Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền cảm hứng cho người đồng cảnh ngộ

An Tâm| 28/11/2016 06:12

(HNM) - Sinh ra với đôi chân không lành lặn, nhưng Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thanh niên khuyết tật TP Hà Nội không coi mình là một người khiếm khuyết.


Vượt lên chính mình

Sinh năm 1981 ở Yên Sở, Hoài Đức (Hà Nội), từ thuở lọt lòng, Nguyễn Hồng Hà đã phải làm bạn với đôi chân khuyết tật do cha anh bị nhiễm chất độc da cam tại chiến trường. Thiệt thòi so với chúng bạn nhưng Hồng Hà quyết tâm vững bước và xem đó là động lực sống cho chính mình.

Anh Nguyễn Hồng Hà (giữa) cùng các học viên tại Công ty TNHH Hồng Hà (ảnh do nhân vật cung cấp).


12 năm đến trường trên chiếc xe đạp của cha, nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè, chàng trai trẻ lúc nào cũng nhắc mình phải nỗ lực để xứng đáng với giọt mồ hôi của những người thân yêu. “Mọi người đi trên đôi chân của chính mình, còn tôi đến trường trên đôi vai của cha, nhờ sự dìu dắt của bạn bè. Ý nghĩ ấy cứ thôi thúc tôi phải cố gắng học tập. Phần vì muốn được mọi người trân trọng, yêu quý chứ không phải vì thương hại, phần vì không muốn phụ công cha mẹ và những người bạn tốt”, Hồng Hà chia sẻ.

Với ý nghĩ đó, Hà chăm chỉ, say sưa học tập. Suốt 12 năm đèn sách, chàng trai trẻ luôn trở thành tấm gương sáng cho bạn bè noi theo. Năm nào thành tích học tập của anh cũng xếp tốp đầu của lớp. Vốn yêu thích và học giỏi tiếng Anh, ngay từ năm lớp 11, Nguyễn Hồng Hà đã được nhận học bổng 80% từ Australia.

Tuy nhiên, tự nhận mình là người “hướng nội”, anh chọn con đường học tập trong nước. Năm 2000, Hồng Hà thi đỗ vào Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Nhiệt huyết và quyết tâm học tập từ thuở thiếu thời vẫn sục sôi trong anh. Trên giảng đường đại học, anh tiếp tục khẳng định sự ham học và tài năng của mình. Bốn năm đại học là quãng thời gian anh để lại trong lòng bạn bè, thầy cô nhiều bài học về một tấm gương trưởng thành từ nghị lực và quyết tâm vượt qua chính mình.

Từ một thanh niên khuyết tật, sống phụ thuộc vào gia đình, nỗ lực của Nguyễn Hồng Hà đã được đền đáp. Tấm bằng cử nhân đại học là chìa khóa để anh tự tin bước chân vào cuộc đời, nếm trải thử thách mới và đón nhận những thành công tiếp theo. Với kết quả có được sau năm tháng chăm chỉ nơi giảng đường, Nguyễn Hồng Hà dễ dàng có được một nơi làm việc ưng ý. Sau nhiều chọn lựa, anh quyết định khởi nghiệp tại một doanh nghiệp thuộc tỉnh Thái Bình.

Lan tỏa nghị lực sống

Dù ổn định và có công việc phù hợp với bản thân nhưng sau một năm làm việc tại Thái Bình, Hà quyết định bỏ ngang để về quê lập nghiệp. Anh trăn trở: “Ngoài kia, có hàng trăm, hàng nghìn các bạn khuyết tật vẫn mong nhận sự giúp đỡ để định hướng, tạo công ăn việc làm. Cần phải làm gì đó để hỗ trợ họ, truyền cảm hứng để họ sống thật tích cực”.

Nghĩ vậy, năm 2005, anh quyết định về quê mở công ty may mặc, đào tạo nghề miễn phí cho các thanh niên khuyết tật. Sau gần 12 năm hoạt động, công ty của anh đã dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 80 thanh niên khuyết tật trên địa bàn Hà Nội. Với vốn ngoại ngữ phong phú học được ở trường và chăm chỉ tích cóp theo năm tháng, Nguyễn Hồng Hà còn làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu và một số bạn trẻ ở các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn Hà Nội.

Năm 2010, anh tham gia vào hoạt động của Hội Thanh niên khuyết tật TP Hà Nội. Một năm sau, anh giữ chức Phó Chủ tịch hội kiêm Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Hoài Đức. Đến với Hội, anh có cơ hội hòa mình vào nhịp sống của những người cùng hoàn cảnh, yêu thương và cổ vũ tinh thần cho những người bạn đồng cảnh ngộ. Anh cùng các thành viên trong Hội tổ chức, hưởng ứng nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, dạy nghề, kỹ năng sống, trợ giúp pháp lý cho người trẻ khuyết tật ở các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.

Nguyễn Hồng Hà đang triển khai Dự án hỗ trợ đào tạo và tạo việc làm cho người khuyết tật trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Công ty của anh phối hợp cùng Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức lớp đào tạo SEO (Tối ưu các công cụ tìm kiếm nhằm nâng cao thứ hạng của một website trong các trang kết quả của công cụ tìm kiếm) cho 20 người khuyết tật và tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học. Thời gian tới, chàng giám đốc trẻ sẽ tiếp tục tuyển chọn thêm 10 người có niềm đam mê, có nghị lực vượt khó để đào tạo và hướng nghiệp ngành công nghệ thông tin.

Chúng tôi tìm đến lớp đào tạo SEO dành cho người khuyết tật của Nguyễn Hồng Hà tại số 389 An Dương Vương vào một ngày đầu đông. Khác hẳn với cái lạnh của thời tiết, nơi đây ấm áp lạ thường. Anh Cấn Văn Ly sinh năm 1982, ở An Khánh, Hoài Đức ví đây như gia đình của mình. Anh Ly bị tai nạn xe máy năm 2007, khiến đôi chân không còn lành lặn. Đã có lúc anh nghĩ giá như mình khiếm khuyết ngay từ nhỏ sẽ bớt đau khổ và tuyệt vọng, nhưng cái giá như ấy đã không còn khi anh đến với khóa đào tạo SEO.

“Ở đây tôi được gặp những người bạn cùng cảnh ngộ, mới biết nhau một ngày mà thân thiết như quen từ lâu lắm. Sống và học tập cùng các bạn đã 2 tháng mà ngỡ như mới 2 tuần, thời gian trôi nhanh lắm, không nặng nề và mệt nhọc như khi chỉ một mình quanh quẩn vào ra. Chúng tôi rất biết ơn anh Hà đã tạo cơ hội cho chúng tôi thay đổi suy nghĩ, thay đổi cuộc đời. Anh cũng là tấm gương nghị lực tuyệt vời để tôi lấy đó làm động lực phấn đấu”, anh Ly chia sẻ.

Khác với vẻ trầm trầm của anh Cấn Văn Ly, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai sinh năm 1986, nhà ở thị trấn Kim Bài, Thanh Oai vui vẻ chia sẻ: “Tôi biết anh Hà từ lâu khi biết đến hoạt động của Hội Thanh niên khuyết tật thành phố. Anh là một người rất năng động, nhạy bén và rất giỏi. Tôi rất khâm phục anh ấy. Vì vậy, ngay khi biết công ty anh có đào tạo và hướng nghiệp cho người khuyết tật, tôi đã đăng ký học ngay. Hy vọng tôi sẽ thành thạo nghề, sẽ kiếm được một công việc ổn định, lo được cho chính mình và sớm tìm được một hạnh phúc riêng”.

Tấm gương và nghị lực của chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Hà đã tiếp thêm động lực sống, niềm tin cho những người cùng hoàn cảnh. Nhìn lại chặng đường gian nan đã đi qua, Nguyễn Hồng Hà khẳng định, cách cha mẹ, bạn bè quan tâm, chia sẻ chính là yếu tố giúp anh tự tin vào bản thân mình: “Gia đình tôi là một gia đình nhà giáo. Bố mẹ tôi đều dạy tôi phải biết tự lập, tin tưởng vào bản thân và đối xử với tôi một cách công bằng như những người bình thường khác. Chính điều đó giúp tôi chủ động, nỗ lực hết mình và không ỷ lại, tự ti về khiếm khuyết của bản thân. Bạn bè cũng không nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại mà bằng sự yêu mến, động viên chân thành. Tất cả họ đều cho tôi một cảm nhận: Tôi là người bình thường. Điều đó giúp tôi có những suy nghĩ tích cực, vui vẻ đối diện với cuộc sống”.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Nguyễn Hồng Hà mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng quy mô công ty, giúp cho nhiều người đồng cảnh ngộ vượt qua chính mình, tự tin, tự lập bước chân vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền cảm hứng cho người đồng cảnh ngộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.