Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy…”

Thuận Thi| 26/09/2016 06:07

(HNM) - Người phụ nữ ấy đã có hành trình 35 năm vượt khó để đạt những thành tích mà người bình thường cũng không dễ có được. Người phụ nữ ấy có gương mặt rạng ngời, nụ cười thật tươi cùng trái tim luôn yêu thương, sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ.


Cô bé Đỗ Thúy Hà cất tiếng khóc chào đời vào một ngày giữa mùa đông năm 1981 trong niềm vui vô bờ bến của cha mẹ. Cô con gái bé bỏng cứ thế lớn lên trong tình yêu thương của gia đình. Năm cô 2 tuổi, đôi vợ chồng trẻ phát hiện con gái có những biểu hiện lạ về mắt. Đưa con đi khám ở Bệnh viện Mắt trung ương, bố mẹ Hà mới biết con bị thoái hóa võng mạc bẩm sinh. Nhớ lại những ngày tháng đó, Thúy Hà kể: "Mẹ bảo đã đưa em đi không biết bao nhiêu nơi để chạy chữa nhưng đều bó tay. Đến năm 7 tuổi thì em hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng". Rồi cô lại như tự an ủi: "Dù gì em cũng hơn nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ bởi đã có lúc em còn lờ mờ nhìn thấy cha mẹ, thấy quầng sáng và biết về màu xanh".

Đỗ Thúy Hà và con trai.


Thương con thiệt thòi hơn các bạn, nên khi 5 tuổi cô bé cũng được bố mẹ cho đi học mẫu giáo. Lớp 1, Thúy Hà được đến học ở Trường Tiểu học Phương Liên, nhưng thị lực quá kém nên không thể học như các bạn được. Sang học kỳ 2, cô bé phải nghỉ học vì hai mắt hoàn toàn không nhìn thấy nữa. Năm 1989, gia đình xin cho Hà vào học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu. Bà Thúy Anh - mẹ của Hà xin nghỉ hẳn việc để đảm trách đưa đón con. Ở ngôi trường mới, cô bé thấy nhiều bạn cùng cảnh ngộ như mình nên phần nào tự tin hơn. Cô được dạy chữ nổi, được học đàn, học vẽ và nhiều kỹ năng khác. Cuộc sống của cô bé khiếm thị vốn chịu nhiều thiệt thòi dường như đã sang một trang mới.

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Vượt qua những mặc cảm và thời thơ ấu nhiều thiệt thòi, cô gái ấy đã không ngừng nỗ lực để rồi đã đạt những kết quả đáng khâm phục. Năm 2000, cô là thí sinh khiếm thị duy nhất dự thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức và đạt giải ba; chơi thành thạo hai loại nhạc cụ là đàn organ và đàn tranh; thi đỗ vào Khoa tiếng Anh của Viện Đại học Mở (2004).

Năm 2005, Thúy Hà đăng ký học lớp kỹ năng lãnh đạo cho người mù do Nhật Bản tổ chức qua mạng. Vượt qua 350 người, cô là người duy nhất trúng tuyển và là một trong 7 đại diện của 7 nước Châu Á - Thái Bình Dương nhận học bổng Duskin du học tại Nhật Bản. Trong một năm rưỡi đi học tại Nhật Bản, cô xin bảo lưu kết quả học tại Viện Đại học Mở. Kết thúc khóa học, cô trở về trường tiếp tục học và tham gia hoạt động ở Hội Người mù quận Đống Đa. Cô đã giới thiệu và tổ chức trao học bổng Nhật Bản cho 8 người, trong đó có 4 là người khuyết tật. Cô còn kết hợp với những người đang sống tại Nhật Bản mở lớp dạy tiếng Nhật trên mạng cho người khuyết tật; Lập dự án hỗ trợ học sinh khiếm thị đang theo học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu; vận động ủng hộ 10 máy tính cũ trợ giúp các sinh viên khiếm thị trong học tập...

Những hoạt động đầy tâm huyết vì cộng đồng của Thúy Hà đã được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực. Liên tục trong hai năm 2008, 2009 Thúy Hà được phía Nhật Bản mời tham dự hội thảo với chủ đề "Người khuyết tật với việc làm". Năm 2012, cô được tín nhiệm bầu giữ vị trí Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Trên cương vị mới, cô tổ chức nhiều lớp dạy chữ nổi Braille, dạy vi tính, dạy nghề và tổ chức nhiều buổi sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu cho gần 200 hội viên. Những hoạt động ấn tượng nhất phải kể tới là lớp học tiếng Anh cho 15 hội viên do Tổ chức từ thiện ACCV của Australia kết hợp với Hội mở, hay việc kết hợp với Tổ chức Minzoku Forum của Nhật Bản mở khóa học kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt cho 20 hội viên giúp họ có cơ hội tìm kiếm việc làm... Hằng năm, với cương vị Chủ tịch Hội, Thúy Hà đã kết hợp với các tổ chức từ thiện quốc tế đi tặng sách và quà cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật ở các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc. Bản thân cô luôn dành thời gian tham gia nhóm tình nguyện để dạy chữ nổi, dạy tiếng Anh cho người khuyết tật.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và những đóng góp đầy ý nghĩa cho xã hội, năm 2001 cô được lựa chọn là gương mặt "Nữ sinh Việt Nam tiêu biểu"; tháng 3-2013, được Hội LHPN Việt Nam tôn vinh "Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang"; tháng 10-2013 cô là một trong 10 phụ nữ được Hội LHPN Hà Nội tặng danh hiệu "Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu"; tháng 4-2014 được tặng thưởng "Tấm gương nghị lực"... Và mới đây nhất, cô là một trong 9 cá nhân được đề xuất xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2016” trong lĩnh vực hoạt động xã hội - từ thiện.

Thúy Hà có gương mặt tươi sáng và nụ cười rạng rỡ. Thoạt nhìn, không ai nghĩ cô bị khiếm thị. Cô nói về công việc của mình với một niềm say mê bất tận. Dường như một tài sản quý giá cô có được là tinh thần lạc quan và tình yêu với cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, giống như một câu thơ mà cô đặc biệt yêu thích: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”… Nghe cô kể, tôi cảm nhận được trái tim dâng hiến của cô luôn hát khúc yêu thương với tất thảy. Người phụ nữ đầy nghị lực ấy hiện có một gia đình hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu vợ, thương con. Nhắc đến chồng, cô không giấu nổi niềm tự hào: "Anh ấy không bia rượu, thuốc lá, luôn biết chia sẻ cùng em. Em mong hai vợ chồng sẽ nắm tay nhau đi hết cuộc đời". Để có được hạnh phúc ngày hôm nay, cô và chồng cũng đã phải trải qua nhiều khúc quanh. Người đàn ông ấy luôn ở bên cô, là đôi mắt, đôi chân của cô. Người đàn ông ấy luôn động viên, chia sẻ cùng cô công việc nhà cũng như việc xã hội. Cô cùng chồng dạy con, đi chợ, giặt đồ và dạy thêm tiếng Anh, những mong có thêm thu nhập cho gia đình. Còn cô, người phụ nữ khiếm thị đã xuất sắc hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ, đặc biệt là đã có những đóng góp đáng khâm phục cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy…”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.