Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Năng lượng xanh - giao thông sạch”

Thanh Thủy| 11/12/2016 06:15

(HNM) - “Năng lượng xanh - giao thông sạch” là phương châm hành động ý nghĩa của Dự án xe đạp, xe máy điện công cộng đa điểm (BK-Ebike).

Sức hấp dẫn của BK-Ebike

15h30 ngày 9-12, tại điểm cho thuê xe đạp, xe máy điện trong khuôn viên ký túc xá, Đại học Bách khoa Hà Nội, 5-7 bạn trẻ đang xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt đăng ký thuê xe. Sau vài thủ tục đơn giản, người mượn xe có thể nhận phương tiện với mức giá 15 nghìn đồng/giờ hoặc 125 nghìn đồng/ngày. Nguyễn Thành Trung, sinh viên năm thứ nhất Khoa Công nghệ sinh học (Đại học Bách khoa) cho biết: “Ngay từ khi xuất hiện điểm BK-Ebike, em đã chọn đây là phương thức di chuyển chủ yếu của mình trong thời gian học đại học vì tính tiện lợi cũng như khả năng giảm thiểu ô nhiễm không khí mà mô hình mang lại. Mỗi lần sử dụng phương tiện giao thông này, em luôn thấy vui và hãnh diện vì nghĩ mình đang góp phần vào việc gìn giữ môi trường”.


Điểm cho thuê xe BK-Ebike trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.


Đưa ra bài toán đơn giản để khẳng định tính kinh tế khi sử dụng mô hình cho thuê xe đạp điện của BK-Ebike, Nguyễn Thu Trang, sinh viên năm thứ ba, Đại học Bách khoa hào hứng chia sẻ: “Không sử dụng phương tiện cá nhân giúp chúng em tiết kiệm được rất nhiều khoản tiền phải chi mỗi tháng cho xăng xe, trông gửi, vệ sinh, bảo dưỡng… chưa kể những khoản phát sinh khác khi gặp sự cố. Số tiền dành cho việc này không nhỏ trong khi nhu cầu đi lại của sinh viên không nhiều, chúng em lại cần trang trải cho nhiều nhu cầu tiêu dùng khác. Đây là một trong những điểm hấp dẫn chính của BK-Ebike đối với sinh viên. Không chỉ có vậy, mô hình xe đạp công cộng còn rất linh hoạt trong việc cung cấp phương tiện khi cho phép người thuê xe được đổi, trả xe ở nhiều điểm khác nhau, chứ không nhất thiết phải thực hiện giao dịch ở cùng một điểm. Tiện ích là thế nên em và rất nhiều bạn bè khác thấy thật may mắn vì BK-Ebike nằm ngay trong khuôn viên trường. Thực tế, có nhiều bạn bè em, khi biết về mô hình này, cũng mong muốn trường mình đang học có một điểm cho thuê xe tiện lợi, tiết kiệm và hữu ích như thế”.

Những chia sẻ của Thu Trang không phải không có cơ sở khi chỉ trong một thời gian ngắn dừng chân tại điểm BK-Ebike Đại học Bách khoa, tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên ở các trường đại học lân cận (Đại học Xây Dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội…) tìm đến địa chỉ này để thuê xe. Thậm chí, có nhóm bạn, lo dịp cuối tuần nhu cầu thuê xe tăng cao, đã tìm tới đặt lịch lấy xe từ trước mấy ngày. Nguyễn Anh Dũng, Khoa Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng kể: “Lớp em dự định cuối tuần tổ chức dã ngoại ở ngoại thành Hà Nội. Lo nhà xe thời điểm đó có thể hết xe sớm nên chúng em đến đặt trước cho chắc. Đi xe điện nhẹ nhõm, an toàn, thân thiện, nếu có hỏng hóc còn được "nhà xe" cứu hộ. Hạn chế về khả năng trữ năng lượng của phương tiện này cũng được công ty xóa bỏ bằng cách cho khách mượn sạc điện dự phòng. Thế nên dù điểm cho thuê xe của BK-Ebike khá xa, chúng em vẫn thường tìm đến đây khi cần phương tiện đi lại”.

Khác với nhiều điểm cho thuê xe công cộng khác trong thành phố, BK-Ebike tận dụng năng lượng mặt trời cho dàn xe điện của mình như một giải pháp tiết kiệm nguồn điện. Nguồn năng lượng này được khai thác bằng hệ thống giàn thu cũng chính là mái vòm của nhà xe, từ đó chuyển qua trạm điện, được đặt ngay cạnh đó, để chuyển hóa năng lượng phục vụ cho việc vận hành phương tiện.

Đào Hữu Nam, sinh viên Đại học Bách khoa, làm công việc bán thời gian tại điểm cho thuê xe BK-Ebike trong trường, đã cho một hình dung đơn giản về khả năng tiết kiệm năng lượng cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường của dòng xe chạy bằng năng lượng mặt trời: “Nếu như xe chạy xăng thông thường chạy 100 cây số sẽ thải ra môi trường khoảng 7kg khí CO2 thì xe vận hành bằng điện sạc chỉ xả khoảng 0,6kg. Với cùng quãng đường, lượng xả thải của xe đạp chạy bằng năng lượng mặt trời gần như bằng 0 sẽ góp phần gìn giữ không gian sạch, xanh hơn đúng như mục đích Dự án hướng tới là “năng lượng xanh, giao thông sạch”. Đây cũng là lý do chính khiến em muốn gắn bó với mô hình này như một tuyên truyền viên của Dự án”.

Mở rộng mạng lưới, đối tượng phục vụ

Là Dự án xe đạp công cộng đa điểm quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn Hà Nội, sau gần 2 năm triển khai, BK-Ebike đã nhân rộng được 7 điểm xe ở nhiều trường đại học cũng như những khu vực đông dân khác trên địa bàn thành phố. Với 786 xe trên toàn hệ thống, trung bình mỗi ngày, BK-Ebike có khoảng 500 lượt đăng ký sử dụng trong đó hưởng ứng nhiệt thành nhất vẫn là các bạn học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đây không phải là đối tượng phục vụ duy nhất mà Dự án hướng tới. BK-Ebike kỳ vọng sẽ từng bước thu hút được nhóm khách du lịch trong và ngoài nước khi tới thăm Hà Nội cũng như tiếp cận được với người dân thành phố, góp phần giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông.

Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Dự án cho hay: “BK-Ebike được Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Tổ chức Caritas Thụy Sĩ tại Việt Nam, nhằm cung cấp phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, tiện lợi, tiết kiệm cho người sử dụng. Chính vì vậy, dù triển khai chưa được bao lâu song Dự án đã thu về nhiều kết quả khả quan cho thấy cách thức vận hành mô hình xe đạp công cộng đang được người dân nhiệt tình đón nhận. Trong 1, 2 năm tới, để mô hình tiện ích hơn, người dân tiếp cận dễ dàng hơn, Dự án sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới BK-Ebike từ 30 đến 50 điểm ở các quận, huyện với khoảng 50 nghìn xe đạp, xe máy điện trong đó nhiều trạm sẽ được xây dựng với hình thức tự động nhờ ứng dụng tin học và thanh toán qua hệ thống ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận, tương tác từ mô hình tới người sử dụng. Đến khi đó mô hình xe đạp công cộng sẽ không còn là của hiếm như hiện giờ”.

Việc BK-Ebike “rục rịch” phát triển điểm thuê, đổi, trả xe trong năm mới trở thành tin vui với không chỉ riêng giới học sinh, sinh viên. Nhiều người dân tin tưởng, khi mô hình được nhân rộng, điểm đổi, trả xe linh hoạt hơn, cơ hội tiếp cận mô hình cũng cao hơn thì rõ ràng việc sử dụng phương thức đi lại trên mang lại nhiều tiện ích. Bà Trần Thu Hương, giáo viên Trường THCS Trưng Vương chia sẻ: “Hà Nội với đặc trưng phố nhỏ, ngõ nhỏ nên dù phương tiện giao thông công cộng phát triển, người dân vẫn khó lòng bỏ qua thói quen sử dụng phương tiện cá nhân trong đó đa số vẫn dùng xe máy dù biết những hệ lụy đi cùng về môi trường, giao thông nói chung. Nếu xe đạp điện công cộng được mở rộng hơn nữa, chắc chắn người dân sẽ rất vui mừng vì tính kinh tế cũng như những lợi ích cho môi trường mà mô hình mang lại”.

Cùng với sự phát triển của hệ thống xe buýt và tàu điện trên cao, BK-Ebike kỳ vọng mô hình xe đạp công cộng sẽ gắn kết, phát triển song hành với các phương tiện giao thông công cộng khác trong thành phố, trở thành mảnh ghép đồng bộ và hoàn thiện, góp phần khắc phục tình trạng quá tải phương tiện giao thông cá nhân, giảm áp lực ô nhiễm không khí; đồng thời xây dựng hệ thống giao thông đô thị thân thiện, bền vững tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Năng lượng xanh - giao thông sạch”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.