Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ giữ lại “màu xanh”

Hương Ly| 25/09/2016 06:05

(HNM) - Hơn 400 cây cổ thụ sẽ được di dời về vườn ươm Văn Giang (Hưng Yên) để chăm sóc nhằm phục vụ thi công dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.


Hàng cây cổ thụ trên đường Kim Mã sắp được di dời.


Di dời để chăm sóc thay vì chặt hạ

Thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, không ít người dân Thủ đô đã nuối tiếc khi chứng kiến gần 500 cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi, Trần Phú phải chặt hạ để phục vụ dự án xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Năm sau, khi triển khai dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Cầu Giấy - Bưởi, hàng chục cây xà cừ cổ thụ cũng bị đốn hạ. Một gốc cây cổ thụ bị đốn không chỉ mất đi hàng chục mét vuông màu xanh, với những người vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, những gốc xà cừ cổ thụ còn như những chứng nhân lịch sử chứng kiến bao thời khắc thăng trầm của Thủ đô nghìn năm tuổi. Rút kinh nghiệm từ cách làm ấy, TP Hà Nội đã áp dụng một biện pháp hoàn toàn khác khi triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Tại cuộc họp báo vừa diễn ra trung tuần tháng 9, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, 106 cây xanh trên phố Kim Mã sẽ được di chuyển, trong đó 103 cây phát triển bình thường, nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; 3 cây còn lại có dấu hiệu sâu mục, dịch chuyển về vườn ươm để "chữa trị". “Sức khỏe” và “lý lịch” của các cây cổ thụ được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lập hồ sơ chi tiết - ông Lê Huy Hoàng, Phó Trưởng ban, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (PMU1) cho biết.

"Trong số cây xanh sẽ di chuyển, có 24 cây xà cừ đường kính lớn hơn 40cm, trên khu vực vỉa hè đoạn từ đền Voi Phục đến đối diện ngõ 575 Kim Mã. Theo chỉ đạo của thành phố, chủ đầu tư sẽ phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội đánh chuyển toàn bộ cây xanh về vườn ươm để chăm sóc, bảo dưỡng. Sau khi “sức khỏe” của cây hồi phục, sẽ bố trí những cây xanh này cho các tuyến đường, công viên, vườn hoa trong tương lai” - ông Lê Huy Hoàng khẳng định.

"Để bảo đảm cây sống và phát triển, đơn vị thực hiện di chuyển cây sẽ áp dụng phương án đào gốc thủ công" - ông Lê Huy Hoàng cho biết thêm. Tuy nhiên, việc này sẽ rất tốn kém. Để hoàn thành di chuyển 1 cây có đường kính lớn cần phải có 30 công nhân. Việc đánh chuyển sẽ được tiến hành vào ban đêm để tránh ảnh hưởng đến giao thông. Đơn vị thi công sẽ ngăn một bên đường Kim Mã để thực hiện công việc này.

Theo tính toán của Ban Quản lý dự án, để hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, sẽ phải di chuyển trên 500 cây xanh. Hiện, Ban Quản lý dự án đã khảo sát từ đền Voi Phục về đến Trần Hưng Đạo để phục vụ thi công các ga ngầm, với tổng số 468 cây. Qua khảo sát cho thấy, có 404 cây có thể di dời, còn lại hoặc cây không phù hợp với đô thị, hoặc cây sâu mục và chết, nên Ban Quản lý dự án đề xuất thành phố cho phép chặt hạ.

“Chăm sóc cây với tình yêu Hà Nội”

Đó là chia sẻ của ông Thẩm Thế Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Beepro, đơn vị được chọn thực hiện việc di dời cây xanh. “Chúng tôi rất tự hào được lựa chọn làm công việc này và sẽ thực hiện việc di chuyển những gốc cổ thụ bằng tình yêu với Hà Nội. Bởi, hàng trăm cây xanh đẹp như thế này, nếu bị chặt hạ, sẽ vô cùng lãng phí. Beepro là đơn vị đã có hơn 5 năm kinh nghiệm trong việc di chuyển cây xanh, đặc biệt là các loại cây cổ thụ. Chúng tôi đã từng di chuyển thành công nhiều cây cổ thụ kích thước lớn, từ Yên Bái về Khu đô thị Ecopark" - ông Thẩm Thế Hoàn cho biết.

Theo ông Thẩm Thế Hoàn, do điều kiện nền đất ở Hà Nội có rất nhiều đường ống, dây cáp ngầm nên việc bứng cây chủ yếu sử dụng phương án thủ công. “Trước tiên, chúng tôi sẽ cho công nhân cắt tỉa gọn cành, dùng cần cẩu đỡ thân cây, để công nhân đào bầu đất xung quanh gốc cho đến khi nhấc được cây lên. Sau đó, cây sẽ được chở đến vườn ươm ở Văn Giang, Hưng Yên. Đây là vùng đất màu mỡ, rất tốt cho cây sinh trưởng. Các chuyên gia chăm sóc cây xanh của công ty sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến học hỏi từ nước ngoài, để cây nhanh chóng ra rễ mới. Chúng tôi có công nghệ, bí quyết đặc biệt nhằm bảo đảm tỷ lệ sống cao cho những cây di chuyển từ đường Kim Mã về vườn ươm. Sau khi được đưa về vườn ươm, cây sẽ cần từ 3 đến 6 tháng để đâm chồi trở lại. Khoảng một năm sau, những cây cổ thụ trên phố Kim Mã có thể di chuyển tới trồng ở địa điểm mới" - ông Thẩm Thế Hoàn khẳng định.

Nhận xét về chủ trương đánh chuyển cây xanh để phục vụ xây dựng tuyến đường sắt đô thị thay vì chặt hạ, TS Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam đánh giá cao sự đổi mới tích cực của Hà Nội trong việc bảo vệ cây xanh và cảnh quan của Thủ đô. “Vẫn biết muốn có công trình giao thông phải chấp nhận đánh đổi. Nhưng nhìn những cây cổ thụ vài chục, thậm chí cả trăm năm tuổi bị đốn hạ, ai cũng xót xa. Thay vì chặt hạ, quyết định di chuyển nhiều cây xanh kích thước lớn như thế đã chứng tỏ quyết tâm bảo tồn, duy trì cây xanh của UBND TP Hà Nội” - ông Nguyễn Tiến Hiệp nhận xét.

Vẫn theo TS Nguyễn Tiến Hiệp, công nghệ, kỹ thuật di chuyển cây cổ thụ vẫn còn khá lạ lẫm ở Việt Nam. Việc di chuyển và trồng lại cây xà cừ kích thước lớn chắc chắn sẽ không đơn giản. Xà cừ trên đường phố Hà Nội có bộ rễ khá nông, bứng bầu không mấy khó khăn. Tuy nhiên, khi bứng sẽ phải chặt bớt rễ, và phải rất lâu sau bộ rễ mới phục hồi đủ có thể đỡ được thân cây đồ sộ cũng như cung cấp đủ dưỡng chất nuôi cây. Dẫu vậy, việc áp dụng công nghệ cho ra rễ nhanh có khả năng khắc phục được điều này. Song, dù sao việc đánh chuyển cây thay vì chặt hạ cũng là thử nghiệm rất tích cực, thậm chí có thể trở thành để tài nghiên cứu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, kinh phí di chuyển những cây cổ thụ này sẽ khá tốn kém.

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về kinh phí di chuyển cây xanh, ông Lê Huy Hoàng cho biết, hiện tại chưa có định mức, giá cả chi tiết việc đánh chuyển cây xanh. Vì vậy, dự án này sẽ thí điểm giá cắt, tỉa, di chuyển cây xanh cho các dự án sau. Nếu thí điểm phương án tại khu vực này thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tại những khu vực khác.

Mặc dù việc di chuyển hàng trăm cây cổ thụ, bảo dưỡng và hồi phục để cây xanh tiếp tục tỏa bóng mát không hề đơn giản; song với tình yêu Hà Nội, các đơn vị chức năng đang cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ “đặc biệt” được thành phố giao phó, người dân trông đợi. Hy vọng những gốc cổ thụ trăm tuổi sẽ có cơ hội tiếp tục trở thành những chứng nhân lịch sử, đồng hành và chứng kiến những bước chuyển mình của Thủ đô Hà Nội, văn minh, hiện đại. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ giữ lại “màu xanh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.