Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chuyện nhỏ ghi ở Châu Âu

Nguyễn Ngọc Tiến| 17/10/2016 06:29

(HNM) - Bảo vệ môi trường, chuyện xe cộ, đi lại và bảo tồn lịch sử, văn hóa ở Châu Âu, hay những câu chuyện nhỏ về cuộc sống của bà con người Việt ở Đức, Séc hay Thụy Sĩ... là những mảnh ghép thú vị mà phóng viên Báo Hànộimới ghi chép lại trong chuyến công tác tại một số quốc gia trong khối Schengen thuộc Liên minh Châu Âu vừa qua.


Bài đầu: Người Châu Âu yêu cả những cây dại

Những nước tham gia Hiệp ước tự do đi lại ở Châu Âu (Schengen) mà tôi đặt chân đến đều có rừng tự nhiên. Nói chung rừng xứ ôn đới đơn điệu, toàn là sồi, phong hay thông, chủng loại cây không phong phú như rừng nhiệt đới. Bù lại nó rất nịnh mắt vì cây thưa, thân thẳng và sạch. Người Châu Âu coi thiên nhiên là đối tác quan trọng với đời sống và họ ứng xử rất văn hóa, họ yêu cả những cây dại, không nỡ chặt bỏ nếu cây đó không gây hại...

Trên đường cao tốc quốc gia của Đức. Ảnh: Long Hà



Ở Đức, rừng chiếm 1/3 diện tích. Rừng xen lẫn với các nông trại lúa mì, ngô. Trong các nông trại ở phía Bắc quốc gia này rất nhiều “cây khủng” mọc lên, đó là những cột điện gió. Sau sự cố điện hạt nhân ở Nhật Bản, nước Đức thay dần điện hạt nhân bằng điện gió. Giữa thủ đô Berlin (Đức), trong lòng thành phố Genève (Thụy Sĩ), ngoại ô Paris (Pháp), cây trong công viên trồng sin sít như rừng. Người Châu Âu coi thiên nhiên là đối tác quan trọng với đời sống và họ ứng xử rất văn hóa. Trên nhiều tuyến đường ở Đức thường có tấm biển vẽ đầu con hươu để cảnh báo lái xe đoạn đường thường có thú chạy qua. Nếu không may đâm phải hay nhìn thấy hươu bị đâm, lái xe sẽ gọi điện báo cho cảnh sát. Bạn tôi kể rằng ngày mới sang Đức, đang lái xe trên đường anh nhìn thấy con hươu bị đâm chết, tiếc của giời mang về nhà thịt bỗng cảnh sát bất ngờ ập vào kiểm tra tủ lạnh, thấy bốn cái đùi, họ bắt vứt ra thùng rác vì thịt chưa được kiểm dịch. Hóa ra các xe đi qua thấy anh bạn cho con hươu vào cốp xe đã ghi lại biển số rồi báo cảnh sát.

Người Châu Âu yêu cả những cây dại, họ không nỡ chặt bỏ nếu cây đó không gây hại, bằng chứng là trên nhiều tuyến đường ở Séc, cây dại rất nhiều trong đó có cả táo, mận quả chín lủng lẳng trông thích mắt. Nhưng yêu đến mức ngả mũ vĩnh biệt cây thì hình như chỉ có dân Genève. Một ngày đẹp trời, hội đồng thành phố thông báo trên truyền hình, trên radio rằng họ sẽ cưa 4 cây sồi bị sâu trên đảo nhỏ ở hồ Léman. 4 cây này buộc phải cưa sau khi cơ quan chuyên môn kiểm tra sinh hóa kết luận cây không thể sống được. Sáng hôm đó, trên chiếc cầu nối hai bờ hồ Léman rất đông người, già có trẻ có, tất cả hướng mắt ra đảo. Khi nhân viên sở công chính nổ máy, đưa lưỡi vào thân cây thì người ngả mũ, người không có mũ vẫy tay vĩnh biệt. Những cây trên đảo nhỏ này lớn lên cùng với một thế hệ của thành phố. Họ bảo dưới bóng cây này, họ đã nghỉ ngơi cùng gia đình, cắm trại cùng với bạn bè, cây và họ thân thiết, biết bao kỷ niệm.

Ở Berlin, 5 ngày tôi mới thay quần áo, còn lưỡng lự khi cho vào máy giặt vì nó vẫn chưa bẩn. Những ngày ở Paris cũng vậy, dù tôi liên tục cuốc bộ khắp thành phố tráng lệ này. Tuy nhiên khi sang Thụy Sĩ, Linh - người Pháp gốc Việt sống và làm việc ở Genève - bảo tôi: “7 ngày mới thay quần áo”. Đấy là lúc chán ô tô Linh lôi xe máy phân khối lớn ra chạy. Nếu chỉ đi ô tô chắc các công ty sản xuất bột giặt phải đóng cửa nhà máy. Đường phố Châu Âu nói chung sạch, ô tô chạy suốt ngày đêm nhưng tôi không ngửi thấy mùi khí thải. Ở Paris rất nhiều xe máy, vỉa hè trước cổng Đài Truyền hình Pháp nhiều xe máy, nhưng xe máy cũng như ô tô khi vào Châu Âu phải theo tiêu chuẩn khí thải EURO 4. Đường phố Berlin, Praha, Vienna, Paris hay Genève hầu như không có khói bụi. Ít khi thấy rác trên đường vì người dân ý thức. Tại thành phố Molln nhỏ xinh nằm ở miền Bắc nước Đức, tôi cảm thấy áy náy khi ném đầu lọc thuốc lá xuống đường dù không ai biết vì nơi đây quá yên bình và sạch đến mức ngạc nhiên.

Minh là người Đức gốc Việt. Anh có thâm niên mở nhà hàng ăn uống. Minh bảo muốn mở nhà hàng bán các món ăn Âu, Á ở Đức rất dễ vì nguyên liệu sẵn, chỉ một cú điện thoại sẽ có ngay cá biển nổi tiếng của Na Uy hay Bồ Đào Nha. Nguyên liệu chế biến các món Châu Á cũng chả thiếu thứ gì, mắm tôm Việt Nam là thứ khó mang qua cũng có, nhưng khó nhất là phải đáp ứng được yêu cầu của chính quyền về nước thải. Dầu mỡ thừa để chảy tự do ra hệ thống thoát nước công cộng là không được, mùa đông dầu mỡ đóng băng sẽ làm tê liệt hệ thống nước thải ở khu vực đó. Vì thế muốn mở hàng ăn, điều đầu tiên là thoát nước thải thế nào, phải mua thiết bị lọc, thiết bị chặn giữ thức ăn thừa. Chỉ khi cơ quan chức năng kiểm tra đồng ý họ mới cấp giấy phép kinh doanh. Ở Đức, các gia đình phải trả tiền xả nước thải. Và nếu thấy nước thải quá ít so với lượng nước sạch đã sử dụng nhà đó sẽ bị phạt vì thế nếu muốn ăn gian bằng cách rửa rau vo gạo xong mang đổ ra vườn thì cũng chỉ dám đổ vài lần trong tháng. Nhà bạn tôi ở ngoại ô Berlin, gần cái hồ lớn. Hồ này không phải hồ tự nhiên mà là hồ đào. Nước cung cấp cho hồ chính là nước thải đã qua xử lý. Tôi chứng kiến nhiều đàn ông tắm “thiên nhiên” trong hồ, họ bơi bên cạnh những con vịt trời và ngỗng đang mải mê kiếm ăn.

Những ngày ở Paris, tôi lang thang đến những di tích lịch sử, văn hóa thuộc hàng “top” của nước Pháp, những di tích mà du khách không ghé thăm thì coi như chưa đến “kinh đô ánh sáng”. Tôi biết tháp Eiffel qua những bức ảnh, biết Nhà thờ Đức bà qua tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà Paris” của Victor Hugo với nhân vật là ông già kéo chuông Quasimodo khiến người đọc cảm động và luôn tự hỏi “Tại sao một người tàn tật mà tâm hồn lại đẹp đến thế?”. Sân trước mặt nhà thờ lát đá, nhưng xung quanh lại là đất cát lẫn sỏi nhỏ, quanh tháp Eiffel cũng vậy. Nước Pháp thiếu xi măng? thiếu gạch, thiếu đá? Không phải, người ta làm vậy để mùa đông khi băng tuyết tan nước sẽ ngấm ngay xuống đất bổ sung cho nguồn nước ngầm và cũng để cống tiêu không bị chậm thoát gây ngập nước đường phố. Từ xa xưa, người Châu Âu đã coi trọng môi trường. Và tôi hiểu vì sao nhà bạn tôi ở Berlin khi làm sân chỉ xếp gạch không cho vữa xi măng vào mạch. Nhà nào trái quy định sẽ bị phạt tiền và Sở Xây dựng còn bắt gỡ gạch lên lát lại.

Bảo vệ môi trường ở Châu Âu là rất ổn, song không có nghĩa châu lục này không có sự cố. Hamburg là thành phố cảng nằm ở phía Bắc nước Đức. Thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hamburg nổi tiếng thế giới vì có ngành công nghiệp đóng tàu rất phát triển. Sang thế kỷ XXI, Hamburg lại nổi tiếng không phải vì đóng tàu mà vì khu “đèn đỏ” St.Pauli và vụ kiện đi tiểu. Số là dân chơi Châu Âu rầm rập đổ đến St.Pauli uống bia Đức và thư giãn. Sau khi no bia, chân nam đá chân siêu, họ vô tư giải quyết "nỗi buồn" ra tường của các nhà xung quanh. Có người đã kiện nhưng tòa ra phán quyết người đó không cố ý.

Lại một chuyện khác. Hôm từ Genève trở lại Paris, trong lúc chờ xe buýt tôi vào nhà vệ sinh của bến xe. Nó khá giống với các nhà vệ sinh ở Pháp, Đức, Áo hay Séc, song khác là không cần bỏ 50 cent như ở Séc hoặc Đức hay 2 euro như ở Áo thì cánh cửa nhà vệ sinh mới mở cho vào, nhà vệ sinh này miễn phí. Nhưng khi tôi làm cái việc quen thuộc là xả nước nhưng vòi nước khô khốc, ra vòi nước rửa tay cũng khô khốc. Dù hai chuyện đó cũng không làm tôi bớt hoang mang về môi trường xứ mình, nhưng xét cho cùng nó là chuyện rất nhỏ. Tôi gọi đùa là “sự cố Genève”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chuyện nhỏ ghi ở Châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.