Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Hành trình kết nối yêu thương

Thanh Thủy| 20/11/2016 05:00

(HNM) - Dạy trẻ bình thường đã khó, làm thầy của những học trò mắc chứng tự kỷ còn gian nan hơn rất nhiều. Cô Lương Thị Hoa, cán bộ Trung tâm Sao Mai (đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân) mô tả: “Chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ giống như tham gia trò chơi tìm lối vào những căn phòng bí mật...


Giờ học của cô và trò ở Trung tâm Sao Mai.


“Biết nói sao cho vừa…”

Giống với nhiều trường học trên địa bàn thành phố, một ngày lên lớp của cô trò Trung tâm Sao Mai bắt đầu từ 7h30 sáng và kết thúc vào chiều muộn. Đây cũng là điểm giống nhau duy nhất giữa Trung tâm với các trường học khác bởi những gì còn lại ở ngôi trường đặc biệt này.

Là đơn vị đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ ở Hà Nội, Trung tâm Sao Mai hiện có 160 trẻ theo học với đủ các lứa tuổi, dạng tật từ nhẹ đến nặng. Khi mang trong mình hội chứng này, trẻ thường có một hoặc nhiều biểu hiện, phản ứng khác với những chuẩn mực đã được cộng đồng mặc định, như: Thiếu tập trung; sống khép kín; không thể kiềm chế; dễ hoảng sợ; tự làm đau bản thân; chân tay co rút; đi vệ sinh không kiểm soát… Những chứng tật điển hình của người mắc hội chứng tự kỷ khiến trẻ gặp khó khăn, thậm chí nguy hiểm khi hòa nhập với cộng đồng nếu thiếu phương pháp chăm sóc, định hướng phù hợp. Đây cũng là nguyên do khiến mỗi giờ lên lớp của người chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ trở nên khó nhọc, vất vả hơn rất nhiều.

“Thật khó để nói hết những điều hằng ngày người chăm trẻ tự kỷ phải đối mặt bởi chỉ để các con biết lắng nghe thôi đã là điều rất khó”, cô giáo Nguyễn Thị Hường, lớp Can thiệp trẻ tự kỷ, giãi bày: “Trẻ tự kỷ hay hoảng sợ. Khi bị ảnh hưởng, thường có những phản ứng khác nhau như: Đập phá, cáu giận, gào khóc, giận dỗi… thậm chí lao vào cắn, tát người khác. Những lúc như vậy, cô giáo phải kiên nhẫn “chịu trận” cho con trút giận rồi mới từ từ, từng chút giúp con bình tĩnh. Nếu thiếu kinh nghiệm hoặc không linh hoạt, cô giáo có thể để lớp mất kiểm soát và trẻ khác có thể gặp nguy hiểm”.

Khác với các trường học bên ngoài, hầu hết các lớp học ở đây chỉ có từ 5 đến 7 học trò. Mỗi trẻ khi vào Trung tâm lại được xếp lớp dựa trên tiêu chí: Tuổi khôn, tuổi đời, loại tật và mức độ tật. Tuy nhiên, mỗi bạn lại mang trong mình một hoặc nhiều loại tật khác nhau đồng nghĩa với việc người đứng lớp phải có giáo án, nhật ký riêng cũng như sự quan tâm cho riêng từng bạn. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày lên lớp, là một lần sự kiên nhẫn, sức khỏe, khả năng phản ứng linh hoạt, kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ trẻ của cô lại được thử thách cao độ. Cô giáo Đỗ Thị Vân, lớp Trị liệu ngôn ngữ, cho hay: “Dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi thời gian lâu dài nhưng cũng phải khẩn trương như cứu hỏa bởi khi mắc hội chứng này, càng được dạy nhiều, dạy liên tục, dạy đúng thời điểm thì cơ hội cho trẻ hội nhập với xã hội càng lớn. Điều này tạo áp lực cho người chăm sóc, dạy dỗ trẻ mà nếu không yêu thương, thấu hiểu các con, sẽ khó có thể trụ lại với nghề. Có bé, nhìn qua tưởng lanh lợi hoạt bát nhưng chỉ ngừng quan tâm, liên kết với cháu một lúc là cháu sẽ tự động “rơi” vào trạng thái lặng như bị “ngắt điện” vậy. Nhiều bé lại nhanh nhớ, nhanh quên đến mức chỉ qua một đêm, toàn bộ những gì con học được hôm qua đã bị xóa sạch… Chính vì vậy, người giáo viên phải không ngừng tìm tòi, để có phương pháp, cách quan tâm, tiếp cận khác nhau giúp các con tiến bộ”.

Nụ cười “đánh thức” ước mơ

Trước khi trở thành cán bộ quản lý của Trung tâm Sao Mai, cô Lương Thị Hoa đã có nhiều năm đứng lớp dạy trẻ tự kỷ với nhiều kỷ niệm vui, buồn, xúc động. Cô nhớ cậu học trò tên Nam có tật rập khuôn định hình, nói bậy không kiểm soát; cô học trò tên Hồng mắc chứng tăng động không thể ngủ khiến cơ thể suy nhược; cậu học trò tên Huy hồi mới vào lớp chỉ thích trèo thật cao rồi thả tay, cho rơi tự do... mỗi cô bé, cậu bé đều cần có phương pháp kết nối, dạy dỗ, chăm sóc khác nhau để có thể thoát khỏi cảnh ngộ của mình. Sau một thời gian cô Hoa tích cực “làm thân”, tìm hiểu, hướng dẫn, các em đều có những tiến bộ nhất định, được gia đình đón về cho học các trường ngoài cộng đồng. Đặc biệt, không ít bé đã đạt những thành tích học tập đáng mừng như cậu bé Huy ưa leo trèo năm xưa, giờ đã là học sinh khối trung học phổ thông của Trường Đại học FPT, em đã giành giải trong cuộc thi Smart City Hackathon Bình Dương vừa qua. Cô tâm sự: “Để tiếp cận được với Huy, suốt một tuần, mình lặng lẽ tham gia vào các trò chơi của con. Cùng trèo lên rồi nhảy xuống với con. Lúc đầu, Huy biết nhưng không thèm để ý cứ kệ mình làm gì thì làm. Rồi một lần con khẽ cười với mình khi hai cô trò đang bám thang. Mình mừng rơi nước mắt vì biết đã kết nối được với con. Niềm vui của nghề này nhiều khi đến bất ngờ như thế! Nghề này cũng cho mình thấy nhiều lúc cười chẳng phải vì hạnh phúc mà nước mắt rơi chẳng do khổ đau. Nghề chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ vất vả nhưng cũng cho mình nhiều điều như rèn cho mình tính kiên nhẫn, thái độ lạc quan, biết yêu thương, trân trọng những điều tưởng nhỏ bé, giản đơn từ cuộc sống. Quan trọng hơn, trong hành trình kết nối với trẻ tự kỷ, mình thấm thía rằng tình yêu thương có thể tạo nên những đổi thay kỳ diệu như thế nào”.

Chị Nguyễn Tuyết Hạnh, Chủ tịch CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội cho hay: Người chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ cần có tình yêu thương, năng lực, sức chịu đựng và những hy sinh lớn hơn hẳn so với những giáo viên khác. Để có thể đi được đường dài với các con, các thầy, cô còn phải không ngừng học hỏi, trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc các con. Thế nên, thật khó để nói hết sự biết ơn của hội cha mẹ học sinh có con mắc hội chứng tự kỷ dành cho đội ngũ giáo viên đặc biệt này. Nếu thiếu sự chia sẻ, hỗ trợ, định hướng của họ, chắc chắn những khó khăn mà phụ huynh có con em mắc chứng tự kỷ phải đối mặt sẽ còn lớn hơn rất nhiều và cơ hội hòa nhập với cộng đồng của các con sẽ mong manh hơn thế.

Lớp Gà con đang vào giờ chơi tự do. 5-7 bé trong lớp hoặc chạy đùa cùng nhau hoặc ngồi ngoan nghe cô giáo kể chuyện. Thấy người lạ bước vào, các bé không có phản ứng bất thường; trái lại, khi nghe cô ra hiệu lệnh, các bé đều biết khoanh tay, đồng thanh chào khách. Như để giải tỏa những ngỡ ngàng cho người mới tới, cô giáo Trần Ái Vân cười nói: “Nhiều người cũng phản ứng như chị khi vào lớp bởi thấy các con không khác trẻ của những lớp học ngoài cộng đồng. Thế nhưng để có được những tín hiệu vui như thế này là cả một quá trình cô trò em phải nỗ lực cùng nhau. Nhiều bé trong lớp này, hồi mới nhập học, dửng dưng với mọi sự, không chịu kết nối, tương tác và tất nhiên không thể bật ra một từ dù đã lên 3. Như bé Khánh Chi này, thời gian đầu vào đây, không cười, không nói, không nhìn bất cứ ai nhưng giờ là ngôi sao văn nghệ của lớp Gà con vì hát và đọc thơ rất giỏi”.

Như để chứng minh lời mình nói, cô Vân nhẹ nhàng đề nghị Khánh Chi hát một bài tặng khách. Không chút rụt rè, em vừa nhún chân, vừa cất giọng trong trẻo. Trong khi biểu diễn, em tự tin nhìn mọi người quanh mình và cười tít mắt khi được vỗ tay khen tặng. Ôm Khánh Chi vào lòng, cô Vân hạnh phúc chia sẻ: “Nụ cười này đáng giá lắm chị biết không? Nó có khả năng đánh thức những ước mơ, hy vọng cho gia đình, người thân của bé - những điều tưởng như đã có lúc họ phải buông bỏ trong thất vọng và bế tắc. Đây cũng là món quà quý giá nhất mà những giáo viên chúng em nhận được bởi có gì hạnh phúc hơn khi được chứng kiến học trò của mình mỗi ngày trở nên khôn lớn, tiến bộ hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Hành trình kết nối yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.