Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải mã một “hiện tượng”

Thanh Hiền| 20/07/2016 06:30

(HNM) - Kể về Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, mắt Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng ánh lên niềm vui, niềm tự hào. Trung tâm R&D hiện nay đảm nhiệm trọng trách là “bộ não” công nghệ của công ty, đóng vai trò quyết định trong tạo lợi thế cạnh tranh

(HNM) - Kể về Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, mắt Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng ánh lên niềm vui, niềm tự hào. Trung tâm R&D hiện nay đảm nhiệm trọng trách là “bộ não” công nghệ của công ty, đóng vai trò quyết định trong tạo lợi thế cạnh tranh cho Rạng Đông trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ những nghiên cứu tại đây, Rạng Đông đã giải mã được nhiều công nghệ tiên tiến, qua đó đáp ứng và nâng cao nhiều yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm như tăng độ chiếu sáng, tăng tuổi thọ chiếu sáng từ 4.000 giờ lên 8.000 - 10.000 giờ…

Sản xuất bóng đèn LED tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Thanh Hải



Khác với trung tâm R&D ở một số ít doanh nghiệp (DN) nhằm xây dựng tiềm lực nghiên cứu nội bộ, mô hình của Rạng Đông đã khai thác được tiềm năng của các nhà khoa học hàng đầu tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các trường đại học lớn với kiến thức tích lũy hàng chục năm từ các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. Với trình độ cao, các nhà khoa học đã vận dụng tri thức của mình giải quyết những vấn đề thực tiễn sản xuất, kinh doanh, rút ngắn khoảng cách với khoa học kỹ thuật thế giới. Nhiều nhà khoa học nguyên là lãnh đạo các viện, các phòng nghiên cứu khoa học, nay cũng trở về điều hành trung tâm như PGS.TS Đỗ Xuân Thành, Lê Văn Doanh, Phạm Hồng Dương… PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương) cũng tham gia với tư cách chuyên gia tư vấn trưởng mô hình quản trị chiến lược phát triển bền vững công ty giai đoạn 2016 - 2020. Lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu không chỉ đóng góp cho công ty ở tư cách cộng tác viên, mà còn trong vai trò cầu nối, nhằm huy động tiềm năng của tập thể các nhà khoa học…

Tại sao Rạng Đông lại có thể thu hút được nhiều nhân tài như vậy? Với câu hỏi này, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ngô Ngọc Thanh chia sẻ: Để nhà khoa học và DN hợp tác thành công, hai bên cùng phải trải qua một quá trình thích nghi. Các nhà khoa học khi làm việc với DN sẽ khác với các tổ chức nghiên cứu mang tính hàn lâm nên họ phải tìm cách “gọt chân cho vừa giày”, tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ của DN trong quá trình hợp tác. Hầu hết đề tài nghiên cứu của Nhà nước đều từ đề xuất của các nhà khoa học, trong khi ở DN, mọi chương trình nghiên cứu đều phục vụ cho chiến lược phát triển, chiến lược sản phẩm của công ty với thời hạn hoàn thành cụ thể. Ngược lại, DN phải có quyết tâm cao, có cơ chế thích hợp, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học làm việc. Từ hơn chục năm qua, Rạng Đông đều dành khoản chi phí 2% doanh thu để đầu tư đổi mới các dây chuyền công nghệ hiện đại (phần cứng) và giành 20% lợi nhuận sau thuế đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN (phần mềm). Việc cho phép tự do sáng tạo trong nghiên cứu là một động lực quan trọng để các nhà khoa học triển khai ý tưởng của mình ở Rạng Đông. Bên cạnh đó, lãnh đạo DN phải có khả năng lắng nghe, chắt lọc ý kiến của nhà khoa học, đồng thời nhận ra chân giá trị của người cộng tác và biết cách phát huy các giá trị đó.

Còn PGS.TS Đỗ Xuân Thành cho biết: Niềm tin, sự tôn trọng và lòng biết ơn các nhà khoa học cùng cơ chế động viên thích đáng, ý thức khát khao được học tập, tiếp thu những tri thức mới là hết sức cần thiết trong việc khai thác năng lực trí tuệ vô cùng phong phú, sẵn có của đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam. Điều quan trọng nữa, ý thức trọng thầy và tinh thần học hỏi, tìm hiểu các công nghệ mới đã lan tỏa từ chính những người lãnh đạo cao nhất của Rạng Đông đến mỗi cán bộ, kỹ sư. Để rồi, mỗi người trong tập thể ấy luôn đặt mình vào trạng thái không ngừng học hỏi, tiếp cận cái mới để lao động, sáng tạo với hiệu quả và năng suất cao nhất.

Giải pháp nào để nhân rộng?

Trong cuốn sách kinh điển về quản trị kinh doanh “Từ tốt đến vĩ đại” xuất bản năm 2005, Jim Collins và nhóm nghiên cứu đã bỏ ra nhiều năm để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Điều gì đã giúp một công ty Tốt trở nên Vĩ đại? Nhưng thế nào là công ty Vĩ đại? Đó chính là công ty liên tục trong suốt 15 năm sau khi nhảy vọt, có lợi nhuận cổ phiếu tích lũy trung bình cao hơn thị trường trên 3 lần.

Nhìn vào Rạng Đông thì thấy, Công ty có 26 năm liên tục phát triển, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, có năm cao gấp đôi. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình qua từng năm của Công ty từ năm 1990 đến 2015 đạt mức 28,79%. Thu nhập bình quân của người lao động cũng liên tục tăng… Như vậy, rõ ràng DN Việt Nam không phải không có khả năng sánh vai với thế giới!

PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế đã có những phân tích cụ thể giúp tôi hiểu rõ hơn về thành công của Rạng Đông. Đó chính là sự lựa chọn chiến lược phù hợp với hoàn cảnh! Rạng Đông đầu tư chiều sâu, đổi mới KH-CN, nâng cao năng lực sản xuất, từ chỗ phụ thuộc vào công nghệ và nguyên vật liệu nước ngoài, Công ty đã làm chủ công nghệ sản xuất, làm chủ chuỗi sản xuất, kinh doanh xuyên suốt từ nhà cung cấp tới khách hàng. Đất nước hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, DN đua nhau tìm đường xuất khẩu bằng mọi giá, Rạng Đông lại lựa chọn phát triển thị trường nội địa, đổi mới và làm chủ công nghệ sản xuất quy mô lớn. Lựa chọn này đã giúp Công ty trụ vững ở thị trường trong nước, từng bước đưa Rạng Đông trở thành thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam yêu mến. Đến nay, Rạng Đông cổ phần hóa, lựa chọn mục tiêu phát triển bền vững với đội ngũ chuyên nghiệp, tận tâm, tự lực, tự cường, tự trọng và trung thực.

Một thực tế hiện nay là những mô hình thành công như “hiện tượng Rạng Đông” chưa nhiều. Vậy, giải pháp nào để nhân rộng? Trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa, phát triển KH-CN là yếu tố then chốt để các DN có thể tồn tại, phát triển và hội nhập thành công. Do đó, hợp tác giữa các viện nghiên cứu và DN là một yêu cầu cấp thiết trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Rõ ràng, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam cần phải tăng nhanh năng suất lao động, nhưng điều này chỉ có thể hiện thực hóa trên nền tảng đổi mới sáng tạo.

“Mô hình Rạng Đông” đã cho thấy việc tập hợp và khai thác có hiệu quả trí tuệ của các nhà khoa học, tiềm năng của các cơ quan nghiên cứu, thiết bị nghiên cứu trong nước; nguồn lực KH-CN quốc tế là vô cùng cần thiết trong việc rút ngắn khoảng cách với các tập đoàn nước ngoài. Thành công của Rạng Đông đến nay với nhiều cái "lạ" (có một cơ sở nghiên cứu khoa học rất mạnh và hiệu quả, đẩy lùi hàng ngoại trên thị trường nội địa, Tổng Giám đốc là người đã quá tuổi nghỉ hưu cả chục năm vẫn được người lao động tín nhiệm cao đề nghị làm việc tiếp...) thực sự là một câu chuyện thú vị, đáng để các DN học hỏi. Trong đó, không gì khác hơn, để phát triển bền vững, phải biến tri thức thành động lực lao động, sáng tạo. Đây cũng chính là mục tiêu mà TP Hà Nội đang hướng tới nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải mã một “hiện tượng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.