Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấm áo nghĩa tình

Hồ Phương Phúc| 29/12/2016 06:10

(HNM) - Hà Nội đang những ngày đông, tiết trời lạnh giá. Ở một góc nhỏ trong ngôi nhà 18, ngõ Hội Vũ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm có một cụ bà hơn 13 năm chống chọi với bệnh ung thư tuyến giáp, nhưng 6 năm qua vẫn đều đặn bớt chút tiền lương ít ỏi để mua từng cuộn len, mỗi ngày lặng lẽ đan những chiếc áo ấm


Đan áo len là công việc hằng ngày của cụ bà Cao Thị Kim Doanh.


Một lời tự hứa, trăn trở cả đời

Sau “năm tao bảy tuyết” hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đến nhà bà. Bà Doanh bước nặng nhọc trên tầng hai xuống mở cửa đón khách, trông bà có phần yếu và mệt lắm. Bà mới đi viện về, phải nằm điều trị mất gần 2 tháng. Thế mà suốt bao năm qua, bà chẳng cho phép mình nghỉ ngơi bao giờ, luôn là những ngày miệt mài đan từng chiếc áo len để kịp gửi đi cho những trẻ em vùng cao vào mỗi mùa đông giá lạnh.

Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với bà Cao Thị Kim Doanh đó là một người phúc hậu, hiền từ, tốt bụng, khiêm nhường như đức tính vốn có của một nhà giáo mẫu mực. Trước đây bà sôi nổi, nhiệt huyết bao nhiêu thì từ 13 năm nay khi mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, bà càng trở nên trầm lặng bấy nhiêu. Song chưa bao giờ bà cho phép mình đầu hàng trước số phận, luôn sống lạc quan, kiên trì, tự rèn luyện mỗi ngày để tự nâng cao sức khỏe, chiến thắng bệnh tật. “Tôi bị bệnh ung thư đã 13 năm nay, chẳng dám đi đâu, cứ quanh quẩn trên tầng hai ngồi đan áo len như thế này. Nhà thì các cháu bận công tác, tôi chỉ có một mình, có mấy quyển sách, mấy tờ báo để đọc, buồn lắm. Hai tháng nay, tôi phải nằm viện, các bác sĩ bảo tôi nhiều tuổi nên không thể phẫu thuật được, bây giờ phương pháp chữa trị duy nhất là uống thuốc, rèn luyện sức khỏe, tinh thần thoải mái thì mới hạn chế được sự phát triển của bệnh”, bà Doanh chia sẻ.

Tấm lòng dành cho trẻ em vùng cao bắt nguồn từ những năm bà Doanh còn là một giáo viên dạy văn - sử ở Trường THCS Nguyễn Du, TP Hà Nội. Qua những lần đi thực tế cô giáo Doanh thắt lòng trước cuộc sống thiếu thốn trăm bề của đồng bào, nhất là giữa mùa đông, nhiều em nhỏ không có quần để mặc, đi dôi chân trần trên đất, phong phanh tấm áo mỏng. Hình ảnh ấy ám ảnh bà mãi, trở đi trở lại, chập chờn trong mỗi giấc ngủ hằng đêm. Từ suy nghĩ ấy, trong suốt nhiều năm ròng, bà tự hứa với lòng mình nhất định phải làm một việc gì đó, dù nhỏ cũng phải giúp đỡ bằng được cho trẻ em vùng cao. “Qua báo, đài, tôi được biết mấy năm trở lại đây, đời sống của người dân vùng cao, vùng đồng bào có các dân tộc thiểu số đời sống đã được nâng cao nhưng vẫn nhiều cảnh đời khó khăn cần cộng đồng chung tay giúp đỡ. Tôi từng tận mắt chứng kiến bữa ăn của một gia đình có 5-6 người mà chỉ có mỗi nồi mèn mén (bột ngô đồ lên). Cuộc sống chỉ lo cái ăn đã khó, còn nói chi đến việc mặc đủ ấm. Mà mùa đông ở trên vùng núi cao thì nó lạnh gấp trăm lần ở đồng bằng, rét đến thấu tim gan”, bà Doanh nói trong xúc động.

Chính vì thế, lúc còn công tác cũng như đã nghỉ hưu, bà Doanh đều bớt khoản tiền ít ỏi có khi chỉ là 200 nghìn đồng, khi thì bằng hiện vật, để tặng những gia đình còn khó khăn. Tuổi cao, đi lại khó khăn, 6 năm qua, bà gác lại nhiều hoạt động xã hội, nhưng ngày nào cũng như ngày nào, lặng lẽ ngồi đan áo trên căn gác nhỏ. Và cũng chừng ấy thời gian, biết bao chiếc áo ấm được gửi lên cho trẻ em vùng cao ở các tỉnh phía Bắc. Chẳng cứ mùa đông hay mùa hè, hễ cứ rảnh rỗi là bà cặm cụi, kiên trì đan áo, đan được chiếc nào bà gấp gọn gàng cho vào túi ni lông. Giờ đây, dù sức khỏe không còn như trước, nhưng bà vẫn gắng sức theo đuổi công việc ý nghĩa này.

6 năm đan gần 400 chiếc áo

6 năm qua, mỗi năm bà đan được khoảng 50 - 60 chiếc áo. Ngày nào không đan áo, bà thấy sức khỏe yếu hơn, cuộc sống thêm phần vô vị và nhạt nhẽo. Càng hăng say lao vào làm việc ý nghĩa bà càng thêm yêu cuộc sống, quên đi bệnh tật đớn đau. Sau này, qua các phương tiện truyền thông, biết đến hình ảnh một bà lão bị trọng bệnh vẫn miệt mài đan áo mùa đông cho các cháu nhỏ vùng cao, nhiều người đã tìm đến tận nhà, khi thì gửi tiền, khi gửi len để bà tiếp tục đeo đuổi công việc thiện nguyện. Bởi vậy, bà có nhiều len hơn để đan từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, đan như chạy đua với thời gian, với thời tiết, để khi bắt đầu trời vào lạnh, bà sẽ nhờ các tổ chức thiện nguyện, các học sinh cũ đi công tác, mang lên gửi tặng. Có đoàn đi là bà lại gửi dăm ba chục cái, không phân biệt địa phương nào, miễn làm sao các cháu nhỏ còn thiếu thốn có áo ấm là được. Vì không có điều kiện tìm đến với những bản làng xa xôi, trực tiếp gửi tặng đồng bào, khi nào áo đan đã nhiều mà không có người quen chuyển giúp, bà đều tìm đến những cơ sở từ thiện nhờ họ mang đến tận tay các em nhỏ.

Trong gia đình ai cũng lo lắng cho sức khỏe của bà, nhưng từ ngày thấy bà đan áo làm việc thiện, bệnh tình có phần thuyên giảm, con trai, con dâu bà đều hết lòng ủng hộ. Bà bảo, ở đời có ai cưỡng được "sinh, lão, bệnh, tử" đâu, nên sống được ngày nào sao cho có giá trị, ý nghĩa. Mỗi khi nhận được thông tin những chiếc áo len ấm áp mà bà tự tay đan từng ngày đến được với các cháu nhỏ vùng cao, bà càng có thêm động lực để tiếp tục công việc nhiều ý nghĩa ấy.

Bà Nguyễn Thị Ngoạn, 89 tuổi, người hàng xóm, người bạn của bà Doanh cho biết: “Chúng tôi quen biết nhau từ lâu lắm rồi, thi thoảng vẫn thường rủ nhau đi họp ở phường. Ở cả khu phố này ai cũng biết đến bà Doanh là một người nhân hậu, tốt bụng. Dù bệnh tật đau đớn nhưng bà vẫn đan áo len cho trẻ vùng cao. Hành động ấy thật đáng quý, đáng trọng. Tuổi đã cao, không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ để cho đời thêm đáng sống. Mong sao bà có thêm sức khỏe để tiếp tục đan thật nhiều, thật nhiều áo len cho các cháu”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tấm áo nghĩa tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.