Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thầy giáo trẻ và lớp học vì cộng đồng

An Tâm| 20/08/2016 06:55

(HNM) - Một dự án mang tên “Lớp học vì cộng đồng” (PEC) do giảng viên trẻ Nguyễn Tự Sánh - Đại học Hà Nội thành lập đã mang lại cơ hội học tiếng Anh miễn phí cho nhiều bạn sinh viên, học sinh nghèo. Dự án hướng tới mục tiêu xa hơn là giúp nửa triệu người Việt Nam nói tiếng Anh thành thạo.


Chật vật mở lớp

Ngày cắp sách đến trường làng, Nguyễn Tự Sánh, chàng trai sinh năm 1990 đã "mê" tiếng Anh. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh lập tức nộp hồ sơ thi vào khoa tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội. Năm thứ 3, Sánh được nhận học bổng toàn phần du học Australia gần 1 năm. Những kiến thức có được từ chuyến du học mở ra một chân trời mới trong Sánh. “Tôi học được nhiều kiến thức và đặc biệt là kỹ năng giảng dạy của giảng viên bản địa đã giúp ích rất nhiều cho nghề giáo viên của tôi sau này. Tôi nhận thấy họ rất chú trọng tương tác với sinh viên và luôn tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong quá trình học tập. Sinh viên của họ thể hiện quan điểm cá nhân rất tự nhiên và luôn được khuyến khích làm điều đó”, Nguyễn Tự Sánh kể về những trải nghiệm của mình ở đất nước Chuột túi. Với thành tích "khủng" IELTS 8.0, vừa học đại học, Sánh tự tin làm nhiều công việc như hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch... Nghề nào cũng mang đến cho anh những thú vị riêng và khoản thu nhập đáng kể so với một sinh viên. Nhưng rồi Sánh trăn trở, công việc đó chưa giúp ích gì cho xã hội nên anh đăng ký học nghiệp vụ sư phạm và chuyển sang dạy tiếng Anh.

Thầy Nguyễn Tự Sánh và "Lớp học vì cộng đồng" tại quê nhà.



Lúc đầu, Sánh mở lớp tiếng Anh với học phí 900 nghìn đồng cho mỗi khóa học. Tiếp xúc với các bạn trẻ, nhận thấy nhiều người có năng khiếu và sở thích học tiếng Anh nhưng chật vật với đủ khoản chi phí học tập, anh quyết tâm xây dựng một dự án dạy tiếng Anh miễn phí cho các bạn sinh viên, học sinh nghèo. Năm 2014, dự án mang tên “Lớp học vì cộng đồng” bắt đầu được triển khai.

Bắt tay vào sự nghiệp vì cộng đồng, Nguyễn Tự Sánh kêu gọi sự ủng hộ của hơn 30 người bạn, là những người thành thạo tiếng Anh. Anh cũng chạy xe máy hơn 30km về Phúc Thọ nhờ bố mẹ vay tiền thực hiện dự án. Nhưng ban đầu, thay vì ủng hộ, Sánh chỉ nhận được cái lắc đầu, lời khuyên... “đừng có điên”. Chỉ 2 trong số hơn 30 người Sánh chia sẻ về dự án đồng hành với anh. “Tôi tuổi ngựa, là con ngựa bất kham mà. Một khi đã mong muốn, dù khó khăn mấy tôi vẫn muốn lao đi, muốn làm cho bằng được”, Sánh nói như vậy.

Để có kinh phí thực hiện ước muốn của mình, Sánh đã chạy vạy khắp nơi, vay được 70 triệu đồng. Chật vật thuê địa điểm, mua sắm trang thiết bị, tuyển học viên, sau gần 8 tháng chuẩn bị, những học viên đầu tiên đã đến lớp. Đối với học viên bình thường, học phí trung tâm của thầy Sánh thu chỉ là 450 nghìn đồng cho một khóa học kéo dài 2 tháng, sinh viên, học sinh nghèo được miễn phí. Sau gần 2 năm hoạt động, trung tâm đã thu hút hàng nghìn học viên tại 5 địa điểm là Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, một điểm tại phường Quang Trung (Đống Đa) và tại chính nhà anh. Các học viên của “Lớp học vì cộng đồng” đủ mọi lứa tuổi, có những em nhỏ học lớp 6, lớp 7, cũng có những người đã ở tuổi 60.

Không ngại "vác tù và hàng tổng"

Từ ngày thực hiện dự án, Nguyễn Tự Sánh dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Tất cả buổi tối của anh đều dành cho “Lớp học vì cộng đồng”. Tối thứ hai, ba, tư và thứ sáu, anh dạy các lớp học của sinh viên, người đi làm. Tối thứ năm và hai ngày cuối tuần, anh lại chạy xe về huyện Phúc Thọ (Hà Nội) dạy cho các em nhỏ tại quê nhà.

Một ngày cuối tuần, tôi tìm về xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ thăm lớp học của thầy giáo Sánh. Hỏi về anh, người quê đều nói bằng sự trân trọng và yêu mến đặc biệt. Trong những ngôi nhà nép mình nơi ngõ nhỏ, chúng tôi dễ dàng tìm ra nhà anh Sánh bởi tiếng trẻ con cười đùa ríu rít, tiếng các em hào hứng đồng thanh đọc những từ mới tiếng Anh.

Đúng như Sánh chia sẻ, lớp học của anh mang một hơi thở mới, tươi trẻ, vui vẻ và đầy hứng khởi cho các em học sinh trong ngày hè. 15 học sinh một lớp, em nào cũng chăm chú lắng nghe thầy giảng, nhanh nhảu trả lời những câu hỏi thầy đặt ra. Thầy giáo giản dị trong chiếc áo sơ mi xanh, linh hoạt trong cách giảng. Sự trẻ trung, hấp dẫn trong cách truyền đạt kiến thức của thầy lôi cuốn mọi học sinh. Mỗi câu trả lời đúng của các bạn nhỏ được thầy tích điểm để tặng quà, điều đó càng làm học sinh thêm thích thú khi đến lớp.

Giờ giải lao, thầy, trò trở thành những người bạn. “Không chỉ là chuyện phiếm, đôi khi trong giờ giảng hoặc trong giờ giải lao, tôi lại lồng ghép những bài học về kỹ năng sống, định hướng về tâm lý, lối sống cho các em”, thầy Sánh bật mí.

Cười suốt buổi học, tiếp thu bài dễ dàng, Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ, em rất thích được đi học tại nhà thầy. “Thầy Sánh rất vui tính, giảng bài dễ hiểu nên chúng em thấy thoải mái lắm. Bố em mất sớm, gia đình khó khăn, nên thầy không thu tiền học của em, em rất biết ơn thầy”.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, Nguyễn Tự Sánh sớm hiểu những khó khăn, thiệt thòi của học sinh ở quê nghèo. Chính vì vậy, anh càng nỗ lực để làm công việc mình yêu thích những mong đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Anh đã trở thành “người vác tù và hàng tổng” được cả cộng đồng yêu quý và là niềm tự hào của gia đình, bạn bè. “Từ nhỏ Sánh đã là đứa con rất ngoan và hiếu học. Nó là đứa cứng đầu, thích gì đều nỗ lực làm cho bằng được. Nhìn thấy con trai không chỉ trưởng thành mà còn giúp đỡ được mọi người, tôi rất vui và tự hào”- ông Nguyễn Tự Ánh, bố thầy Sánh cho biết.

Điều Sánh làm được không chỉ là mang cơ hội học tiếng Anh cho hàng nghìn người, đáng quý hơn là anh đã truyền cảm hứng, nhiệt huyết của mình tới các bạn trẻ. Nhiều học viên, sau khi được thầy Nguyễn Tự Sánh đào tạo đã tình nguyện tham gia vào dự án của anh, tiếp tục truyền cảm hứng về thứ ngôn ngữ quốc tế này đến nhiều người. Sánh tin tưởng, dù thu nhập của họ có thể thấp hơn so với những nơi khác nhưng chắc chắn họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi giúp đỡ được nhiều, rất nhiều người. Nguyễn Hồng Phúc, chàng học viên từ khóa học thứ 2 của “Lớp học vì cộng đồng” là một người hạnh phúc như vậy: “Thầy Sánh là một người vui vẻ, đầy nội lực và nhiệt huyết. Thầy làm mới mình trong mọi bài giảng, luôn truyền hứng thú cho mọi người. Làm việc với thầy, tôi học hỏi được nhiều điều”.

Không chỉ giúp đỡ các học viên nghèo, Nguyễn Tự Sánh còn kết hợp với giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia giảng dạy cho các trẻ em nhiễm chất độc da cam, học sinh tự kỷ. Và dự án "Lớp học vì cộng đồng" ngày càng gần gũi với cộng đồng và mang lại cơ hội học tập cho nhiều người hơn, nhất là những học sinh gia cảnh khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầy giáo trẻ và lớp học vì cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.