Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Gian nan “gieo chữ” vùng cao

Chí Kiên| 19/11/2016 06:46

(HNM) - Chúng tôi vẫn được nghe câu chuyện ví von khi có dịp trở về những vùng xa xôi, cách trở đò ngang ở huyện Ba Vì rằng, nghề “gieo con chữ” nơi đây là “lửa thử vàng” cho những người thầy có tấm lòng yêu nghề, mến trẻ. Mặc cho đường sá khó khăn, phải vượt sông lụy đò, họ vẫn ngày đêm thầm lặng cống hiến để mang

Vượt sông đến “xã đảo”

Con đò chở chúng tôi qua sông Hồng để sang xã bãi giữa Minh Châu (huyện Ba Vì) khá to và hiện đại. “Xã đảo” hiện ra bình yên như một làng quê vùng đồng bằng trù phú. Đò vừa cập bến, chúng tôi hăm hở chạy xe máy dọc theo con đường bê tông độc đạo về Trường Tiểu học Minh Châu.

Những nụ cười hồn nhiên của các em ở Trường Tiểu học Minh Châu.



Thầy giáo Hiệu trưởng Kiều Đức Quang có 24 năm gắn bó với mảnh đất này, nhớ lại: “Tôi nhận công tác ở Minh Châu năm 1992. Khi ấy qua sông chỉ bằng thuyền. Đến trường bằng xe đạp nên mỗi khi lên xuống đò phải vác xe trên vai”. Quê ở xã Tiên Phong (huyện Ba Vì), nhà cách “đảo” Minh Châu chừng 5 cây số, nhưng suốt 24 năm qua, thầy Quang luôn mất khoảng 1 giờ đồng hồ để đi đến trường bởi phải tính “dư” thời gian đề phòng tình huống lỡ đò, thời tiết xấu không đi được”. Thầy Quang nhớ nhất là những năm lũ về, nước sông Hồng dâng cao tràn vào sân trường, lớp học. “Trước đây, khi kết thúc năm học cả thầy và trò lại cùng nhau chuyển hết bàn ghế ở tầng một lên tầng hai để tránh nước lũ tràn về”. Khoảng 5 năm trở lại đây, dù nước lũ sông Hồng ít dâng cao hơn nhưng thầy trò Trường Tiểu học Minh Châu vẫn chủ động phòng chống bão lũ như một nền nếp không thể quên trong việc dạy và học.

Cùng có nhiều năm gắn bó với học sinh ở Minh Châu, cô giáo Phan Thị Phượng, nhà ở xã Phú Châu (huyện Ba Vì) có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Kể lại một lần “hút chết” khi đi đò qua sông cách đây khoảng 5 năm, cô Phượng giọng xúc động: “Hôm đó vào buổi sáng sớm trời mù sương, tầm nhìn hạn chế nên đò của chúng tôi va phải tàu cát. Đò nhỏ chòng chành giữa dòng nước dữ, ai cũng hoảng loạn... Rất may, sau một hồi lâu người lái đò đã gắng sức đưa đò cập được bến Minh Châu. Đồng nghiệp đi cùng tôi hôm đó vì quá hoảng sợ đã phải xin nghỉ giờ dạy”. Những giáo viên như cô Phượng, thầy Quang và nhiều người khác sẽ không thể quên những lần qua sông vào ngày trời mù sương, đò nhỏ không có la bàn định vị nên rời bến một hồi lâu lại quay về chỗ cũ, hoặc đò nhỏ chạy bằng máy nổ, có lần ra đến giữa dòng thì chết máy, khi sửa xong đò đã trôi theo dòng nước đi cách xa bến hàng ki lô mét, quay trở lại mất cả tiếng đồng hồ, vừa sợ, vừa lo cho học trò khi muộn giờ lên lớp”. Cô Phượng tâm sự: “Điều hạnh phúc nhất với những người giáo viên sau nhiều năm công tác ở Minh Châu, dù phải đối mặt với bao vất vả thậm chí hiểm nguy rình rập hằng ngày, là dạy được những lớp học trò ngoan, được người dân nơi đây chia sẻ, gắn bó”.

Trường Tiểu học Minh Châu có 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì có tới 36 người ở các địa phương khác đến đây công tác, trong đó có 4 cô giáo trẻ Đỗ Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Dậu, Nguyễn Thị Nhung và Cấn Thị Ánh Ngọc ở nhà công vụ vì nhà ở cách xa trường. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền, ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất), bộc bạch: “Chỉ cuối tuần em mới sắp xếp được thời gian về thăm gia đình. Trước năm 2016 khi chưa có nhà công vụ, chúng em ở nhờ nhà dân, vất vả hơn nhưng vẫn động viên nhau cố gắng”. Ngày về nhận công tác ở Minh Châu, cô giáo trẻ Thanh Huyền vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đi đò ngang: “Ban đầu cũng thấy sợ nhưng cứ nghĩ đến các em học sinh là chúng em có thêm nghị lực để vượt qua. Bây giờ mọi thứ đã quen nên việc đi lại cũng thành bình thường”. Nói về những đóng góp của đội ngũ giáo viên cho “xã đảo”, Chủ tịch UBND xã Minh Châu Trần Công Chiu cho biết, 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn xã hiện có 160 giáo viên, trong đó số giáo viên ngoài địa phương khoảng 90 người, chủ yếu công tác tại trường tiểu học và THCS. “Các thế hệ nhà giáo công tác ở xã đã vượt qua nhiều trở ngại về đường đi lối lại, điều kiện khó khăn về kinh tế của địa phương để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ học sinh trưởng thành như ngày hôm nay” - ông Chiu chia sẻ.

Những hy sinh thầm lặng

Không dạy ở những ngôi trường nằm giữa sông như Minh Châu, nhưng đội ngũ giáo viên công tác ở vùng miền núi Ba Vì cũng phải “lăn xả” sớm hôm để mang được con chữ đến với trẻ em người Mường, người Dao. Nằm ngay dưới chân núi Ba Vì là ngôi trường Tiểu học Minh Quang A (xã Minh Quang). Ngôi trường có địa thế đẹp, một bên là núi, một bên là hồ nước, cây cối phủ bóng xanh mát quanh trường. Nhưng có một điều khiến chúng tôi chạnh lòng là ngôi trường với 600 học sinh người Kinh, người Mường và người Dao đang theo học vẫn còn nhiều thiếu thốn. Thầy giáo Hiệu trưởng Đinh Gia Tú chia sẻ: “Trường thiếu toàn bộ phòng chức năng; 500m2 sân trường là sân đất; nhà vệ sinh xuống cấp. Đáng nói nhất là khu lẻ Đồng Tiến với 5 phòng học cho học sinh các thôn 135 Cốc Đồng Tâm và Đầm Sản theo học đã hư hỏng nặng. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi đã chuyển các cháu về khu trung tâm từ hai năm nay. Đường đến trường xa quá, nhiều gia đình phải thuê xe cho con đi học".

Dù khó khăn là vậy nhưng những giáo viên ở Trường Tiểu học Minh Quang A luôn sát cánh với nhân dân nơi đây để hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo chữ, rèn người. Cô giáo Nguyễn Thị Thương, nhà tận xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) cách trường gần 100km là một tấm gương vượt khó đứng lớp. Cách đây 5 năm, cô Thương chuyển công tác về Trường Tiểu học Minh Quang A. Vì nhà quá xa, cô Thương đã đề đạt nguyện vọng cho gia đình (gồm 4 người) được ở tại khu nhà công vụ của trường và được Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường đồng ý. “Không biết nói gì hơn là cảm ơn Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo trong trường đã tạo điều kiện tối đa cho gia đình tôi được sinh sống ổn định tại khu nhà công vụ” - cô Thương xúc động nói. Theo thầy Đinh Gia Tú, cô Thương là một giáo viên nhiệt huyết, có trách nhiệm và dành tình yêu thương với học trò. Hiện cô Thương đang dạy lớp 1 có nhiều học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn theo học nên trách nhiệm càng nặng nề hơn. Ngoài giờ lên lớp, cô cùng chồng chăn nuôi gà, trồng rau để bảo đảm đời sống và nuôi 2 con nhỏ ăn học.

Chia tay ngôi trường tiểu học nằm ở bản Mường Vống Gốc Vải, thầy giáo Đinh Gia Tú, người đã có hơn 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao Ba Vì, chia sẻ với chúng tôi: “Mong ước lớn nhất của thầy trò bây giờ là trường sớm được đầu tư hoàn chỉnh để việc dạy học thuận lợi”. Chia sẻ điều này với ông Phùng Ngọc Oanh, Phó phòng Giáo dục huyện Ba Vì, chúng tôi nhận một tin vui cho thầy trò nhà trường: Trong Kế hoạch 138/KH-UBND của UBND TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, vừa được ban hành tháng 7-2016, Trường Tiểu học Minh Quang A đã nằm trong danh mục được đầu tư. Ông Oanh cũng cho biết, hiện khoảng 80% số trường học trên địa bàn các xã miền núi, giữa sông đã hoàn thành mục tiêu đạt trường chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên cơ bản đã đạt chuẩn; các chế độ đãi ngộ bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và UBND TP Hà Nội, trong đó riêng số giáo viên công tác ở xã đảo Minh Châu được UBND huyện Ba Vì hỗ trợ 200.000 đồng/tháng phí đi đò.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Gian nan “gieo chữ” vùng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.