Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn sáng từ nghị lực

Thanh Thủy| 15/02/2017 06:04

(HNM) - Đúng vào cái tuổi đẹp nhất đời người, khi gia đình, sự nghiệp đang ở ngưỡng khởi đầu thì chàng thanh niên Phạm Văn Lực (sinh năm 1987), thường trú tại Định Công, Hoàng Mai, nhận được hung tin: Đôi mắt anh mắc chứng thoái hóa sắc tố võng mạc không thể cứu vãn.

Trước tai họa vô tình ập xuống, mỗi ngày Lực đều tự nhủ với bản thân “Cố lên, phải cố cho bản thân và cho cả gia đình mình nữa”. Để rồi, những nỗ lực ấy cuối cùng cũng mang về cho anh “nguồn sáng mới”, giúp anh từng bước vượt qua những thử thách khắc nghiệt của số phận.

"Không nhìn thấy đâu phải khiếm thị"

“Thế nào mà một căn bệnh, cả trăm nghìn người mới có một người mắc, lại rơi vào mình? Em đã tự hỏi câu này không biết bao nhiêu lần kể từ ngày nhận được kết luận của bệnh viện. Thời gian ấy với em khủng khiếp lắm, từ một người sôi nổi, yêu đời, em chìm vào cảm giác bức bối, tuyệt vọng khi mỗi ngày trôi qua là một ngày nguồn sáng trong mắt em cứ vơi dần. Lò mò làm quen với bóng tối, đi bên trái, vấp bên trái; đi bên phải, vấp bên phải; cái bát ăn cơm không thấy; cái quần, cái áo không tự tìm được…, em khóc, đụng cái gì là em lại la hét, quăng quật. Cả nhà thương em, xót em, cũng chỉ biết khóc theo…”.

Anh Phạm Văn Lực trong văn phòng doanh nghiệp phân phối giày dép của mình.


Thế nhưng hoang mang, suy sụp mãi liệu có ích gì, rồi cũng đến ngày Lực tự thấy không thể tiếp tục sống như vậy, nhất là khi bên cạnh anh còn vợ, con, những người kể từ ngày anh mắc bệnh, cuộc sống cũng chới với, mất phương hướng như anh vậy. Tự nhủ mọi sự xảy đến đều có căn nguyên và rằng “không nhìn thấy chưa phải đã mù lòa, khiếm thị”, Lực hướng bản thân chấp nhận thực tế, chế ngự cảm xúc, rèn tính nhẫn nại rồi từng chút, từng chút một, tập làm quen với điều kiện sống mới, quyết không để nghịch cảnh phá hỏng cuộc sống, tương lai của gia đình và bản thân.

Cứ thế, Phạm Văn Lực kiên gan, quyết chí tìm cách thích nghi dần với hoàn cảnh, từng bước chủ động mọi việc để không cần lúc nào cũng phải có người đi bên cạnh hỗ trợ. Anh học cách nhận mặt từng tờ tiền để chủ động chi tiêu; học cách sử dụng điện thoại, laptop… để giao dịch, kết nối công việc; học cách đi lại trong thành phố bằng các phương tiện giao thông công cộng... và quan trọng hơn là học cách chế ngự cảm xúc tiêu cực có thể kéo đến bất cứ lúc nào, xóa bỏ mọi nỗ lực mà anh vừa xây dựng được. Từ chương trình hỗ trợ người khiếm thính của dòng điện thoại thông minh, Lực tìm hiểu thị trường, thu thập thông tin, xoay sở vốn liếng đầu tư cho các mặt hàng có khả năng gây sốt ở từng giai đoạn như: Dòng sản phẩm ba lô cho laptop vào thời kì trào lưu sử dụng máy tính xách tay bắt đầu nở rộ; mũ bảo hiểm đạt chuẩn “đón đầu” những quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ...

Điểm tựa cho gia đình, cộng sự

Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, còn hiện giờ, ngồi trước mặt tôi là Phạm Văn Lực, Giám đốc Công ty TNHH An Thái Minh, doanh nghiệp phân phối giày dép cho hàng trăm đơn vị bán hàng lớn, nhỏ khắp Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành lân cận với lượng hàng xuất đi mỗi tháng xấp xỉ con số 10 nghìn sản phẩm. Trong văn phòng giao dịch với hàng trăm mẫu giày, dép thời trang được xếp đặt ngay ngắn, anh nhẹ nhàng mời khách ngồi rồi chủ động đứng dậy cắm nước, pha trà, động tác chính xác, thuần thục như ở một người mắt sáng. Như đã quá quen với việc chủ động tự làm mọi thứ của anh, mọi nhân viên, khi qua lại văn phòng, đều không có ý định giúp ông chủ. Hiểu được những thắc mắc trong lòng khách, Lực tủm tỉm, khẽ khàng thổ lộ: “Nhiều lúc các thành viên sống và làm việc cùng quên mất em là một người khiếm thị bởi em vẫn tham gia hầu hết mọi hoạt động với mọi người. Để làm được vậy, việc dễ em tập trước, việc khó, có thể gây nguy hiểm thì em tập sau; tập từ từ, mãi rồi sẽ được. Cũng như việc kinh doanh, em chỉ có thể chọn cách đầu tư chậm mà chắc. Điều kiện bản thân như thế này, nếu nóng ruột sẽ dễ hỏng việc”.

Với phương châm như thế, Phạm Văn Lực gây dựng cơ nghiệp như hiện giờ với xuất phát điểm là một cửa hàng giày dép có số vốn ban đầu trên dưới 70 triệu đồng. Dần dần, anh bắt tay với các xưởng sản xuất đặt hàng những sản phẩm bán chạy, hợp đồng với các siêu thị, shop thời trang, trang mạng điện tử… để cung cấp sản phẩm, trở thành một trong những đầu mối giày dép có tầm cỡ ở Hà Nội. “Tuy nhiên, cũng có những trở ngại không thể khắc phục. Ví dụ như mắt mũi như thế này, dù có hiểu về nguyên liệu, sản phẩm đến đâu, em cũng không thể tự đứng ra thiết kế, sản xuất mà phải thông qua các xưởng khác nhau để đặt hàng. Cũng như việc quản lý xuất, nhập hàng, em phải trông cậy cả vào người nhà và nhân viên… Nói chung, em chỉ thua mọi người về mặt hình ảnh, ngoài ra em thấy mình cũng chẳng khác mọi người” - Phạm Văn Lực lạc quan chia sẻ.

Không thấy mình khác mọi người nên Phạm Văn Lực luôn cố gắng tự làm mọi việc, không một phút, một giờ để bản thân trì trệ. Giống như nhiều người trẻ khác, Lực sử dụng thành thạo mạng xã hội facebook cũng như các phần mềm ứng dụng ưu việt khác. Ngoài việc kinh doanh và chăm sóc gia đình, Phạm Văn Lực còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác như Cộng đồng doanh nhân An Lạc; Tổ chức Cộng đồng Khai Tâm Việt… cũng như thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện “Kết nối yêu thương”, tặng quà cho người dân ở các vùng khó khăn hay bà con vùng cao biên giới...

Không khuất phục bóng tối đời mình, Phạm Văn Lực từng bước vượt qua số phận, vững vàng lập thân, lập nghiệp, thậm chí trở thành chỗ dựa cho gia đình và cả nhân viên, cộng sự của anh. Với Phạm Văn Lực, hạnh phúc không chỉ đến từ những thành công trong sự nghiệp, một gia đình tròn vẹn, đủ đầy mà còn từ việc anh được xem như một người bình thường, được đối xử công bằng, không ưu tiên phân biệt. Giống như anh từng tâm sự: “Niềm hạnh phúc của em là được sống và làm việc như người bình thường”. Những điều Phạm Văn Lực mong muốn cũng là những gì anh đã tự giành lấy được bấy nay. Chính nghị lực bền bỉ, không mệt mỏi đã mang lại cho anh nguồn sáng cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn sáng từ nghị lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.