Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Thiếu quyết liệt, còn vi phạm!

Minh Thúy - Chí Kiên| 23/07/2016 07:16

(HNM) - Hoạt động của các bến khách ngang sông luôn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, với đủ kiểu sai phạm như: Chở ô tô trái phép, thiếu trang thiết bị an toàn, thiếu dụng cụ cứu sinh, người đi đò không mặc áo phao… Kiểm tra nhiều, xử phạt cũng nhiều… nhưng không thường xuyên, liên tục, thiếu quyết liệt nên vi phạm vẫn tồn tại.

Bến đò Liên Trung (Đan Phượng) vẫn hoạt động bất chấp thông báo đình chỉ.


Kiểm tra nhiều, xử phạt nhiều vẫn... vi phạm

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 29 bến khách ngang sông, trong đó có 4 bến không phép (Đan Phượng có 1 bến, Sóc Sơn có 3 bến). Trong 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra Sở GT-VT đã xử lý 63 trường hợp, xử phạt hơn 200 triệu đồng... Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, ngoài số liệu do Sở GT-VT cung cấp thì bến Pheo xã Minh Quang (Ba Vì), bến Vân Nam (Phúc Thọ) cũng trong tình trạng không được phép hoạt động hoặc chưa được cấp phép.

Theo đánh giá của Sở GT-VT, trong thời gian gần đây, hạ tầng, phương tiện phục vụ vận tải hành khách ngang sông đã được cải tạo, nâng cấp tốt hơn. Tuy nhiên, ý thức của người tham gia giao thông đường thủy tại các bến chưa như mong muốn. Trong khi đó các chủ bến và nhân viên phục vụ chưa mấy quan tâm đến việc yêu cầu hành khách chấp hành đúng nội quy nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động, thậm chí còn thu phí trái quy định…

Trước hoạt động bát nháo của nhiều bến đò, ngày 20-6-2016, Sở GT-VT thành phố đã ra Thông báo số 741/TB-SGTVT về việc đình chỉ hoạt động bến đò chở khách ngang sông. Theo đó có 7 bến bị đình chỉ do giấy phép hoạt động hết hiệu lực hoặc chưa được cấp phép, gồm: Bến Pheo xã Minh Quang và bến Thuần Mỹ (Ba Vì), bến Vân Nam (Phúc Thọ), bến Liên Trung và bến Đoài (huyện Đan Phượng), bến Tân Hưng và bến Bắc Phú (huyện Sóc Sơn). Đồng thời, Sở đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường kiểm tra, giám sát, hoạt động của các bến đò và giao Thanh tra giao thông phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, không để các bến đò không phép hoạt động.

Đến nay UBND các xã đã thông báo, yêu cầu dừng hoạt động hầu hết các bến đò nêu trên, nhưng nhiều chủ đò vẫn không chấp hành. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc xác định trách nhiệm của các bên đối với những vi phạm nghiêm trọng này, bà Nguyễn Thị Minh Tú, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy nội địa, Sở GT-VT thành phố cho biết: Các hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động của các bến đò sẽ bị xử phạt theo Nghị định 132/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, hằng năm, Sở đều tổ chức tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động bến thủy nội địa. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các bến đò trên địa bàn thành phố, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cấp huyện, xã nơi có bến…

Sở mong chính quyền địa phương quyết liệt... nhưng có một thực tế là, việc xử lý của chính quyền sở tại với các vi phạm chỉ như “muối bỏ biển”. Rất nhiều vi phạm đã bị bỏ qua hoặc không được ngăn chặn. Bến đò Liên Trung là một ví dụ. Bến đò này nằm khuất trong những rặng cây, lối xuống bến nhỏ hẹp, nếu không là người địa phương, khách đi đò quen thuộc thì sẽ không biết. Thế nhưng, đứng trên đê có thể quan sát rõ những chuyến đò hằng ngày ngược xuôi.

Đã không ít lần, lực lượng chức năng của Sở GT-VT, UBND huyện phải cắm chốt tại bến thì mới có thể dừng được hoạt động của các chuyến đò. Nhưng khi lực lượng chức năng rời đi thì đâu lại hoàn đó. Phóng viên Báo Hànộimới đã không ít lần qua sông Hồng tại bến đò này, nhưng ông Bùi Hoàng Long, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng vẫn cho rằng: “Bến đò này đã dừng hoạt động từ lâu”. Tương tự, từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Phúc Thọ đã 2 lần kiểm tra hoạt động của các bến đò trên địa bàn nhưng không phát hiện đò chở quá tải trọng và chở ô tô. Tuy nhiên, trong ngày 13-7-2016, khi tìm hiểu thực tế tại đây - phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận cả hai lỗi trên đều xảy ra tại bến Vân Phúc và bến Vân Nam.

Liên quan đến những sai phạm nêu trên, rất đáng buồn là một số cán bộ Phòng Quản lý đô thị - đơn vị có trách nhiệm quản lý, tham mưu với UBND huyện về hoạt động của các bến đò và cán bộ UBND xã cũng khẳng định: Không phát hiện vi phạm (trừ lỗi hành khách không mặc áo phao). Thực tế này xuất phát từ việc phần lớn các đoàn kiểm tra đều có lịch hẹn trước. Hoặc, những người kiểm tra đều quen mặt, quen tên, nên chủ đò thực hiện đúng quy định để đối phó...

Không thiếu quy định, nhưng thiếu quyết liệt

Ngày 5-7-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới. Theo đó, ngày 13-7-2016, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 4152/UBND-ĐT, yêu cầu thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Công văn nêu rõ, Sở GT-VT, Công an TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng Thanh tra GT-VT, Cảnh sát giao thông đường thủy… tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; đặc biệt các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như: Chạy quá tốc độ quy định, phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; cảng, bến thủy không phép, không bảo đảm điều kiện an toàn; phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa…

Cũng từ ngày 1-7-2016, các quy định của Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015 có hiệu lực. Theo đó, hàng loạt vi phạm như: Hành khách không mặc áo phao cứu sinh, bến khách không niêm yết giá vé, nội quy, để hành khách đứng ngồi trên mui hay hai bên mạn đò… sẽ bị xử phạt. Trong khi chủ đò mải chạy theo lợi nhuận, khách đi đò chưa có ý thức trong bảo đảm an toàn thì “cây gậy” pháp lý là phương tiện hiệu quả nhất để buộc các bên phải tuân thủ quy định của pháp luật. Đối với những bến không được phép hoạt động do không thỏa mãn các điều kiện về bến bãi hoặc với những nơi đã có cầu thay thế… các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh như: Đóng bến, đổ bê tông không cho các phương tiện lên, xuống bến.

Thực tế nêu trên cho thấy, các quy định của pháp luật về quản lý bến đò ngang đã khá đầy đủ nhưng lực lượng chức năng thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm nên hành vi vi phạm vẫn phổ biến. Chưa kể, với lĩnh vực hoạt động này, nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm quản lý (Sở GT-VT, Công an, chính quyền các cấp…) nên vẫn còn tình trạng "đá bóng" cho nhau. Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, nếu không siết chặt công tác quản lý, không có biện pháp chấn chỉnh từ những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong xử lý vi phạm thì không biết đến bao giờ những chuyến đò ngang sông mới bớt chòng chành?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Thiếu quyết liệt, còn vi phạm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.