Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một Hà Nội thân thiện và ấm áp…

Thanh Thủy| 04/12/2016 07:22

(HNM) - “Tôi yêu Hà Nội. Thành phố có nhiều cây xanh, nhịp sống nhẹ nhàng, dễ chịu và người dân thân thiện, dễ mến. Dù thành phố không ngừng đổi mới, phát triển với nhà cao tầng và hệ thống giao thông hiện đại nhưng những giá trị xưa cũ trên mảnh đất này vẫn được gìn giữ, tồn tại song hành.

Du khách nước ngoài tham quan phố cổ bằng xe xích lô. Ảnh: Viết Thành


Điều này khiến tôi thấy gần gũi, gắn bó hơn với thành phố của các bạn vì có nhiều nét tương đồng với quê hương tôi” - Anh Dan Dockery, chủ một chuỗi nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội chia sẻ về mảnh đất anh đã nhiều năm gắn bó.

“Hà Nội trong mắt ai…”

Dan Dockery (47 tuổi) là người Anh, đã có tới 19 năm sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Trước khi chọn nơi đây là điểm dừng chân, anh đã có dịp thăm thú nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Chỉ định coi Hà Nội là một điểm đến trong hành trình khám phá Châu Á của mình, Dan Dockery không ngờ lại bị hấp dẫn tới mức quyết định ở lại, tìm cách học tiếng Việt như một người bản xứ, để có thể tiếp tục cảm nhận, khám phá, hòa mình vào nếp sống ở mảnh đất mang đến cho anh nhiều xúc cảm. Trả lời câu hỏi “Điều gì ở Hà Nội khiến anh ấn tượng nhất” - Dan cho hay: “Người Hà Nội rất thân thiện, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Việc được người lạ quan tâm, nhiệt tình hướng dẫn làm quen mọi điều khiến tôi cảm thấy thích thú và thật gần gũi. Người Hà Nội còn cư xử với bè bạn rất thân tình nữa. Tết cổ truyền là dịp sum họp riêng tư nhưng nhiều gia đình vẫn vui lòng đón người quen của con em mình tới nhà, đối xử với họ như người thân trong gia đình. Tôi đã được dự những dịp sum họp đầm ấm như thế và luôn cảm thấy như đang ở nhà mình”.

Vinee Botejue, doanh nhân Srilanka, đại diện Công ty TKD Trade links ở Việt Nam lại kể: Những năm sống và làm việc tại Hà Nội của tôi rất thoải mái và dễ chịu. Dù phải xa quê hương nhưng tôi không thấy buồn vì ở đây tôi có nhiều bạn tốt, những người cùng làm việc trong công ty cũng như từ nhiều mối quan hệ thân quen khác. Người dân quanh khu vực tôi sống cũng rất hiền hòa, thân thiện. Dù không nói được tiếng Việt nhưng sau những giờ làm việc tôi thích tự đi chợ mua sắm hoặc thăm thú quanh Hà Nội. Tự tin như vậy là vì tôi biết rằng người Hà Nội luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác. Điều này phổ biến ở Hà Nội tới mức giống như phong cách sống của người dân nơi đây vậy.

Trên đây chỉ là một vài trong vô vàn những ví dụ có thể dẫn ra để biết người nước ngoài đã nghĩ gì về Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Qua mỗi góc nhìn, cảm nhận, đánh giá khác nhau của du khách phương xa, ta có thể thấy phong cách ấy được biểu hiện qua những chi tiết giản dị như những “lát cắt” sống động từ nhịp sống thường ngày. Đó có thể là nỗ lực bảo vệ cảnh quan môi trường hiển hiện qua những hàng cây xanh tỏa bóng mát khắp phố phường; cách thành phố gìn giữ những giá trị cốt lõi thông qua những di tích lịch sử hay nét đẹp văn hóa, phong cách ứng xử của mỗi người; những nếp nhà, khuôn cửa tấp nập khách vào ra; những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người dân hàng phố; thái độ tận tình, niềm nở khi được nhờ chỉ đường… Tất cả làm nên một Hà Nội gần gũi và thân thiện, bên cạnh bao điều mới mẻ, hấp dẫn khác mà bạn bè quốc tế trải nghiệm khi đặt chân lên mảnh đất ngàn năm văn hiến này.

Vẫn hiện hữu trong tâm hồn Hà Nội

Nhưng những điều kể trên liệu đã đủ để khẳng định người Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp văn hóa bao đời là phong cách sống gần gũi, thân thiện, lối ứng xử điềm đạm, chân tình? Hay nếp sống hiện đại với nhiều hệ lụy đã làm lu mờ, khỏa lấp những giá trị văn hóa bấy nay của người Tràng An thanh lịch? Câu trả lời tưởng khó, lại có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều con đường, góc phố cho ta thêm tin vào sức sống mãnh liệt của những điều đã làm nên cốt cách người Hà Nội. Bà Nguyễn Bích Thanh (phố Yên Ninh, quận Ba Đình) tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã thấy bà, rồi mẹ mình có thói quen hằng ngày cất đi một ít tiền lẻ để chủ nhật đến lại lấy ra cho người ăn xin nào qua nhà. Trong phố còn có mấy nhà buôn hay để trước hè những vại nước và vài cái bát sạch, người qua đường khát, cứ việc uống tự nhiên. Điều này ấn tượng với tôi đến tận bây giờ. Dù không có điều kiện làm như các cụ, tôi vẫn gắng tham gia các hoạt động thiện nguyện khi có cơ hội”.

Những tưởng, câu chuyện bà Thanh chia sẻ sẽ chẳng thể có trong đời sống hiện nay. Nhưng thực tế chẳng phải như vậy. Ngay trong những đêm đông giá lạnh này, ở nhiều bến xe, nhà ga, cầu chợ… không khó để bắt gặp những nhóm bạn âm thầm tìm đến người vô gia cư trao tận tay từng phần cơm nóng hổi. Những ngày mà việc học hành, công tác bận rộn, vẫn có nhiều người tranh thủ từng chút thời gian nghỉ trưa để tới các bệnh viện, trung tâm y tế… phát cháo, tặng quà cho các bệnh nhân nghèo. Một nhạc công trẻ, gác bỏ những hẹn hò thú vị trong ngày nghỉ cuối tuần, để chơi nhạc miễn phí trên phố đi bộ; một kiến trúc sư mới ra trường, lập nhóm theo đuổi ước mơ tạo dựng không gian vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ em thành phố… Nhiều quán ăn “0 đồng” mọc lên; những điểm cho, tặng đồ dùng cho người thiếu xuất hiện ngày một nhiều... Người có điều kiện lập quỹ hỗ trợ người nghèo; người khó khăn hơn lại chọn cách chia sẻ giản dị như tặng trà, nước lọc… cho người khó nhọc hơn mình...

Bằng cách này hay cách khác, người Hà Nội đang thể hiện sự gần gũi, thân thiện của mình qua những hành động đẹp, sống với nhau bằng chính lòng nhân ái lan tỏa tới cộng đồng. Anh Mai Vinh, giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học và THCS Archimedes Academy chia sẻ: “Nhóm mình chơi đàn trên phố đi bộ là muốn tạo nên một không gian âm nhạc kéo mọi người gần nhau hơn, cùng với đó mình mong muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế một hình ảnh về Hà Nội thật bình yên, ấm áp và thân thiện”.

Được đánh giá là nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và con người giàu lòng mến khách nhưng Hà Nội không phải không có những điều gây phiền lòng như: Tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách hay hiện tượng “bún mắng, cháo chửi”… xuất hiện thời gian gần đây. Dù không phổ biến nhưng những hiện tượng trên vẫn tạo nên những “vết gợn” không đáng có và dù xuất phát từ nguyên do nào, những hành vi ấy cần sớm có những thiết chế phù hợp để giáo dục, điều chỉnh, giúp người dân hiểu được hành vi văn hóa có lợi cho mình cũng như trách nhiệm của bản thân khi gây ảnh hưởng tới những gì cộng đồng đang nỗ lực gìn giữ. Nói như Tiến sĩ văn hóa học Lê Thị Tuyết Hạnh: Nét đẹp văn hóa đích thực của Hà Nội hiển hiện trong chính những con người bình thường với lời ăn tiếng nói, cách ứng xử niềm nở, trọng tình.

Có thể có lúc này, lúc khác nhưng người Hà Nội chưa bao giờ là người dân đô thị lạnh lùng, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Đâu đó trong từng con đường, góc phố, dưới nếp nhà truyền thống, những mái ngói trầm mặc rêu phong, nếp sống thanh lịch, lối ứng xử nhã nhặn, thân tình vẫn được người dân Hà Nội lưu giữ, trao truyền qua nghìn năm lịch sử. Đan cài giữa không gian hiện đại được tạo bởi những tòa nhà chọc trời, hệ thống giao thông hiện đại... mãi là hồn cốt truyền thống đang từng ngày làm nên một Hà Nội Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một Hà Nội thân thiện và ấm áp…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.