Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Cơ quan chức năng "kêu" khó

Minh Thúy - Chí Đạo| 22/07/2016 06:38

(HNM) - Mỗi ngày, trên sông Hồng có cả trăm chuyến đò chở khách qua sông. Trong số ấy, không ít chuyến tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Chòng chành theo những chuyến đò, phóng viên nhận thấy rõ một thực tế đáng lo ngại là không chỉ chủ đò mà cả hành khách đều thờ ơ với các biện pháp bảo đảm an toàn.


Khách thờ ơ, chủ đò “lách” luật!

Từ ngày 1-7-2016, theo Nghị định 132/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành khách đi trên đò, phà không mặc áo phao cứu sinh hay mang dụng cụ nổi. Thế nhưng tại bến đò Cẩm Cơ, thuộc xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đi xã Mễ Sở (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), áo phao được treo ở lan can đò nhưng không khách nào mặc. Gần đó, nhiều dụng cụ nổi được trang bị nhưng cũng không ai ngó ngàng… Ông Trần Danh Đán, chủ bến khách ngang sông Cẩm Cơ cho hay: Đầu tháng 7, khách đi đò của tôi vừa bị phạt 150.000 đồng vì lỗi không mặc áo phao. Khách là người lao động, không có tiền, chúng tôi đành phải nộp phạt thay. Nhà đò thường xuyên nhắc nhở nhưng hành khách không muốn mặc vì hành trình ngắn, áo không sạch…

Bến đò Chu Minh (Ba Vì) chở ô tô trái quy định.



Theo quy định, các bến khách ngang sông phải có nhà chờ, có nội quy và niêm yết giá vé, trang bị áo phao, dụng cụ nổi, phao cứu sinh... Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết bến đò đều có áo phao nhưng lại để trong... thùng, nhiều chiếc ố đen, cáu bẩn, sực mùi dầu. Bên cạnh đó, nhiều bến không công khai nội quy, không có bảng giá, hoặc có bảng giá nhưng không ghi rõ số tiền. Mức thu phí qua đò trên địa bàn thành phố do UBND thành phố quy định tại Quyết định 89/2014/QĐ-UBND, ngày 22-12-2014. Theo đó, mức phí 2.000 đồng/người/lượt; 1 người, 1 xe đạp là 3.000 đồng/lượt; 1 người, 1 xe máy là 4.000 đồng/lượt… Tuy nhiên, người đi đò thường xuyên bị thu phí cao gấp nhiều lần so với mức giá này. Cùng là 2 người và 1 xe máy, nhưng mỗi bến lại có mức thu khác nhau. Cụ thể, tại bến đò Cẩm Cơ (Hồng Vân, huyện Thường Tín), chủ đò thu 12.000 đồng/lượt; bến Vân Nam và bến Vân Phúc (Phúc Thọ) 20.000 đồng/lượt; bến Phú Cường (Ba Vì) 30.000 đồng/lượt… Bên cạnh mức thu không dựa theo quy định nào thì 100% bến không có vé cho hành khách...

Một quy định khác, để bảo đảm an toàn trên đò, ngoài người lái đò phải có một người phụ đò. Song thực tế cho thấy nhiều đò chỉ có một người lái. Vì vậy, một số nơi khi đò rời hoặc cập bến, chủ đò phải nhờ hành khách nhảy xuống… thả neo. Tất cả những chiêu “lách” luật trên không nghiêm trọng bằng việc các bến không có giấy phép, giấy phép hết hạn; đò không được chở ô tô; đò, phà hết hạn kiểm định… vẫn hoạt động bình thường. Bến Liên Trung (Đan Phượng), bến Vân Nam (Phúc Thọ) không được phép hoạt động nhưng ngày đêm vẫn có hàng chục chuyến đò rời, cập bến; bến Chu Minh (Ba Vì), bến Vân Phúc (Phúc Thọ)… không được chở ô tô nhưng chủ đò vẫn lén lút để ô tô qua, bất chấp các quy định an toàn. Đáng nói là tại bến Vân Phúc dù có cắm biển cấm ô tô nhưng cả chủ đò và hành khách đều phớt lờ… đánh cược với hiểm nguy trên sông. Tại bến đò Chu Minh sang xã đảo Minh Châu (huyện Ba Vì), theo quy định không được chở ô tô nhưng trên thực tế nhà đò vẫn chuyên chở bình thường. Chỉ có mặt ít phút tại đây trong sáng 13-7-2016 chúng tôi phát hiện trên chuyến đò số hiệu HN-1285 hướng đi xã Minh Châu chở một xe tải không tải hàng. Một người dân bán nước ở đây cho biết: Đò chở 1-2 xe ô tô là chuyện bình thường! Những cái “không” nêu trên đã tồn tại từ ngày này qua tháng khác, nhiều đoàn liên ngành kiểm tra, xử phạt… song vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Chính quyền “kêu khó”

Có một điểm chung chúng tôi nhận thấy là chính quyền nhiều xã không mấy quan tâm đến hoạt động của các bến đò, do đó không kịp thời phát hiện vi phạm hoặc phát hiện nhưng làm ngơ. Thậm chí, nhiều xã không có hồ sơ quản lý bến đò, không biết bến còn hay hết hạn cấp phép hoạt động. Có trường hợp khi phóng viên đề nghị được cung cấp hồ sơ của bến đò, nhiều xã không có, còn chống chế: Chủ đò lúc nào cũng có đủ hồ sơ, khi cần, bảo là họ cung cấp ngay…

Trước hàng loạt lỗi xảy ra tại bến đò Chiều Dương mà phóng viên phát hiện như hành khách không mặc áo phao, trên đò không treo áo phao và chỉ có một người lái đò, chủ đò thu phí quá cao… Chủ tịch UBND xã Phú Cường (Ba Vì) Lã Văn Loan vẫn khẳng định: Bến hoạt động đúng quy định! Trong khi đó, tại bến Chu Minh (Ba Vì), theo ông Nguyễn Danh Lộc, cán bộ giao thông thủy lợi xã Chu Minh, qua những lần kiểm tra đều không phát hiện nhà đò vi phạm quy định chở ô tô. Ông Nguyễn Danh Lộc thông tin thêm, tổ đò gồm 8 hộ gia đình ở xã Chu Minh đã làm cam kết với UBND xã không chuyên chở ô tô. Như vậy, cả UBND xã, chủ đò và người dân đều chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ và những quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, chính quyền xã là nơi gần nhất, trực tiếp quản lý bến khách ngang sông, nhưng nhiều vi phạm tại các bến đò lại không được xử lý dứt điểm. Ngạc nhiên hơn là hầu hết lãnh đạo các xã đều khẳng định, năm nào cũng có đoàn kiểm tra, nếu vi phạm quy định chủ đò chấp nhận nộp phạt nhưng vi phạm vẫn hoàn vi phạm. Qua tiếp cận với đại diện một số xã như Hồng Vân (Thường Tín), Vân Nam (Phúc Thọ), Phú Cường, Chu Minh (Ba Vì)… chúng tôi nhận thấy, các xã đều kêu khó trong việc xử lý. Chủ tịch UBND xã Vân Nam Đặng Việt Hùng cho rằng, mỗi xã chỉ có một cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi nên không thể ứng trực cả ngày tại bến đò để canh không được chở ô tô; bắt hành khách phải mặc áo phao; buộc chủ bến thu phí đúng quy định.

Ở một khía cạnh khác, có những xã biết bến đò hoạt động không đúng quy định nhưng cũng không quyết liệt xử lý. Bến đò Vân Nam (xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ) hoạt động khi không có giấy phép, lãnh đạo xã đã ra văn bản thông báo, yêu cầu chủ đò dừng hoạt động… Song mọi việc cũng chỉ dừng trên văn bản, đò vẫn hằng ngày chòng chành chở khách qua sông. Ông Đặng Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Nam băn khoăn: UBND huyện Phúc Thọ đã có văn bản giao UBND xã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, yêu cầu chủ đò không được hoạt động. Xã đã cử cán bộ xem xét, kiểm tra. Nhưng khi cán bộ xã đến thì đò dừng chở khách, khi đi họ lại lén lút hoạt động. Nếu không có sự phối hợp của lực lượng chức năng có đủ thẩm quyền xử lý thì khó có thể giải quyết triệt để vi phạm…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Cơ quan chức năng "kêu" khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.