Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diễn đàn vun đắp niềm tin (tiếp theo)

Hà Phong - Quốc Bình| 02/12/2016 06:06

(HNM) - Trên cơ sở Quy hoạch chung của Thủ đô, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3996/2015/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Phú Xuyên đến năm 2030 và Quyết định số 5517/2015/QĐ - UBND quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện.

Trên cơ sở Quy hoạch chung của Thủ đô, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3996/2015/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Phú Xuyên đến năm 2030 và Quyết định số 5517/2015/QĐ - UBND quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện.

Với định hướng là một đô thị vệ tinh cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, việc cấp điện trên địa bàn Phú Xuyên phụ thuộc vào các đường dây trung thế 35kV và 22kV từ trạm biến áp 110kV Tía (thuộc huyện Thường Tín). Thậm chí, theo đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội, thời điểm nhu cầu phụ tải tăng cao, các đường dây trung thế có chiều dài lớn, dẫn đến chất lượng điện năng kém, thường xuyên bị cắt điện do quá tải, độ ổn định thấp. Vì vậy, việc xây dựng trạm biến áp 110kV Phú Xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết và cấp bách.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Giám đốc Ban Quản lý điện TP Hà Nội, trả lời chất vấn của người dân tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên. Ảnh: Anh Tuấn


Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một bộ phận nhân dân, trong đó có 12 hộ dân thuộc tiểu khu Mỹ Lâm - thị trấn Phú Xuyên do không có trong danh sách bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng trạm. Trước tình hình đó, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thọ cùng đại diện Ngành Điện, cán bộ các phòng, ban liên quan đích thân đối thoại với nhân dân, giải đáp những băn khoăn về tác động môi trường, công tác bồi thường, lấy ý kiến nhân dân về dự án. Sau quá trình phân tích cơ sở pháp lý, lợi ích khi triển khai, nhân dân tiểu khu Mỹ Lâm nhất trí việc xây dựng trạm biến áp và đề nghị huyện xem xét lại địa điểm đặt trạm bởi vị trí hiện tại gần khu dân cư, trường mầm non, có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân, an toàn cháy nổ. Từ cuộc đối thoại cũng làm rõ, trong quá trình triển khai dự án, lãnh đạo thị trấn Phú Xuyên mới xin ý kiến nhân dân trong diện bị thu hồi đất, chưa tổ chức lấy ý kiến nhân dân bị ảnh hưởng xung quanh. Đích thân Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên đã phải xin lỗi nhân dân.

Tại huyện Phúc Thọ, trong cuộc đối thoại với Bí thư Huyện ủy, hội nghị cũng ghi nhận ý kiến phản ánh của ông Đỗ Thanh Đằng, ở xã Xuân Phú liên quan đến bộ phận "một cửa" chậm trễ xử lý hồ sơ cho tặng đất. Trước đông đảo nhân dân, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú đã thẳng thắn xin lỗi ông Đằng vì cán bộ Văn phòng đăng ký nhà đất in sót tài liệu trình ký, khiến việc cấp sổ đỏ chậm 6 ngày so với quy định...

Một ví dụ khác, ông Bùi Tiến Sơn, xã Tiến Xuân cho hay, trước khi sáp nhập về huyện Thạch Thất, xã Tiến Xuân được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt 25 dự án, trong đó mới có 5 dự án được triển khai. Khi đó, tỉnh đã quyết định thu hồi 1.200ha đất các loại của hai xã Đông Xuân và Tiến Xuân để xây dựng khu đô thị. Đến nay, đã 8 năm trôi qua nhưng doanh nghiệp được giao đất không triển khai dự án và bồi thường giải phóng mặt bằng khiến người dân bức xúc và cho rằng đây là dự án “treo”. Đáng nói, vì dự án “treo” này, người dân của 8/18 thôn trên địa bàn xã không được cấp sổ đỏ. Nhờ đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên có dịp thông tin rõ ràng và đầy đủ với người dân - rằng hiện nay phải chờ hoàn thành các quy hoạch mới tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Thông tin ấy giúp người dân hiểu rõ hơn bản chất sự việc và cũng dịu lòng hơn.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu: Có thể coi việc đối thoại là thước đo tâm trạng của nhân dân. Điều này rất cần trong quá trình lãnh đạo, quản lý. Qua đối thoại, chúng ta thấy rõ hơn nhân dân đang quan tâm gì, bức xúc gì, hài lòng việc gì. Khi mà dân còn nói với cấp ủy, chính quyền có nghĩa dân rất tin yêu Đảng. Đối thoại chính là dịp để nhân dân đề xuất, bày tỏ mong muốn, hiến kế và đây còn là kênh giám sát quan trọng.


Nói phải đi đôi với làm

Từ các ví dụ trên có thể thấy, việc mở diễn đàn để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với nhân dân về các vấn đề dân sinh bức xúc một mặt sẽ là kênh thông tin trực tiếp bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ. Khi người đứng đầu đối thoại, nói chuyện, trao đổi với nhân dân, thì họ thông cảm, hiểu rõ sự việc và chấp hành, cho nên đã hạn chế khiếu nại, khiếu kiện. Thông tin càng nhiều, dân càng hiểu; càng làm cụ thể, công khai, minh bạch thì nhận thức của người dân càng đầy đủ hơn. Thực tế đã chứng minh, càng tăng đối thoại, càng giảm bức xúc, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được củng cố và nâng cao.

Đơn cử tại huyện Phúc Thọ, toàn bộ ý kiến nhân dân phản ánh, kiến nghị qua đối thoại đều được tổng hợp, đồng thời Huyện ủy giao nhiệm vụ cho UBND huyện, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, lộ trình để giải đáp, khắc phục, giải quyết. Định kỳ 3 tháng/lần, UBND huyện phải báo cáo Thường trực Huyện ủy về kết quả giải quyết các vấn đề nhân dân nêu. Đến nay, đã có nhiều vấn đề nhân dân phản ánh được giải quyết ngay. Ấy là khi các hộ dân ở xã Tích Giang phản ánh, đoạn đường 32 bị một số hộ dân lấn chiếm nhiều năm, xây nhà kiên cố 2-3 tầng để ở và bán cây cảnh, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện xử lý, giải quyết triệt để 30 trường hợp vi phạm. Hoặc như chuyện một số xã phản ánh tình trạng rác thải bừa bãi, huyện đã yêu cầu Phòng Tài nguyên - Môi trường xuống kiểm tra, phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Sơn Tây chấn chỉnh, đưa hoạt động này đi vào nền nếp. Cũng nhờ đối thoại, Huyện ủy có thêm kênh đánh giá chất lượng cán bộ, từ đó kịp thời luân chuyển những cán bộ yếu không hoàn thành nhiệm vụ. Và kết quả là, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, "độ nóng" các vấn đề người dân phản ánh đã giảm nhiều.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Lý, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất chia sẻ, nếu thông qua lắng nghe ý kiến nhân dân, việc tiếp thu dừng lại ở ghi nhận, xin lỗi mà không có động thái phối hợp với các cơ quan chức năng chấn chỉnh mọi thiếu sót, bất cập, xử lý các sai phạm thì chắc chắn uy tín của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sẽ giảm sút phần nào. Mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân cũng sẽ không bền chặt nếu các cuộc đối thoại không được tổ chức thường xuyên, các vấn đề, vụ việc người dân chất vấn, kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nói chưa đi đôi với làm.

Cuối cùng, hành vi ứng xử, cách điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở trong quá trình chủ trì đối thoại, giao tiếp với dân cũng là vấn đề cần lưu tâm. Để buổi đối thoại thành công, bản thân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nghiên cứu sâu từng vấn đề để có thể trực tiếp trả lời những câu hỏi của nhân dân. Đây là dịp tốt để người đứng đầu có được lượng thông tin quý giá về những vấn đề của cơ sở, những trăn trở, băn khoăn cùng mong muốn, kỳ vọng của nhân dân. Vì vậy, người đứng đầu cần nắm bắt từng vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục triệt để, nhất là những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết. Từ đó nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở cấp cơ sở, huy động được sức mạnh tổng hợp, đồng thuận của nhân dân trong công cuộc xây dựng, phát triển địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn vun đắp niềm tin (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.