Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: “Thủ đô Sách”, tại sao không?

Song Thủy| 30/08/2016 06:31

(HNM) - Tôn vinh sách là tôn vinh tri thức. Từ năm 2001, UNESCO đã chọn mỗi năm một thành phố để vinh danh là Thủ đô Sách thế giới. Với tình yêu của người Hà Nội dành cho sách, với truyền thống nghìn năm văn hiến của đất kinh kỳ, tiếp nối những New Delhi (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan) hay Incheon (Hàn Quốc),


Tạo không gian cho văn hóa đọc

Người Hà Nội yêu sách. Văn hóa đọc với người Hà Nội không chỉ là tiếng vọng từ quá khứ mà như một mạch nguồn không bao giờ cạn. Để cổ vũ cho văn hóa đọc. Hội Sách đầu tiên đã được tổ chức vào cuối tháng 9 - đầu tháng 10-2014 tại Di sản Hoàng thành Thăng Long nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 15 năm Hà Nội được vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” thu hút đông đảo người yêu sách. Phát huy thành công này, Hội Sách Hà Nội 2015 tiếp tục được tổ chức với chủ đề “Sách và Di sản” với sự tham gia của gần 200 gian hàng và bước đầu hình thành thói quen “đi hội” của những người Hà Nội.

Độc giả tham quan và mua sách tại Lễ hội sách Hà Nội 2016. Ảnh: Khánh Huy



Bước sang năm 2016, Phố Sách Xuân Bính Thân đã trở thành sự kiện mang nhiều ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân khi lần đầu tiên Hà Nội có hoạt động đón xuân bằng sách. Trái với suy nghĩ thông thường dịp Tết là để vui chơi, du ngoạn; nhiều người đã thư thái tìm đến với Phố Sách. Điểm hẹn văn hóa đặc biệt này đón khách bằng một không khí khác biệt; đông đúc nhưng không xô bồ, mỗi người như chậm rãi, bình thản hơn và sẵn sàng đứng xếp hàng dài chờ mua một cuốn đang bán chạy trên thị trường. Hàng vạn lượt người đến với Phố Sách, gần 10 vạn bản sách được bán, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng trong 4 ngày… Các con số biết nói này đã một lần nữa khẳng định thành công của Phố Sách Xuân. Đây cũng là tiền đề để Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố tổ chức Hội Sách Thiếu nhi 1-6-2016 và sắp tới là Hội Sách Hà Nội 2016 với chủ đề “Sách và Hội nhập”, tạo điểm hẹn lý tưởng cho những người yêu sách tìm đến với sách, với văn hóa đọc...

Từ Phố Sách đến “Thủ đô sách”

Đinh Lễ hay Nguyễn Xí lâu nay mới chỉ được biết đến như những khu “chợ sách”, nơi người ta có thể lựa chọn được những cuốn sách ưng ý nhưng không thể tìm thấy một không gian tĩnh lặng để có thể bình yên thưởng thức cuốn sách vừa mua, chưa nói gì đến việc giao lưu giữa những người có chung sở thích hay gặp gỡ, trao đổi với những tác giả sách nổi tiếng. Những Hội Sách hay Phố Sách mà Hà Nội đã tổ chức khá thành công thời gian qua cũng đã tạo được một vài sân chơi hấp dẫn người yêu sách, đã có tọa đàm, giao lưu, chia sẻ, trò chuyện; tác giả và độc giả đã có cơ hội gặp gỡ; số lượng đầu sách bán được tính bằng đơn vị vạn bản, doanh thu tính bằng vài tỷ đồng… Thế nhưng người yêu sách vẫn thấy thiếu điều gì đó. Và Đề án xây dựng Phố Sách mà Sở TT&TT đang thực hiện để trình thành phố hy vọng sẽ cơ bản khắc phục được cái “ thiếu” ấy.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về con phố đặc biệt này của Thủ đô, bà Trần Thị Mai Dung, Trưởng phòng Quản lý Báo chí - Xuất bản, Sở TT&TT cho biết: “Tuyến phố được chọn để đề xuất thành phố làm Phố Sách cố định là phố 19-12, con phố chỉ dài 140m nhưng nằm ở khu vực trung tâm, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trong tâm thức người Hà Nội và một điều quan trọng là, việc xây dựng Phố Sách trên tuyến phố này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan, đơn vị tại các tòa nhà xung quanh; đồng thời có đủ diện tích để tạo không gian riêng dành cho các hoạt động của Phố Sách. Dự kiến Phố Sách có khoảng trên 20 gian hàng của các nhà xuất bản, nhà sách uy tín, có nhiều sách được độc giả quan tâm, nhưng không chỉ có thế, dải phân cách sẽ được trồng thêm cây xanh tạo bóng mát, đặt thêm ghế để bạn đọc có thể nghỉ chân thư giãn, thưởng thức những cuốn sách yêu thích vừa mua được… Ngoài ra, các công trình phụ trợ bao gồm sân khấu, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, các buổi giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách theo chuyên đề gắn với những ngày lễ lớn. Đặc biệt chúng tôi cũng đề xuất thành phố kết hợp xây dựng, tôn tạo khu tưởng niệm nhân dân và các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Thủ đô năm 1946 với vườn hoa đọc sách thành một quần thể văn hóa - lịch sử để Phố Sách không chỉ là một địa chỉ văn hóa đọc mà còn tôn vinh giá trị lịch sử của khu vực phố 19-12”.

Ngay sau khi nhận được thông tin thành phố chọn tuyến phố 19-12 làm Phố Sách, nhiều người Hà Nội đã bày tỏ sự đồng tình. Ông Trương Thanh Hóa, Đại tá quân đội nghỉ hưu ở tổ 10 phường Định Công, quận Hoàng Mai nói với chúng tôi: Phố 19-12 là nơi chôn những người Hà Nội chết trong đêm toàn quốc kháng chiến 19-12-1946. Đất nước thống nhất, nơi đây được san thành chợ rồi sau này được cải tạo thành phố 19-12. Nếu không có ngày 19-12-1946 thì sẽ không có ngày 10-10-1954. Vì vậy việc xây dựng Phố Sách rồi có cả một khu tưởng niệm ở đây là rất ý nghĩa khi địa điểm lịch sử gắn với các hoạt động văn hóa, người đến mua sách có thể nhắc nhớ cho thế hệ sau về những bài học lịch sử…

Một phương án khác trong đề án trên là hình thành Phố Sách lưu động kết hợp không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Theo đó các phố bán sách như Đinh Lễ, Nguyễn Xí sẽ được chỉnh trang, sắp xếp lại để đảm bảo không gian văn hóa, văn minh đô thị và cảnh quan thương mại. Ngoài ra, kết hợp với phố đi bộ, không gian phố Lê Thạch, Lê Lai và khu vực phía sau tượng đài vua Lý Thái Tổ để tạo thành Phố Sách lưu động vào các ngày cuối tuần.

Về thiết kế không gian Phố Sách, Sở TT&TT đề xuất các phương án tổ chức gian hàng phù hợp với tuyến phố 19-12, trong đó có phương án kiến trúc theo không gian phố cổ. Và thời gian khai trương hoạt động Phố Sách dự kiến vào ngày 19-12-2016, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến.

Phố Sách hình thành sẽ góp thêm một nét văn hóa cho mảnh đất nghìn năm văn hiến, có truyền thống hiếu học, quý trọng người tài, coi trọng tri thức. Và từ Phố Sách, người yêu văn hóa đọc hoàn toàn có thể nghĩ về một ngày không xa, Hà Nội sẽ trở thành “Thủ đô Sách” của thế giới. Đương nhiên, để trở thành “địa chỉ đỏ” mang tầm cỡ thế giới về sách, Hà Nội còn nhiều việc phải làm như xây dựng chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành xuất bản; xây dựng khu công nghiệp in, phát triển mạng lưới phát hành, xây dựng trung tâm sách ngoại văn, nâng cao chất lượng hệ thống thư viện, tổ chức đều đặn các hoạt động về sách trong nước và quốc tế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: “Thủ đô Sách”, tại sao không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.