Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Đâu là “mắt xích” đột phá?

Thanh Thủy| 26/07/2016 06:24

(HNM) - Mới thông xe chưa được bao lâu, thậm chí nhà chưa đánh số, phố chưa đặt tên, nhưng đường Vành đai 1, đoạn qua Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, đã bắt đầu “manh nha” những căn nhà kỳ dị. “Ngắt” một đoạn vài trăm mét trên con đường mới mở với vô vàn phần việc ngổn ngang


Ngổn ngang trăm mối

Là khái niệm để chỉ những công trình không thỏa mãn các quy chuẩn trong xây dựng, nhà “siêu mỏng, siêu méo” được ví như sản phẩm của văn hóa “mặt tiền” ở thời tấc đất, tấc vàng. Để loại bỏ những ngôi nhà "dị dạng", thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng trên những tuyến đường mới mở, "nhà siêu mỏng, siêu méo" vẫn tiếp tục mọc lên. Có mặt tại đường Vành đai 1, đoạn qua Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, trong một ngày mưa, nắng thất thường cuối tháng 7, chúng tôi chứng kiến không khí xây dựng cùng tâm trạng ngổn ngang của người dân trên tuyến phố này.

Những căn nhà kỳ dị trên đường Vành đai 1, đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái.



Sau khi nhận đền bù giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 1, nhà anh Lâm Tú Minh (nằm ngay đầu dốc đê Nguyễn Khoái, khu vực Lãng Yên, Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) còn vỏn vẹn 16m2. Vì phần nền nhà lúc này cao hơn mặt hè tới mét rưỡi, anh ngỏ ý được làm bậc thang đi lên nhưng UBND phường yêu cầu: “Chờ đến khi có hướng dẫn cụ thể”. Anh Minh cho biết: “Chờ ngày nào là bất tiện ngày ấy nhưng tôi vẫn thuận theo chỉ đạo của địa phương, dù nhiều lúc cũng thấy “nóng ruột” khi quanh đây người ta xây dựng nhiều quá. Nhiều nhà, phần diện tích còn lại rất nhỏ, vẫn cứ đổ tiền vào làm…!”.

Như để khẳng định, anh khoát tay chỉ ngôi nhà nằm bên kia dãy phố có mặt tiền khá rộng nhưng diện tích hai cạnh lại chênh nhau và đều nhỏ hơn hai mét: “Nhìn qua chẳng khác nào chiếc kim khều ốc”. Cách đó không xa, một chiếc “kim khều ốc” khác cũng bắt đầu lên khối, dù chỉ bằng những tấm tôn ghép lại, vẫn đầy đủ cửa ra, vào. Trên tuyến đường mới mẻ, thênh thang này, có nhiều công trình đang phá dỡ, đắp điếm tạm bợ; những căn nhà hoặc choi loi, hoặc chìm nghỉm so với hè đường. Chưa kể tình trạng xây dựng “chui” đang âm thầm diễn ra… Rõ ràng sự sốt ruột của anh Minh và nhiều người dân nơi đây là có cơ sở.

Bên cạnh những công trình không bảo đảm diện tích xây dựng đang thành hình, có nhiều ngôi nhà méo mó, vẹo vọ khác “thi gan cùng tuế nguyệt” như thách thức với thẩm mỹ đô thị. Trong đó có công trình, tí hon tới mức không đủ để kê một chiếc giường… Nhiều người bày tỏ: Dù rất muốn ổn định nơi ăn, chốn ở nhưng không vì thế mà đi ngược lại kỷ cương cũng như mục tiêu tốt đẹp của thành phố như cách làm của những chủ nhà nêu trên. Tuy nhiên, họ cũng thực sự lo lắng bởi những tồn tại cũ chưa bị xử lý, những vi phạm mới lại xuất hiện. Việc giải quyết dứt điểm nhà "siêu mỏng, siêu méo" đã khó càng thêm khó.

Những bộn bề phía trước…

Tính đến quý II năm 2015, Hà Nội có 174 nhà “siêu mỏng, siêu méo” chưa xử lý, chưa kể hơn 400 công trình không bảo đảm diện tích xây dựng đã thành hình trên những cung đường mới mở như: Trần Phú - Kim Mã, Vành đai 1, Vành đai 2, Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Huyên... Hiện tượng nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên những con phố khang trang, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tạo nên gánh nặng rất lớn về nhân lực, vật lực, thời gian… cho công tác xử lý khi “sự đã rồi”. Điều này đúng với kinh nghiệm xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, mà câu chuyện hóa giải “bức tường 1 tỷ” tại khu vực phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy là một ví dụ.

Giống với nhiều tuyến đường mới, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài cũng có nhiều thửa đất không đủ điều kiện xây dựng và vì nhiều nguyên do không thỏa thuận được hợp thửa, hợp khối. Việc bức tường 1,7m được thách giá tiền tỷ là một trong những hệ lụy của thực trạng này. Để đạt được cái kết có hậu, chính quyền địa phương đã kiên trì thuyết phục, nêu lên những lợi ích và đặc biệt là trách nhiệm công dân trước quyền lợi chung. Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết: Giá của bức tường, sau khi đạt thỏa thuận, còn chưa tới một nửa so với mức rao ban đầu. Quan trọng hơn là đã hóa giải được những hiểu lầm giữa hai bên gia đình, vốn bị đẩy thành "cao trào" trong vòng xoáy dư luận.

Linh hoạt trong phương thức vận động chính là “mắt xích” đột phá, giúp quận Cầu Giấy thu về nhiều thành quả trong "cuộc chiến" đẩy lùi nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Cho đến nay, địa phương này đã tổ chức hợp thửa, hợp khối thành công cho 37/64 trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng ở cả 3 dự án trên địa bàn. Các trường hợp còn lại, hoặc đang tiếp tục được vận động, hướng dẫn hợp thửa, hợp khối, hoặc lên kế hoạch thu hồi theo quy định.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết: Người sở hữu mặt bằng muốn đẩy giá cao vì có đất “mặt tiền” trong khi người cần mua lại cho rằng đất đó chẳng thể bán cho ai, chưa kể nếu để Nhà nước thu hồi, nhà họ vẫn ra mặt phố. Gặp những trường hợp này, địa phương phải đứng ra làm “trọng tài”, có cách giải thích thấu tình, đạt lý. Một khó khăn không kém là cơ quan chức năng cần tìm phương án đề xuất thu hồi cho các thửa đất không thể hợp thửa, hợp khối bởi không phải phần diện tích nào cũng phù hợp cho các công trình công cộng như: bảng tin, cây ATM, trạm xe buýt…

Nói về tình trạng cứ mở đường là mọc nhà “siêu mỏng, siêu méo”, nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Thành phố cần tính đến các vấn đề có thể phát sinh ngay từ khâu quy hoạch thay vì chạy theo giải quyết từng trường hợp khi dự án đã hoàn thiện, vừa mất thời gian vừa lãng phí nhân lực mà khó đạt hiệu quả cao, nhất là khi nhà đã thành hình, người dân đã ổn định sinh sống. Đồng tình với quan điểm trên, nhiều kiến trúc sư hiến kế: Có thể ngăn chặn nhà “siêu mỏng siêu méo” bằng việc lập quỹ đất sạch cho phát triển đô thị bằng việc giải phóng mặt bằng, lập đền bù, tái định cư… từ trước khi có dự án; mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi hai bên đường khi thực hiện quy hoạch; áp dụng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai, tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ; phát triển dự án bất động sản 2 bên đường mới mở, tái phát triển nhà cửa; tổ chức tốt các khâu lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng…

Những giải pháp trên không nằm ngoài kỳ vọng tạo nên những con đường, tuyến phố khang trang, hiện đại, một đô thị có diện mạo xứng tầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Đâu là “mắt xích” đột phá?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.