Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kho báu dưới tán rừng Hương Sơn

Nguyễn Mai| 09/12/2016 06:09

(HNM) - Con đường mòn nhỏ đưa chúng tôi đi sâu vào rừng Hương Sơn quanh co, gập ghềnh và vô cùng tĩnh lặng. Phó Trưởng phòng Lâm sinh - Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn (Mỹ Đức), Trịnh Văn Tiến vừa là người dẫn đường vừa là người giúp chúng tôi tìm hiểu về “kho báu” dưới tán rừng.

Một gốc mơ cổ thụ trong rừng Hương Sơn.


Sản vật của rừng

“Mơ Hương Tích và rau sắng là những sản vật ngon nức tiếng ở đất Hương Sơn đã đi vào ca dao: “Ai đi trẩy hội chùa Hương/Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm/Mớ rau sắng, quả mơ non/Mơ chua, sắng ngọt biết còn thương chăng?”. Câu chuyện của người dẫn đường Trịnh Văn Tiến xua tan sự tĩnh lặng ở rừng.

Gắn bó với rừng, ông Tiến thuộc lòng từng con đường, từng mảng rừng, từng giai đoạn phát triển của cây rừng. Ông kể: Trước những năm 1970, rừng Hương Sơn xanh tốt lắm! Tôi đã tận mắt nhìn thấy chim công, hươu nai, chồn cáo cư trú trong rừng. Cho đến những năm 1980, đời sống khó khăn, người dân vào phá rừng lấy củi bán. Rừng bị chặt phá, tiểu khí hậu của vùng thay đổi, nhiệt độ nóng hơn khiến mơ cũng ít quả hơn. Là cây rễ nổi, mất rừng, đất đai bị rửa trôi cây mơ còi cọc và năng suất kém, người ta bắt đầu chặt bỏ cây. Đến nay, cả cánh rừng Hương Sơn còn chưa đến 100 gốc mơ cổ thụ”. Chung cảnh ngộ, cây sắng chỉ mọc hoang dã và bị người dân săn lùng, khai thác theo kiểu tận thu mà không có bảo tồn, chăm sóc, phát triển nên giờ cũng khan hiếm.

Cho đến năm 1994, khi Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn được thành lập, rừng đã được trồng, bảo vệ và phát triển xanh tốt như hôm nay. Trên là cây gỗ, dưới tán rừng là đủ thứ sản vật nào mơ, rau sắng, củ mài và rất nhiều cây thuốc quý. Nơi đây có một thảm thực vật thật phong phú, trong đó có nhiều cây thuốc và cây đặc sản giá trị kinh tế cao. Mơ Hương Tích là vị thuốc bổ phục hồi sức khỏe, trợ tim phổi, chữa ho, làm nước giải khát, rượu đặc sản Thanh Mai được cất từ quả mơ Hương Tích nổi tiếng. Cây rau sắng, loài thực vật đặc hữu chỉ có ở vùng rừng Hương Sơn, vừa là thực phẩm, vừa là vị thuốc. Người ta hái lá non, ngọn để nấu canh có vị ngọt như mì chính, thơm. Vào mùa xuân, du khách đi trẩy hội chùa Hương, khi về không quên mua mớ rau sắng làm quà cho người thân. Một loài củ mọc tự nhiên khá nhiều ở trong rừng Hương Sơn đó là củ mài (tên dược liệu là Hoài sơn), người dân bản địa thường đi rừng đào về tinh chế thành bột củ mài nấu chè, làm bánh vừa ngon miệng vừa là vị thuốc bổ dân gian dùng điều trị chữa bệnh đái tháo đường, bí tiểu tiện...

Ở rừng Hương Sơn, ông Tiến còn chỉ cho chúng tôi vô vàn cây thuốc quý: Địa liền, cao sâm, gừng gió… Bất chợt dừng chân trước một thảm cây nhỏ xíu, là là sát mặt đất, ông Tiến ồ lên: “Đây là cây “một thân, một hoa, một lá”. Nó có công dụng chữa rất nhiều bệnh như: xoang, thận, khớp... Cây này chỉ mọc trong vòng 5 - 6 tháng rồi lại lụi; củ và rễ ẩn sâu dưới đất để rồi sang năm lại mọc. Nó rất hiếm, mọc dại thành từng đám trong rừng và lâu rồi tôi mới gặp”.

Rộng cửa làm giàu

Mơ và rau sắng là những sản vật nức tiếng ở vùng rừng núi Hương Tích, nhưng nguồn lợi từ thiên nhiên không nhiều và khai thác mãi cũng hết. Để khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học, phát triển các loại cây, con đặc sản, đặc hữu quý hiếm… tại rừng đặc dụng Hương Sơn, những cư dân ở đây đã tính việc nhân giống cây rau sắng dưới tán rừng. Nói thì dễ nhưng bắt tay vào thực hiện không hề đơn giản. Rau sắng vốn là loại cây rừng, ưa thích bóng râm và thường mọc cheo leo, bám vào các sườn núi. Với điều kiện hoang dại, cây rất ít khi ra quả và nếu có quả tỷ lệ nảy mầm trong tự nhiên cũng không nhiều. Ở Thung Chùa, ông Nguyễn Văn Lâm, người sở hữu nhiều cây rau sắng và cây mơ cổ thụ nhất vùng đã nghĩ ra cách cạo mỏng lớp cùi ngoài hạt rồi đem ngâm nước để kích thích hạt nảy mầm. Với cách này, tỷ lệ nảy mầm của hạt đạt 60%. 15 năm nay, tôi ươm hạt rau sắng rồi đem nhân giống trồng dưới tán rừng của gia đình. Mỗi năm một ít, đến nay, vườn rau sắng của gia đình có hàng nghìn gốc. Cây sắng lớn nhất được 15 tuổi, cây nhỏ nhất mới trồng năm ngoái, còn bé xíu, phải 5 năm nữa mới cho thu” - ông Lâm cười. Ngoài rau sắng, gia đình ông Lâm còn có 20 gốc mơ Hương Tích cổ thụ. Hỏi về thu nhập, ông Lâm nói: “Tôi cũng chưa tính toán cụ thể, nhưng mỗi năm được vài tạ mơ, vài tạ rau sắng, đủ ăn quanh năm…”.

Ở Thung Chùa, không hiếm những hộ có cuộc sống tươm tất từ rừng. Bà Đinh Thị Trâm có 5 gốc mơ cổ thụ đã nhân ra hàng trăm gốc. “Rừng mơ nhà tôi bước sang năm thứ 4, bắt đầu cho quả bói. Năm ngoái, mới thu bói nhưng cũng được hơn một tạ, có người vào tận rừng thu mua với giá 50 nghìn/kg. Theo kinh nghiệm của bà Trâm thì những năm rét đau, mưa phùn nhưng không sương muối thì mơ được mùa. Cùng với mơ và rau sắng, gia đình bà Trâm còn sở hữu một vườn dược liệu rộng lớn dưới tán rừng. Bà kể: “Tôi trồng địa liền, gừng gió, tam thất nam, sâm đại hành, sạ đen, sả, đơn tướng quân, cỏ xước, thiên niên kiện, mạch môn… Các cây dược liệu này phục vụ nguyên liệu cho ông nhà tôi làm nghề bốc thuốc chữa bệnh và đổ buôn cho các hộ cất hàng bán cho du khách đến chùa Hương”.

Ở Thung Chùa, gia đình ông Đinh Văn Sinh có thu nhập ổn định từ làm kinh tế dưới tán rừng. Tầng trên là cây gỗ, tầng dưới ông Sinh trồng hàng nghìn gốc rau sắng. Hiện đang là mùa đông, chưa vào vụ rau sắng nhưng những ngày này, ông Sinh vẫn có rau trái vụ bán cho khách. Tuy không nhiều như chính vụ nhưng cần cù, chịu khó, mỗi ngày gia đình ông cũng thu được 200-300 nghìn đồng, chưa kể các khoản thu từ bán củ sả, cây dược liệu, chăn nuôi gà dưới tán rừng... Nhờ rừng mà ông đã nuôi được các con học đại học, xây nhà to đẹp.

Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn, ông Nghiên Xuân Lừng cho hay khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn có nhiều thung lớn quy mô vài chục héc ta, trong đó Thung Chùa là rộng nhất có diện tích khoảng 70ha với hơn 100 hộ dân canh tác. Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã yêu cầu bà con ký cam kết giữ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học dưới tán rừng. Đồng thời, mời các nhà khoa học về nghiên cứu, đánh giá để đề ra các giải pháp bảo tồn cây đặc sản, đặc hữu dưới tán rừng. Hiện nay, khu vực Thung Chùa đã mở rộng được 10ha rau sắng, trong đó có 2ha do Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn hỗ trợ theo chương trình kết hợp bảo tồn và phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Năm 2015, các hộ dân canh tác ở Thung Chùa đã tự nguyện đóng góp để làm đường và kéo điện vào rừng. Dẫu mới chỉ là con đường rải đá cấp phối thôi nhưng từ ngày có đường và có điện, đời sống của người dân bớt khó khăn hơn. Cái khó của bà con hiện vẫn là sản xuất tự phát. Sản vật từ rừng nhiều là vậy nhưng thị trường tiêu thụ vẫn chủ yếu trông vào du khách trong mùa lễ hội chùa Hương. Những nông dân ở vùng đất này đang rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng hơn nữa cánh cửa làm giàu chính đáng từ rừng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kho báu dưới tán rừng Hương Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.