Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà vệ sinh học đường: Nỗi lo không của riêng ai!

Thúy - Hằng| 21/12/2016 06:14

(HNM) - Nhà vệ sinh là hạng mục không thể thiếu trong các trường học. Thế nhưng hiện nay tình trạng nhà vệ sinh… mất vệ sinh đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều trường, nhất là vùng ngoại thành, trở thành nỗi ám ảnh của học sinh và là nỗi lo thường trực của thầy cô cũng như các bậc phụ huynh…


Nỗi ám ảnh đeo bám…

Sáng 14-12, tại Trường THCS Phú Nghĩa (Chương Mỹ), chúng tôi hỏi một học sinh lớp 7 về NVS của trường, cậu bé chỉ về góc trường, lấy tay bịt mũi. NVS chỉ rộng khoảng 20m2 đã quá cũ kỹ, nền trũng, trang thiết bị xuống cấp, nguồn nước cấp cho NVS không đủ là lý do dẫn đến tình trạng ô nhiễm kéo dài đã lâu cho dù được dọn 2 lần/ngày. “Theo tiêu chuẩn thiết kế trường học năm 2011, cứ khoảng 200 học sinh phải có một NVS. Đối chiếu tiêu chuẩn này, Trường THCS Phú Nghĩa phải được xây dựng thêm 3 NVS nữa mới đáp ứng được nhu cầu” - thầy Ngô Quang Tý, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Nghĩa cho biết.

Nơi rửa tay của học sinh Trường Tiểu học Cao Viên 2 (Thanh Oai) luôn ướt và bẩn.


Tại Trường Tiểu học Yên Sơn (điểm thôn Quảng Yên, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai), có 10 lớp học với trên 300 học sinh cũng chỉ có một NVS nhưng một nửa khu không có mái che. Nền NVS bằng xi măng, hệ thống cấp nước không hoạt động nên NVS luôn trong tình trạng ô nhiễm, nhiều học sinh "chọn"... ngay lối vào. Trường Tiểu học Thanh Thùy (Thanh Oai) cũng trong tình cảnh tương tự. Trường có 780 học sinh nhưng chỉ có 2 NVS, trong đó một NVS xây dựng đã lâu, không có mái che nay không thể sử dụng được nữa. Còn NVS kia bốc mùi xú uế, rác lưu cữu trên nền nhà trũng nước, lối ra vào nước cũng đóng cặn thành vệt đen…

Đối với bậc học mầm non, tình trạng thiếu NVS cũng diễn ra ở một số địa phương. Trường Mầm non khu A, xã Đức Thượng (Hoài Đức), có 574 em đang theo học ở 11 lớp cùng toàn bộ giáo viên phải sử dụng chung NVS với diện tích khoảng 15m2. Trong khi đó, theo quy định đối với bậc học mầm non, mỗi lớp phải có NVS khép kín, có phòng riêng cho học sinh nam, nữ. NVS chật hẹp, xa lớp học, nước sạch chưa có phải sử dụng nước giếng khoan đã khiến cô trò gặp rất nhiều khó khăn. Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Thượng cho biết, để bảo đảm an toàn cho trẻ, nhà trường phải xếp lịch đi vệ sinh cho học sinh từng lớp để tránh chen lấn, xô đẩy; mỗi giáo viên phải kiêm luôn nhiệm vụ dọn NVS. Đây là tình trạng chung của không ít trường mầm non ở các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Mỹ Đức…

Trong khi hầu hết NVS trường học vùng ngoại thành đều thiếu, xuống cấp thì ở nội thành, các NVS trong tình trạng ô nhiễm cũng khá phổ biến. Phần lớn NVS thiếu những thứ tối thiểu như: Giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay, khăn lau, nước tẩy rửa… Nhiều trường học bố trí nơi rửa tay cho học sinh không đủ, máng chứa nước rêu xanh, cáu bẩn… Chưa kể, tình trạng thiếu nước cũng chưa được giải quyết triệt để. Thực trạng này như một “căn bệnh” mạn tính, khiến NVS trở thành nỗi sợ hãi đối với không ít học sinh…

Thay đổi nhận thức

Trong khi cơ sở vật chất, cụ thể là NVS của nhiều trường còn thiếu thì ý thức học sinh cũng là điều đáng báo động. Nhiều học sinh vứt rác không đúng nơi quy định, vệ sinh bừa bãi khiến NVS như bãi rác, bốc mùi xú uế. Hiện nay, bên cạnh việc giao trách nhiệm dọn NVS cho học sinh, các trường vẫn phải thuê người quét dọn. Tuy nhiên, do thù lao thấp nên việc giữ sạch NVS còn hạn chế. Bà Đào Thị Ngần, lao công tại Trường THCS Thanh Thùy (Thanh Oai) được trả 2 triệu đồng/tháng cho việc dọn vệ sinh sau mỗi buổi tan học sáng và chiều. Tương tự, lao công tại Trường THCS Phú Nghĩa (Chương Mỹ) cũng dọn NVS 2 lần/ngày sau mỗi buổi tan học… Lý giải tình trạng lao công không túc trực dọn thường xuyên, nhiều lãnh đạo trường học cho rằng do thiếu kinh phí.

Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, những lý do nêu trên chưa hẳn đã chính đáng. Sự sạch sẽ, thông thoáng của NVS tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho chúng tôi cách nhìn hoàn toàn mới. Điều đầu tiên có thể thấy là toàn bộ thiết bị trong các NVS đều được trang bị theo đúng tiêu chuẩn, có chất lượng tốt và có tính thẩm mỹ. Trong NVS luôn có khăn lau tay, xà phòng, giấy vệ sinh và nước tẩy rửa. Nền nhà khô ráo, đủ ánh sáng và có độ thông thoáng. Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân, cô Lê Thị Thanh Thủy cho biết: Chúng tôi ký hợp đồng với một đơn vị chuyên dọn vệ sinh với 8 lao động thường xuyên có mặt tại trường. Bất cứ khi nào NVS tắc, hỏng đều có thể gọi đơn vị này nên mọi khó khăn đều được giải quyết rất nhanh. Bên cạnh đó, trường đã duy trì ý thức cho mỗi giáo viên, học sinh trong việc cùng có trách nhiệm giữ sạch NVS. Mỗi NVS của trường đều đặt trong sự giám sát qua nhiều khâu, từ giáo viên chủ nhiệm các lớp, cô tổng phụ trách Đội và Ban giám hiệu. Để NVS nào bẩn, có rác, người chịu trách nhiệm sẽ bị "truy" đến cùng bởi bộ phận giám sát luôn lập biên bản kiểm tra hằng ngày vào những giờ không cố định. “Chúng tôi ý thức rằng nếu để học sinh nhịn uống nước, nhịn đi vệ sinh vì nỗi sợ NVS bẩn thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các em. Phải chăm lo cho các em ngay từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy, phải biến NVS thành chỗ thuận tiện, sạch sẽ như ở nhà. Trong khoản chi thường xuyên dành cho mỗi học sinh, pháp luật cho phép nhà trường có quyền tự chủ, tự điều tiết. Điều quan trọng là phải biết phân bổ, phân định cho những nhiệm vụ quan trọng. Nếu vẫn mang tư tưởng NVS chỉ là công trình phụ thì không bao giờ có cách đánh giá đúng tầm quan trọng của NVS trong trường học” - Bà Thủy nêu quan điểm.

Cùng chung cách nhìn nhận, ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ cho biết: Chúng tôi luôn coi trọng việc giữ vệ sinh trong các trường học, đã nhắc nhở rất nhiều… Nhưng việc này phụ thuộc rất lớn vào ý thức, cách đánh giá sự thiết yếu về NVS của ban giám hiệu mỗi nhà trường vì họ có quyền tự quyết khi chi kinh phí vận hành NVS. Khẳng định về sự quan trọng của NVS trường học, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh chia sẻ: Chủ trương xóa NVS bẩn của thành phố đúng với định hướng của Bộ GD-ĐT để tạo môi trường sư phạm thật sự thân thiện. Những năm qua, lãnh đạo UBND quận đặc biệt quan tâm nên đã dành nhiều kinh phí đầu tư xây dựng NVS trong trường học. Để phù hợp với đặc thù trường học thì trang thiết bị NVS phải an toàn với lứa tuổi, phù hợp tâm sinh lý học sinh. Ngoài yếu tố hệ thống thiết bị NVS tốt thì việc vận hành, quản lý cũng là rất quan trọng. Nếu ban giám hiệu đánh giá NVS là quan trọng thì sẽ có cách vận hành khoa học, mang lại sự thoải mái cho các em… “Là vùng ngoại thành còn nhiều khó khăn nhưng huyện Thạch Thất cũng là đơn vị quan tâm đến việc đầu tư NVS cho các trường học nên nhận thức của nhiều ban giám hiệu các trường đã thay đổi; có thể NVS ở nhiều trường chưa đúng tiêu chuẩn nhưng yếu tố sạch sẽ luôn được coi trọng” - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất Nguyễn Quốc Mạnh cho hay.

Năm học 2016-2017, Ngành Giáo dục Thủ đô đã tiến hành tổng rà soát thực trạng hệ thống NVS trên toàn thành phố để có kế hoạch cải tạo, xây dựng. Đây là tín hiệu đáng mừng, song để NVS được đầu tư đúng tiêu chuẩn theo quy định trong xây dựng trường học ở Hà Nội sẽ còn không ít khó khăn. Dù vậy, như đã phản ánh, việc xây dựng NVS phù hợp, tổ chức vận hành hiệu quả là điều các trường hoàn toàn có thể thực hiện được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà vệ sinh học đường: Nỗi lo không của riêng ai!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.