Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồ Gươm - Trời tạo, người xây...(tiếp theo)

Nguyễn Ngọc Tiến| 25/07/2016 07:15

(HNM) - Khi

Khi "cái áo" đã chật, chính quyền Pháp cho quy hoạch lại Hà Nội, trong đề án được Toàn quyền Đông Dương ký ngày 5-12-1942 thì chiều cao tối đa các nhà xây mới còn bị hạ xuống “không quá 12m”, chiều cao khu buôn bán ở phố cũ “không cao quá 8,5m”. Đề án giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc khu vực quanh Hồ Gươm. Dù đề án nêu trên không thực hiện được vì quân Nhật lúc đó đã xâm chiếm Đông Dương, song quy định đó đã cho thấy các nhà quy hoạch Pháp nhìn ra cái đẹp của Hà Nội là những biệt thự thâm thấp ẩn trong bóng cây xanh. Đây cũng là một định hướng quan trọng về phát triển hài hòa, bền vững.

Toàn cảnh Hồ Gươm ngày nay.


Với diện tích không lớn nhưng không một khu vực nào trên đất nước Việt Nam lại thấm đẫm lịch sử, văn hóa như Hồ Gươm và vùng phụ cận. Truyền thuyết vua Lê Lợi trả kiếm thần Kim Quy, đình Đông Hương hay tượng Lê Lợi tay cầm kiếm là những di tích lịch sử mang ý nghĩa rất lớn về tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Chùa Báo Ân không chỉ là công trình tâm linh mà còn có giá trị về kiến trúc Phật Giáo và cảnh quan. Các làng nghề nổi tiếng quanh hồ đã góp phần tạo thành “Hà Nội 36 phố phường” độc đáo nhất nước. Phố Hàng Đào là nơi có Trường Đông Kinh Nghĩa Thục với khát vọng “mở mang dân trí, chấn hưng thực nghiệp”. Nhà 16 Lê Thái Tổ (nay là một cơ sở văn hóa) từng là trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức, có bia tưởng niệm Nguyễn Du và chính ở đây nhà văn hóa Phạm Quỳnh nói câu nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Và cũng chính nơi đây, năm 1946 là trụ sở đầu tiên của Quốc hội khóa I. Nếu phía Đông của hồ là các công trình hành chính tính đến nay đã hơn trăm năm tuổi thì phía Tây hồ lại là nơi lưu giữ lịch sử thương mại Hà Nội. Siêu thị Intimex hiện nay cách đây 130 năm là Đại khách sạn (Grand Hotel) kiểu Châu Âu đầu tiên “có bàn bi-a đầu tiên, có vòi tắm hoa sen”. Trước đó cũng ở vị trí này, năm 1883 là khách sạn lợp lá vách đất cho các phóng viên Pháp theo chân đội quân viễn chinh. Thời bao cấp, siêu thị Intimex từng là cửa hàng giao tế, bán hàng tiêu dùng dành riêng cho cán bộ cao cấp. Hay tòa soạn Báo Hànộimới từng là trụ sở tờ báo đầu tiên ở miền Bắc từ cuối thế kỷ XIX.

Hồ Gươm và những di tích lịch sử, văn hóa, công trình có tính thẩm mỹ quanh hồ đâu chỉ có thời gian ngưng đọng, nó còn ẩn chứa quá khứ, trong đó một phần quá khứ trở thành lịch sử của thành phố và của cả dân tộc. Còn một thứ khác rất khó gọi tên, chỉ ra nhưng luôn gây cảm xúc, nhất là những người ở xa về. Đó là cái hồn. Một con đường, một thành phố không có hồn là con đường chết, một thành phố chết. Chẳng phải vô cớ mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp sau ngày thống nhất đất nước vào Sài Gòn sinh sống đã phải thốt lên bằng âm nhạc “Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm/Nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng/Thành cũ Thăng Long hồn nước non thiêng/Còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng...”.

Và không vô cớ mà năm 2008 UBND thành phố đã tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị Hồ Gươm và vùng phụ cận”. Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn được Chính phủ xếp hạng di tích đặc biệt.

Hồ Gươm còn một chút này!

Khi làm đường quanh hồ và xây nhà Bưu điện, công sứ Bonnal đã cho phá chùa Báo Ân. Bonnal cũng cho phá một phần đền Bà Kiệu. Và cho đến hôm nay, đền chỉ còn lại hậu cung và một phần nhỏ cổng đền nằm gần hồ. Phía Tây hồ, Bonnal cho phá đình làng Phúc Tô xây bốt Hàng Trống. Đình Nam Hương của làng Tự Tháp (nay là khách sạn Apricot) cũng bị dỡ bỏ khi chính quyền nắn thẳng và mở rộng phố Hàng Trống. Bị dân làng phản đối, Bonnal chấp nhận làm đình Nam Hương mới, nay ở số 75 Hàng Trống. Tuy nhiên chính quyền lại cho giữ cây muỗm, hiện nằm trước siêu thị Intimex, của làng Tự Tháp và mấy cây me (trên đường Hàng Trống, gần trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm).

Hồ Gươm và khu vực phụ cận “yên ổn” cho đến năm 1971 thì một chuyện lớn xảy ra. Người ta cho phá nhà mặt tiền của Bưu điện Bờ Hồ để thực hiện dự án do Trung Quốc viện trợ. Ngôi nhà hai tầng có kiến trúc nhẹ nhõm sang trọng và thân thiện bị phá bỏ, thay vào đó là dãy nhà bê tông cao 5 tầng trát đá rửa thô cứng, cục mịch không đường nét lừng lững mọc lên. Thời kỳ đó đất nước đang chiến tranh, Mỹ ném bom miền Bắc nên việc này không được để ý. Đến năm 1986, nhà khánh tiết của UBND thành phố cao hai tầng bị phá dỡ, một khối nhà cao ngất ốp đá mọc lên, tiền sảnh nhô ra mảng bê tông mà các kiến trúc sư gọi là “máy chém”. Nhu cầu thêm diện tích làm việc là cần thiết và xây dựng trụ sở hiện đại cũng cần thiết, tuy nhiên sai lầm chính là chọn thiết kế. Trong một bài viết đăng trên Báo Hànộimới nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, kiến trúc sư Ngô Huy Giao viết: “Kỹ sư xây dựng Lê Ất Hợi (Chủ tịch UBND TP Hà Nội 1983-1994) rất cố gắng nhưng cũng không làm được nhiều” và kiến trúc sư Ngô Huy Giao tự nhận mình “Có lỗi với Hồ Gươm vì không thể ngăn được các công trình có kiến trúc làm xấu không gian văn hóa, lịch sử này”. Sau 10 năm, ngày 3-8-1996, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 448, phê chuẩn "Quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận” trong đó yêu cầu sớm sửa chữa kiến trúc nhà làm việc UBND và HĐND thành phố. Hai tháng sau, UBND thành phố ra quyết định mời các đơn vị có uy tín gồm: Bộ Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Công ty Kiến trúc ADC Hà Nội tham gia lập phương án cải tạo kiến trúc công trình...

Trong quá trình phát triển, đương nhiên bao giờ cũng có những xung đột giữa yêu cầu bảo tồn với đổi mới. Vấn đề đặt ra là giải quyết xung đột này sao cho hợp lý nhất. Tuy nhiên, việc cấp phép xây dựng khách sạn Vàng ở số 8 Lê Thái Tổ và nhà Hàm cá mập đã không đạt được tới điều này khi bỏ qua giá trị lịch sử văn hóa và không gian ở vùng lõi của Thủ đô. Công trình khách sạn Vàng cao 23m chắn ở phía Tây, nhà Hàm cá mập ở phía Bắc đã tạo ra bức tường ngăn với khu phố cổ, phá vỡ sự hài hòa, biến Hồ Gươm thành cái "ao". Báo chí vào cuộc, Hội Kiến trúc sư, Hội Khoa học lịch sử lên tiếng thì công trình Hàm cá mập đã hoàn thành. Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có ý kiến yêu cầu thành phố điều chỉnh lại thiết kế, giảm chiều cao công trình. Cũng nhờ dư luận, một số dự án như: Khách sạn 4 tầng trong khu đất 16 Lê Thái Tổ, công trình tổ hợp tài chính - thương mại của Tập đoàn Điện lực ở 69 Đinh Tiên Hoàng hay dự án công trình vệ sinh ngầm ở Hàng Khay đã không thể triển khai... kịp "cứu" lại những giá trị quý hiếm cho không gian Hồ Gươm.

Và hiện dự án xây khách sạn tại vị trí của siêu thị Intimex - khu đất có lịch sử từng là khách sạn hơn 130 năm trước, tuy mang ý nghĩa phát triển tích cực và xem ra đúng hướng; song việc còn có những ý kiến băn khoăn về chiều cao công trình, đường nét kiến trúc... sao cho vừa tuân thủ quy hoạch pháp lý, vừa kết nối hài hòa với các công trình lân cận cũng như phải bảo đảm không làm phá vỡ cảnh quan tổng thể khu vực Hồ Gươm v.v… thì là điều cũng dễ hiểu. Nhất là khi nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm "Trời tạo, người xây"... với những nâng niu, trân trọng đối với "lẵng hoa thành phố".

Lợi ích của các công trình đã và sẽ mọc lên, giá trị và ý nghĩa việc tôn tạo, gìn giữ Hồ Gươm và vùng phụ cận ra sao - không chỉ nằm trong không gian đẹp quanh Hồ Gươm, mà chúng còn nằm trong các kỷ niệm lịch sử khu vực này gợi ra. Nếu làm biến mất các không gian quý giá đó thì lợi ích cũng sẽ mất. Bởi thế, ứng xử với "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm" này đòi hỏi cũng phải hội tụ đủ các yêu cầu: Các căn cứ quy hoạch pháp lý; những yêu cầu về bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa; tính thẩm mỹ về cảnh quan khu vực... với phương pháp tiến hành cẩn trọng và sâu xa hơn là phải bằng cả tình yêu với Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồ Gươm - Trời tạo, người xây...(tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.