Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Văn hóa là loại vắc xin đặc biệt

Nguyễn Ngọc Tiến| 19/10/2016 06:33

(HNM) - Tôi đã ngất ngây bởi sự tráng lệ khi đứng trước nhà hát Opera Paris. Vào bên trong, tôi cảm thấy mình không thể làm bất cứ việc gì “thiếu” văn hóa vì quá sang trọng và hoàn hảo đến từng chi tiết.


Một góc Cung điện Versailles (Pháp). Ảnh: Long Hà


Những cuộc tranh giành đất đai, nô lệ giữa các lãnh chúa ở Châu Âu làm xuất hiện các pháo đài vừa có kiến trúc mang tính phòng thủ vừa có kiến trúc lâu đài. Ở Đức, chữ “buốc” (burg - pháo đài) gắn sau nhiều danh từ chỉ địa danh, điều đó cũng có nghĩa nước Đức có rất nhiều pháo đài. Theo thống kê, quốc gia này có khoảng 1.500 lâu đài, trong đó có nhiều pháo đài có giá trị lịch sử, văn hóa. Các đế chế quân chủ Châu Âu cũng xây dựng nhiều cung điện lớn mà Versailles ở Paris (Pháp) hay Pague Castle ở Séc là một ví dụ. Tầng lớp quý tộc ở châu lục này vung tiền xây lâu đài theo các phong cách khác nhau. Cung điện Versailles rộng hàng nghìn héc ta với một hệ thống kiến trúc liên hoàn. Những ai từng vào đây đều có cảm giác choáng ngợp vì sự xa hoa, sang trọng và trầm trồ vì mọi thứ quá đẹp. Ở khu vực sân ngoài, rất nhiều tượng đứng, nằm, ngồi được đúc dựa theo truyền thuyết cổ. Đứng ở đây có thể quan sát rừng cây mênh mông như khu sinh thái nhân tạo tuyệt vời. Lại có cả nhà hát ngoài trời mô phỏng nhà hát thời La Mã. Nếu Versailles tráng lệ thì Nhà thờ Đức Bà lại trang nghiêm và uy nghi. Ở trung tâm Thụy Sĩ, Linh dẫn tôi vào một nhà thờ xây cách nay 300 năm. Có tiếng đàn piano, ai đó đang đánh bản “Eine kleine nachmusik” của nhà soạn nhạc Mozat. Linh bảo đó là âm thanh đàn piano hơi, loại đàn cổ trên thế giới còn lại rất ít. Kỳ lạ là đứng ở góc nào trong nhà thờ cường độ âm thanh cũng như nhau, nó vang đều khiến tôi không thể biết chiếc đàn đặt ở đâu. Cách nay 300 năm mà người ta đã tính toán kỹ sự luân chuyển và khuyếch tán âm thanh để các cha dù nói nhỏ lúc giảng đạo thì tín đồ đứng phía sau vẫn nghe rõ.

Ở Châu Âu, Séc cũng là quốc gia được xếp vào hàng có nhiều DSVH, tôn giáo cổ còn nguyên vẹn. Quảng trường Old Town (người lao động Việt Nam thời còn nước Tiệp Khắc gọi là quảng trường Con Gà). Tại quảng trường có một chiếc đồng hồ thiên văn cổ được những người thợ hoàn thành năm 1410 vẫn còn hoạt động. Đúng 12 giờ trưa và 6 giờ tối, đồng hồ thong thả đổ chuông, 12 vị thánh tông đồ của Chúa Jesus đi qua hai cái cửa sổ, cuộc hành trình này được kết thúc bằng tiếng gáy tò tí te rõ to của chú gà trống ở phía trên cửa sổ. Từ quảng trường, đi bộ khoảng 1,5km sẽ đến cầu Charles (người lao động Việt Nam gọi là cầu Tình Yêu), cây cầu bắc qua sông Vltava hung dữ xây năm 1357. Anh Huy, người sống ở Séc hơn 30 năm bảo không phải vì thành cầu có bức tượng thánh bảo hộ tình yêu của dân tộc Séc mà người lao động Việt Nam gọi là cầu Tình Yêu. Thời còn Tiệp Khắc, có nhà máy toàn con trai, có nhà máy phần lớn là phụ nữ, ngày nghỉ công nhân lên Praha chơi và tại cây cầu này rất nhiều mối tình đã nảy nở nên mọi người gọi nôm là cầu Tình Yêu. Anh Huy thú nhận đã yêu vợ mình chính tại cầu Charles. Ngày nay nhiều thanh niên Séc không gọi là cầu Charles, họ gọi cầu Tình Yêu như người Việt. Hôm tôi ở Praha, lúc hoàng hôn nhìn các đôi trai gái hôn nhau trên cầu trong ánh vàng bầu trời thấy cũng xao xuyến. Sẽ chẳng có giáo trình nào tốt hơn nếu dẫn sinh viên kiến trúc đến các DSVH Châu Âu và chỉ thời gian ngắn họ sẽ biết rõ đâu là kiến trúc Trung cổ với phong cách La Mã và Gothic, kiến trúc Phục hưng với sự tiếp nối của Gothic cùng phong cách Baroque hay kiến trúc thế tục. Với sinh viên mỹ thuật, chả cần phải nói nhiều, đưa họ vào các bảo tàng ở khắp Châu Âu họ sẽ biết rõ hội họa, điêu khắc qua từng giai đoạn.

Những DSVH còn nguyên vẹn mà ngày nay dân Châu Âu hay công dân các quốc gia ngoài châu lục này được thưởng lãm là nhờ chính sách bảo vệ khắt khe của Liên minh Châu Âu và từng quốc gia thành viên. Hôm tôi đến thăm bạn ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam nằm tại quận 13 của Paris thì cán bộ trung tâm này đang rục rịch chuyển đồ. Tòa nhà này Chính phủ Việt Nam đã mua đứt cách đây 40 năm và hiện do Bộ VH-TT&DL quản lý. Dù mới 40 năm nhưng khi xin giấy phép sửa chữa cũng mất cả năm trời. Đủ các đơn vị xem xét, song quan trọng nhất là bộ phận quản lý di sản, họ đồng ý cơ quan chức năng mới được cấp giấy phép. Những tòa nhà có tuổi đời lâu hơn còn phức tạp nữa. Ở khu vực trung tâm thì bất di bất dịch. Chính quyền Paris muốn thành phố của họ luôn như ngày xưa. Chủ nhà có thể thay đổi cấu trúc bên trong cho phù hợp với thời nay nhưng dứt khoát phải giữ nguyên mặt tiền, không có ngoại lệ.

Ở Châu Âu có giai thoại về bảo vệ DSVH. Khi Đức quốc xã xâm chiếm nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Hitler ra lệnh không được bắn pháo vào Paris để các DSVH không bị đổ nát. Hay như một quốc gia đã chấp nhận buông súng đầu hàng Đức quốc xã cho thành phố nguyên vẹn vì họ nhìn thấy bài học từ Warszawa (Ba Lan) chỉ còn là đống gạch vụn. Không chỉ bảo tồn các DSVH, tôn giáo, nhiều di tích thời Chiến tranh lạnh vẫn được họ gìn giữ như một phần của lịch sử, văn hóa Châu Âu. Ở phần Đông của thủ đô Berlin hay ở Séc, rất dễ dàng nhận ra những khu nhà tập thể lắp ghép như ở Trung Tự hay Giảng Võ, có khác là người ta đã khoác lên nó màu sơn mới. Cũng ở Berlin, nhà thờ tưởng niệm Hoàng đế Wilmhelm trúng bom ngày 20-7-1945 bị sạt một phần tháp chuông. Chính quyền cho xây dựng lại nhà thờ mới ngay bên cạnh nhưng vẫn giữ nguyên nhà thờ cũ, đó cũng là một cách bảo tồn. Hay tháp truyền hình do Cộng hòa Dân chủ Đức xây với những giai thoại đến hôm nay là tình báo Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức hằng ngày ngồi uống Vodka bí mật chĩa ống nhòm sang Tây Đức theo dõi vẫn sừng sững. Thậm chí, Đài tưởng niệm và nghĩa trang chôn cất Hồng quân Liên Xô do Liên Xô xây dựng vẫn được giữ nguyên vẹn khi bức tường Berlin sụp đổ. Lang thang ở Berlin tôi thấy một lâu đài đang được trùng tu, Phúc bạn tôi bảo đó là cung điện cũ từng được trùng tu nhưng lần này thành phố muốn nó trở lại nguyên bản.

Bảo vệ, giữ gìn di sản phải bằng luật pháp và bằng cả tiền, vì thế ở Châu Âu, người ta lập nhiều quỹ văn hóa. Năm 2002, nước sông Vltava lên cao gây ngập lụt Praha làm hư hại nhiều DSVH, trong đó có bảo tàng, nhà hát và quỹ văn hóa của Liên minh Châu Âu đã hỗ trợ quốc gia này 80 triệu euro để sửa chữa. Các chính phủ thành viên cũng lập quỹ, ngoài ra còn các quỹ của các tổ chức, cá nhân và một nguồn quan trọng khác là tiền bán vé tham quan. Giá vé thăm Cung điện Versailles là 25 euro, tham quan phòng hòa nhạc ở Nhà hát Opera Paris 5 euro, lên tháp Eiffel, vào nhà hát Opera ở Vienna, đâu đâu cũng bán vé. Nhà hát Opera Paris còn cho thuê bên hông tầng 1 làm nhà hàng. Số tiền thu được một phần nộp ngân sách, một phần chi trả lương cho bộ máy quản lý và nhân viên, còn lại cho vào quỹ trùng tu.

Châu Âu sòng phẳng trước lịch sử, văn hóa, trước sáng tạo của con người bất kể nó ở phe nào, tôn giáo nào. Ông George Sand nói với tôi: DSVH là tài sản của một quốc gia, là niềm tự hào của dân tộc đó. Ông cũng nói thêm, văn hóa của mỗi dân tộc là vắc xin đặc biệt, văn hóa dày thì vắc xin đó càng hiệu nghiệm, có thể chống lại sự xâm lăng của “vi khuẩn gây bệnh”. Có lẽ ông Sand nói đúng, dựa vào nhận định đó có thể hiểu vì sao thanh niên Việt Nam dễ dàng chấp nhận văn hóa nước ngoài.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Văn hóa là loại vắc xin đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.