Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án “Biến rác thành hoa”: Niềm vui của bà con D14 Phương Mai

Thanh Thủy| 13/11/2016 04:57

(HNM) - Một vườn hoa nhỏ xinh mới xuất hiện trước nhà D14 thuộc tổ dân phố 27, phường Phương Mai, quận Đống Đa. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu công trình này không có xuất phát điểm đặc biệt hơn hẳn so với những địa điểm vui chơi công cộng khác trên địa bàn thành phố.

Sự khác biệt ấy đến từ ý nghĩa của công trình - một sản phẩm nằm trong chuỗi Dự án “Biến rác thành hoa” - do Đoàn Thanh niên Báo Hànộimới phối hợp cùng Nhóm cộng đồng “Sen trong phố” mang lại: Tạo dựng không gian xanh, sạch, đẹp từ những điểm tập kết rác tự phát; khơi dậy ý thức xây dựng, chăm chút cho cộng đồng vì một tình yêu Hà Nội.

Bãi rác hôm qua.


Sống chung với… rác

“Nhìn thấy vườn hoa mới này, không thể tưởng tượng nổi nơi đây từng là một bãi rác kinh khủng thế nào đâu!” - bà Nguyễn Thị Liên, Tổ trưởng tổ dân phố 27, phường Phương Mai, cho biết. “Hơn 10 năm qua cả góc chung cư nhà D14, ngõ 167 bị bao vây bởi rác. Mà không chỉ rác thải sinh hoạt, cả phế liệu xây dựng, rồi giường, màn, chăn, chiếu của người chết, người ta cũng quăng ra đây. Khu vực này ngày nóng nực thì bốc mùi hôi thối, ngày mưa gió thì lầy lội vì tắc cống rãnh. Người dân chúng tôi vô cùng bức xúc nhưng chẳng biết làm thế nào để có thể thoát khỏi cảnh này…”, bà Liên nhớ lại.

“Không biết làm sao để thoát…” là bởi cư dân nơi đây đã không ít lần tổ chức họp bàn, tìm và áp dụng nhiều biện pháp từ treo biển cấm đổ rác đến luân phiên theo dõi, áp dụng hình thức xử phạt..., nhưng “bệnh” đổ rác không đúng quy định ở khu dân cư vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Bà Liên tiếp lời: “Sức người có hạn. Ai cũng có công việc trong khi người thiếu ý thức lại thoắt đến, thoắt đi. Buông rác khỏi tay là người ta chối ngay hành vi của mình được. Có lần, do quá bức xúc, tôi còn bới từng túi rác, tìm được hóa đơn tiền điện, giấy báo… ghi địa chỉ của nhà đó, xách đến tận nơi để trả, lúc đó người ta mới chịu thừa nhận…”.

Rác hoành hành không chỉ khiến cả khu vực xung quanh bị ô nhiễm, làm xấu hình ảnh của dãy phố mà còn là nguồn cơn của những cãi vã có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Bức xúc về tình trạng này, có thời gian, cư dân nhà D14 đã thống nhất góp tiền thuê người làm vệ sinh rồi canh chừng bãi rác tự phát để ngăn các hành vi tái phạm nhưng việc không thành vì chẳng ai chịu nhận làm công việc “khó nhằn" này dù tiền công không nhỏ. Cứ thế, tình cảnh sống chung với rác của người dân nơi đây tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm, tưởng chẳng có cách gì hóa giải…

Vườn hoa hôm nay.


“Chưa bao giờ khu mình ở sạch, đẹp như thế!”

Thế nên sự xuất hiện của vườn hoa mới đã khiến bà con cả tổ náo nức vui mừng bởi công trình trên không chỉ xóa được điểm rác tự phát, gây bức bối bấy lâu mà còn mang đến một hình ảnh mới, sạch, đẹp, văn minh hơn cho cả khu phố. Từ một địa chỉ ai đi qua cũng phải bịt mũi, nhanh chân rảo bước, đến nay khu vực này đã trở thành chốn dừng chân lý tưởng để người dân hỏi thăm trò chuyện cùng nhau, là nơi tập thể dục cho các bà, các mẹ và cả chỗ tập trung vui chơi cho trẻ nhỏ nữa. “Suốt một tuần qua, người ta nhắc đến công trình với nỗi hoan hỉ không giấu nổi”. Ông Nguyễn Văn Tiến, cư dân nhà D14, hào hứng chia sẻ: “Ngay đến trẻ con ở khu phố này cũng biết thốt lên “chưa bao giờ thấy khu mình ở sạch đẹp đến thế! Ý nghĩa hơn cả từ việc công trình này xuất hiện còn là ai ai cũng thấy phải có trách nhiệm gìn giữ thành quả, để khu phố không mất đi không gian sạch, đẹp, khang trang mới hình thành cũng như không phụ lòng người đã mang “tặng” những đổi thay tích cực đó cho mình”.

Không chỉ mong muốn mang lại không gian xanh, sạch, đẹp cho những khu đất từng bị rác thải chiếm dụng, ý nghĩa cốt lõi mà hành động này hướng tới là những công trình bé nhỏ ấy có thể trở thành đòn bẩy làm thay đổi ý thức đã hình thành, đóng kết bao năm trong tư duy nhiều người. Đàm Thanh Tùng, Trưởng nhóm cộng đồng "Sen trong phố" thừa nhận: “Tình cảm, sự đồng lòng ủng hộ của người dân ngõ 167 đã để lại nhiều ấn tượng cho Nhóm khi tham gia làm vườn hoa tại đây. Trong thời gian thi công, các cô, các bác trong khu dân cư luôn qua lại hỏi thăm, giúp đỡ, lúc cho nước uống, lúc cho đồ ăn, khiến chúng em vừa vui, vừa cảm động. Từ nguồn quỹ ban đầu của Dự án, khu dân cư còn góp thêm tiền để hoàn thành nhiều hạng mục khác quanh đây như: Lát hè, xây tường bao, lắp đặt ghế đá… Riêng ngày trồng hoa, người dân tập trung từ rất sớm để xem, có người còn luộc nồi ngô to để đãi nữa. Những hành động nho nhỏ này khiến chúng em thêm tin tưởng việc mình đang làm có những tác động nhất định tới tình cảm, ý thức của mọi người và đây mới là mục đích lâu dài mà Nhóm dự án hướng tới”.

Đúng như mong muốn của những người “Biến rác thành hoa”, những đổi thay tích cực đã và đang nhen nhóm, lan tỏa trong khu dân cư 27 kể từ khi công trình trên xuất hiện. Dễ nhận thấy nhất là chẳng ai bảo ai nhưng mọi người dân bắt đầu có thói quen đổ rác đúng giờ quy định, điều tưởng như “bất khả thi” ở khu phố này. Chị Lê Thị Giang, một cư dân ngõ 167 cho hay: “Từ khi vườn hoa mọc lên, khu dân cư ở đây vui như Tết. Cứ tới giờ đổ rác, mọi nhà lại chủ động xếp công việc để mang rác đi bỏ. Trong lúc chờ xe thu gom rác đến, mọi người tranh thủ thăm hỏi, chuyện trò, cộng đồng như gắn kết hơn, ai cũng vui cười hồ hởi…”. Chị Phạm Thị Bích, cư dân chung cư nhà D14 lại hào hứng kể chuyện người dân trong khu phố canh gác vườn hoa những ngày qua: “Kể từ khi vườn hoa được Nhóm dự án bàn giao, bất kỳ hành vi bỏ rác vô ý thức nào tại nơi đây cũng bị cảnh cáo, nhắc nhở. Mấy hôm trước chúng tôi “tóm sống” một ông ở dãy phố khác sang tận bên này để đổ rác bậy. Anh Phú, người sống cùng trong khu chung cư, đã tức tốc chạy qua nhà đó bấm chuông inh ỏi để tố cáo hành vi. Sau rồi, thấy vợ chồng ông ấy lời qua tiếng lại một lúc thì bà vợ chạy ra hót rác và xin lỗi mọi người. Một lần khác, chính tôi đứng đây, bắt gặp một cậu thanh niên quăng rác rồi chạy nhưng tôi còn chạy… nhanh hơn. Tôi đuổi theo cậu ấy đến tận cửa nhà, đặt bịch rác trước cổng rồi bảo, trả em bịch rác… khiến cậu xấu hổ không nói được câu nào. Những chuyện như thế này thời gian đầu còn xảy ra nhưng mấy ngày qua đã không còn nữa”.

Ông Lê Văn Thịnh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 27, đại diện khu dân cư, bày tỏ: “Với một Dự án có đóng góp tích cực tới môi trường sống cũng như làm thay đổi ý thức người dân như “Biến rác thành hoa”, nhà D14 thuộc cộng đồng tổ dân phố 27, phường Phương Mai muốn gửi tới "Nhóm Sen trong phố", Đoàn Thanh niên Báo Hànộimới và nhà tài trợ lời cảm ơn sâu sắc. Mong rằng, trên địa bàn thành phố, sẽ có thêm nhiều công trình như vậy để không chỉ tạo dựng không gian xanh, sạch, đẹp cho phố phường mà còn góp phần đánh thức, bồi đắp ý thức vun vén, chăm chút cho môi trường quanh ta từ những hành động nhỏ bé, giản dị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án “Biến rác thành hoa”: Niềm vui của bà con D14 Phương Mai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.