Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người thầy dựng “nết Nguyễn Siêu”

Thống Nhất| 30/09/2016 05:38

(HNM) - Nghe tin thầy là một trong 9 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu


Hành trình 25 năm xây “nền”

Trở lại thăm Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu, cảm nhận đầu tiên khiến tôi choáng ngợp là cơ ngơi khang trang, hiện đại cùng tính chuyên nghiệp trong từng vị trí công việc của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Duy có không khí thân thiện, cảm giác gần gũi từ những ánh mắt, cử chỉ, cái vòng tay lễ phép của học trò tôi gặp trên con đường từ cổng vào đến khu hiệu bộ là quen thuộc, vẫn y như lần đầu tiên đặt chân đến đây gần 10 năm trước. Chẳng thế mà "nết Nguyễn Siêu" đã trở thành một thương hiệu quen thuộc và dường như trở thành độc quyền được nhiều phụ huynh nhắc đến khi nói về thành quả của sự rèn giũa tỉ mỉ, công phu, bài bản và khoa học của tập thể đội ngũ thầy cô giáo đối với từng học sinh.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh và các học trò Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu.



Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu thành lập năm 1991 với 5 lớp và 132 học sinh. Thời điểm ấy, mô hình trường ngoài công lập còn khá mới mẻ đối với người dân, thậm chí, việc tổ chức, quản lý mô hình này đối với các cấp quản lý cũng đang trong giai đoạn định hình. Ngay từ những bước đi đầu tiên, nhà trường đã xác định hướng đi của mình: Xây dựng Trường Nguyễn Siêu trở thành trường chất lượng cao với các điều kiện dạy học và chất lượng giáo dục ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Thầy giáo - Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh bồi hồi nhớ lại: Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập trường, năm 1996, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh về thăm, nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đã ghi nhận những cố gắng của trường và khẳng định: “Những kết quả và tiến bộ của Trường Nguyễn Siêu trong 5 năm qua chứng tỏ rằng chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào sức dân để xây dựng những trường ngoài công lập có chất lượng cao không kém các trường công lập…”. Lời động viên ấy đã kích thích thầy trò nhà trường không ngừng cố gắng trong suốt 25 năm qua để có được cơ ngơi khang trang, hiện đại mà bất cứ phụ huynh, học sinh nào cũng mong muốn. Chỉ riêng trong năm học 2015-2016, nhà trường đã đầu tư hơn 32 tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học. Cũng có lẽ, hiếm ngôi trường nào trên địa bàn thành phố được đầu tư bài bản, đồng bộ các điều kiện phục vụ dạy học hiện đại tại hơn 90 phòng học như điều hòa nhiệt độ, máy projector, máy tính nối mạng, đồ dùng dạy học ở đủ các bộ môn… như Trường Nguyễn Siêu.

Những nỗ lực ấy đã làm nên chất lượng giáo dục ngày càng tiến bộ và bền vững. Trong 5 năm qua, giáo viên của trường đã giành 81 giải trong hội thi dạy giỏi; 120 sáng kiến kinh nghiệm cấp quận, thành phố có tính ứng dụng cao được nhân rộng. Về thành tích của học trò, các em đã đem về hơn 500 giải, trong đó có 50 giải cấp quốc gia, quốc tế và khu vực; tỷ lệ thi đỗ đại học đạt từ 78%, nhiều năm đạt 100%. Nhiều năm trở lại đây, Nguyễn Siêu giữ vững danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được UBND TP Hà Nội “đóng dấu” là trường chất lượng cao, được Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) công nhận là Trường quốc tế Cambridge, là Trung tâm khảo thí ủy quyền của Đại học Cambridge tại Việt Nam.

Có điều khác biệt ở hướng đi, cách làm của thầy Nguyễn Trọng Vĩnh, ấy là trong khi nhiều đồng nghiệp, bạn bè cho rằng những thành quả đạt được phần nào minh chứng cho cái đích đang hướng tới, còn với thầy, đó mới chỉ là chặng xây “nền”, là sự khởi đầu cho một chặng đường dài phía trước để tạo nên những chủ nhân tương lai giỏi toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tận tâm rèn đức

Sinh năm 1935, năm 13 tuổi đã tham gia cách mạng tại vùng địch hậu Hải Phòng, rồi được Thành ủy Hải Phòng cử đi học sư phạm tại Khu học xá Trung ương, năm 1954, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh được điều động về công tác tại Sở GD-ĐT Hà Nội, rồi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Đông Ngạc khi mới tròn 20 tuổi. Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn ác liệt nhất, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh được cử tham gia quân đội. Trong suốt 25 năm công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh, người thầy tưởng rằng chỉ biết đến phấn bảng, bút mực ấy đã tham gia nhiều nhiệm vụ Binh chủng giao, từ việc xây dựng công trình, đến chiến đấu bảo đảm vượt sông trên các chiến trường từ Bắc vào Nam, trong đó có chiến dịch Quảng Trị rồi bị thương, được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Năm 1990, thầy giáo Vĩnh về nghỉ hưu với quân hàm đại tá, và một năm sau - năm 1991, bằng nhiệt huyết của người chiến sĩ, trái tim của người thầy giáo, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh cùng người bạn đời của mình đã bắt tay vào xây dựng Trường Nguyễn Siêu.

Nếu không nói, ít ai biết được rằng, để có được ngày hôm nay, tập thể nhà trường đã trải qua bao gian nan, vất vả; thầy trò nhà trường từng 8 lần quang gánh trên vai "đi ở nhờ" ở nhiều nơi để duy trì việc dạy, việc học. Ấy thế mà sự học vẫn không hề bị chểnh mảng, mà ngược lại, dường như càng trong khó khăn, ý chí và nghị lực vươn lên của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cả học sinh của ngôi trường mang tên Danh nhân văn hóa - giáo dục Nguyễn Văn Siêu càng kiên cường, mạnh mẽ.

Để có được nét riêng của Nguyễn Siêu, trở thành “nết Nguyễn Siêu” như hiện nay, tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã sớm xác định được ý nghĩa, vai trò của nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh trong quá trình xây dựng, tạo sự phát triển bền vững của một nhà trường. Từng chi tiết nhỏ đều được coi trọng, đưa vào thành nhiệm vụ giáo dục hằng ngày và trở thành nguyên tắc bất di bất dịch của học sinh khi tới trường, từ việc không được đi dép lê, không nhuộm tóc, không vứt rác ra đường, không viết, vẽ bẩn lên mặt bàn, tường nhà, đến việc biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. Ở Nguyễn Siêu, việc rèn kỹ năng sống không chỉ bó buộc trong môi trường học đường, giữa thầy với trò, mà được mở ra ngoài xã hội, hướng đến cuộc sống bằng những trải nghiệm thực tế. Các em được vào viện dưỡng lão, hóa thân vào người già để có thể thấu hiểu tâm tư của ông bà; được tập làm nông dân xuống đồng cấy lúa, trồng rau khi về Làng cổ Đường Lâm; tập làm nội trợ đảm trách bữa ăn gia đình khi ra chợ; tập làm người bán hàng, kinh doanh khi hòa mình cùng các thành viên hệ thống siêu thị… Được rèn giũa thường xuyên như thế, hơn 2.300 học sinh của Trường Nguyễn Siêu hiện nay, dù ở độ tuổi nào cũng đều có ý thức xây dựng, vun đắp để “nết Nguyễn Siêu” ngày càng tỏa sáng.

81 tuổi đời với 61 năm tuổi nghề, 59 năm tuổi Đảng, khi được hỏi về sức mạnh nào đã khiến thầy chèo lái con thuyền của sự học vượt qua bao khó khăn một cách kiên trì, nỗ lực đến vậy, người thầy giáo già - cũng từng là người lính, nở nụ cười hiền hậu: “Mình làm vì cái tâm, cái đức của người thầy giáo luôn trăn trở, đau đáu vì sự nghiệp giáo dục nước nhà; vì thế luôn cố gắng truyền nhiệt huyết ấy cho tập thể, để cùng đồng lòng, hết sức vì học sinh thân yêu - thế hệ tương lai của đất nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người thầy dựng “nết Nguyễn Siêu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.