Theo dõi Báo Hànộimới trên

A lô, 115 xin nghe! (tiếp theo và hết)

Song Thủy| 27/02/2017 06:16

(HNM) - Có thể nói, cấp cứu ngoại viện là đối mặt với đa dạng địa hình hoạt động, đồng nghĩa với việc nhân viên y tế phải chứng kiến vô vàn câu chuyện khác nhau, trong đó có những tình huống cười ra nước mắt cũng như không thiếu những cảnh ngộ xót lòng.

(HNM) - Có thể nói, cấp cứu ngoại viện là đối mặt với đa dạng địa hình hoạt động, đồng nghĩa với việc nhân viên y tế phải chứng kiến vô vàn câu chuyện khác nhau, trong đó có những tình huống cười ra nước mắt cũng như không thiếu những cảnh ngộ xót lòng. Quen với việc bị gây áp lực, những y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 cũng quen luôn việc bản thân bị lãng quên ngay sau ca cấp cứu, vận chuyển người bệnh. Với họ, điều này cũng dễ hiểu bởi cấp cứu ngoại viện, dù có ý nghĩa quyết định sống còn cho bệnh nhân, nhất là trong những tình huống tối khẩn cấp, xong thường diễn ra khẩn trương, mau lẹ nên không mấy khi được nhớ đến.

Nhưng trong công việc hằng ngày của đội ngũ 115, không chỉ có những chuyện khó khăn, vất vả. Mà với họ sau mỗi ca cấp cứu có cả những trăn trở, những niềm hạnh phúc khó tả. Bác sĩ Hoàng Văn Hải cho biết, chỉ riêng năm vừa qua, anh đã hỗ trợ 4 ca sinh con ngoài đường do sản phụ thiếu kiến thức sinh sản. Những lần đối diện với các đối tượng ngộ rượu, ngáo đá có hành vi bất thường, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh cũng trở nên quen thuộc hơn với anh, chưa kể những lần trực tiếp ứng cứu người vô gia cư trên phố… Để rồi, sau mỗi tình huống cấp cứu là một cảnh đời khác nhau khiến anh không khỏi bận lòng. Bác sĩ Hải kể: “Một lần kíp trực nhận lệnh cấp cứu ở phố Lý Thường Kiệt. Đến nơi, chỉ có một cụ bà ốm yếu ngồi ngoài đường chờ. Sau khi chẩn đoán, tôi quyết định cho cụ nhập viện. Trên đường, tôi hỏi cụ con cái đâu, sao vào viện một mình thì được biết cụ mâu thuẫn với con nên bị bỏ mặc ngoài đường. Tội hơn, bà cụ vào viện chỉ với nắm tiền lẻ ước được hơn trăm nghìn đồng. Không đành lòng, tôi mở ví mình lúc đó còn bao nhiêu đưa biếu cụ hết. Đến giờ tôi vẫn nhớ vẻ tần ngần đến tội nghiệp của cụ lúc nhận tiền…”.

Kíp trực Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển một bệnh nhân trong đêm.


Tận tâm với nghề, tận lực với nghiệp và cả thấu cảm, sẻ chia với người khác - cũng đồng nghĩa với việc các y, bác sĩ của ngôi nhà 115 phải nhận về mình nhiều thiệt thòi trong cuộc sống riêng. Những ngày lễ, Tết, công việc của các y, bác sĩ ở đây vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn vất vả hơn ngày thường vì dịp lễ các bệnh viện chỉ trực cấp cứu nên nhu cầu của người dân với 115 cũng tăng cao. Đợt nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày thì có đến 3-4 ngày trực. Vì vậy nhiều người gia đình ở ngay trung tâm Hà Nội nhưng thường xuyên đón Tết "xa nhà". Ngày thường, mỗi kíp cũng phải trực 24/24 giờ, sau đó được nghỉ bù 1 ngày rồi lại vào ca tiếp - nên nhịp sinh học thường xuyên bị đảo lộn, nếp sinh hoạt gia đình cũng đảo lộn theo. Vất vả nhất là những gia đình có con nhỏ phải thường xuyên gửi con qua đêm ở nhà hàng xóm, gửi cô giáo trông thêm giờ ở trường... Thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng hay lái xe 115 cũng là điều mà không ai muốn nhắc tới, ngay cả khi chúng tôi hỏi thăm một số người đã khá thân. Đây có lẽ là nguyên nhân chính của việc thiếu triền miên nhân lực cống hiến cho hệ thống cấp cứu ngoại viện. Đó cũng là lý do khiến nhiều cặp vợ chồng vốn công tác cùng cơ quan, sau đó một người phải tách ra xin việc nơi khác, thậm chí mở thêm cửa hàng kinh doanh ăn uống để cải thiện thu nhập.

Khó khăn là thế nhưng vẫn có nhiều người gắn bó với 115 cả hai, ba chục năm. Nói như bác sĩ Trần Anh Thắng: “Nghề này không chỉ là nghề nhân đức cứu người, nó còn là một nghề thú vị. Không giống như công tác tại bệnh viện chỉ có bệnh nhân tìm đến, cấp cứu lưu động mỗi ngày đều gặp một gia cảnh, trường hợp khác nhau, có nhiều tình huống bất ngờ giúp mình khám phá bản thân. Vì thế yêu nghề lắm, không bỏ được!”.

Ứng cứu… 115!

Thừa nhận áp lực trong công việc cũng như những khó khăn của đội ngũ nhân viên y tế 115 hiện nay, bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội còn cung cấp cho chúng tôi một vài con số “biết nói”: Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 1 triệu dân cần có 15 kíp xe cấp cứu trong khi hiện Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chỉ có 14 kíp cấp cứu thường trực để phục vụ khoảng 10 triệu dân. Hiện 32 bác sĩ, 27 y sĩ, 46 lái xe cứu thương, 65 điều dưỡng mỗi ngày phân công nhau trực 24/24 giờ với 14 kíp trong khi theo tiêu chuẩn của WHO phải có 150 kíp trực. Tỷ lệ so sánh chưa đến 1/10 này đã nói lên đầy đủ tình trạng “lực bất tòng tâm” của lực lượng 115 Hà Nội trong công tác cấp cứu ngoại viện.

Trong khi đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân Thủ đô, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội còn phục vụ các hoạt động văn hóa - chính trị - xã hội của trung ương và Hà Nội khi được giao nhiệm vụ, phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thu gom người bệnh tâm thần lang thang trên địa bàn, chuyển đến các bệnh viện và các trung tâm bảo trợ xã hội để điều trị và chăm sóc, hỗ trợ các bệnh viện trong ngành chuyển tuyến bệnh nhân. Khối lượng công việc đồ sộ như vậy nhưng hiện nay Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội mới chỉ có 5 trạm cấp cứu ngoại viện. Ngoài trạm Trung tâm tại số 11 Phan Chu Trinh còn bốn trạm khu vực là trạm Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Hà Đông. Suốt từ năm 2010 đến nay, 115 Hà Nội chưa mở rộng thêm được trạm cấp cứu nào cho dù sức ép dân số tăng lên từng ngày. Thành ra nhiều khi biết mà chỉ trào nước mắt trước những lo lắng, thúc giục của người bệnh trước thực tế "cái khó bó cái... nhanh": Một ca cấp cứu ở địa chỉ tập thể Kim Liên (quận Đống Đa), nhưng lại phải đợi xe 115 chạy từ trạm Hà Đông ra, vì các xe ở Trung tâm 11 Phan Chu Trinh đều đang bận hết.

Để “ứng cứu” cho 115 Hà Nội, hiện tại Trung tâm đang đề xuất mở thêm trạm cấp cứu thứ 6 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, dự kiến triển khai trong năm 2017. Về lâu dài, việc mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng của cấp cứu 115 là yêu cầu bức thiết. Được biết, tháng 11-2016, Sở Y tế TP Hà Nội đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan quản lý các bệnh viện công Paris - Pháp (APHP), trong đó có nội dung về hệ thống cấp cứu SAMU. Theo thỏa thuận hợp tác, phía Pháp hỗ trợ Trung tâm Cấp cứu 115 xây dựng và vận hành hoạt động “Bộ phận tiếp nhận, điều phối thông tin và điều hành cấp cứu”, trong đó kết nối 115 với tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố; tư vấn danh mục thiết bị, phương tiện cấp cứu theo chuẩn SAMU để đề xuất thành phố đầu tư; đào tạo kỹ thuật cấp cứu ngoại viện cho đội ngũ bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng… Các nội dung hợp tác này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2017-2020.

Với mô hình này, nhân viên cấp cứu và xe cấp cứu ngoại viện thuộc sự quản lý của bệnh viện, được phân công chịu trách nhiệm từng khu vực. Khi nhận được yêu cầu cấp cứu, bệnh viện điều động xe cứu thương chuyên dụng được trang bị đầy đủ như một phòng hồi sức cấp cứu lưu động, có thể can thiệp phẫu thuật trên xe với đội cấp cứu chuyên nghiệp là êkíp bác sĩ, điều dưỡng, gây mê theo xe cứu thương đến hiện trường. Tại hiện trường người bệnh sẽ được sơ cứu, hoặc được can thiệp điều trị ngay trên xe, kể cả phẫu thuật, sau đó vận chuyển về bệnh viện để tiếp tục điều trị và chăm sóc.

Dự án còn đang ở phía trước, nhưng đây cũng là một hy vọng về sự thay đổi để nâng cao chất lượng cấp cứu ngoại viện và giảm áp lực cho lực lượng cấp cứu 115. Sâu xa hơn, người dân Thủ đô sẽ có được sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn, sẽ có nhiều nụ cười hơn dành cho những kíp trực 115!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
A lô, 115 xin nghe! (tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.