Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Độ xe” - nghề nguy hiểm

Triệu Dương| 22/08/2016 06:28

(HNM) - Xuất phát từ nhu cầu làm đẹp chiếc xe máy, vốn là cả gia tài thời bao cấp, nghề “độ xe” đã ra đời ngay trên vỉa hè Hà Nội. Từ việc làm đẹp cho xe máy dần trở thành thú chơi xa xỉ của không chỉ các


Bài đầu: Những phố nghề mới nổi

Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, chiếc xe máy là tài sản lớn của mỗi gia đình, là thứ thể hiện đẳng cấp, khẳng định địa vị cũng như cá tính của nhiều người. Cùng với sự xuất hiện của những xe máy Super Cup, DD đỏ, Dream II…, nghề “độ xe” ra đời ở Hà Nội, rồi tạo thành những phố nghề mới và từng làm giàu cho không ít người…

Độ xe thuở sơ khai

Dân chơi xe Hà Nội không lạ phố Phủ Doãn - "thiên đường" sửa xe và “độ xe” một thời. Ngày ấy, chiếc xe máy Cup 78 máy cối, 79 sừng hươu máy cánh, 81 kim vàng giọt lệ, 82 đèn vuông, DD đỏ, Dream, Win... là cả một gia tài. Những chiếc xe này do Nhật Bản sản xuất nên máy rất bền nhưng mắc các "tật": sớm bị mọt ống xả (pô), mọt khung, mọt đuôi, bình xăng... do chủ yếu vận chuyển theo đường biển về nước. Để thay thế một chiếc pô, một khung xe, thậm chí cả dây ga và dây công tơ mét không dễ chút nào vì những món đồ này rất đắt và khan hiếm nên chủ yếu là "rã" từ những chiếc xe quá cũ nát được dân chợ Giời thu mua về. Nắm bắt nhu cầu, những Thắng béo, Đăng béo, Lợi gầy… đã mở cửa hàng tân trang xe máy đầu tiên ngay trên vỉa hè khu phố cổ Hà Nội.



Dân độ xe chủ yếu đi xuất khẩu lao động về, có chút ít kiến thức về xe cộ và có không ít người nắm trong tay những bí mật về một đường dây “đánh xe” theo đường biển, nên vừa là chủ cửa hàng xe, vừa là dân buôn bán xe. Xét theo lịch sử những “đại gia” đầu tiên mở cửa hàng trên phố Hàng Bông, Phủ Doãn thì tuổi của nghề này ở Hà Nội đã ngót nghét 4 thập niên. Bán xe và độ xe theo cách sơ khai là tân trang (làm mới) khiến những cái tên Thắng béo - Phủ Doãn chuyên hàn xì ống pô và phục chế khung mọt, Anh Phơ - Trúc Bạch và Dũng - Lò Rèn chuyên làm hơi, Quyết ở Lê Ngọc Hân chuyên chế dây ga, dây côn... đã thành “huyền thoại” trong giới. Đến giờ những "đôi tay vàng" có thể độ và chế từ dây phanh xe đạp thành dây ga, dây côn cho đến việc có thể tự tay gò hàn cả bộ khung xe máy bị mọt đến độ không thể phục chế..., được dân độ xe nhắc đến như những “sư phụ” trong nghề. Nghiễm nhiên phố Phủ Doãn tập trung nhiều hàng gò hàn, chế tác; trở thành "thiên đường" độ xe thời bao cấp và cho đến tận những năm 2000.

Thời hái ra tiền của nghề độ xe ấy còn kéo dài cho đến khi những chiếc xe 2 thì Super Kip, Nova, NSR đổ bộ làm khuynh đảo dân chơi Hà thành và chỉ chịu "giảm nhiệt" khi chiếc xe máy trở về với giá trị thực chỉ là phương tiện đi lại bình thường không còn mang ý nghĩa vừa là tài sản, vừa là đồ "trang sức"...

Khách hàng là "thượng đế"

Một kiểu “độ xe” khác khiến từ dân chơi cho đến những người bình thường tự nguyện mang tiền làm giàu cho một số người thức thời là nghề dán xe. Những năm 1990 khi thụ hưởng sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều nhà có “đồng ra đồng vào”, góc phố Cao Bá Quát đìu hiu ngày nào đã sáng choang những cửa hiệu với đèn chiếu sáng xanh đỏ rọi cả ngày. Phố chuyển mình từ hàn yếm xe máy, hàn nhựa sang một thứ nghề thời thượng làm đẹp cho những chiếc xe máy thời trang. Như một lẽ tất yếu, nghề hàn nhựa vẫn còn, di chuyển sang phố khác gần đấy vẫn chủ yếu tập trung làm đẹp cho những chiếc yếm xe máy đắt tiền.

Anh H "tóc dài" ngày ấy mới ngoài 30 nhưng đã là một thợ dán xe lâu năm trên phố. Từng học Mỹ thuật Công nghiệp nên H được các “thượng đế” đánh giá là dán xe rất có phong cách. Cửa hàng của H dù không nằm ở nơi đắc địa ngã ba Điện Biên Phủ - Cao Bá Quát nhưng lúc nào cũng dập dìu “cậu tú, cô chiêu” đỏng đảnh đủ các nhu cầu cho chiếc xế yêu của mình. Lúc nào cũng tỏ ra thanh lịch như phong cách người phố cổ, câu cửa miệng của H luôn là cảm ơn và không bao giờ nói "không" với bất kỳ "thượng đế" nào. Từng tâm sự như một triết lý sống: “Khách hàng là thượng đế nên phương châm cửa hàng là tuyệt đối không nói “không”. Ví như, khi khách yêu cầu màu sắc quá “độc” tôi luôn từ chối lịch sự là đã hết hàng để họ còn tìm thấy động lực quay lại cửa hàng mình. Những kỹ năng giao tiếp này tôi học được từ bà nội là một cụ bà bán hàng xén chợ Hàng Da”. Không chỉ có thu nhập khá từ cửa hàng chuyên làm đẹp cho xe máy từ hàn yếm, đến dán đề can, H còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động khác. Có những thợ ban đầu chỉ làm việc đánh giày loanh quanh phố Cao Bá Quát nhưng được H nhận vào làm một thời gian cũng trở thành những “tay dán” được khách hàng ưa thích.

Giờ thì, đã như một câu cửa miệng với cánh lao động ngoại tỉnh, sang nhất vẫn là được làm thợ dán xe, sửa xe, sau đó mới là bảo vệ và làm bưng bê. Hoàng quê ở Hưng Yên cho biết: "Làm cái nghề này có tiền, được chủ nuôi, ít phải chịu trách nhiệm lại có thời gian đi chơi vào buổi tối nên ở quê khối đứa mong được có việc làm như em". Tính nhẩm nếu khéo thu vén, những bạn trẻ như Hoàng sau vài ba năm tích góp cũng có số tiền kha khá, "đủ lông đủ cánh rồi" tha hồ kiếm việc ở Hà Nội. Trước Hoàng, ở cửa hàng của anh H đã có không ít thợ sau một thời gian làm thuê cũng tự tách ra về quê mở cửa hàng làm ăn riêng. Quả thật cái cách thợ tỉ mỉ miệng ngậm lưỡi dao lam, thậm chí ngậm cái máy sấy tóc to xù, tay thoăn thoắt cắt dán cũng là công việc xứng đáng để nhận mức thù lao có khi lên tới tiền triệu mỗi ngày. Thợ hàn phố Cao Bá Quát ngày nào đã tự nâng cấp trang bị cả mỏ hàn điện, mô tơ để chà và đánh bóng yếm xe khi cần thiết. Họ nhận làm đủ thứ để biến chiếc xe của "thượng đế" thành những tác phẩm nghệ thuật đường phố.

Nhưng rồi cả những người “khai thiên lập địa” cho những phố nghề độ xe của Hà thành đều hiểu rằng, quy luật của một thú chơi sẽ đổi thay khi giá trị chiếc xe máy trở về đúng với bản chất là phương tiện đi lại. Phố nghề cũng từ đó chuyển mình, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu độ xe ngày càng quái đản hoặc kinh doanh mặt hàng khác để tồn tại.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Độ xe” - nghề nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.