Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm nông giữa phố

Tiến Thành| 26/10/2016 06:24

(HNM) - Chỉ cần  vài chiếc thùng xốp, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đã có thể có một vườn rau phục vụ nhu cầu của gia đình. Không chỉ có thế, những người làm nông giữa phố còn dựng được cả những trang trại với nhiều chủng loại nông sản sạch...


Từ “vườn treo” đến trang trại


Đến TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc, chị Hoàng Thị Trang (26 tuổi, ngụ tại quận 11) luôn mơ ước có một khoảng vườn nhỏ để áp dụng những kỹ thuật làm nông học hỏi được từ quê nhà. Sau khi nghiên cứu các phương pháp khác nhau, chị Trang tìm ra phương án thích hợp là tận dụng khoảng không, sử dụng các bồn bằng nhựa có trọng lượng nhẹ treo lên tường, trồng các loại rau ngắn ngày rất thích hợp. Song song với đó, những loại cây lớn như cà chua, ớt cũng được chị trồng trong các thùng xốp.

Tuy nhiên, khó khăn là tìm đất, giữa phố xá đông đúc khó có thể tìm được đất tốt nên chị Trang đành phải đi mua đất dinh dưỡng của các vườn cây cảnh gần nhà. Bắt tay vào trồng cây cũng không hề đơn giản khi hầu hết cây rau quả không mọc mầm. Quyết tâm thực hiện, chị Trang tra cứu trên mạng, đồng thời học hỏi kinh nghiệm tại các vườn cây.

Công sức của chị Trang đã được đền đáp với lứa rau cải, cà chua vụ đầu tiên cho thu hoạch tốt, đủ lấp đầy tủ lạnh của cô nhân viên văn phòng bận rộn. “Mỗi ngày đi làm về, tôi lại ra ban công chăm sóc cho cây trồng. Không chỉ cung cấp thực phẩm sạch, khu vườn treo này giúp tôi giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc và cũng cho tôi nhiều ý tưởng mới trong công việc”, chị Trang tâm sự.

Một góc nông trại trong lòng phố tại TP Hồ Chí Minh.


Lớn hơn gấp nhiều lần “vườn treo” trên ban công nhà chị Trang, sân thượng với diện tích khoảng 50m2 nhà bà Lê Thị Lan (64 tuổi, ngụ tại quận 1) tràn ngập một màu xanh cây trái. Đến thăm vườn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi giữa không gian thành phố với bê tông cốt thép lại có một khu vườn xanh mướt với đủ loại rau củ quả, từ rau cải, bí, cà chua, ớt cho đến ngô, sắn, ổi...

Mọi diện tích đều được tận dụng để trồng cây nhưng cũng rất thoáng đãng với lối đi lại để cùng lúc cả gia đình có thể chăm sóc khu vườn. Bà Lan cho biết đã lập nên khu vườn này từ 7 năm nay, mục đích ban đầu là tạo cho gia đình có một không gian thoáng mát, yên tĩnh để thư giãn sau khi làm việc; và sau nữa là để cung cấp rau củ quả dùng hằng ngày cho gia đình khi thực phẩm bẩn đang tràn lan bên ngoài thị trường. Ban đầu khi tạo lập khu vườn, gia đình bà chủ yếu trồng những loại rau xanh, sau đó khi đã nắm bắt được những quy trình kỹ thuật trồng trọt thì mới xen canh những loại cây nông nghiệp khác.

Theo bà Lan, chăm sóc cho khu vườn tuy vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui vì vừa có thể vận động cơ thể, bảo đảm sức khỏe không chỉ cho gia đình mình mà còn cho những người xung quanh với những nông sản sạch do chính tay mình làm ra. Vào mùa thu hoạch, gia đình bà lại mang rau quả cho những người hàng xóm xung quanh. Giữa nơi phố xá, những món quà tươi ngon như vậy vừa thắt chặt hơn tình láng giềng, vừa khuyến khích những người lân cận tạo lập những vườn rau cho gia đình, phủ xanh khoảng không gian phố phường.

Cùng với những thùng xốp, chậu nhỏ trồng rau trên sân thượng, những trang trại rau quả sạch cũng đang phát triển nhanh chóng trong lòng phố, trang trại rau thủy canh An Thuận Phát (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) là một trong số đó. Với diện tích khoảng 750m2, trong đó 50% dành để trồng rau thủy canh, trang trại do 4 thanh niên 8X đưa vào hoạt động từ gần 1 năm qua.

Trong nhà vườn của trang trại là các khay trồng rau theo phương pháp thủy canh của Nhật Bản (kỹ thuật trồng thực vật trong dung dịch dinh dưỡng) với các loại rau như xà lách, cải ngọt, cải bì xanh, rau muống, vốn đầu tư khoảng 1 triệu đồng/mét vuông. Rau của trang trại An Thuận Phát sẽ trải qua 4 giai đoạn từ gieo hạt cho đến khi thu hoạch với tổng thời gian khoảng 30 - 45 ngày tùy mỗi loại.

Trong mỗi giai đoạn phát triển, cây rau có hồ sơ riêng ghi chép chi tiết mọi thông tin gieo trồng, số liệu này sẽ đi theo cây rau trong suốt quá trình từ nhà vườn đến bàn ăn. Giá bán đã được tính toán làm sao người dân nào cũng có thể tiếp cận, kể cả những người thu nhập thấp. Với năng suất hàng chục kilôgam rau các loại mỗi ngày, An Thuận Phát hiện tại chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng Hàn Quốc, Nhật Bản ở quận 1 và những người dân trong khu vực.

Cho chúng tôi xem kết quả kiểm nghiệm của Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học (Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Đình Tuyến, một trong 4 người đã kiến tạo nên trang trại cho biết, so sánh với các chỉ số VietGAP, rau của trang trại có hàm lượng vi sinh vật và hóa chất độc hại thấp hơn nhiều lần.

Anh Tuyến chia sẻ, trong quá trình tạo lập trang trại, nhóm anh Tuyến gặp khó khăn lớn về quỹ đất sản xuất, bởi hiện tại đất làm trang trại đi thuê, lại nằm trong khu vực dân cư nên khó có thể mở rộng. Do đó, An Thuận Phát đang có ý định chuyển trang trại chính về huyện Bình Chánh, còn tại Bình Tân là nơi thử nghiệm và giới thiệu sản phẩm vì không thể mở rộng thêm.

Trang trại Cánh Cam (quận 2) lại được vợ chồng anh Ngô Quang Vũ (34 tuổi) thực hiện với quỹ đất khá lớn (khoảng 2.000m2). Tuy nhiên, việc xây dựng trang trại tại đô thị cũng không đơn giản. Sau gần 2 năm chuẩn bị với số vốn lên tới 5 tỷ đồng, áp dụng các công nghệ tự động hóa tiên tiến từ Mỹ và Israel, đến năm 2015 trang trại Cánh Cam đã đưa sản phẩm nông sản ra thị trường với hơn 50 loại rau củ quả thu hoạch mỗi ngày. Sau đó, trang trại mở rộng hoạt động kinh doanh với việc cung cấp các dịch vụ về trồng trọt trong đô thị. Ngoài ra, trang trại còn tổ chức cho người dân tham quan, chia sẻ kinh nghiệm làm vườn...

Hỗ trợ nông nghiệp đô thị phát triển

Nông nghiệp đô thị tại TP Hồ Chí Minh đang phát triển theo hướng công nghệ cao, do đó cần có sự hỗ trợ từ các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (AHTP) cho biết, để khuyến khích nông nghiệp đô thị phát triển theo hướng công nghệ cao, AHTP sẽ chuyển giao công nghệ cây giống, nuôi trồng tới các nông hộ, trang trại... hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp có ý tưởng sáng tạo dựa trên công nghệ cao. Sau đó, AHTP sẽ tiếp tục hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch, bảo đảm chất lượng cho nông sản không chỉ phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn mà còn hướng tới xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đô thị.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài việc chú trọng khu vực chuyên canh, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn có phương án, dự án khả thi để đầu tư phát triển sản xuất không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố sẽ được hỗ trợ phát triển sản xuất.

Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, ông Trực cho biết, Sở và Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thành phố đã tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các buổi giới thiệu, chợ phiên nông sản… làm sao để người sản xuất và người tiêu dùng có thể gặp nhau, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp đô thị của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm nông giữa phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.