Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bông hoa đẹp của cộng đồng người khiếm thính

An Tâm| 03/03/2017 06:19

(HNM) - Xinh đẹp, duyên dáng và thông minh, nhưng Bùi Thị Lan Anh (sinh năm 1995, Phú Thọ) lại bị câm, điếc bẩm sinh. Kiên cường vượt qua sự trớ trêu của số phận, những trở ngại trong cuộc sống, Lan Anh đã tỏa sáng với danh hiệu Hoa khôi và Á hậu 2 của hai cuộc thi sắc đẹp dành cho người khiếm thính Việt Nam 2015 và thế giới 2016.



Đại diện cho những người đồng cảnh ngộ, cô đã nói tiếng nói của cộng đồng mình và chứng minh, bằng nghị lực và niềm ham sống mãnh liệt, người không may bị điếc - hay người khiếm thính - vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc và thành công như người bình thường.


Tại cuộc thi Hoa hậu và Nam vương điếc quốc tế 2016, Bùi Thị Lan Anh giành ngôi Á hậu 2.


Tuổi thơ kém may mắn

Bùi Thị Lan Anh sinh ra đã kháu khỉnh, đáng yêu. Tuy nhiên, bố mẹ phát hiện cô con gái thứ 2 không có phản ứng với âm thanh xung quanh. Cô bé cũng không tập nói như bạn bè cùng trang lứa. Gia đình bồng bế em ngược xuôi khắp các bệnh viện, tìm mọi cách để giúp em có thể nghe, nói nhưng mọi cố gắng đều thất bại.

Tuổi thơ của em là những ngày tháng sống trong nỗi cô độc. Khó chia sẻ được nỗi lòng với bố mẹ dù được cưng chiều hơn cả, Lan Anh sống khép mình. “Em đã từng nghĩ những người câm, điếc như em thật thiệt thòi. Em sẽ không thể làm gì ý nghĩa trong cuộc đời mình”, Lan Anh kể lại qua lời người phiên dịch (ngôn ngữ ký hiệu).

Để giúp em tự tin và có nền tảng bước chân vào cuộc sống, bố mẹ Lan Anh quyết định cho em theo học tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật TP Việt Trì. Đến trường, gặp gỡ các bạn cùng cảnh ngộ, Lan Anh nhanh chóng hòa nhập. Em như con chim bị nhốt trong lồng lần đầu được cất cánh bay, được cất tiếng hót giữa bầu trời rộng lớn. Được học ngôn ngữ ký hiệu, em có thể chia sẻ tâm tư của mình với mọi người một cách dễ dàng và hiểu suy nghĩ của người khác. “Trước khi đến trường, em cũng trao đổi với gia đình qua những ký hiệu đơn giản. Vì mọi người cũng không biết nhiều về ngôn ngữ ký hiệu”, cô gái nhỏ chia sẻ.

Học hết cấp 1 tại Trung tâm, Lan Anh lại về nhà vì bố mẹ chưa tìm được trường cấp 2 cho em. Khi Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương tuyển sinh học sinh câm, điếc, em rời quê nhà về Hà Nội học. Những lo lắng một lần nữa lại dấy lên trong lòng bố mẹ và chính cô gái nhỏ. Biết sẽ khó khăn, vất vả khi rời xa gia đình nhưng mong muốn được hòa nhập và sống cuộc sống của riêng mình, Lan Anh quyết định lên đường.

Với một cô gái bình thường, cuộc sống xa nhà, lạ lẫm nơi phố thị đã là một trở ngại không nhỏ, và với Lan Anh thì khó khăn càng tăng lên gấp bội. Em quyết định chọn ký túc xá để tiện đi lại. Tuy nhiên, giao tiếp vẫn là rào cản lớn nhất với Lan Anh. “Em đã gần như phải học lại từ đầu để có thể giao tiếp và hiểu kiến thức mà thầy cô muốn truyền đạt”, Lan Anh kể.

Dám mơ ước và nỗ lực thực hiện

Dù được học, được giao lưu, kết bạn với nhiều người nhưng nỗi lo lắng, sự tự ti vẫn hằn vào lòng cô gái nhỏ. Lan Anh thầm khát khao có cơ hội thể hiện mình. Vốn thông minh, dịu dàng và xinh đẹp, Lan Anh được Chi hội Người điếc Hà Nội giới thiệu tham gia cuộc thi Hoa khôi Điếc Việt Nam 2015.

Tại cuộc thi, Lan Anh nhanh chóng hòa vào không khí vui tươi. Nổi bật cả về ngoại hình và ghi điểm ở phần thi năng khiếu, Lan Anh đã trở thành Hoa khôi Điếc Việt Nam năm 2015. Em kể: “Em thật sự rất bất ngờ và vui lắm. Bố mẹ và họ hàng cũng đến cổ vũ cho em rất đông. Tất cả đều vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Từ lúc đó trở đi, em ý thức được mình có thể làm những điều người bình thường làm, những điều có ý nghĩa cho cuộc sống của mình và mọi người”.

Năm 2016, khi cuộc thi Miss and Mister Deaf International (Hoa hậu và Nam vương điếc quốc tế) diễn ra tại Mỹ, Lan Anh đã thuyết phục được bố mẹ cho em cơ hội tham gia. Rào cản lớn nhất của em là ngôn ngữ và khó khăn hơn cả là tìm nhà tài trợ. Cũng như ngôn ngữ bình thường, ngôn ngữ của người câm, điếc quốc tế cũng có những khác biệt so với ở Việt Nam. “Rất may trước đây em được tiếp xúc với nhiều bạn câm, điếc người nước ngoài nên cũng có chút hiểu biết cơ bản. Em mua thêm sách, chăm chỉ học trong vòng 2 tháng để thành thạo ngôn ngữ ký hiệu quốc tế”, qua ngôn ngữ của mình, Lan Anh "nói" với chúng tôi.

Một mình sang Mỹ, Lan Anh tự lo tất cả. Em không có người phiên dịch đi cùng, không có người hỗ trợ sinh hoạt, thậm chí phải tự trang điểm khi lên sân khấu. Khó khăn là thế nhưng thế giới của Lan Anh được mở rộng hơn. Em mặc áo dài truyền thống duyên dáng và đội nón lá. Em kể cho bạn bè về cốm Việt Nam, về vẻ đẹp của con người, đất nước mình và hiểu biết thêm về văn hóa các nước qua các bạn cùng thi. Khả năng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu quốc tế của Lan Anh nhờ thế cũng được trau dồi thêm. Em tự tin hơn về bản thân, vui vẻ tham dự các buổi tiệc mừng, cùng nhảy múa với bạn bè năm châu và số phận lại mỉm cười: Em đã giành ngôi Á hậu 2. “Tham dự cuộc thi em chỉ mong mình được học hỏi nhiều hơn, được tự tin hơn nhưng không ngờ lại được giải Á hậu 2. Em vui và xúc động vô cùng”, Lan Anh bày tỏ.

Trò chuyện trong một quán cà phê nhỏ ấm cúng, dù phải thông qua người phiên dịch nhưng chúng tôi dễ dàng cảm nhận được sự thân thiện, đáng yêu qua nụ cười của Lan Anh. Vương miện Hoa khôi Điếc Việt Nam và vị trí Á hậu 2 Điếc thế giới đã làm thay đổi suy nghĩ của cô gái đáng yêu này. Em tự tin hơn và dám ước mơ nhiều hơn. “Trước đây em vẫn tự ti nhiều lắm, vẫn nghĩ mình chẳng thể như người bình thường được. Nhưng giờ đây, khi dám thử thách bản thân và thành công, em chắc rằng mình có thể làm được điều mình mong ước nếu dám ước mơ và nỗ lực cho mơ ước của mình”, cô vui vẻ chia sẻ.

Hiện tại, Bùi Thị Lan Anh đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương. Cô gái mong ước trở thành một giáo viên dạy học cho những đứa trẻ cùng cảnh ngộ: “Em mong có thể góp sức xóa mù chữ ở trẻ câm, điếc Việt Nam, giúp các em tự tin bước chân vào đời, dám ước mơ và đủ bản lĩnh để thực hiện giấc mơ của mình. Là Hoa hậu, em ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình. Em sẽ cố gắng học tập thật chăm chỉ, giữ mình trước những cám dỗ, tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, kêu gọi ủng hộ cho các em câm, điếc có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có cơ hội học tập nhiều hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bông hoa đẹp của cộng đồng người khiếm thính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.