Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Bẩn và quá tải

Thống Nhất| 12/03/2017 05:44

(HNM) - Đồng loạt đầu tư xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố là một trong những đầu việc khá ấn tượng từ đầu năm đến nay với mỗi nhà trường và các học sinh (HS) - những người trực tiếp thụ hưởng.


Rất ít trường học có khu rửa tay cho học sinh sạch sẽ như Trường THCS Phương Liệt (quận Thanh Xuân).


Ám ảnh dài dài

Đầu mỗi năm học, một trong những điều lo lắng, thấp thỏm nhất đối với giáo viên, HS là việc không rõ lớp mình có bị “vào” phòng học nằm gần khu NVS hay không. Và dù có lo lắng tới đâu, thì đây vẫn là điều khó tránh khỏi, bởi theo thiết kế, tại mỗi tầng, mỗi dãy lớp học đều có NVS cho HS.

Những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có tới hơn 50% số trường học của Hà Nội đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhưng câu chuyện NVS bẩn dường như đã trở thành đề tài “nóng” của nhiều bậc cha mẹ. “Mỗi năm tôi đi họp phụ huynh hai lần, nhưng mỗi lần vào NVS của các con là phải nín thở. Nhiều khi về tới nhà vẫn bị ám ảnh” - chị Hoàng Thị Ngân, phụ huynh HS một trường THCS ở huyện Mỹ Đức chia sẻ.

Với HS, thì những ám ảnh ấy còn rõ hơn, “theo, bám” các em hằng ngày khi đến trường. Theo chân một HS nữ vào NVS Trường Tiểu học Khánh Thượng B (Ba Vì), càng hiểu rõ tại sao các em thường xuyên nhịn tiểu, thậm chí hạn chế cả uống nước để khỏi phải đi tiểu nhiều lần khi ở trường. Quy mô HS của trường không lớn, NVS có mái che, song hệ thống rãnh thải và nước sạch để xả lại thiếu, yếu nên chỉ cần hơn mười em HS đi tiểu mỗi lượt vào giờ ra chơi là đã quá tải, khiến NVS bốc mùi.

Chuyện NVS bẩn không chỉ diễn ra ở ngoại thành, ngay tại nội thành cũng không “thoát” cảnh NVS bốc mùi. Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân thẳng thắn: Cơ sở vật chất các nhà trường được đầu tư đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học, song chất lượng các công trình vệ sinh còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân cơ bản khiến cho NVS các trường học mất vệ sinh là vì luôn trong tình trạng quá tải. Ghi nhận thực tế cho thấy, với quy mô phổ biến trên 1 nghìn HS mỗi trường, thậm chí có trường lên tới trên dưới 3 nghìn HS, hệ thống NVS của trường khó có thể đáp ứng nổi. Tình trạng HS vào lớp muộn sau giờ ra chơi do phải xếp hàng chờ đến lượt đi vệ sinh không phải là hiếm. Câu chuyện NVS bẩn không chỉ được truyền miệng qua nỗi lo lắng, bức xúc của phụ huynh, qua nỗi ám ảnh của học trò, mà còn lan tới hội nghị cấp quốc gia của ngành GD-ĐT vào tháng 8-2016. Lần đầu tiên, câu chuyện về NVS trường học được “đặt lên bàn nghị sự”, với yêu cầu phải nhìn thẳng vào thực tế, không thể chậm hơn nữa. Đó là những chỉ đạo mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sau những chuyến đi thực tế tại nhiều trường học ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Vẫn còn hàng nghìn NVS chưa đạt chuẩn

Theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế trường học với quy mô HS tại các trường hiện nay, số lượng NVS còn thiếu khá lớn. Đơn cử, ở cấp tiểu học, yêu cầu thiết kế được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam, ban hành năm 2011: “Khu vệ sinh của HS cần có phòng đệm và được thiết kế với tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 0,06m2/HS với số lượng thiết bị: 1 tiểu nam, 1 chậu xí và 1 chậu rửa cho từ 20 đến 30 HS; đối với HS nữ tối đa 20 HS/chậu xí. Quy định cho cấp trung học cũng tương tự với số lượng tối thiểu 1 tiểu cho 30 HS nam, 1 chậu xí cho 20 HS nữ...”. Cũng theo quy định, mỗi trường học phải có ít nhất một phòng vệ sinh dành cho HS khuyết tật. Trong khi NVS phục vụ HS đại trà còn thiếu trầm trọng, việc có được NVS dành cho HS khuyết tật đang là điều không tưởng.

Tại Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 2.600 trường học với hơn 24.000 NVS, trong đó NVS đạt chuẩn là 21.735, chiếm 90%. Như vậy, còn hơn 2.600 NVS tại các trường chưa đạt chuẩn, chưa kể số NVS còn thiếu thiết bị theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia. Thực tế ấy đặt ra yêu cầu cấp thiết với các cơ quan chức năng về việc phải xóa bỏ tình trạng thiếu NVS và NVS mất vệ sinh, sớm chấm dứt tình trạng HS nhịn tiểu khi ở trường và giải tỏa mối lo lắng, bức xúc cho phụ huynh vốn đã kéo dài nhiều năm nay. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng, đây là đầu việc không thể chần chừ được nữa.

Từ một việc tưởng chừng nhỏ, song được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp quản lý từ thành phố tới quận, huyện, thị xã, nay hạng mục nhỏ đã được đặt là nhiệm vụ chính, quan trọng hàng đầu trong các hạng mục cần đầu tư của nhà trường. Khi nhận thức thay đổi, nhiều đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã đầu tư, dành kinh phí cho việc này, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Bà

Lê Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cho biết, trong năm học 2015-2016, trường đã cải tạo toàn bộ hệ thống NVS, xây mới 6 NVS với kinh phí gần 200 triệu đồng. Về cơ bản, hệ thống NVS hiện tại đáp ứng được cho hơn 1.600 HS học 2 ca/ngày, tuy nhiên vẫn đòi hỏi công tác quản lý, giám sát và tổ chức giữ gìn vệ sinh thật tốt mới có thể duy trì bền vững.

Ở Thanh Xuân, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, quận đang triển khai cải tạo, xây dựng lại toàn bộ hệ thống NVS tại các trường THCS trên địa bàn, kinh phí ước tính cho mỗi đơn vị là 2,5 tỷ đồng với các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ như gương, bồn cầu, vòi xịt, mắc áo… Đặc biệt, mỗi khu vệ sinh nữ của các trường đều được xây dựng thêm một phòng thay đồ. Bà Phạm Lệ Tâm, phụ huynh HS lớp 9 Trường THCS Việt Nam - Angieri phấn khởi: “Việc xây dựng phòng thay đồ là một việc có ý nghĩa, khiến chúng tôi không chỉ yên tâm, mà còn cảm nhận rõ tình cảm, sự thấu hiểu của nhà trường, các thầy, cô giáo đối với các HS nữ đang tuổi dậy thì”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Bẩn và quá tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.