt, ngay năm đầu tiên (2011), Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông đã cung cấp cho thị trường 38.052 sản phẩm LED với doanh thu 4,36 tỷ đồng. Đến nay, con số này là 674.385 sản phẩm, doanh thu 43,3 tỷ đồng. Với những nỗ lực trên, sau 5 năm thành lập, Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông đã khẳng định mô hình điển hình thành công về nghiên cứu phát triển KHCN trong doanh nghiệp. Đặc biệt, chưa có trung tâm R&D nào vừa làm công tác nghiên cứu và thiết kế, lại vừa làm nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân giúp Công ty hình thành một cơ sở sản xuất mới trên nền tảng công nghệ mới - công nghiệp sản xuất LED và điện tử. Từ 8 cán bộ, rồi 18 cán bộ, công nhân, đến nay mô hình này có hơn 530 người hình thành một Xưởng LED - Điện tử tự động. Năm 2015 xưởng cung cấp cho thị trường 200 loại sản phẩm LED (gấp 100 lần về chủng loại so với năm 2010), cung cấp 4.589.000 sản phẩm với doanh thu 340,2 tỷ đồng. Trong hai năm 2014-2015 và nửa đầu năm 2016, Trung tâm R&D còn giúp xưởng xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng, uốn nắn các dây chuyền thực hiện nghiêm quy trình công nghệ, quy trình kiểm tra… bảo đảm chất lượng sản phẩm LED của Rạng Đông, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Để chỉ ra một nơi mà người làm khoa học được thỏa sức lao động trong điều kiện Việt Nam hiện nay, GS.Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam nhắc ngay đến Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông.

Trung tâm hiện có gần 80 cán bộ nghiên cứu thuộc diện biên chế, trong đó có hơn 40 nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trong các chuyên ngành về điện tử, vật liệu, nguồn sáng, kỹ thuật chiếu sáng… Tất cả đã và đang góp sức giải quyết những vấn đề chuyên ngành và liên ngành nhằm phát triển ngành chiếu sáng.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải mã một “hiện tượng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.